Lãnh tụ Đảng Cứu nguy Dân tộc Cambodia, ông Sam Rainsy được người dân Chùa Tháp nhiệt liệt chào mừng trong ngày bầu cử 27 tháng 7, 2013 tại Nam Vang. Getty Images
HOÀNG NGỌC NGUYÊN
Mùa Xuân A-Rập trên Xứ Chùa Tháp - giữa lúc người ta đang nói quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hồi giáo và Phật giáo tại một số nước Đông Nam Á?
Đúng là nói đùa thì chẳng ai tin. Mà nói thật lại nghe như nói đùa người ta cũng chẳng tin. Thế nhưng…
Đã mấy chục năm rồi, chúng ta có khi nào nghe nói có bầu cử dân chủ quyết liệt tại một bất cứ nước nào thuộc bán đảo Đông Dương, có một đảng đối lập đủ mạnh thách đố chính thức, trực tiếp, nghiêm chỉnh như kiểu sống còn với phía cầm quyền? Ở Việt Nam còn nằm mơ mới thấy cảnh tượng dân chủ rộn ràng đó khi người ta cứ nhắm mắt bịt tai mà nói “có một đảng là quá dư rồi” - không nói đến một nước bốn bề chung quanh là đất liền như xứ Lào, hay một nước như Campuchia vẫn bị hiểu nhầm là quá ư lạc hậu, bán khai, luôn luôn muốn “cáp-duồn” láng giềng của mình.
Thế nhưng cuộc bầu cử Quốc Hội vào ngày Chủ nhật 28-7 vừa qua tại Xứ Chùa Tháp đúng là làm cho ngay cả những người ở xa vạn dặm cũng phải mở mắt, cảm thấy đúng là khó hiểu hết cuộc đời, và những kẻ ở gần, Campuchia trong tầm mắt, ngũ quan của họ sẽ ra sao đây?
Chẳng phải là chuyện thường khi tờ The New York Times hôm thứ Hai đưa lên trang 3, hôm thứ Ba đưa lên trang 4 tin tức khá dài, đầy đủ chi tiết về cuộc bầu cử ở Campuchia. Thứ Hai: Đảng cầm quyền ở Cambodia đạt chiến thắng khít khao. Thứ Ba: Căng thẳng khi phía đối lập ở Cambodia bác bỏ kết quả bầu cử, tố cáo gian lận.
Theo tin tức được phổ biến rộng rãi, phe đối lập, tập họp dưới lá cờ của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia mà người đứng đầu là ông Sam Rainsy, đã được 55 trong tổng số 123 ghế - tăng được 26 ghế so với trước. Trong khi đó, Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen được 68 ghế, tức mất đến 22 ghế. Đảng Cứu nguy Dân tộc là một đảng đối lập thật sự - chẳng phải là đảng đối lập cuội. Trong bao năm qua, nó ba chìm bảy nổi, bị ông Thủ tướng Hun Sen đánh cho tơi tả, đến mức Rainsy có lúc đã phải chạy qua Pháp “tại đào”. Đồng chí của ông thì bị bắt bỏ tù cho dù là thành viên Quốc Hội vì tội “nói xấu lãnh đạo, gây chia rẽ hàng ngũ quốc gia” - một tội danh khá quen thuộc trong những chế độ độc tài. Nhưng nay với kết quả bầu cử này, đảng đối lập được đến 45% số ghế, chúng ta phải nói rằng cuộc bầu cử đã phản ảnh một mức độ dân chủ nhất định, một sự chọn lựa khá rõ ràng của người dân. Ông Rainsy tức thì phát biểu “Đây là một cuộc bầu cử lịch sử của Campuchia”, và nói thêm “trong lịch sử, chưa một lần nào đảng đối lập đạt được số phiếu cao như thế!”. Nhưng ông nói rõ cũng tức thì là không chấp nhận kết quả bầu cử này vì có quá nhiều “hiện tượng” bất thường đã xảy ra. Đảng của ông đã thắng vẻ vang ở thủ đô Nam Vang, thế nhưng ở những nơi khác mà đảng của ông thua, những nhóm theo dõi, giám sát bầu cử độc lập đã nói rằng có nhiều điều “bất thường” đã xảy ra, như người dân không được đi bầu vì thẻ căn cước “không hợp lệ”, nhiều người không có tên trong danh sách cử tri, chuyện đếm phiếu mờ ám, nhiều phiếu cho phía đối lập bị loại bỏ, và nhiều phiếu bị mất.
Hun Sen đã cai trị nước Campuchia được 28 năm, tức là từ năm 1985, khi quân Việt Nam chiếm đóng Campuchia dựng ông ta lên. Ông ta đang muốn phá kỷ lục trường trị của tất cả những nhà độc tài của thời đại ngày nay, bởi vì những người đó, như Saddam Hussein, Moanmar Gadhafi…, không kể Nhậm Ngã Hành, đều đã chết thảm thương, cho nên không thể kéo dài thời gian trên ngôi báu của họ, trong khi đó “Ngài Chủ tịch Hun”, năm nay mới lục tuần, đã nói rõ ý là muốn tiếp tục phục vụ đất nước cho đến năm 70 nếu không phải là 80 hay 90, do đó phá kỷ luc dễ như chơi, nếu không gặp phải số phận của những bậc tiền bối kề trên. Hun Sen là người được hai ông họ Lê - Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh - những người chủ chốt trong kế hoạch chinh phạt và bình định Campuchia năm 1979 để tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ, dựng lên.
Cử tri trẻ Cambodia tức giận đốt xe cảnh sát tại Nam Vang vì kết quả bầu cử bị gian lận ngày 28 tháng 7, 2013. Getty Images
Sau khi lật đổ Pol Pot, Ieng Sary trong chớp nhoáng, lẽ ra Campuchia đã có thể được sát nhập vào Việt Nam để mở ra một chương mới trong lịch sử Nam tiến, mở mang bờ cõi của Việt Nam, nhưng Hà Nội sợ không xuể. Cho nên người ta phải đi tìm “búp bê”. Lê toàn quyền đã thử nghiệm đồng chí Pen Sovan, một người Campuchia Cộng Sản thứ thiệt. Nhưng ông Pen này ngây thơ, bắt chước Cộng Sản Việt Nam nói “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” cho nên bị thái thú họ Lê nhốt ngay – mà còn đem nhốt tại Hà Nội một thời gian cho chắc ăn. Người thứ hai là Chủ tịch Heng Samrin, khá lớn tuổi, chững chạc, điềm đạm. Nhưng ông này mắc bệnh đãng trí. Là chủ tịch nước Campuchia, vậy mà đứng trước đám đông cả chục ngàn người dân Campuchia, ông nói tiếng Nghệ, và hỏi lớn “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không” - giống như Bác Hồ lên tiếng hỏi đám đông tại Quãng trường Ba Đình giữa khi ông ta đang đọc một bản copy Tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ 1776, được sửa lại cho thích ứng với tình hình Việt Nam – đúng là “của người phước ta”. Bị bể, cho nên hai anh em nhà mẹ Lê này phải cho Heng tướng công nghỉ hưu sớm, vào “Mặt trận Tổ quốc Campuchia” rồi sau làm Chủ tịch nước. Chỉ còn Hun, tuy còn trẻ nhưng sớm tỏ ra xứng đáng là học trò kiệt xuất của các bậc thầy ở Hà Nội. Hun Sen được chọn còn là vì ông ta có gốc Khmer Rouge, chẳng có tí gì trong người máu tiểu tư sản hay hoang tưởng của giới sĩ phu. Ông ta sẵn sàng đàn áp, tiêu diệt những thế lực chống đối để được nắm quyền lực trọn đời, và để được Hà Nôi che chở, ông ta cũng sẵn sàng bảo vệ những quyền lợi và tuân hành những chính sách của người láng giềng nhiều thế lực và đã có công với mình như núi Thái Sơn: bên trong, không để cho các thế lực chống cộng, chống Việt Nam có cơ nắm quyền hành; bên ngoài, đối đầu với Thái Lan khi cần thiết và không để cho Trung Quốc xâm nhập thao túng.
Campuchia không còn là một nước Cộng Sản, và theo hiến pháp là nước quân chủ lập hiến, dân chủ đại nghị - có nghĩa là đa đảng. Thực sự, dựa trên tâm tình dân chúng, ta có thể thấy hai khuynh hướng nổi bật: bảo hoàng và đổi mới. Là một nước quân chủ lâu đời, đông đảo người dân vẫn có một lòng tôn trọng, sùng kính hoàng gia, thậm chí lên án những thế lực chính trị muốn soán đoạt hay thách đố quyền lực của nhà vua. Phải nói rằng vua Norodom Sihanouk cùng những người trong hoàng tộc không bị mang tai tiếng và được không ít người dân tôn thờ thực sự - cho dù ở Nam Vang người ta không làm “Lăng Thái Tử”. Bởi vậy, đảng Funcipec bảo hoàng đã khá mạnh trong giai đoạn trước và sau khi Hiến pháp 1993 ra đời. Tuy nhiên, với thành tích giết hại cả 1.5 triệu người dân Khmer, chế độ tội ác Khmer Đỏ đương nhiên là kẻ thù của toàn dân Campuchia, và một người có gốc là Khmer Đỏ, chính là Hun Sen, bỗng chốc trở thành “cha già dân tộc”, mặc dù người càn quét lực lượng Pol Pot là quân Viêt Nam. Funcipec nắm được lớp tiểu tư sản, tư sản, trí thức, người quốc gia (có nghĩa là chống Việt Nam). Đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen nắm được những người vẫn tin nhờ có Hun Sen mới dẹp được bọn diệt chủng, và sau này có những cải thiện phần nào trong đời sống người dân (mở mang đường xá, trường học…). Đó là thời cơ hiếm có mở ra một chế độ lưỡng đảng cùng sự phát huy dân chủ hào hứng cho một đất nước mà niềm tin vào Phật giáo khá mạnh mẽ đến như huyễn hoặc. Nhưng những người “quốc gia” Campuchia, tức mấy ông hoàng trong đảng Funcipec, đã không đủ đoàn kết và nhất trí trong đưòng lối, cho nên họ vừa tự hại họ, vừa bị Hun Sen đánh bằng mọi cách, đảng này thân bại danh liệt và các ông hoàng đều chạy tứ tán. Vua cha Thái từ Norodom Sihanouk khi thoái vị vào năm 2004 (và mất vào năm ngoái) đã phải kêu lên: Ôi một đất nước thời nào cũng có nội chiến, đâu đâu cũng có nội chiến, ngay cả trong đảng của tôi, trong hoàng gia, các con của tôi cũng chẳng thể ngồi với nhau được!”.
Vào tháng 11 năm ngoái, nhân dịp tổ chức ASEAN họp cấp cao với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nam Vang, tạp chí The Economist của Anh quốc đã có bài xã luận nhắc nhở Mỹ rằng Cambodia là chế độ lạc hậu quái đản nhất trong thời đại ngày nay. Họ hài tội Hun Sen đã lẳng lặng tiêu diệt tất cả các chính khách đối lập, thiết lập một chế độ cảnh sát trị để kiểm soát người dân, và quảng cáo tên tuổi của ông ta khắp hang cùng ngõ hẻm, trường học nào ở trong nước nay cũng có tên ông ta đứng đầu (Ví dụ như trường Hun Sen Trưng Vương hay Hun Sen Petrus Ký chẳng hạn)! Thực ra, so với nước của “anh hai”, Campuchia không tệ lắm, nếu người ta phân tích cho cùng. Campuchia có một hiến pháp mà hiến pháp của Việt Nam không bì được. Chinh nhờ hiến pháp này mà người dân mới có được ý thức dẫn nhập về dân chủ: đó là sự chọn lựa, sự tìm kiếm cơ hội. Với cái hiến pháp Việt Nam đang có, sự chọn lựa chính trị duy nhất của người dân Việt Nam là đứng ngoài. Ở Campuchia không có tôn giáo quốc doanh. Đảng đối lập Funcipec quả thật đang dẫy chết chỉ là vì họ không khắc phục được nhược điểm muôn thuở của đảng phái quốc gia, nhưng đảng mới Sam Rainsy cũng có quyền ra tranh cử, cũng nắm được ghế, cũng đối lập với đảng cầm quyền của Hun Sen. Và trong bầu cử vừa qua, thắng lợi của họ là vang dội, là một cảnh báo về nhân tâm, dân tình.
Sam Rainsy trước đây là người của Funcipec, nhưng lại bị Funcipec “thanh trừng”. Ông ta ra khỏi đảng này, lập đảng của mình mang tên của mình, đảng Sam Rainsy, và hai lần phải trốn ra nước Pháp vì sợ bị Hun Sen bức hại. Nhờ áp lực của thế giới, nhất là của Mỹ, ông được Hun Sen cho về. Đảng của ông vẫn hoạt động, vẫn ra tranh cử, vẫn thắng lợi dần dần, như ta thấy trong bầu cử tuần qua, cho dù Sam Rainsy không được ra tranh cử! Những người từng ủng hộ Funcipec nay chuyển qua ủng hộ Sam Rainsy, và những chiêu bài của ông trong kỳ bầu cử vừa qua đều hấp dẫn: chống tham nhũng trong chính quyền của đảng cầm quyền, tăng phúc lợi cho người trên 65, tăng lương công chức, tăng mức lương tối thiểu, điều tiết giá gạo, giá xăng, và bảo hiểm y tế miễn phí cho giới nghèo, quyết liệt với Việt Nam trong vấn đề cột mốc biên giới và Việt kiều tại Campuchia. Một trong những lý do khiến đảng Cứu Quốc có thêm ghế lần này là nhờ họ sáp nhập với một đảng khác để tạo thêm sức mạnh và thách thức đảng Nhân dân.
Nay thì ông Sam Rainsy tố cáo bầu cử gian lận và đòi đếm phiếu lại hoăc tổ chức bầu cử lại. Ông Phil Robertson của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch có mặt tại Campuchia để quan sát cũng nói: “Có những cáo buộc gian lận nghiêm trọng vào sát ngày bầu cử, bao gồm những chuyện cử tri ‘ma,’ xóa tên cử tri có cảm tình với phe đối lập ra khỏi danh sách cử tri, phân biệt đối xử của ủy ban bầu cử quốc gia, sử dụng phương tiện truyền thông của quốc gia không công bằng, và nhiều chuyện khác nữa. Đây là vấn đề nghiêm trọng và đáng để có một cuộc điều tra độc lập.” Tổ chức phi lợi nhuận Transparency International Cambodia (TIC) cũng có những quan tâm tương tự. Họ có 900 người đi quan sát tại 400 trong số 19.000 trạm bỏ phiếu. Họ nói họ có một danh sách dài về các vụ vi phạm luật lệ bầu cử. Trong số các vi phạm này, tại khoảng 60% trạm bỏ phiếu, nhiều người có đầy đủ giấy tờ chứng minh lý lịch không tìm thấy tên mình trên danh sách cử tri. Một vi phạm khác, khoảng 25% trạm bỏ phiếu, nhiều người không đủ giấy tờ chứng minh vẫn được phép bỏ phiếu. TIC nói những gì mà họ phát hiện gần giống với những gì mà các nhà quan sát khác phát hiện trước ngày bầu cử.
Chính quyền Hun Sen đã bác bỏ những tố cáo đó, nói rằng bên thua cuộc thì cứ đòi chơi lại cho dù chẳng ai cho chơi. Như thế, rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra.
Mùa xuân A-Rập có hai yếu tố chính: sự tự phát xuống đường của đông đảo quần chúng trước một chính quyền người ta không còn có thể chấp nhận được, và sự sụp đổ của chính quyền đó - một quá trình có thể hòa bình hay đẫm máu. Chúng ta còn phải trông chờ xem mùa xuân có đến hay chăng, bởi vì nếu thời tiết đổi thay, chắc chắn không chỉ một nước Campuchia chịu ảnh hưởng mà cả bán đảo Đông Dương sẽ cùng chung một vùng khí hậu này![HNN]
No comments:
Post a Comment