Thi Phương HNN
Tom Hayden và Jane Fonda
Đến tháng tư sang năm, người Việt chúng ta có dịp kỷ niệm 40 năm tròn biến cố lịch sử 30-4-1975, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Miền Nam và mở ra cuộc đổi đời bi thương cho hàng triệu người. Cũng sang năm, nước Mỹ sẽ có dịp kỷ niệm 50 năm - nửa thế kỷ - Mỹ quyết định can thiệp quân sự vào chiến tranh Việt Nam bằng cách đưa bộ binh chiến đấu đến chiến trường Miền Nam. Chắc chắn Hà Nội cũng sẽ rầm rộ trong ngày kỷ niệm 40 năm Miền Bắc hoàn thành cuộc chiến xâm chiếm Miền Nam để “thống nhất đất nước” dưới cùng một lá cờ chủ nghĩa xã hội. Chỉ một câu chuyện đó, mà lịch sử viết của mỗi một phía sẽ mỗi một khác. Bao giờ đây, mới thực sự có cách nhìn thống nhất phản ảnh tương đối đầy đủ sự thật của lịch sử?
Như chúng ta có thể quan sát, ngay cả ở Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã được viết lại theo một số cách khác nhau. Đương nhiên trong đó có cách nhìn của những người phản chiến ngày xưa, nhưng không thiếu gì người nghe, người tin một cách dễ dàng – vì đó là cách dễ dàng nhất, đơn giản nhất cho người ta hiểu vì sao Mỹ dính líu vào cuộc chiến đó và vì sao Mỹ phải rút ra.
Tin tức báo chí cho biết, Ngũ Giác Đài đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày nước Mỹ đưa bộ binh chiến đấu đến chiến trường Miền Nam, và theo một ước tính nào đó, chương trình này sẽ làm hao phí “đến 15 triệu đô la” ngân sách nhằm vinh danh các cựu chiến binh của một cuộc chiến đã chấm dứt cũng được 40 năm, và “cho công chúng nước Mỹ những tư liệu chính xác về mặt lịch sử” thích hợp cho sử dụng ở trường học. Công việc này của ông Chuck Hagel, bộ trưởng quốc phòng hiện nay và là một cựu chiến binh của chiến tranh VN, đang bị phê phán bởi một người “tân tòng” của “phong trào phản chiến” mấy chục năm trước.
Nhà báo Sheryl Gay Stolberg của tờ The New York Times (bà từng đoạt giải Pulitzer), cho rằng Ngũ Giác Đài đã mô tả đó là một cuộc chiến “dũng cảm và anh hùng” khó chấp nhận được đối với “nhiều người đã chiến đấu trong trận chiến đó và chống lại cuộc chiến đó”. Theo nhà báo này, những nhà viết sử về VN “than phiền rằng Bộ Quốc phòng của Mỹ đã tập trung vào mấy chục người lính đạt huy chương trong khi chỉ nói sơ sài những lỗi lầm của những ông tướng chỉ huy và những năm xuống đường của lực lượng phản chiến cùng sự tranh cãi nhức nhối trong nước. Theo nhận định của bà Stolberg, bản ghi chép những thời điểm lớn của chiến tranh đã không đề cập gì đến những phiên họp điều trần của Thượng nghị sĩ William Fulbright ở Thượng Viện, cũng như vụ Mỹ Lai. Bộ trưởng Ngoại giao hiện nay của Mỹ, ông John Kerry, vào năm 1971 là một binh sĩ trở về từ cuộc chiến VN, đã nói ở diễn đàn này: “Làm sao chúng ta lại bắt người lính phải là người cuối cùng phải chết cho một sai lầm?” (How do you ask a man to be the last man to die for a mistake).
Qua bài báo có tựa “Paying Respects, Pentagon Revives Vietnam, and War Over Truth”, chúng ta biết rằng có hơn 500 vị “thức giả”, cựu chiến binh và nhà hoạt động – bao gồm những tên tuổi như Julian Bond người lãnh đạo phong trào dân quyền; Daniel Ellsberg, người tiết lộ hồ sơ mật của Ngũ Giác Đài, Lawrence J. Korb, phụ tá bộ trưởng quốc phòng thời Ronald Reagan; Peter Yarrow (trong ban tam ca Peter, Paul, and Mary), và Tom Hayden – đưa ra một kiến nghị đòi “biên tập” tài liệu của Ngũ Giác Đài diễn dịch cuộc chiến này, và họ cũng đòi tham dự vào công cuộc tưởng niệm cuộc chiến này.
Người Việt chúng ta, nhất là những người đã sống tại California, có lẽ chẳng xa lạ gì với ông Tom Hayden, vì ông là một nhân vật chính trị của tiểu bang này từ mấy chục năm qua. Ông ta từng là “anh hùng số 1” của phong trào phản chiến trong những năm 60 và 70 thế kỷ trước, đến mức được cô đào Jane Fonda phải bỏ đạo diễn Roger Vadim và ngã vào tay ông ta. Lần đầu tiên ông đến Hà Nội ngay từ năm 1965, mở ra chiến dịch tố cáo Mỹ oanh tạc những khu dân cư ở miền bắc, phá hoại đê điều và chính quyền Johnson lừa dối dân Mỹ khi nói chỉ nhằm những mục tiêu quân sự. Về sau, Jane Fonda cũng đến Hà Nội năm 1972, giữa khi Miền Nam đang chìm trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Tổng thống Nixon đã tiết lộ mật đàm với Miền Bắc, và Việt Cộng đang tấn công khắp miền nam để có thể trả giá với Nixon trong chuyện mua bán Miền Nam. Jane Fonda trên vùng đất địch đã gọi Nixon là Hitler, những phi công lái máy bay oanh tạc của Mỹ là tội phạm chiến tranh, và chị ta ngồi trên môt giàn súng phòng không của Liên Xô chụp hình phản chiến. Con trai của Jane Fonda với Hayden được đặt tên là Troy, để “tưởng niệm anh hùng” Nguyễn Văn Trỗi, người đặc công quyết tử không thành trong âm mưu giết Bộ trưởng Quốc phòng Robert MacNamara vào năm 1964.
Ông Hayden chưa hề vào miền nam để thấy cuộc chiến “giải phóng miền nam” đã làm tan nát vùng quê, đã áp bức dân quê cũng như gây khủng bố ở thành thị miền nam như thế nào. Bởi thế, ông chẳng thể suy nghĩ và so sánh những thiệt hại và đau khổ do chiến tranh gây ra trên hai miền. Ông cũng chẳng đủ nhân bản để tự hỏi một nước nghèo nàn, lạc hậu như thế, mới trải qua một cuộc chiến tranh lâu dài, hủy diệt như cuộc chiến chín năm với Pháp, các vết thương còn chưa lành miệng, tại sao lại lao ngay vào một cuộc chiến mới mà không đi tìm một giải pháp hòa bình, thậm chí mua thời gian, để khỏi hy sinh bao nhiêu thế hệ trẻ rất cần cho công cuộc xây dựng đất nước, và để cho nền kinh tế cùng nền giáo dục có thể tìm được cơ hội hay dịp may nào đó thoát khỏi “vòng lẩn quẩn nghèo nàn” (the vicious circle of poverty) như một định mệnh khắc nghiệt chụp lên những nước kém mở mang. Ông cũng hay nói đến vụ Mỹ Lai, thế nhưng ông thực sự quan tâm đến người dân lành vô tội đến đâu khi lại quay mặt đi trước vụ người dân Huế bị thảm sát năm 1968.
Ông còn nổi tiếng với phát biểu rất tự hào và kiêu căng: “Tôi không chống cộng”, “Những người tả khuynh của Mỹ không chống cộng”. Bởi thế, ông đã chẳng chịu tìm hiểu bản chất của cuộc chiến, để có một đánh giá đúng mức đây là cuộc nội chiến hay chiến tranh xâm lược. Điều đáng tiếc ông là một “học giả”, nhưng vì ông “không chống cộng”, cho nên ông không đặt cuộc chiến trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh. Thậm chí, dường như ông không biết gì chiến dịch của Stalin nuốt trọn cả vùng Đông Âu sau Đệ nhị Thế chiến lợi dụng sự ngây thơ, lúng túng của nước Mỹ trong thời Tổng thống Franklin Roosevelt đang thập tử nhất sinh (ông qua đời chỉ hơn hai tháng sau khi tham dự Hội nghị Yalta với Stalin và Churchill). Ông chỉ nhìn thấy nước Mỹ của ông đang đứng sau lưng Việt Nam Cộng Hòa, mà không đủ sức nhìn xa hơn lỗ mũi một tí để thấy cả Liên Xô và Trung Cộng đứng đàng sau Miền Bắc. Và ngay cả một sự khác nhau nơi những người đứng đàng sau đó: Liên Xô và Trung Cộng thì chẳng bị giới hạn hay ngăn chận trong việc đổ vũ khí cho Miền Bắc, còn Hoa Kỳ thì bị báo chí, Quốc Hội kềm kẹp, đến mức Tổng thống Johnson phảỉ bị tiếng “lừa dối”. Điện Cẩm Linh hay Trung Nam Hải chẳng mơ hồ tí nào về việc họ đang làm, trong khi ngưòi chủ Tòa Bạch Ốc Lyndon Johnson thì đêm nằm ngủ không yên.
Đã 41 năm từ khi Mỹ rút khỏi Viet Nam, và gần 40 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Ông Tom Hayden nay đã 74. Những nhân vật phản chiến khác như Daniel Ellsberg còn già hơn nữa. Gần bốn thập niên qua họ đã chứng kiến bao nhiêu chuyện. Thời gian, sự trưởng thành, sự chín chắn nơi con người thường làm cho người ta nhìn những chuyện ầm ĩ trong quá khứ chỉ là những kỷ niệm mua vui. Bình thường sau 70 người ta phải rút khỏi sân khấu. Thất thập cổ lai hy. Mấy ai được như Nguyễn Công Trứ. Ông Hayden, hay bất cứ nhân vật nào trong nhóm phản chiến ngày nay không thể làm M.C. thời cuộc được nữa. Nhất là sau nhưng gì họ có thể chứng kiến 40 năm qua để thấy một thời vụng dại của mình.
Ông đã có thể thấy chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot ở Campuchia như thế nào sau khi lực lượng này “giải phóng” Nam Vang năm 1975. Pol Pot, Ieng Sari, Khiêu Samphan đều là người Cộng Sản. Là nhà nghiên cứu, giáo sư đại học, ngưòi đọc sách báo, ông hẳn phải nghe nói về cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Cộng như thế nào. Nếu có nghiên cứu, ông cũng biết mô hình của Mao Trạch Đông ảnh hưởng đến thế nào đối với mô hình của Cộng Sản Miền Bắc – ngay cả cái tên của ông Trường Chinh, người cha đẻ của chiến dịch đấu tố để “cải cách ruộng đất” vừa được Hà Nội kỷ niệm nhưng không “vinh danh”. Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ông cũng có thể biết về sự sụp đổ toàn diện của Cộng Sản Đông Âu, kể cả Liên Xô. Ông có thấy lạc lõng không khi nói “I am not anti-Communist” trong khi hàng chục triệu, hay hàng trăm triệu người dân ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungari, Rumani… nói “We are!”? Sở dĩ Trung Cộng không đi theo “vết xe đổ” đó cho dù bức tường Bá Linh đã sụp đổ là nhờ có xe tăng ở Thiên An Môn nghiến nát khát vọng tự do dân chủ của con người. Hai biến cố này đều diễn ra trong năm 1989!
Ngày nay, khi chứng kiến một thế giới cực kỳ nhiễu loạn chìm trong khổ nạn khủng bố toàn cầu vì nước Mỹ rút lui và những thế lực ma quái lấn tới, ông Hayden có thể nghĩ lại thập niên 60 của thế kỷ 20, giả dụ như Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản ngay từ những năm 1963 chẳng hạn, Đông Nam Á sẽ như thế nào? Indonesia còn không? Thái Lan còn không? Miến Điện còn không? Phi Luât Tân còn không? Và thế giới ngày nay sẽ như thế nào? Chiến tranh Việt Nam là chiến tranh bắt buộc (war of necessity) hay chiến tranh lựa chọn (war of choice)? Câu hỏi đó không dễ gì trả lời cho đến nay, nếu ông thực là người “thức giả”!
Cho dù nước Mỹ có một kho vũ khí tối tân, hiện đại hạng nhất, lính Mỹ bao giờ cũng được trang bị đến tận răng, được yểm trợ tối đa từ trên không, ngoài biển và trên bộ, thanh niên Mỹ không có tiếng sẵn sàng cầm súng lắm, và dĩ nhiên cũng có lý do trong này. Qua các kinh nghiệm chiến tranh, từ Đệ nhất Thế chiến đến Đệ nhị Thế chiến hay Chiến tranh Triều tiên, Mỹ luôn luôn đưa quân ra ngoài, khiến cho một số người trẻ phải sợ chuyện “xưa nay chiến địa nhường bao” và cứ hỏi tại sao phải đi chiến đấu ở nơi lạ người lạ xứ. Cuộc sống ở Mỹ quá sung sướng, quá no đủ, quá hưởng thụ, cho nên ai cũng sợ phải từ bỏ, hay sớm từ bỏ. Ý thức về ái quốc hay dân tộc nghĩa vụ công dân chỉ bàng bạc so với ý thức về quyền tự do của con người. Cho nên, trong mọi trường hợp, giới chính trị thường phải rất dè dặt trước quyết định chiến tranh. Chẳng có cuộc chiến nào người trốn lính ở Mỹ đông như thời chiến tranh Việt Nam (ngay cả Bill Clinton hay George W. Bush đều có cách của hai ông). Nếu không cần trốn lính, người ta “phản chiến” để làm anh hùng.
Trong mấy chục năm qua, ông Hayden từng là thành viên của Quốc Hội California trong 18 năm. Ông từng viết sách, đi dạy ở một số trường, và lại có tiếng là ngưòi tranh đấu cho dân quyền (civil rights) của người da đen. Ông cũng nổi tiếng với câu nói: “… một mục tiêu lâu dài của tôi là sự biến mất một cách hòa bình, êm thắm chủng tộc da trắng” (… a long term goal of mine: the peaceful, nonviolent disappearance of the white race). Ông ở California, là nơi có đến mấy trăm ngàn người Việt tha hương, nhưng 40 năm qua, hiểu biết, nhận thức của ông cũng chẳng thay đổi. Phải chăng ông đã ngủ mê trong suốt bốn thập niên nên chẳng biết gì cả và cũng chẳng nghĩ gì cả trong giấc ngủ.
Vấn đề như chúng ta đều có thể thấy không chỉ là môt ông Tom Hayden mà có đến cả “500 học giả” như Tom Hayden trong cuộc vận động phản chiến mới này. Và vấn đề cũng không phải chỉ là tiếng nói của họ mà là ảnh hưởng của những quan điểm của họ trên sách giáo khoa về lịch sử chiến tranh VN.
Đó chính là thách đố thực sự đang đứng trước mặt chúng ta.
No comments:
Post a Comment