Hoàng Ngọc Nguyên
Bức tường dị hợm cắt ngang thủ đô Berlin nay chỉ còn 3 cây số kỷ niệm
Cái ngày lịch sử đó 9-11-1989: làm sao quên được
Ngày chủ nhật 9-11 vừa qua, tuy tình hình nơi nơi trên thế giới bộn bề, nhiều người vẫn còn nhớ đó là ngày kỷ niệm 25 năm biến cố lịch sử trọng đại của thế giới: Bức tường Bá Linh sụp đổ, người dân Đông Đức tràn qua Tây Đức tìm tự do không còn gì có thể ngăn chận được, nước Đức nhờ thế được thống nhất trong thế tuyệt hảo, chính là sự lựa chọn một cách hòa bình của người dân, không phải do sự áp đặt của bạo quyền, và cuộc chiến tranh lạnh cả 40 năm đã chấm dứt không một tiếng súng! Sau đó, các chế độ Cộng Sản trên hàng loạt nước Đông Âu đã sụp đổ không kèn không trống, và hai năm sau, Liên Xô cùng cuộc Cách mạng tháng mười của Lenin cũng đi vào lịch sử.
Trung tâm của ngày đại lễ của thế giới này dĩ nhiên phài là nước Đức – nơi bức tường Bá Linh dị hợm được dựng lên năm 1961, dài cả 155 cây số, vào cao điềm của cuộc Chiến tranh Lạnh để ngăn chận người dân Đông Đức trốn qua Tây Bá Linh, và bị đổ 28 năm sau vào một thời điềm và trong một cách chẳng mấy ai ngờ. Người chủ tọa buổi lễ kéo dài cả ngày trên nhiều nơi trong nước là bà Thủ tuớng Angela Merkel. Chẳng có gì có ý nghĩa lớn hơn trong ngày lễ này! Bà là người Đông Đức, nhờ bức tường này sụp đổ mới có thề thực hiện được mơ ước đổi đời nung nấu ở những người đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản. Và ngày nay, bà đứng đây, là thủ tướng của cả nước Đức trong mười năm nay. Làm sao cách đây 25 năm, bà có thề mơ tưởng có được một ngày như hôm nay!
Khoảng 8.000 quả bong bóng có ánh sáng đã được thả bay làm sáng cả bầu trời đêm của thù đô nước Đức. Trên đường phố, ở những quãng trường, hàng chục ngàn người đổ ra đường. Lịch sử sống lại trong mắt, trong trí của mọi người - những người vào thời điểm 25 năm trước hoặc ở bên này hay bên kia bức tường nhưng đều có chung một niềm mong đợi.
Khai mạc một trung tâm thông tin mới về Bức tường này, bà Merkel nói rằng người ta rất dễ quên những gì đã xảy ra, nhưng thực sự thì phải nhớ mãi lịch sử là điều rất quan trọng (để cho người ta sống cho có tư cách?). “Chúng ta có thể thay đổi để có một ngày mai tươi sáng hơn. Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh nói lên một điều: những giấc mơ đếu có thề thành sự thật nếu chúng ta dám đi tớí. Bức tường Bá Linh, biểu tượng cụ thể của sự bức hại của nhà nước đối với người dân của mình, đã dồn hàng triệu người đến mức giới hạn của sức chịu đựng, và còn đẩy nhiều người quá những giới hạn đó. Nhưng không có gì tồn tại mãi mãi được, bởi vì không một rào cản nào có thể cao hơn nghị lực, ý chí của con người. Thông điệp này cần gởi đến cho … Ukraine, Iraq, và cho những nước nhân quyền đang bị đe dọa: mọi chuyện đều có thề có một ngày mai”.
Người Đức đã không nói thẳng đến sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh và nhân loại đã mở ra được một chương mới, nhưng có lẽ đó là điều ai cũng có trong đầu. Bởi vì kết cấu thế giới ngày nay quá phức tạp, Liên Hiệp Quốc là một tổ chức quốc tế không đồng nhất ở ý chí, lý tưởng, giá trị, cho nên người ta không thể chọn ngày 9-11 đó là Ngày Quốc tế Dân quyển, một ngày sáng ngời chân lý “Không có gì và không ai có thể áng ngữ con đường của tự do”. Từ La Mã, Đức Giáo Hoàng Francis đã có lời chia vui nồng nhiệt ở Quãng trường Thánh Peter: Nơi nào có tường thành, nơi đó người ta khép lại con tim … Chúng ta cần bắc cầu, chúng ta không cần xây tường”.
Chẳng những nhờ biến cố khởi đầu đó, Bức tường Bá Linh bị sụp đổ, mà các nước Đông Âu chư hầu hay vệ tinh của Liên Xô sau đó đã lần lượt cởi bỏ được chiếc áo cộng sản, mà ngay chính Liên Xô, hai năm sau đó, đã hiện nguyên hình trở lại làm Liên bang Nga, và nền chuyên chính vô sản mà Lenin đã dựng lên 72 năm trước đó đã sụp đổ.
Sự thực là ngay cả những người cộng sản còn sợ chế độ cộng sản, thì người dân làm sao ưa được. Thế hệ nào ở Nga cũng có những kinh nghiệm kinh khủng với tồ chức KGB, lò xuất thân của Tổng thống Vladimir Putin hiện nay của nước Nga. Có lẽ ngay cả Putin cũng chẳng dám nói ông ta chống hay ủng hộ chế độ cộng sản trước đây. Nhưng quan điểm hiện nay của Putin mà ai cũng biết là sự giải thề của Liên Xô là một lỗi lầm lịch sử của những người lãnh đạo thời trước. Người ta không dám hỏi Putin có cho rằng cố Tổng thống Boris Yeltsin, người đã đưa Putin vào đình cao quyền lực chót vót hiện nay, phải chịu trách nhiệm về sự mất mát của nước Nga khi Liên Xô bị giải thể, nhưng chắc chắn Putin vẫn xem cựu chủ tịch Mikhail Gorbatchev, người đã khai tử chế độ cộng sàn và Liên Xô, là thủ phạm lịch sử không thể tha thứ được. Nhưng cũng chắc chắn là người dân nước Nga dư biết bức tường Bá Linh sụp đổ đã góp phần làm chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ. Như thế tại sao họ chẳng hào hứng gì mấy trước ngày vui của nước Đức mà họ đúng ra phải chia vui và xem như là ngày vui của chính mình. Lời giải thích: Putin còn đó, và chế độ Putin còn tệ hại hơn chế độ cộng sản ở chỗ tội ác, mafia, quân phiệt, tài phiệt cấu kết… như nhận định của ông Gorbatchev. Rốt cuộc, chế độ cộng sản có khi còn tốt hơn, vì nó còn cho một số ít người cái ảo tưởng mơ mộng…
Có một nước vĩ đại cũng không nhắc nhở gì đến ngày 9-11 Bức tường Bá Linh sụp đổ. Đó là Trung Cộng. Người ta nói Bắc Kinh không kỷ niệm gì ngày Bức tường Bá Linh bị đổ là vì trước đó năm tháng họ đã “kỷ niệm” biến cố Thiên An Môn, xảy ra cùng năm, nhưng Thiên An Môn đến trước như một đòn “gián chỉ” (preemptive strike) đánh vào “âm mưu phản động”. Nếu Đặng Tiểu Bình không cho xe tăng nghiến nát những người trẻ tuổi mơ tưởng dân chủ, tự do, xuống đường trước quãng trường có hình Mao Trạch Đông choán cả mặt tường nhìn xuống, thì có lẽ Bức tường Bá Linh sụp đổ cũng có thể có tác động đến Trung Cộng. Tiếc thay, đối với người dân Hoa Lục, biến cố Bá Linh quá chậm. Như một cơ hội bằng vàng đã bị bỏ lỡ. Nhưng chúng ta cũng phải khách quan. Sở dĩ Thiên An Môn xảy ra được là vì người dân Trung Cộng dân trí còn thấp. Họ chưa từng biết đời sống dân chủ thực sự là gì. Từ một chế độ quân chủ lạc hậu phong kiến bước qua chế độ quân phiệt tham nhũng của Tưởng Giới Thạch, người dân chỉ quen sống trong áp bức, đè nén và không tin ở quyền và sức mạnh chọn lựa của mình. Và từ năm 1949, khi Trung Cộng đuổi Tưởng đem tàn quân chạy ra đảo Đài Loan, cho đến 1989, cả nửa thế kỷ, người ta đã quen sống chấp nhận sự phi dân chủ như một quán tính chính trị.
Đó cũng là trường hợp Việt Nam. Những gì nói về động thái của người dân Trung Cộng trước phong trào đòi tự do, dân chủ ở những nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô trong nửa sau của thập niên 80 cũng đúng đối với người dân Việt Nam. Nói rằng Việt Nam chống Tàu cũng đúng vì di hận lịch sử, nhưng nói Việt Nam theo gót chân Tàu trong nhiều chuyện cũng chẳng sai. Người dân Việt Nam vẫn chưa có cảm hứng đầy đủ về dân chủ, tự do sau bao nhiêu kinh nghiệm lịch sử đắng cay. Thời gian họ có thể thực sự phát huy cuộc sống dân chủ quá ngắn, chưa đủ cho họ cảm nhận đầy đủ dân chủ, tự do là cần thiết, là tốt đẹp cho đời sống con người. Ngưởi dân Miền Bắc đã từng sống thời cải cách ruộng đất, người Miền Nam đã nếm mùi học tập cải tạo, nhưng ở Việt Nam vẫn rất khó viết Chùm Nho Uất hận. Biến cố bức tường Bá Linh sụp đổ không tạo được mấy dao động nơi người dân vào thời đó. Thực sự, có bao nhiêu tỷ lệ phần trăm người dân biết chuyện gì đó đang xảy ra ở Bá Linh? Chỉ có những người lãnh đạo ở Bắc Bộ Phủ như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Chí Công… khéo lo cho nên quyết định chuyển hướng ngay từ Moscow qua Bắc Kinh - dẫn đến Hội nghị Thành Đô triều cống sau này.
Ngày 9-11 không chỉ là ngày kỷ niệm Bức tường Bá Linh sụp đổ. Đó là ngày khiến chúng ta phải liên tưởng đến sự sụp đổ của toàn khối cộng sản Đông Âu sau đó, với hàng loạt nước đồng thanh hạ bệ các tượng đài của Marx và Lenin: Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Hungari, Bulgaria… Những nước này và ngay cả Liên xô không còn là những nước cộng sản nữa, đương nhiên Chiến tranh Lạnh vì thế cũng chẳng còn. Và nước Mỹ từng phải đối đầu với Chiến tranh Lạnh trong cả 45 năm với tư cách là nước lãnh đạo khối Thế giới Tự do, hầu như bất chiến tự nhiên thành, trút bỏ được một trách nhiệm lịch sử to tát mà giống như hoàn thành được một thắng lợi lịch sử to tát.
Chiến tranh Lạnh bắt đầu ngay khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt. Hội nghị Yalta tay ba năm 1945 (với sự tham dự của Tổng thống Franklin Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và lãnh tụ Liên Xô Josef Stalin) vừa kết thúc một thế chiến vừa bắt đầu một thế chiến khác, tuy không có tên là Đệ tam Thế chiến nhưng vẫn là một thế chiến. Chiến tranh Lạnh kéo dài cả 1989-1945=44 năm. Có thế chiến nào kéo dài đến như thế!
Phía Cộng Sàn đang muốn nhuộm đỏ cả thế giới, bằng cách này hay cách khác. Cứ nhìn cách cộng sản chiếm các nước Đông Âu, xâm nhập các nước Đông Nam Á thời đó (Philippinnes, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Laos, Miến Điện) và cứ xem xét cho kỹ cuộc chiến ở Việt Nam (còn được gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai) để không ngộ nhận sai lầm như rất nhiều người Mỹ hiện nay. Sau lưng những hành động thâm nhập, xâm lấn, chiến tranh “giải phóng dân tộc” này đều có bóng dáng của Liên Xô, của Trung cộng. Về phía Thế giới Tự do đông nhưng không mạnh (có lẽ vì tự do quá), hầu như chỉ có một mình nước Mỹ tả xông hữu đột, dùng đồng tiền viện trợ kinh tế để mua “trái tim và khối óc”, dùng vũ khí để quân viện, dùng chuyên viên quân sự Mỹ làm cố vấn… đề ngăn chận làn sóng đỏ khắp nơi.
Khi nhìn lại “chuyện xưa nay mới kể”, Mỹ phải chịu trách nhiệm đáng kể trong sự đánh mất Đông Dương (Miền Nam Việt Nam, Campuchia, Laos) vào năm 1975 – đó là một thất bại của Thế giới Tự do. Nhưng Mỹ cũng đáng được ghi điểm son về sự tồn tại vững mạnh và phát triển của chế độ Nam Triều Tiên cũng như sự toàn vẹn của phần còn lại của Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Phillippines, Indonesia, Miến Điện, Brunei). Chính sự chống đỡ, cầm cự bền bỉ này đã làm cho các chế độ cộng sản về lâu về dài không đứng vững nổi trước sự thách đố của “sống chung hòa bình”.
Người Mỹ ngày nay, như chúng ta được thấy qua ngày kỷ niệm 25 năm Bức tường Bá Linh sụp đổ, có vẻ hiểu biết rất hạn chế về lịch sử. Bởi thế người ta khá im lặng về ngày kỷ niệm này. Và khi nghe ông Gorbatchev, nay đã 83, nói về nguy cơ của một thế chiến mới vì những đại cường đang ở thế mặt trăng mặt trời, thì người ta dường như chẳng hiểu lắm cuộc Chiến tranh Lạnh ngày trước đã được chiến đấu như thế nào.
Nhiều người Cộng Hòa vẫn nghĩ một cách đơn giản: Tổng thống Ronald Reagan của họ, trong năm 1987, có dịp đọc một diễn văn ở cổng thành Brandenburg ở Bá Linh, và ông có nói: Hãy hạ bức tường xuống (Tear down this wall). Được “lệnh”, hai năm sau, mọi người tuân hành.
Thực ra, trong tám năm của Reagan, ông chỉ diễu võ dương oai được hai lần. Một lần xua quân đi đánh đảo quốc Grenada ở vùng biển Carribean gần nhà, một đảo chỉ lớn Phú Quốc một tí và chỉ có 91.000 dân. Một lần khác, ông Reagan ủng hộ bà Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đi đánh quần đảo Falkland thuộc địa của Anh nhưng Argentina muốn đòi lại. Tin tưởng vào huyền thoại Reagan, vị cứu tinh, chúng ta đã sai phạm ít nhất trên hai điều:
Thứ nhất, ngộ nhận một cách nguy hiểm về sức mạnh của Mỹ. Chính sự ngộ nhận này đã khiến cho những nhà chiến lược toàn cầu của đảng Cộng Hòa đã hình dung một vai trò bá chủ toàn cầu cho Mỹ trong thời hậu chiến tranh Lạnh mà không kể đến nước Nga muôn thuở vẫn tồn tại với tham vọng Sa hoàng bành trướng khắp châu Âu, Trung Cộng vẫn còn đó với tham vọng tái lập thiên triều, các thế lực Hồi giáo càng mạnh hơn trong lòng thù hận truyền thống, khiến cho Mỹ ngày nay cực kỳ lúng túng, bối rối, tiến tới cũng khó (không có sức), thụt lùi cũng khó (sợ xuống vực), và chẳng biết cái gì khó hơn.
Thứ hai, trong sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh, có câu chuyện xung đột giữa lãnh đạo Điện Cẩm Linh Gorbatchev và lãnh đạo Đông Đức. Nhưng nói chung, trong sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu, sự dũng cảm và thức thời của ông Gorbatchev là điều phải nêu rõ hơn cái lệnh của ông Reagan. Và đồng thời, cũng phải kể công trạng của bao thế hệ những ngưòi cộng sản ở khắp nơi trên thế giới đã góp sức chứng minh rằng chế độ cộng sản là sự sai lầm đắt giá nhất của nhân loại.
Nhiều người Việt chúng ta, khi nhìn người vui chơi trong ngày 9-11, rồi nhìn lại ta, đâm ra có ý nghĩ đây là Ngày Quốc Hận của mình. Khi họ so sánh trường hợp thống nhất của người, của ta, và nghĩ đến sự lựa chọn của người dân hai nước về chế độ của mình!
No comments:
Post a Comment