11/14/14

THE STUPID AMERICAN

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

Có lẽ nhiều người trong chúng ta còn nhớ, chúng ta từng có Người Mỹ Thầm Lặng (The Quiet American) của Graham Greene, Người Mỹ Xấu Xí (The Ugly American) của Eugene Burdich và William Lederer. Hai tiểu thuyết này đều liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm đầu tiên cho thấy người Mỹ lúng túng, chẳng hiểu gì cả về đất nước nằm ở bán đảo Đông Dương này, cho nên đã để mất miền nam trong trận chiến Đông Dương lần thứ nhất (the first Indochinese war). Tác phẩm thứ hai đã vạch rõ người Mỹ đến một vùng đất lạ mà họ không có hiểu biết bao nhiêu về văn hóa, lịch sử và chính trị của nước đó, đã thất bại trong việc chiếm lấy “the hearts and minds” của người dân bản xứ do thái độ tư tin “đồng tiền ta làm nên tất cả” cho nên kiêu ngạo và phải tháo chạy. Rất tiếc cho đến nay, Việt Nam có nhiều nhà văn lớn, nhiều giáo sư, tiến sĩ trong ngành chính trị học, sử học. Nhưng lạ thay, chưa ai viết một tác phẩm Người Mỹ Ngu Xuẩn (The Stupid American) để cho người ta hiểu được người Việt chúng ta nhận định như thế nào về người Mỹ trong cuộc chiến tranh VN clip_image004

 

Trong năm nay, bỗng dưng nước Mỹ bị vướng mắc nơi nơi trên thế giới. Nơi nơi đều có thể trở thành “những vũng lầy của chúng ta”, như người Mỹ vẫn nói với nhau: Ukraine, Syria, Iraq, ISIS, Afghanistan, Ebola/Liberia, BokoHaram/Nigeria… Và bởi vì nghĩ đến những nơi có thể là vũng lầy mà người ta nhớ đến “sự hình thành vũng lầy” VN (The making of a quagmire) mà nhà báo David Halberstam đã viết, tạo ra một ám ảnh nặng nề nơi người Mỹ trong suốt cuộc chiến VN, khiến cho cuối cùng họ phải tháo chạy. Thật ra, đây chẳng phải là chuyện gì mới. Người Mỹ đã có thói quen đó từ vài chục năm nay. Hễ đứng trước một cuộc chiến tranh nào Mỹ phải đưa quân ra nước ngoài, họ lại la lên: coi chừng lại mắc phải sa lầy như ở Việt Nam. Một điều đơn giản mà ngưòi ta vẫn không hiểu, cho nên cứ so sánh ngu xuần: chiến tranh VN là sản phẩm của chiến tranh lạnh, của một thời có Cộng Sản quốc tế với tham vọng ngông cuồng làm bá chủ thế giới, còn chiến tranh thời nay là chiến tranh hậu chiến tranh lạnh, của một thời thế giới rất khác xưa. Tạm gọi là thời thế giới điên loạn vì Hồi giáo, không có trật tự (an orderless world) – giống như một nước “vô chính phủ”.

Nhà báo và cũng là nhà bình luận nổi tiếng của tờ The New York Times Thomas Friedman, tác giả của nhiều sách viết về thế giới và đặc biệt là Trung Đông, trong tuần qua trên cột báo của mình, có thể làm cho chúng ta giật mình. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách phổ thông, như “That Used To Be Us” nói về sự suy tàn của nước Mỹ trong thời đại ngày nay, “Hot, Flat, and Crowded” nói về quả đất của chúng ta dưới ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu, “The World Is Flat” nói về chiếu hướng toàn cầu hóa trong thế kỷ thứ 21, “From Beirut to Jerusalem” nói về quan hệ của Do Thái với các nước láng giềng… Bài bình luận của ông có tựa “ISIS and Vietnam”. Gần 40 năm sau khi cuộc chiến tranh VN chấm dứt, xem chừng nhiều người Mỹ vẫn chưa “sáng mắt sáng lòng” được. Vẫn nhìn thiển cận, và lý luận ngây ngô. Ông ta viết:

“Vào tháng năm, tôi có dịp đi thăm VN và gặp những sinh viên đại học. Sau một tuần bị những người Việt xối xả bày tỏ lòng yêu mến của họ, họ nói họ ngưỡng mộ nước Mỹ biết chừng nào, họ muốn làm việc hay học hành ở Mỹ và có bạn bè và gia đình ở Mỹ, khiến tôi không thể không thắc mắc: Làm sao chúng ta trước đây đã hiểu quá sai lầm đất nước này? Làm sao chúng ta lao vào một cuôc chiến với VN làm tổn thất biết bao nhiêu sinh mạng và đẩy họ vào trong vòng tay của kẻ thù mà họ thù ghét nhất đời, là Trung Quốc?… Đó là một câu chuyện dài và phức tạp, vẫn biết vậy, nhưng phần lớn nhất của câu chuyện này là vì nước Mỹ đã không hiểu được tấn kịch chính trị chủ yếu của VN là một cuộc chiến đấu có tinh dân tộc cùa người dân bản xứ chống lại chế độ thực dân – không phải là sự đi theo hàng ngũ cộng sản toàn cầu, cách giải thích mà chúng ta áp đặt. .. Ngoài Miền Bắc có cả người cộng sản và người quốc gia – và đến nay họ vẫn thế. Nhưng lý do chính yếu chúng ta thất bại ở VN là vì người cộng sản đã tìm cách lèo lái cách diễn dịch của người Việt quốc gia có hiệu quả hơn nhiều so với người bạn đồng minh của chúng ta ở miền nam, thường bị xem là một chế độ tham nhũng hay bất hợp pháp. Những người Bắc Việt tìm cách giành được sự ủng hộ của người VN nhiều hơn (với sự giúp đỡ của những phương thức áp bức tàn bạo) không phải vì phần lớn người Việt tin vào Marx hay Lenin, mà bởi vì Hồ Chí Minh và những người đồng chí cộng sản của ông ta được xem là những người quốc gia đích thực hơn”. Và ông Thomas Friedman đi đến kết luận “Bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cộng sản, Hoa Kỳ đã can thiệp vào cuộc nội chiến VN và thay chân thực dân Pháp ở nơi này”.

Ông Friedman lý luận giống như những người phản chiến mù quáng mấy chục năm trước, cho nên điều lạ lùng duy nhất trong những gì ông nói là sau khi chiến tranh kết thúc 40 năm, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, thế mà ông vẫn còn giữ nguyên lời nói đó. Nhất là ông cũng như chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu chuyện. Ông nghĩ gì về những câu chuyện vào ngày 30-4-1975 nếu cột đèn biết đi thì ở Saigon đã chìm cả trong bóng tối. Ông thấy gì ở một chế độ đã giăng bẩy cho hàng trăm ngàn người đút đầu vào trại “học tập cải tạo”. Ông hiểu thế nào về một chế độ đã làm kinh tế tan hoang, đời sống người dân cùng khổ, xã hội ly tán trong bao nhiêu năm vì công cuộc “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền nam”. Ông nghĩ thế nào khi loài người đã tiến khá xa, khá nhanh trong nhận thức về tự do và dân chủ, nhân quyền và dân quyền, trong thế kỷ 21 này nhưng ở Việt Nam còn duy trì "chuyên chính vô sản".

Lẽ ra khi ông thấy đám sinh viên ở Hà Nội vồ vập ông và mở miệng nói “những lời thương yêu” như thế, ông chỉ nên mỉm cười trước trò đời. Người ta muốn đến Mỹ, ôm lấy nước Mỹ, nhất là giữa khi bị nước Nga của Putin bỏ rơi, bị nước Tàu hiếp đáp, nhưng lại làm ngơ trước những giá trị, lý tưởng tự do, dân chủ truyền thống của nước Mỹ. Làm sao có thề có chuyện chung sống hòa bình, là bạn đồng hành khi dị mộng? Ở đây ông Friedman lẽ ra phảỉ tế nhị nhận ra có một cái gì không thật, thiếu liêm sỉ, thiếu lương thiện. Dĩ nhiên chẳng nên trách lớp trẻ này. Chúng đương nhiên phải nói lên nỗi lòng của mình - một khi chúng được nói, thậm chí còn được khuyến khich nói để cho người khách Mỹ phải kêu lên sao người Việt một thời anh hùng này yêu mến nước Mỹ đến thế mà chúng ta từng vô tâm quay mặt trước đây. Và ông Friedman cũng quên nghĩ một điều: khi nói lên “chúng tôi yêu nước Mỹ quá”, người ta cũng vô tình cho thấy họ nghĩ thế nào về đất nước của mình, chế độ của mình, những người lãnh đạo của mình, xã hội của mình. Ông phải tự hỏi: Người Việt có gì đáng tự hào về đất nước hiện nay, chế độ hiện nay, lãnh đạo hiện nay, xã hội hiện nay? Người Việt nào hiện nay, trên cả hai miền bắc và nam, chẳng muốn đi Mỹ, chẳng tìm cách đi Mỹ cho bằng được, cho dù thành công chỉ dành cho những người có thế với “chuyên chính vô sản” hay có tiền kiếm được nhờ biết dựa vào thế, bất kể sự “bất binh đẳng” giai cấp mà một thời ngưòi ta nói phải chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng đó.

Trong cuộc chiến tranh kéo dài cả 15 năm (nhiều sử gia vẫn tính cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai kéo dài cả 20 năm, từ 1955 đến 1975, bao gồm cả hai cuộc chiến ở Lào và Campuchia), khoảng 55.000 lính Mỹ đã tử trận cùng vài trăm ngàn bị thuơng. Tổn thất phía VN thì vô kể. Cả hai miền, theo một ước tính, đã có đến 1.2 triệu người tử nạn, vừa là lính bỏ mình ngoài trận địa vừa là thường dân. Người bị thương và trở thành tàn phế cũng phải xấp xỉ con số đó. Và bao nhiêu thành phố, làng mạc bị đổ nát, tan hoang. Và đời sống người dân bị kềm hãm trong nghèo đói, loạn lạc cả hai thập niên; đất nước lạc hậu, chậm tiến chẳng thể ngẩng mặt được với đời, chỉ có thể tự lừa dối chính mình bằng lời an ủi “Nếu thế kỷ chọn ta là ngọn đuốc, vinh quang thay là người lính đi đầu” trong cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” - để cho người dân quên đi thân phận làm con chốt bị thí. Và nói gì thì nói, cả triệu người bị hy sinh chỉ vì sự say máu của một nhóm người tự phỉnh phờ bằng mục tiêu “giải phóng”. Nói gì thì nói, “đế quốc Mỹ” từng được mô tả là “kẻ thù số 1”. “Ngụy quân, ngụy quyền” cho cùng lắm chỉ là “tay sai”. Cái tội “trời không dung, đất không tha” của “đế quốc Mỹ” đối với đất nước chẳng những không thể nào quên được mà còn phải là một bài học ái quốc nhớ đời cho bao thế hệ sau này. Thế mà dường như ngày nay người ta quên hết và bài học cũng được rút ra khỏi cuốn “Quốc văn giáo khoa thư”.

Chúng ta hãy nhìn đến mối thâm thù vẫn còn đọng lại ngày nay nơi người Do Thái đối với Đức Quốc Xã. Cho đến giờ, Do Thái vẫn làm những phim về cuộc truy lùng các phần tử Đức Quốc Xã lẫn trốn ở Argentina sau Đệ nhị Thế chiến hay những kẻ phản bội ở châu Âu – như phim The German Doctor hay The Two Lives mới đây. Người Hoa luôn luôn sẵn sàng xuống đường để lên án quân phiệt Nhật xâm lăng và tàn sát trong thế kỷ trước giữa hai cuộc thế chiến. Bởi vậy mà Bắc Kinh ngày nay vẫn lợi dụng chuyện này để chống Nhật. Ngay cả người Triều Tiên cũng chẳng thể quên được tội ác của người Nhật trong thời bị chiếm đóng… Hay người dân các nước Đông Âu đối với đế quốc Nga, như trường hợp Ukraine ngày nay… Lịch sử đích thực không dễ gì phai mờ nơi tâm khảm của từng dân tộc. Chúng ta chắc chắn chẳng bao giờ quên được sự xâm lăng, đô hộ của Trung Hoa lên đất nước chúng ta. Hay cả trăm năm thuộc Pháp. Thế nhưng trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, những người cộng sản VN sẵn sàng bắt tay, thậm chí thần phục các đồng chí ở Trung Nam Hải. Và ngày nay, Hà Nội đang ngọt ngào với Washington, đúng là “để quá khứ đàng sau lưng” (let bygones be bygones!) cho dù ông Chủ tịch Trương Tấn Sang chưa hôn được ông Barack Obama. Có lẽ phải chờ bà Hillary Clinton chăng nếu bà được vào Tòa Bạch Ốc trong nhiệm kỳ tới? Vì sao người ta quên dễ dàng đến thế? Chẳng lẽ mạng người Việt quá rẻ, hạnh phúc của đất nước chẳng có nghĩa lý gì trong trò chơi này? Hay vì 30 tỷ đô la xuất cảng hàng hóa qua Mỹ hàng năm. Vì cần kéo Mỹ vào thế đối trọng đối với nưóc anh em, láng giềng Trung Cộng. Vì cần một hậu phương hưởng thụ cho giai cấp mới ở VN…

Ông Friedman ngây thơ ở nhiều điều. Ngây thơ khi ông xem cuộc chiến VN là một cuộc nội chiến, mặc dù có lẽ ông cũng rành về cuộc nội chiến ở Mỹ. Ngây thơ khi ông cho rằng ngoài miền bắc có cả người CS và người quốc gia. Ông nói như thể ông không biết chế độ cộng sàn của Stalin ở Nga, chế độ Mao Trạch Đông với cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Cộng. Ông làm như Hà Nội không có “khách sạn Hilton” cho những kẻ “phản động”! Ngây thơ khi ông cho rằng người dân miền bắc xem cuộc chiến xâm lược miền nam là cuộc chiến “tự vệ”của họ, họ ủng hộ, đồng tình và sẵn sàng hy sinh xương máu. Thậm chí ông không hiểu được chuyện dễ hiểu: vì sao Miền Bắc thắng và Miền Nam thua trong cuộc xung đột này: một bên có vũ khí tối tân hiện đại cung cấp vô tận, sẵn sàng đem nướng bao nhiêu thế hệ không chừa một người, có lãnh đạo liên tục chỉ có một mục tiêu sắt máu duy nhất; một bên vũ khí bị giới hạn, nhân lực cho chiến trường không thể huy động đúng mức, hậu phương hỗn loạn và lãnh đạo không đầu và một đồng minh nổi tiếng với tâm địa tráo trở (Tricky Dick).

Sau ngày 30-4, người dân hai miền đều đứng trước sự thật phũ phàng. Đối với người dân miền bắc, chẳng còn hy vọng gì Mỹ sẽ giải phóng như người ta thầm tưởng vào đợt ném bom 12 ngày đêm của Nixon vào tháng 12 năm 1972; tuy rằng bên ngoài họ tươi cười, nói rằng thằng Mỹ đúng là ngu thật, to lớn như Goliath, mà thua David chúng ta. Đối với người miền nam, thực sự người ta mất tất trong cuộc đổi đời này. Họ không trách người Mỹ chỉ vì tiên trách kỷ!

Tuy nhiên, khi nhìn lại 40 năm qua, và xem người Mỹ ngày nay nghĩ lại thế nào về cuộc chiến VN thời trước, và thấy nhiều người Mỹ ngày nay vẫn còn bị áp đặt bởi lập luận mỵ dân của những người phản chiến 40-50 năm về trước, chúng ta ắt phải buột miệng: Người Mỹ ngu thiệt!

No comments:

Post a Comment