Nhân năm câu thơ ‘‘Giã từ’’ của chị Kim Thoàn, bạn Phạm Chí Thành đề nghị lập ‘‘Hội Thơ Thụ Nhân’’. Thư của bạn Phạm Chí Thành làm tôi sực nhớ mới tuần trước, mấy anh em chúng tôi có dịp gặp lại nhau nhờ vần thơ năm chữ của nhà thơ Hoàng Kim Long :
Cây Thụ Nhân còn gốc
Lẽ nào chẳng gặp nhau ?
Trong hình chụp, nhà thơ họ Hoàng gieo vần thơ 5 chữ cho 5 chúng tôi: từ trái qua phải là LĐT, Phạm Chí Thành, Võ Thành Xuân, Nguyễn Minh Kính và phu nhân họ Hoàng. Chị là làn sương sớm khiến cho buổi gặp gỡ thêm tươi mát.
Ngoài anh Xuân và anh Kính nhiều lần hội ngộ, tôi gặp lại hai anh Long, Thành sau nhiều năm xa cách. Thành hỏi tôi : ‘‘Thông ơi, mình xa nhau đã bao năm rồi ?’’, ‘‘Nửa thế kỷ rồi còn gì nữa !’’ Đếm thời thời mà nói đến thế kỷ là dài quá ! Tôi đếm thời gian bằng màu lá trên cây. Trước chuyến sang Mỹ, trên đường đến trường học ở Paris, có bao nhiêu chiếc lá vàng nhỏ bé dễ thương. Khi tôi về, hàng cây bên đường đã trơ trụi lá.
Nhân đọc thơ Hoàng Kim Long, thiết tưởng cũng nên nói qua về thơ năm chữ. Hai bài thơ năm chữ trở thành bất tử là Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư và Ông Đồ của Vũ Đình Liên. Hai bài thơ này dẫn ta từ thu vàng, qua hết một mùa đông gặp cụ đồ nho ngày Tết. Còn Thụ Nhân có bài thơ 5 chữ của Hoàng Kim Long. Theo anh Võ Thành Xuân, vừa đăng bài thơ này trên Diễn Đàn Thụ Nhân là có bao nhiêu thư từ khen ngợi. Tại sao ? Vì thơ năm chữ dễ đi vào lòng người, với số câu lẻ loi giàu nhạc điệu, như nhà thơ Verlaine từng nói :
De la musique avant toute chose,
Et pour cela préfère l'Impair.
Chúng tôi gặp nhau trưa thứ ba mồng 4. Trước đó, tôi có dịp dự cuộc trao đổi bàn tròn với anh Phạm Long, em thi sĩ Nhất Tuấn. Trong phòng thu âm còn có anh Nguyễn Hồng Anh khóa 6 đến từ Victoria nước Úc và anh Nguyễn Minh Kính khóa 1 ở San Diego. Như vậy là trái đất tròn xoe. ‘‘Cây Thụ Nhân còn gốc’’ nên mới có cơ duyên gặp gỡ này. Thụ Nhân Úc Châu gặp Thụ Nhân Âu Châu bên nưóc Mỹ. Ý tưởng thiệt là ngộ nghĩnh ! Sau cuộc phỏng vấn, anh Kính dùng cell phone mời hai anh Võ Thành Xuân và Phạm Chí Thành dùng bữa trưa. Anh Xuân rủ thêm anh Hoàng Kim Long. Vì Kim Long là rồng vàng, lại mang họ Hoàng, nên có thêm hoàng hậu đi hộ giá. Chúng tôi ngỏ lời mời anh chị Nguyễn Hồng Anh. Vì có hẹn trước, anh chị không đến được. Tôi quên chưa nói trong cuộc phỏng vấn, anh Nguyễn Hồng Anh đã giới thiệu ca khúc ‘‘Hòa Bình Lừa Dối’’, anh tự đệm đàn guitare, nghe rất mùi. Sau cuộc phỏng vấn, người nhạc sĩ nước Úc tặng tôi ba CD :
CD 1: “Của Hồi Môn” gồm 11 ca khúc nói lên sự ray rứt của người xa xứ (Giấc Mơ Bên Sông), mang ý nghĩa tôn giáo (Chúa Thấu Giùm Cho - sáng tác 1979, nguyên tác là God Has To Know), hoặc khắc khoải hoài hương : Ðêm Ðại Dương, Chiều Viễn Xứ, Chiều Nhớ Quê Hương.
CD2: “Như Người Việt Nam” gồm 12 nhạc phẩm : Như Người Việt Nam, Xuân Ly, Chuyện Của Tôi, Boat People Dance, Bao Giờ Cho Quên, Nhớ Nhớ Thương Thương, The Caged Bird, Biển Vắng, Nghe Về Nỗi Nhớ, Thiền Sư Lên Núi, Tôi Hỏi Tôi, Lời Nguyện Cho Quê Hương.
CD3: “Hòa Bình Lừa Dối,” gồm những bản tình ca lồng trong biến động của đất nước : Hòa Bình Lừa Dối, Il Est Temps De Partir, Còn Nỗi Buồn, Em Ði Về Ðâu?, Everybody Wanna Go Away, Kiếp Sau Xin Chớ Làm Người, Nhớ Những Buổi Chiều, Tình Mê, Dư Hương, Của Hồi Môn, Em Là Hoa, Mưa Ðầu Mùa, Ai Ra Xứ Người, Dòng Máu Việt Nam.
Anh Chị Nguyễn Hồng Long là nhà báo, đồng thời là nhạc sĩ bên Úc.
Tôi viết thêm Nguyễn Hống Anh vào cuộc gặp gỡ ‘‘Cây Thụ Nhân còn gốc’’. Như vậy là có thơ và nhạc. Vì Thụ Nhân là nhạc và thơ như anh Phạm Chí Thành vừa viết trong bài ‘‘Hội Thơ Thụ Nhân’’.
Nếu cơ duyên thành tựu, tôi xin làm một thành viên của Hội Thơ Thụ Nhân ở chốn xa. Các nhà thơ Thụ Nhân gạo cội Trần Văn Lương, Hoàng Kim Long, Lê Xuân Nho sẽ là ba cánh chim đầu đàn.
Ngày 8 tháng 11, chúng tôi có mặt ở Thung Lũng Hoa Vàng. Ngoài anh Phạm Đình Ái, chúng tôi có dịp gặp ba chị Ngọc Oanh, Bạch Lạn, Mai Lan xuất thân từ CTKD. Anh chị Nguyễn Đình Cận, Nhan Ánh Xuân và một số anh chị khác còn ở lại Việt Nam sau khi dự cuộc hội ngộ lịch sử của TN 1-2. Anh Chung Thế Hùng ở tận Canada vẫn luôn gần gũi với chúng tôi trong suốt chuyến đi này.
Từ trái sang phải : Nguyễn Minh Kính, LĐT, Phạm Đăng Ái, Trần Năm Phùng (CVA)
Tôi viết bài này để lời hỏi han : ‘‘Lẽ nào không gặp nhau ?’’ của Hoàng Kim Long có hậu. Chúng ta luôn gặp nhau, không những vì ‘‘Cây Thụ Nhân còn gốc’’, mà còn vì ‘‘lá Thụ Nhân xanh màu’’, luôn giao hòa gặp gỡ, cho dù đại dương có chia lìa cách biệt.
Xin chúc tất cả quý anh chị Thụ Nhân xa gần, là thi sĩ hay hâm mộ thơ văn, một mùa Giáng Sinh an hòa và hạnh phúc.
Paris, sáng 17 tháng 11 năm 2014
Lê Đình Thông
No comments:
Post a Comment