8/29/13

Nhận định: PHẢN ỨNG CỦA BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VỀ BÀI VIẾT CỦA ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG, CÓ CHỦ ĐÍCH GÌ?

Thiện Ý

Báo Quân Đội Nhân Dân , tiếng nói của các lực lượng vũ trang Việt Nam số báo điện tử ra ngày Thứ Sáu 23-8-2013,trong một bài viết tựa đề “Màn Tung Hứng vụng về”, đã mạnh mẽ đả kích những nhận thức, suy tư, đề nghị của ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam kỳ cựu, với 45 tuổi đảng, 72 tuổi đời, mới công khai “Phản tỉnh” qua bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” đề ngày 12-8-2013.

Bài viết này xin được lần lượt trình bầy:

- Những chủ điểm bài báo đả kích Ông Lê Hiếu Đằng.

- Nhận định về những chủ điểm bài báo đả kích Ông Lê Hiếu Đằng.

- Chủ đích đả kích Ông Lê Hiếu Đằng của báo Quân Đội Nhân Dân.

I/- NHỮNG CHỦ ĐIỀM BÀI BÁO ĐẢ KÍCH.

Bài báo đã phê phán bài viết của Ông Lê Hiếu Đằng là “đầy những lối tư duy, lập luận phiến diện, hàm hồ, ấu trĩ và cho rằng bài viết của ông Đằng có thể bị các nhóm mà tờ báo Quân Đội Nhân Dân mô tả trong ngoặc kép là “dân chủ”,(để tránh dùng cụm từ quen thuộc trước đây ( các nhóm “phản động”hay các thế lực thù nghịch với chế độ), khai thác để gây xáo trộn và đổ máu tại Việt Nam. Đồng thời, lên án, tố cáo rằng bài viết của ông Lê Hiếu Đằng là một lời hiệu triệu, sẽ lôi kéo, kích động gây xáo trộn xã hội dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông ” như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập…” .

II/-NHẬN ĐỊNH:

Nếu những ai đã đọc cả hai bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của đảng viên cộng sản phản tỉnh Lê Hiếu Đằng và bài viết ““Màn Tung Hứng vụng về” của tác giả Phạm Trung,một đảng viên cộng sản còn mê muội, viết bài theo lệnh của “Đảng Ta” ở vị thế một kẻ “ăn cơm chúa múa tối ngày”, hiển nhiên ai cũng thấy sự thật này:

1.- Sự thật là nội dung bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của đảng viên cộng sản phản tỉnh Lê Hiếu Đằng không phải là một “Màn Tung Hứng vụng về”, mà là một màn tung hứng rất nhịp nhàng và ngoạn mục” phù hợp với thực tiễn, đáp ứng đúng ý nguyện của nhân dân trong nước và quốc dân Việt Nam khắp nơi ở hải ngoại.

Thật vậy, qua bài viết, tác giả Lê Hiếu Đằng đã “Tung” lên được những vấn đề căn bản của đất nước cần được giải quyết (chế độ chính trị:dân chủ đa nguyên đa đảng, kinh tế thị trường tự do, xã hội công bình, nhân dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc…) để thành đạt những ước mơ, khát vọng chính đáng của nhân dân (Độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, dân sinh, nhân quyền được tôn trọng,làm sao cho dân giầu nước mạnh…); mà nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ đã hy sinh xương máu đấu tranh trong nhiều thập niên qua đến nay vẫn chưa đạt được. Nguyên nhân chủ yếu là vì sự độc quyền thống trị của đảng Cộng Sản Việt Nam trong một chế độ độc tài toàn trị, đã thực hiện những chủ trương, chính sách sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài cho nhân dân và đất nước. Vì vậy đã đến lúc cần loại trừ nguyên nhân chủ yếu này một cách hòa bình, tránh xung đột dổ máu (lập đảng đối lập xây dựng chứ không đối kháng, sinh hoạt dân chủ, giành quyền và cai trị đất nước theo Hiến pháp và luật pháp chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng, trong đó đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn có cơ hội nắm quyền nếu được nhân dân tín nhiệm qua lá phiếu trong các cuộc tranh cử và bầu cử tự do…).

Tất cả những gì Lê Hiếu Đằng “Tung” lên qua bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” đã đáp ứng đúng khát vọng vừa nêu của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, nên đã được mọi người “Hứng” lấy một cách tự nhiên, khôn khéo, tuy còn dè dặt (Vì sợ bị nhà cầm quyền đàn áp…) chứ không “vụng về” như tác giả Phạm Trung đã viết theo đơn đặt hàng của Nhà nước độc tài toàn trị Việt cộng.

Một cách khách quan, chính bài viết ““Màn Tung Hứng vụng về” tác giả Phạm Trung mới tỏ ra quá “vụng về” trong việc ngụy biện chống chế cho “Đảng và chế độ nhà nước ta” đang ở vào giờ thứ 25 và phê phán hàm hồ, lên án oan sai, bất công đối với việc làm chính nghĩa của Ông Lê Hiếu Đằng, một “đồng chí” của đảng viên cộng sản Phạm Trung, chỉ khác là nay đã “phản tỉnh thực sự ”, có thể đã không còn là “đồng chí” của Ông nữa đâu.

2.- Sự thật là, bài viết của Ông Lê Hiếu Đằng không phải như đảng viên cộng sản Phạm Trung. công cụ của đảng, đã viết là “đầy những lối tư duy, lập luận phiến diện, hàm hồ, ấu trĩ”.

Trái lại, bài viết của đảng viên cộng sản Lê Hiếu Đằng, nhờ “Phản tỉnh” nên đã có được “Những lối tư duy, lập luận toàn diện, chính xác”, phản ánh đúng thực tiễn khách quan và thực chất các sự kiện, các vấn đề căn bản của đất nước, rất trưởng thành chứ không còn “ấu trĩ” như trước đây khi còn tin theo đảng CSVN, như tác giả PhạmTrung và các đảng viên khác hiện nay chỉ có tầm nhìn một chiều của một “Con ngựa kéo xe” cho đảng CSVN và bị đảng bị mắt từ lâu.

3.- Sự thật bài viết của ông Lê Hiếu Đằng không phải là một lời hiệu triệu, sẽ lôi kéo, kích động gây xáo trộn xã hội dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông ” như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập…” như bài viết của đảng viên CS Phạm Trung có tính xuyên tạc, như tạo yếu tố cấu thành tội phạm theo luật hình sự của chế độ để trong tương lai dùng Tòa àn kết tội, nhà tù đầy ải ông Lê Hiếu Đằng và những ai nghe và cùng thực hiện những đề nghị ích quốc lợi dân của Ông Đằng. Đây là một hình thức gán ghép, chụp mũ quen thuộc của nhà cầm quyền trong chế độc tài toàn trị Việt cộng hiện nay.

Sự thật, đây là một lời hiệu triệu để chinh phục, thuyết phục quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước tự nguyện tự giác ủng hộ những đề nghị ích quốc lợi dân, khả thi để chuyển đổi từ “chế độ nhất nguyên, độc đảng, độc tài toàn trị” qua “chế độ đa nguyên, đa đảng, dân chủ pháp trị” một cách hòa bình, để “không gây xáo trộn xã hội dẫn đến cảnh nồi da xáo thịt, thây chất đầy đồng, máu chẩy thành sông như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập…” mà đảng viên CS Phạm Tân dẫn ra với ý đồ đen tối.

Hiển nhiên tác giả Phạm Trung chắc cũng thừa biết rằng thảm cảnh xẩy ra ở các nước vùng Trung Đông và Bắc Phi như Syria, Libya, và Ai Cập…mà ông dẫn ra, là do sự ngoan cố bám lấy quyền lực 30 đến trên 40 năm, của các cá nhân hay tập đoàn thống trị độc tôn trong các chế độ độc tài tại các nước này (vẫn còn thua đảng Cộng Sản Việt Nam đã độc quyền trong chế độ độc tài toàn trị XHCN hàng nửa Thế kỷ qua) khiến nhân dân phải vùng dậy đấu tranh đòi lại các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền.Thảm cảnh “thây chất đầy đồng, máu chẩy thành sông như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập…” là hậu quả của các nhà cầm quyền độc tài ngoan cố đã đàn áp và chống lại nhân dân nước họ đến cùng, đẩy nhân dân vào “Thế chân tường”, “Tức nước vỡ bờ” thế thôi. Đó hoàn toàn là lỗi ở các nhà cầm quyền độc tài ngoan cố tiếm đoạt quyền làm chủ của nhân dân , không phải lỗi ở người dân, vốn là những người chủ thực sự các đất nước này.

Tất nhiên nhân dân Việt Nam không ai mong muốn thảm cảnh đã và đang xẩy ra như tại các nước Syria, Libya, và Ai Cập...trong tương lai lại xẩy ra ở Việt Nam. Trừ khi họ bị dồn vào thế chân tường, “Tức nước, vỡ bờ” thì thực tế có thể phải xẩy ra theo quy luật đấu tranh Mác-Lê, rằng “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” và rằngCách mạng (lật đổ bạo quyền) là sự nghiệp của quần chúng

Chính vì không muốn thảm cảnh xẩy ra cho đất nước mà nhân dân Việt Nam đã phải nhẫn nhịn, chịu đựng trong nhiều năm qua cho đến nay vẫn chỉ mong muốn một sự chuyển đổi chế độ từ độc tài qua dân chủ một cách êm dịu.Nhân dân mong muốn các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam hãy nhìn tấm gương Miến Điện để thấy các nhà lãnh đạo chế độ độ độc tài quân phiệt ở nước này, sau nhiều năm độc tài toàn trị, đã thức thời trước khi quá muộn, nên đã tự giác và chủ động thực hiện tiến trình chuyển đổi qua dân chủ đa nguyên đa đảng.Thực tế tại Miến Điện đã có những bước đầu thành công và chắc chắn sẽ thành công hoàn toàn ở cuối quá trình chuyển đổi một cách hòa bình và êm dịu này, xã hội không bất ổn và cũng không có cảnh“thây chất đầy đồng, máu chẩy thành sông như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập…” như tác gia Phạm Trung đưa ra để hù dọa, kết án trước Ông Lê Hiếu Đằng và những ai theo và làm theo những đề nghị của Ông Đằng.

III/- CHỦ ĐÍCH ĐÃ KÍCH BÀI VIẾT CỦA ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG.

Bài viết “Màn Tung Hứng vụng về” đang trên báo Quân Đội Nhận Dân có thể coi như phản ứng đầu tiên đối với bài viết ““Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của đảng viên cộng sản phản tỉnh Lê Hiếu Đằng.

Chủ đích của bài viết có vẻ như là để hù dọa cá nhân ông Lê Hiếu Đằng và những ai nghe và làm theo đề nghị thành lập một đảng “Dân Chủ Xã Hội” như một chính đảng đối trọng và đối lập công khai với đảng Cộng sản Việt Nam, tạo tiền đề hay là khung cảnh hình thành “chế độ đa nguyên, đa đảng, dân chủ pháp trị”. Đề nghị này dù không đe dọa dến sự tồn vong sinh mạnh chính trị của đảng CSVN (vì vẫn được tồn tại trong chế độ dân chủ đa nguyên), nhưng vẫn ngoan cố kéo dài thêm tuổi thọ, nên cần hù dọa trước bằng một bài viết xuyên tạc, gán cho bài viết của Ông Lê Hiếu Đằng như là một lời hiệu triệu, sẽ “lôi kéo, kích động gây xáo trộn xã hội dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông ” như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập…” .Thảm cảnh này được đưa ra để hù dọa rằng những ai nghe và làm theo đề nghị của Lê Hiếu Đằng cũng sẽ bị nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay, để bảo vệ chiếc ghế quyền lực đến hơi thở cuối cùng, như các nhà độc tài vùng Trung Cận Đông. Nhưng trách nhiệm nếu gây ra thảm cảnh thì như đổ lên đầu ông Lê Hiếu Đằng và những người nghe theo Ông phải gánh chịu để…hù dọa?

Thế nhưng hiệu quả thực tế của cái trò hù dọa này ra sao?

1. - Đối với Ông Lê Hiếu Đằng và những người nghe theo Ông, vào thời điểm này,chủ đích hù dọa của nhà cầm quyền Việt cộng, qua nội dung bài viết của đảng viên Phạm Trung, lại được đăng trên tờ báo Quân Đội Nhân Dân mệnh danh là tiếng nói của các lực lượng vũ trang nhân dân (vốn là công cụ bạo lực bảo vệ nền chuyên chính vô sản, tức chế độ độc tài toàn trị,) liệu có làm ông Lê Hiếu Đằng và những người khác sợ hãi, nản lòng, chùn bước, đi đến phải bỏ cuộc hay không?

Câu trả lời tùy thuộc vào sự chọn lựa chủ quan của Ông Lê Hiếu Đằng và những người nghe theo và ủng hộ ông, không ai có thể trả lời thay cho họ được.

2.- Đối với nhà cầm quyền Việt công, trong thời điểm này, nếu ông Lê Hiếu Đằng và những người nghe theo quyết tâm làm, cụ thể là lập đảng “Dân Chủ Xã Hội” hoạt động công khai, liệu nhà cầm quyền có giám thẳng tay đàn áp và tình hình có thể diễn biến dẫn đến thảm cảnh như các nước trong vùng Trung Cận Đông hay không?

Câu trả lời tùy thuộc vào hai dự kiến như chúng tôi đã đưa ra trong bài viết trước xin được nhắc lại: Có hai giả định thực tế xẩy ra:

- Một là nếu đề nghị của Lê Hiếu Đằng được thực hiện, mà nhà cầm quyền CSVN trấn áp, thì điều này có nghĩa là Việt cộng vẫn ngoan cố kéo dài thêm thời gian độc quyền thống trị và duy trì chế độ độc đảng toàn trị. Sở dĩ Việt cộng vẫn ngoan cố có lẽ vì chưa nhận được tín hiệu như tối hậu thư của Hoa Kỳ và các cường quốc dân chủ đòi buộc phải chuyển đổi qua dân chủ, nên suy đoán rằng “Ta cần Mỹ, nhưng Mỹ vẫn còn cần ta” làm công cụ chiến lược trong vùng.

Tuy nhiên, dù trấn áp, nhưng cường độ và mức độ trấn áp cũng chỉ ở biên độ như hiện nay. Bởi vì, dẫu sao Việt cộng, vì quyền lợi thiết thân của một tập đoàn thống trị, vẫn còn phải biết “nể sợ áp lực quốc tế” nói chung “Đế quốc Mỹ” nói riêng. Theo nhận định của chúng tôi,ngoài sự “nể sợ” này còn nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác, nên tình hình Việt Nam sẽ không phát triển đến thảm cảnh như ở các nước Trung Cận Đông được. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, Ông Lê Hiếu Đằng và nhiều người khác chắc cũng biết thế, nên chắc chắn sẽ không chùn bước, không sợ hãi, không bỏ cuộc mà sẽ mạnh dạn đi vào thực hiện những toan tính ích quốc lợi dân của mình; và cũng chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ, tạo được phong trào quần chúng đấu tranh phát triển ngày một lên cao.

Một khi cao trào quần chúng đấu tranh đã đạt tới đỉnh cao, vượt khỏi tầm tay kiểm soát tình hình của nhà cầm quyền, cũng là lúc mà theo một luận điểm cách mạng của Mác-Lê gọi là “tình thế cách mạng chín mùi”, nghĩa là vào thời điểm mà quan hệ giữa chính quyền (giai cấp thống trị) với nhân dân trở thành mâu thuẫn với mọi giai cấp bị trị, với toàn xã hội, một “mâu thuẫn đối kháng” (một mất một còn), không còn hòa giải được nữa. Trong “tình thế cách mạnh chín mùi” này , giai cấp thống trị bị cô lập hoàn, các lực lượng vũ trang công cụ bảo vệ chế độ (quân đội, công an, cảnh sát…) đều đứng về phía nhân dân. Cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân nổ ra vào thời điểm này nhất định thắng lợi.

Đó là tình trạng chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị Liên Bang Cộng Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Liên Xô) vào 1989. Khi đó nhân dân Liên Xô đã xuống đường đông đảo, bao vây Viện Duma (Quốc Hôi Liên Xô) đòi phải chuyển đổi qua chế độ dân chủ, quân đội Liên Xô với xe tăng và vũ khi trang bị hùng hậu đã câm họng, không giám bắn vào nhân dân. Chế độ độ nhất nguyên, độc đảng, độc tài toàn trị Liên Xô đã chuyển đổi êm dịu qua “chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng dân,chủ pháp trị” 24 năm qua (1989-2013) .

- Hai là nếu đề nghị của Lê Hiếu Đằng được thực hiện, mà nhà cầm quyền CSVN không trấn áp, thì dù đây có là sáng kiến cá nhân của một đảng viên CS Lê Hiếu Đằng, hay làm theo chỉ thị của đảng CSVN, đều cho thấy đã đến lúc tập đoàn thống trị độc quyền này phải chấp nhận một thực tế: phải chuyển đổi qua dân chủ đa đảng, không thể kéo dài thêm nữa quyền thống trị độc tôn, duy trì chế độ độc tài toàn trị, để tự cứu đảng, nếu không muốn chung số phận như các nhà độc tài trong các chế độ độc tài vùng Trung Cận Đông.

Trong tình huống này xẩy ra, thì có thể Đảng CSVN đã làm theo cách mà các nhà độc tài quân phiệt Miến Điện đã và đang làm. Tất nhiên do tình hình thực tế mỗi nước khác nhau nên khi đi vào thực hiện cũng có khác. Tỷ như: thay vì để cho một tướng lãnh đứng đầu chính phủ (Tổng Thống Thein Sein…..) ngay từ đầu, chủ động thực hiện chuyển đổi chế độ độc tài quân phiệt qua chế độ dân chủ đa đảng một cách êm dịu,thì tại Việt Nam đảng CSVN có thể đã “tương kế tựu kế” thả nổi cho đảng viên cộng sản “Phản tỉnh” tự phát (không do Đảng tổ chức chỉ đạo) là Lê Hiếu Đằng để khởi động sự chuyển đổi qua dân chủ đa nguyên đa đảng,có tính thăm do phản ứng. Nếu thấy thuận lợi, vẫn kiểm soát được tình hình ổn định, đảng CSVN có thể sẽ đưa người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đóng vai trò như TổngThống Miến Điện) chủ động, chính thức, công khai làm chuyển đổi theo một tiến trình tương tự như Miến Điện đã và đang làm hay khác hơn cho phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam.

Nếu sự suy đoán trên đây của chúng tôi là thực tế, thì dù đảng viên Lê Hiếu Đằng có “Phản tỉnh thật” hay “phản tỉnh giả”, dù có đưa ra đề nghị thành lập “Dân Chủ Đảng Xã hội” là sáng kiến cá nhân hay chỉ là “Cò mồi” làm theo chỉ thị của “Đảng Ta”…nếu không bị đàn áp và nếu khởi động đưa được đến một chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng, chúng tôi cho rằng đều rất tốt cho nhân dân và Đất nước.

Sự thể này có thể hiểu được, chẳng qua đã đến thời điểm này, đảng CSVN không còn có thể chọn lựa nào khác, phải chấp nhận một thực tế trái với ý muốn của mình (không thể tiếp tục duy trì chế độ độc tài đảng trị);

IV/- KẾT LUẬN;

Thiết tưởng học trò Việt cộng, đã đến lúc đừng dùng thủ đoạn đối đầu, hù dọa, trấn áp nhân dân để “câu giờ” kéo dài thêm thời gian độc quyền thống trị nữa, hãy nói gương người thầy Liên Xô vĩ đại từng được xưng tụng là “Tổ Quốc Xã hội Chủ Nghĩa” của mình, mà tự nguyện, tự giác, chủ động chuyển đổi chế độ nhất nguyên, độc đảng,độc tài toàn trị (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), qua chế độ da nguyên đa đảng dân chủ pháp trị như nước Cộng Hòa Liên Bang Nga ngay nay, được thiết lập từ 24 năm qua và ngày một phát triển thịnh vượng, nhân dân Nga được sống tự do, ấm nó, hạnh phúc.

Nhưng mà chẳng đâu xa, đảng CSVN hãy nhìn qua nước Miến Điện trong vùng mà học tập cách chuyển đổi “chế độ độc tài toàn trị” qua “Chế độ dân chủ pháp thị” sao cho êm dịu, tránh cảnh “xáo trộn xã hội dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông như cảnh đã diễn ra ở các nước Syria, Libya, và Ai Cập…”. Nhân dân Việt Nam chẳng ai muốn đâu,nhưng nếu thảm cảnh này xẩy ra chính là sự ngoan cố, tham quyền cố vị của đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi.

Đó là con đường phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam cần nhận thức rõ chiếu hướng này, không nên tiếp tục lội ngược dòng, đối đầu với nhân dân, mà hãy hội nhập theo dòng chẩy chung, để cùng các chính đảng quốc gia, dân tộc, dân chủ Việt Nam kiến tạo một chế độ đa nguyên, đa đảng, dân chủ pháp trị theo đúng khát vọng của toàn dân, tạo điều kiện đoàn kết dân tộc, thống nhất toàn lực quốc gia, xây dựng và phát triển toàn diện đất nước đến phú cường, văn minh, tiến bộ, theo kịp đà tiến hóa chung của nhân loại. Trên cơ sở vững chắc này, Việt Nam ta nhất định sẽ tạo được thế và lực vững mạnh để đánh bại bất cư cuộc xâm lăng nào của ngoại bang.

Thiện Ý

Houston, ngày 25 tháng 8 năm 2013.

No comments:

Post a Comment