Phát ngày Thứ năm, ngày 13 tháng mười một năm 2014 (RFI)
Cổng Brandebourg là một trong những biểu tượng của thành phố Berlin. Các quả bóng tượng trưng cho Bức tường được thả lên trời tối 09/11/2014, biểu thị cho một hành động mở cửa biên giới mới. REUTERS/Fabrizio Bensch
Trong tuần lễ qua, ở châu Âu – đặc biệt là ở nước Đức – mọi người hân hoan kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ (ngày 9.11.1989). Sự kiện lịch sử này, mà Thủ tướng Angela Merkel gọi là “niềm hy vọng của các dân tộc bị áp bức” mở đường cho nước Đức thống nhất trong hòa bình, Đông Âu tìm lại được tự do. Một năm sau, Liên Xô tan rã, hàng loạt các quốc gia vệ tinh lấy lại chủ quyền. Chế độ Cộng sản cáo chung, chiến tranh lạnh kết thúc nhưng hòa bình tại châu Âu đang bị đe dọa vì tham vọng địa chính trị của Matxcơva tại Ukraina.
Nhìn lại trang sử trọng đại cách nay 25 năm, RFI đặt câu hỏi với một nhà báo lão thành ở Matxcơva. Qua bút hiệu Người Quan sát, ông phân tích các yếu tố nhân quả của biến cố ngày 09/11/1989 : Bức tường Berlin sụp đổ báo hiệu sự phá sản của các chế độ độc tài toàn trị Cộng sản và sự chấm dứt của Chiến tranh lạnh.
RFI: Tình hình châu Âu , sau khi thế chiến thứ hai kết thúc với chế độ độc tài Đức Quốc Xã tan rã thì ngay tức khắc một chế độ độc tài khác mọc lên và mãi hơn 40 năm sau thì chế độ này cũng sụp đổ với một bức tường do chính họ dựng lên nhưng lần này thếgiới không tốn một viên đạn. Tại sao?
Người Quan sát: Để hiểu rõ tầm quan trọng của sự kiện trọng đại này, xin sơ lược nhắc lại những chuyện lịch sử đã xảy ra trên nửa thế kỷ trước.Sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt thì châu Âu chia thành hai vùng: một vùng do các nước Đồng minh Anh, Mỹ, Pháp cai quản ở Tây Âu, một vùng khác do quân đội Liên Xô chiếm đóng ở Đông Âu.
Ở vùng Đông Âu, Liên Xô tìm cách lật đổ các chính phủ vốn có ở các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani, Bulgari, Albania, kể cả một số chính phủ kháng chiến chống phát-xít Hitler, rồi giúp các Đảng Cộng sản ở các nước đó lên nắm chính quyền. Thực tế đó là những chính quyền do Liên Xô trực tiếp điều khiển. Riêng nước Nam Tư do tự thân ĐCS nước đó tự giải phóng thì họ lập chính quyền độc lập của mình.
Còn ở vùng Tây Âu, sau khi đánh bại phát xít Đức, các nước Đồng minh Anh, Mỹ, Pháp trao quyền cho các nước đó lập nên chính quyền dân chủ dưới sự cai quản của họ. Đồng thời Hoa Kỳ đưa ra Chương trình Marshall với 13 tỉ USD để viện trợ cho các nước Tây Âu nhanh chóng phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Đến tháng 2.1948, các nước Anh, Mỹ, Pháp thống nhất ba vùng ở phía Tây do họ kiểm soát để thành lập một chính phủ liên hiệp cai quản chung vùng Tây Đức. Stalin cầm đầu Liên Xô tức giận, phản ứng mạnh mẽ, ra lệnh phong tỏa Tây Berlin với hy vọng sẽ chiếm trọn cả Berlin. Các nước Anh, Mỹ, Pháp không có cách nào khác, ngoài việc tổ chức một cầu không vận cực lớn để duy trì sự liên lạc và tiếp tế cho dân Tây Berlin, mặc dù việc đó rất tốn kém.
Một thời gian sau, thấy việc phong tỏa Tây Berlin không đem lại kết quả, Liên Xô bãi bỏ lệnh đó vào tháng 5.1949. Không bị phong tỏa nữa thì làn sóng di dân từ Đông Berlin sang Tây Berlin lại càng mạnh thêm làm cho kinh tế Đông Đức đã yếu hơn Tây Đức lại càng thua kém hơn vì nhiều chuyên gia ở phía Đông đã chạy sang phía Tây. Ngày 23.5.1949, vùng Tây Đức thành lập nước Cộng hòa Liên bang Đức (CHLBĐ) lấy thủ đô tạm thời là thành phố Bonn. Để đáp lại, mấy tháng sau, ngày 7.10.1949, Liên Xô cho thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDCĐ) do Walter Ulbricht đứng đầu chính quyền cộng sản, với thủ đô là Đông Berlin.
RFI: Nhưng tại sao Liên Xô phải dựng một bức tường mà người dân Đức gọi là bức tường ô nhục?
Người Quan sát: Cuối thập niên 40, chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và Cộng sản càng thêm quyết liệt. Tây Berlin trở thành một ốc đảo tự do và thịnh vượng là niềm mơ ước của dân Đức, chẳng những ở Đông Berlin mà cả ở Đông Đức. Nên dân Đức, nhất là các chuyên gia và thanh niên, càng tiếp tục chạy từ Đông Đức sang Tây Đức.
Trước tình hình đó, tháng 11.1958, Khrushchev đòi Phương Tây trong vòng sáu tháng phải rút khỏi Tây Berlin, nếu không thì sẽ giao cho Đông Đức kiểm soát hết mọi ngả đường vào Tây Berlin. Phương Tây nhất định không chịu rút quân, Khrushchev lại im, đến tháng 6.1961, ông ta lại ra tối hậu thư đòi Phương Tây trong vòng sáu tháng phải rút khỏi Tây Berlin. Hoa Kỳ cho rằng Khrushchev muốn bành trướng chủ nghĩa cộng sản bằng chiến tranh, nên Tổng thống Kennedy xin Quốc hội tăng thêm ngân sách quốc phòng và tăng thêm quân lực.
Đáp lại thái độ cứng rắn của Phương Tây, Khrushchev bàn với Walter Ulbricht tìm cách ngăn hẳn Đông Đức với Tây Đức: từ ngày 3 đến 5.8.1961 Tổ chức Hiệp ước Warsava họp bàn việc đó tại Mátxcơva và ngày 12.8.1961, Nghị viện Nhân dân Đông Đức ra nghị quyết xây Bức tường Berlin để chia cắt hai vùng Đông Berlin với Tây Berlin. Ngay đêm hôm đó và rạng sáng ngày 13.8, công nhân Đông Đức với sự yểm trợ của binh lính Liên Xô đã bắt đầu dựng lên Bức tường Berlin.
Sau khi xây xong, Bức tường Berlin dài 155 km, trong số đó có 43,1 km nằm trong địa giới Berlin với chiều cao trung bình 3,6 m, có nhiều công trình canh phòng kiên cố với hệ thống hàng rào lưới kẽm gai, hào sâu, vật cản xe tăng, hệ thống báo hiệu, 302 chòi canh và khoảng 1000 con chó đặc nhiệm, v.v... Mặc dù Bức tường Berlin kiên cố như vậy, nhưng vẫn không ngăn được khát vọng đi tìm tự do và cuộc sống hạnh phúc của người dân Đức. Xin dẫn ra đây vài trường hợp điển hình: 28 người đã đào dưới bức tường một địa đạo dài 145 mét để vượt thoát Đông Đức; một số khác vượt thoát bằng cách dùng tàu lượn, dùng bóng khinh khí, dùng dây đu từ các cửa sổ các nhà láng giềng (về sau này chính quyền CHDCĐ ra lệnh phá các ngôi nhà bên phía Đông Đức gần bức tường)…
Tính từ ngày 13.8.1961 đến ngày 9.11.1989, đã có 5075 cuộc đào thoát đến Tây Berlin hay Cộng Hòa Liên Bang Đức thành công, trong đó có cả 574 cuộc đào ngũ của binh lính. Còn một con đường nữa để thoát khỏi Đông Đức để đến Tây Đức là trả tiền. Hồi đó, ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức có luật sư Volfgang Fogel, từ năm 1964 đến năm 1989, ông đã tổ chức cho 215 ngàn người Đông Đức và 34 ngàn người tù chính trị từ các nhà tù Đông Đức đến được Tây Đức. Để giải phóng cho những người này Tây Đức phải tốn 3,5 tỉ Mác, tương đương 2,7 tỉ USD (Wikipedia, tiếng Nga).
Chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Đức đối phó với các cuộc đào thoát của người dân rất dã man: bắn chết không thương xót bất kể ai vượt qua bức tường. Ngày 12.8.2007, BBC đã công bố hồ sơ của Bộ An ninh quốc gia Cộng Hòa Dân Chủ Đức , trong đó có mệnh lệnh bằng văn bản đề ngày 1.10.1972 ra lệnh bắn chết tất cả nhưng người chạy trốn không trừ một ai, kể cả trẻ con. Theo một số nhà nghiên cứu thì tính từ 13.8.1961 đến 9.11.1989 đã có 645 người bị bắn chết. Còn theo số liệu của chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Đức thì có 125 người bị chết khi vượt qua Bức tường Berlin. Năm 1966, lính biên phòng Cộng Hòa Dân Chủ Đức đã bắn chết hai trẻ nhỏ 10 và 13 tuổi.
RFI: Nhìn từ thủ đô Matxcơva, có thật sự đảng Cộng sản Liên Xô tin chắc vào hiệu năng của bức tường thành Berlin? Nhưng vì những nguyên nhân sâu xa nào, tác động nhân quả ra sao mà súng đạn, cơ giới không bảo vệ được cường quyền ?
Người Quan sát: Những người cộng sản Liên Xô, Đức và ở các nước khác đều đinh ninh tin chắc rằng Bức tường Berlin rất kiên cố sẽ đứng vững mãi, cũng như Liên Xô, cái nôi và thành trì bền vững của chủ nghĩa Cộng sản, sẽ tồn tại vĩnh viễn cho đến ngày chủ nghĩa Cộng sản toàn thắng trên Trái đất.
Nhưng logic của các sự kiện lại chuyển hướng theo một chiều khác hợp với đà tiến hóa chung của lịch sử và của loài người: với thời gian cái gọi là chủ nghĩa cộng sản vốn đã trái với quy luật tiến hóa chung, trái với nhân tính càng ngày càng bại hoại, rệu rã. Do cuộc chiến tranh ở Afganistan, do cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, Liên Xô ngày càng đuối sức, càng kiệt quệ, các nước trong cái gọi là “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới” càng suy thoái, đời sống của nhân dân các nước đó càng sa sút thảm hại…
Trong lúc đó dân chúng ngày càng đứng lên đòi hỏi một cuộc sống tốt hơn, tự do hơn, riêng các nước “xã hội chủ nghĩa” ở Đông Âu thì còn đòi thoát khỏi sự thống trị của Liên Xô nữa. Nên các chế độ cộng sản độc tài toàn trị đã lung lay tận nền móng, chuyện chúng phải sụp đổ khi cao trào dân chúng nổi dậy là điều không thể tránh được.
Bức tường Berlin dù rất kiên cố, nhưng chế độ Cộng sản toàn trị ở Đông Đức lung lay và ngày càng rối ren. Chính sách bảo thủ, nghiệt ngã, mù quáng, điếc đặc trước mọi đòi hỏi của người dân mà Erich Honecker tiến hành trong nhiều năm đã gây bất mãn lớn trong dân chúng cũng như trong đảng Cộng sản (khoác tên Đảng Công nhân Thống nhất Đức), nên ngày 18.10.1989 ông ta bị gạt ra khỏi cương vị bí thứ nhất sau 18 năm trị vì.
Đầu tháng 9, khi biên giới Hung - Áo được mở ra, trên 6500 người, phần đông là thanh niên, cán bộ, thợ lành nghề, chuyên gia… đã vượt biên đến Tây Đức. Tiếp đến, ngày 4.11, một cuộc biểu tình vĩ đại gồm một triệu người đã bùng nổ tại Đông Berlin đòi bầu cử tự do, chế độ đa đảng, tự do báo chí và giải tán tổ chức mật vụ Stasi.
Cuộc biểu tình đó làm cho ban lãnh đạo đảng Cộng sản và chính phủ Đông Đức phải từ chức ngày 8.11 để lập ra một chính phủ liên hiệp trong khi chờ tổ chức bầu cử. Nhưng ngày hôm sau (9.11), các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và Bức tường Berlin đã sụp đổ đồng thời với chế độ độc tài toàn trị cộng sản ở Đông Đức. Sự kiện này có ý nghĩa lớn lao: nó báo hiệu sự phá sản của các chế độ độc tài toàn trị cộng sản, báo hiệu sự sụp đổ của Liên Xô và của toàn bộ cái gọi là “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới”, báo hiệu sự kết thúc của Chiến tranh lạnh.
RFI: Kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ diễn ra đúng vào lúc tại Hồng Kông, phong trào dân chủ nổi dậy đòi Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự quyết của người dân Hồng Kông. Theo báo chí Đức thì trong những ngày đầu tháng 11, đông đảo du khách trẻ tuổi người Á châu đã “pic nic” bên cạnh những phần còn lại của bức tường. Họ ngắm nhìn hình vẽ hai ông tổng bí thư Brejnev và Honecker ôm nhau. Trong quyển sách hướng dẫn du lịch có ghi hàng chữ: Các bạn hãy nghĩ đến Hồng Kông, cũng giống như vậy, tại đây, người dân Đông Berlin đã xuống đường vào thời kỳ đó”. Liệu biến cố bức tường Berlin có thể lấy làm tấm gương cho các phong trào dân chủ ở những nơi khác hay không?
Người Quan sát: Các chiến sĩ Việt Nam đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, cũng như cho độc lập và chủ quyền Đất nước có thể rút ra được những bài học gì từ sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ ? Bài học có thể rút ra được từ sự kiện này thì nhiều, ở đây chỉ xin nêu hai bài học chính:
a) Mọi chế độ độc tài toàn trị cộng sản đều không bền vững vì dựa trên một ý thức hệ và một chương trình xây dựng xã hội trái với nhân tính, trái với quy luật tiến hóa của loài người, nên trong chế độ đó chứa nhiều mâu thuẫn làm nó suy yếu và rệu rã dần. Để đứng vững được, chế độ đó chỉ có thể dựa trên bạo lực, trên sức mạnh chuyên chính, đàn áp và khủng bố và sự dối trá, bịp bợm.
Nhưng với thời gian tất cả những điều đó sẽ mất hiệu lực và chế độ đó sẽ giống như một bức tượng người khổng lồ với hai chân bằng đất sét, chỉ cần một làn gió cách mạng cũng có thể làm sụp đổ tất cả. Các chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ phải có lòng tin mãnh liệt, đừng thấy cái vẻ mạnh mẽ, kiên cố bề ngoài của chế độ đó mà nhụt chí đấu tranh.
b) Khi một chế độ độc tài toàn trị cộng sản ở một nước nhỏ nằm bên cạnh hay dựa dẫm vào một chế độ độc tài toàn trị cộng sản ở một nước lớn thì nước lớn đó bao giờ cũng tự coi mình là “chính quốc” còn nước nhỏ là “thuộc quốc”; cũng có khi nước nhỏ tự coi mình như là “thuộc quốc”.
Trong tình thế đó cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ phải kết hợp với cuộc đấu tranh cho độc lập và chủ quyền của Đất nước, phải ra sức tăng cường nội lực của Dân tộc đồng thời phải biết kiên trì chờ đợi khi chế độ độc tài toàn trị của “chính quốc” lâm vào khủng hoảng nặng và đang rệu rã để phát động cuộc đấu tranh hòa bình cho tự do, dân chủ và độc lập của Đất nước thì mới giành được thắng lợi được. Các chiến sĩ dân chủ cần tránh sự nôn nóng, manh động nhưng đồng thời cũng phải biết chụp thời cơ để kịp thời hành động quyết liệt.
c) Không có một chế độ độc tài toàn trị nào, không có một chính sách đàn áp, khủng bố nào, dù độc ác đến đâu đi nữa có thể hoặc đè bẹp được khát vọng tự do, dân chủ, nhân quyền của người dân. Hồn tự do trong mỗi con người, mỗi dân tộc là bất diệt, là không thể giập tắt được. Đúng như lời bà nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel, đã nói trong buổi lễ kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ: “Sự kiện đó đem lại niềm hy vọng lớn cho các dân tộc bị áp bức”. Khát vọng tự do, dân chủ, nhân quyền của người dân Việt Nam hiện nay đã khá mạnh, tôi nghĩ rằng nhân dịp này họ cũng biết theo tấm gương của người dân Đông Đức, cũng như của thanh niên, sinh viên Hồng Kong để đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, cũng như độc lập và chủ quyền của Tổ quốc.
RFI: Cho đến nay, mọi người đều nhận định là chiến tranh lạnh đã kết thúc với bức tường Berlin. Liệu sự tin tưởng này có quá lạc quan hay không? Tình hình Ukraina dường như đang chứng minh ngược lại?
Người Quan sát: Vài nét về tình hình thế giới hiện nay. Kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, chưa bao giờ tình hình thế giới chuyển biến phức tạp như hiện nay. Nào là những biến động trong thế giới A rập và sự trỗi dậy của các lực lượng khủng bố, nhất là của bọn khủng bố Hồi giáo với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Nào là sự va chạm, cũng có thể gọi là sự đối đầu gần đây giữa Hoa Kỳ, Phương Tây một bên, và bên kia là Liên bang Nga.
Tình trạng này là do hồi tháng 3.2014, - bất chấp sự thỏa thuận của các nước lớn bằng Nghị định thư Budapest hồi năm 1994 (trong đó có chữ ký của Liên bang Nga) bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina đổi lại Kiev phải trao lại toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho nước Nga, - nước Nga đã thôn tính bán đảo Crimea. Hơn nữa, lại còn đưa phiến quân thân Nga đánh chiếm hai khu vực Lugansk và Donetsk, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân, tổ chức bầu cử, dựng lên chính quyền thân Nga, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
Hoa Kỳ và Phương Tây có lệnh trừng phạt nước Nga, Nga lại trả đũa ra lệnh trừng phạt Hoa Kỳ và Phương Tây. Đối phó với việc quân Nga tiến sát biên giới Ukraina, Liên minh Bắc Đại tây dương NATO tiến hành những cuộc tập trận ở Ba Lan và vùng Baltic. Nga tuyên bố thay đổi học thuyết quân sự để thích hợp với tình hình căng thẳng hiện nay, v.v…
Tuy chưa công khai, nhưng bằng những động thái như thế, các nước lớn đang tái diễn một cuộc Chiến tranh lạnh vô hình kèm theo một cuộc chạy đua vũ trang ráo riết. Tình hình đó đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình trên thế giới. Có thể là chiến tranh sẽ không xảy ra nhưng bầu không khí căng thẳng trên thế giới sẽ gây ra nhiều hậu q
No comments:
Post a Comment