8/22/13

Đúng Là Hết Người!

Hoàng Ngọc Nguyên

Eliot Spitzer  đang dòm ngó chức Kiểm toán viên Ngân sách (comptroller) của New York. Getty Images

Phải công nhận rằng nhờ thời thế thay đổi, người dân ngày nay sống vô vàn thoải mái. Họ không còn cảm thấy quá xá cách, quá thấp kém trước những nhân vật chính trị, cho dù đó là những người có quyền hành đi nữa. Trước đây, ngay cả trong những xã hội dân chủ Tây phương, có lẽ khoảng cách quyền lực đã làm cho nhiều người dân thấy những nhà chính trị cực kỳ phi thường, vĩ đại, tài giỏi, đức độ, yêu nước, thương dân, sống vì người mà quên mình. Nếu chẳng thế, người ta đã chẳng lên được những vị trí ngồi trên đầu trên cổ người dân.  Chính do mặc cảm thấp kém này, nhiều người dân một thời còn xưng “con” khi đứng trước mấy vị quan… Dĩ nhiên, thời thế đã thay đổi, lột trần trụi nhiều người cho dù người ta có trang phục như thế nào đi nữa. Bởi thế mà người dân thấy rằng con người ta sinh ra thật sự chẳng khác nhau mấy, nếu không nói cuối cùng cũng thế mà thôi. Chưa bao giờ người dân có thể thấy gần gũi với những nhà chính trị như thế. Thực ra, họ cũng là con người bình thường như mình. Thậm chí còn có thể dưới cả mức bình thường nữa.

Đó là những nhận thức trở lại tâm trí từ câu chuyện tranh cử ở thành phố New York của hai chính khách Dân Chủ nổi tiếng Anthony Weiner và Eliot Spitzer. Ông Weiner, một cựu dân biểu của tiểu bang có dân số đông hàng thứ ba ở nước Mỹ (chỉ sau California và Texas), muốn thay thế ông Michael Bloomberg làm thị trưởng của N.Y. City.  Ông Spitzer thì đang dòm ngó chức Kiểm toán viên Ngân sách (comptroller) của thành phố này, cũng là một chức vụ dân cử. Tuy là chuyện tranh cử của hai người tại một thành phố, một phần không nhỏ của dư luận cả nước Mỹ đang theo dõi chặt chẽ những diễn tiến của hai cuộc đua này. Bởi vì tuy hai ông ở New York, họ “danh trấn giang hồ”, chẳng ai xa lạ gì với cả hai.

New York đương nhiên là một tiểu bang ngàn năm văn vật nhất của nước Mỹ, và New York City, thủ đô của nó, là trung tâm của một trung tâm, lại càng nổi bật đến chừng nào trong bản đồ của đất nước này. Bởi vậy tuy là một thành phố, New York City quan trọng đến nhường nào. Cứ nhớ đến uy danh của hai ông thị trưởng, Rudy Giuliani (1994-2001) trước đây và Michael Bloomberg (2002-2013) hiện nay thì chúng ta hiểu tầm vóc của chức vụ thị trưởng New York. Nhiều ông thống đốc tiểu bang hay thượng nghị sĩ của Mỹ cũng chẳng bì được. Nói ngay ở New York, chưa chắc thống đốc tiểu bang và thị trưởng thành phố, ai nổi tiếng hơn ai! Cái thị trường chứng khoán Wall Street nằm trong khu vực Lower Manhattan của thành phố này (NYSE) nắm hết nền tài chánh thế giới!

Hai ông Weiner và Spitzer đều là người Dân Chủ trong một tiểu bang được xem là của Dân Chủ, nhưng vấn đề của người Dân Chủ ở thành phố này là trong 20 năm qua, thị trưởng New York không phải là người Dân Chủ. Giuliani là người Cộng Hòa. Bloomberg là người Cộng Hòa chuyển qua độc lập. Cho nên ông Weiner sẽ làm “lịch sử” nếu ông thành công vào tháng Chín trong kỳ bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ, và tháng 11 ông thắng lợi luôn trong cuộc đối đầu với ứng cử viên được Cộng Hoà chọn. Cho đến hết tháng Bảy, ông Weiner luôn luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến của cử tri Dân Chủ, cho nên khó mà nói khác đi là đảng Dân Chủ của tiểu bang này, một đảng Dân Chủ mạnh (từng có bà Clinton là thượng nghị sĩ), đã có ý giao cho ông sứ mạng to lớn là giành lại chức thị trưởng New York City cho đảng Dân Chủ. Cho đến khi…

Cho đến khi đàng Dân Chủ phài ngơ ngác nói “nào chúng tôi có biết gì đâu” và chắc chắn đang phải hối hả tìm một con gà mới – dù đã muộn. Chỉ có điều lạ là họ chẳng biết gì cả, hay biết có vẻ ít hơn cả ngưòi dân về sự “không thích hợp” chính trị (political impropriety) của ông. Bằng chứng là trong thăm dò được công bố vào ngày thứ Hai đầu tuần, Weiner chỉ được 11% ủng hộ và 80% chống đối trong số cử tri Dân Chủ. Ông nay đứng hạng tư trong số bốn người dẫn đầu. Và một nhà bình luận trên tờ Washington Post đã nói chắc như bắp là ông Weiner sẽ loan báo rút lui trong tuần này hay tuần tới bởi vì “điều mà người dân New York ghét nhất là một nhà chính trị không biết được thời tiết chính trị, khi nào phải rút lui!”. Ông Spitzer được những tỷ lệ khá hơn trong thăm dò này, 33% còn ủng hộ ông trong khi con số chống đối là 59%. Người dân có công bằng trong việc luận công định tội hay chăng!

Phải nói rằng nhờ ông Weiner nhiều ngưởi mới học được từ mới, chữ “sexting”. Một sự ghép chữ tài tình giữa hai chữ sex và texting. Ông Weiner, 48 tuổi, đã là dân biểu Quốc Hội Mỹ trong bảy nhiệm kỳ, từ tháng Giêng năm 1999 cho đến tháng Sáu năm 2011. Là người dân New York City chính cống, ông bao giờ cũng thắng cử với số phiếu trên 59%. Tuy nhiên, ngồí chưa nóng chỗ trong nhiệm kỳ thứ bảy, mới năm tháng, ông đã từ chức vì chuyện “sexting”. Có nghĩa là gởi đi những cái text trên máy cầm tay, trên mạng… có nội dung “khêu gợi”, và còn gởi đi những bức ảnh của mình ở trần để chứng minh. Texting là trò chơi của học sinh trung học dư thì giờ, nhưng giới phụ huynh ngày càng canh chừng không cho con em nhận và gởi đi những nội dung bậy bạ. Vợ ông Weiner là bà Huma Abedin, mới 37 tuổi, vừa là một phụ tá thân cận của bà Hillary Clionton vừa là bạn của bà cho dù khoảng cách tuổi tác giữa hai người cũng gần 30 năm. Gia đình bà Abedin này là gia đình lớn, cha người Ấn Độ, tiến sĩ, giáo sư đại học, mẹ Pakistan, cũng tiến sĩ, cũng giáo sư đại học. Bà Abedin làm việc cho bà Clinton khi bà chỉ mới 20 tuổi. Sau khi ba bốn phụ nữ khoe đã nhận được hình của Weiner, ông ta từ chức, trong khi bà Abedin đứng bên cạnh chồng trong họp báo, nói: “Tôi vẫn đứng bên ảnh!”. Người ta nói bà Abedin bị ảnh hưởng của bà Clinton. Hay ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo ở vùng Nam Á quê cha đất tổ?

Trong cuộc bầu cử chức vụ thị trưởng New York City, ông Weiner bỗng xuất hiện trở lại, làm cho người ta quả là bị bất ngờ. Nhưng ông nói, giống như ông Mark Sanford, cựu thống đốc South Carolina và nay là dân biểu Mỹ “Người dân đã tha thứ cho tôi”. Đúng là cử tri Dân Chủ đã quá dể dãi, hay đã tha thứ cho ông, cho nên trong thăm dò khởi đầu ông cực kỳ thuận lợi. Hay là đảng Dân Chủ hết người? Thế nhưng vào cuối tháng Bảy có chuyện tiết lộ động trời: sau khi vụ tai tiếng xảy ra hơn hai năm trước khiến ông phải từ chức, ông vẫn quen thói sexting - nhất là vì ông đã rảnh rỗi hơn trước. Để cho chồng yên tâm tranh cử, bà Abedin lại bắt chước bà Clinton: “Tôi vẫn tin ảnh!”. Theo tạp chí People, bà Abedin năm ngoái đã quyết định ly dị ông Weiner sau khi biết chồng vẫn còn giữ “hobby” đó, tuy nhiên vì đứa con nhỏ của hai người nên bà lại thôi! Đó là chuyện của hai người, nhưng người ta vẫn trách bà có người chồng đã thế mà không cho người ta nhốt vào nhà thương điên, cứ đi làm những chuyện “trị liệu tâm lý’ tào lao, và còn ủng hộ tham vọng chính trị điên cuồng của chồng.  Không có cách nhận định khác hơn: người ta đã xem thường cử tri Dân Chủ, người dân New York và sự thịnh suy của thành phố này khi đưa ra tranh cử một người như ông Weiner!

Anthony Weiner, cựu dân biểu New York. Getty Images

Tính toán một cách công bằng thì tội lỗi của ông Spitzer thật ra lớn hơn ông Weiner. Bất quá thì cái hobby của ông cựu dân biểu chỉ có hại ông mà chẳng có gì là phạm pháp cả. Còn cái hobby của ông cựu thống đốc lẽ ra phải được điều tra và ông phải ra tòa. Ông đắc cử năm 2006, chấm dứt 12 năm thống đốc của nhân vật Cộng Hòa George Pataki. Trước đó, ông đã là bộ trưởng tư pháp tám năm của tiểu bang này. Ông mang bao nhiêu hy vọng, mong đợi của người Dân Chủ trong tiểu bang Dân Chủ này. Và chuyện ông phạm pháp thì đúng là chẳng ai ngờ tới được.

Vào ngày 10-3-2008, nhật báo The New York Times đưa tin ông Spitzer đã lui tới với một tổ chức dịch vụ mãi dâm cao cấp có tên là Emperors Club VIP và đã đến với một cô gái trong nghề có giá là $1.000 một giờ trong hai tiếng đồng hồ. Nguồn tin của câu chuyên động trời này chính là một cuộc điều tra của liên bang sau khi họ thu được những trao đổi điện thoại của ông. Ông Spitzer có ít nhất là bảy hay tám liên lạc với tổ chức này trong một thời gian ròng rã sáu tháng, và đã phải chi hơn $15.000 - chẳng có discount nào cho một ông thống đốc. Động trời hơn nữa, những người điều tra cho rằng ông đã phải tốn hơn $80.000 cho cái “hobby” của mình “trong nhiều năm” khi đang còn làm bộ trưởng tư pháp. Người ta thấy trong tài khoản ngân hàng của ông có những khoản chi và thu khác thường – người ta nghi có lẽ ông nhận hối lộ để thanh toán phí dịch vụ. Và từ đó, cũng nhờ ông, người ta mới biết cô Ashley Dupré một ngàn một giờ này và khám phá ra tổ chức làm ăn này. Chỉ bốn ngày sau khi tờ New York Times đưa tin, ông từ chức để tránh chuyện bị “truất bãi” (impeachment).

Khi hai ông Weiner và Spitzer mới ra trở lại, một số những người Dân Chủ đang đi tìm ứng cử viên có thể cảm thấy hào hứng vì có được những “khuôn mặt lớn”. Ủng hộ hai ông này, người Dân Chủ cho rằng họ thể hiện được tinh thần “vị tha” và nhắm đến “hiệu quả chính trị” hơn là soi mói đời tư cá nhân. Nhưng công luận khắp nước không nghĩ thế. Họ đặt câu hỏi: Người dân New York có điên không. Và dường như câu trả lời ẩn hiện xa gần trong kết quả của một kỳ thi cho học sinh lớp tám của tiểu bang này về trình độ đọc và toán của học sinh. Môn “tập đọc” là môn rộng rãi nhất nhằm nâng cao trình độ kiến thức, nhận thức của học sinh. Toán học là môn có tác dụng đến khả năng lý luận, suy luân, phân tích, tổng hợp. Trong cả hai môn này, chỉ có 31% học sinh đặt được điểm chuẩn, so với tỷ lệ 65% cách đây mười năm. Học sinh như thế, thảo nào người dân…

Xem chừng hai ông Weiner và Spitzer đang cố vận động trong đám cử tri da đen. Có lẽ họ tin rằng thành phần này chẳng đề ý những chuyện “tuế toái” quen thuộc đó. Nhưng những khuyến cáo nghiêm chỉnh ngày càng bức bách. Trong tuần này, một nhân vật Dân Chủ đã lên tiếng. Bà Kathleen Rice, biện lý của Nassau County và chủ tịch của Hiệp hội Biện lý tiểu bang New York, nói rằng chuyện tranh cử của hai ông Weiner và Spitzer là “trò đùa dai”. “Weiner không biết nói  thật. Spitzer phạm pháp mà chẳng bị gì cả, nay họ lại xin người dân hãy tin họ trở lại. Đúng là chuyện đùa dai!” Bà Rice còn là đồng chủ tịch ủy ban chống tham nhũng của Thống đốc Cuomo. “Nhìn đến việc chúng tôi đang làm ở ủy ban này, điều này đi ngay vào lý do tại sao người dân ngày nay chẳng có mấy kính trọng những người công bộc”.

Hãy cứ giả sử, hai ông này đều đắc cử vào tháng 11 tới đây. Khi gặp ông Weiner, ngưòi ta sẽ vui vẻ hỏi: “Thưa ông thị trưởng, ông có ‘post’ hình nào mới lên mạng hay chăng?”. Và khi gặp ông Spitzer, người ta vỗ vai ông thân thiện, chẳng còn thấy có mấy khoảng cách: “Nào ông kiểm toán, lúc này có em nào mới không?”[HNN]

No comments:

Post a Comment