Ngô Nhân Dụng
Người Việt ở khắp thế giới chào mừng cháu Nguyễn Phương Uyên đã được về nhà. Khi ra khỏi nhà tù, cháu đã nghĩ ngay tới những bạn bè cùng lứa tuổi: “Tôi nghĩ hành động của mình nhỏ bé thôi... tôi vui mừng và tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ, để họ không còn vô cảm nữa.”
Cháu có thể yên lòng, rất nhiều người không còn vô cảm nữa; chính cháu góp phần vào hiện tượng chuyển hóa đó. Riêng thái độ bình tĩnh, tự chủ của cháu đã thay đổi nhiều người. Huỳnh Ngọc Chênh thăm cháu trong tù về, đã viết: “...Dường như Phương Uyên đã truyền niềm tin đến cho mọi người. Nên sau đó, Lê Quốc Quyết đã ghi trên facebook: Ði thăm Phương Uyên để động viên tinh thần em và gia đình, không ngờ khi gặp em thì mình được động viên tinh thần nhiều hơn.” Ði thăm cháu ở nhà tù và đi biểu tình trong thị xã Tân An có nhà thơ Hoàng Hưng, có cả những đảng viên cộng sản lâu năm như Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi. Họ không vô cảm được. Và chắc cháu đã được đọc bài của Lê Hiếu Ðằng “tính sổ” với đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Lê Hiếu Ðằng kêu gọi các đảng viên Cộng Sản khác: “Tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ Xã Hội?”Ý kiến của Lê Hiếu Ðằng đã gây tiếng vang rất xa và rộng. Có bài phản ứng của Hà Sĩ Phu về “Con đường Xã hội Dân chủ” và một bài của ông Hồ Ngọc Nhuận hô hào ủng hộ đảng mới. Ðọc bài “Phá Xiềng” của ông Hồ Ngọc Nhuận, tôi muốn cần nêu lên vài ý kiến; khi nghĩ đến các bạn trẻ như Huỳnh Thục Vi, Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, vân vân, đang dấn thân tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ. Muốn xây dựng một xã hội tự do dân chủ chúng ta cần suy nghĩ theo lối tự do dân chủ, mà sau khi đọc bài của ông Hồ Ngọc Nhuận tôi cảm thấy mọi người chưa chắc đã thấm phong cách sống dân chủ. Ðiều này cũng dễ hiểu. Những người chưa bao giờ xuống nước thì khó hình dung bơi lội nó thế nào. Nhưng có nhiều điều chúng ta cần xác định rõ ràng về cách sống dân chủ trong khi còn đang tranh đấu thiết lập chế độ dân chủ.Ông Hồ Ngọc Nhuận hoan nghênh việc vận động thành lập “đảng mới” này với lời lẽ nồng nhiệt biểu lộ tấm lòng thành; như một người đang đi trong sa mạc trông thấy mặt nước long lanh ở phía xa. Và ông kêu gọi mọi người, không riêng gì các đảng viên Cộng Sản, hãy tiến tới đó uống cho hết khát. Ông viết: “Tổ tiên nòi giống đang ủng hộ, cổ võ sự ra đời của đảng Dân Chủ Xã Hội mới. Các đảng chánh trị yêu nước, với các chiến sĩ đã hy sinh hay còn sống, bị bức tử gần đây... đang ủng hộ các bạn. Các tiền bối yêu nước thương dân của mọi thời kỳ, cả các đảng viên Cộng Sản lão thành đã hy sinh hay đang uất nghẹn trước sự phản bội của một phường tham nhũng trục lợi, đang ủng hộ các bạn.” Vân vân. Sau khi nói đến “tổ tiên nòi giống,” những “chiến sĩ đã hy sinh,” “Vong linh hằng vạn thanh niên nam nữ” đang cổ võ, ủng hộ đảng mới, ông Hồ Ngọc Nhuận còn kể thêm: “Hằng vạn gia đình nạn nhân các đợt cải cách, cải tạo... Hằng vạn gia đình nạn nhân chết tức chết tưởi, trên biển trên bờ... Toàn thể nông dân... Lực lương các anh chị em công nhân... Các ngư dân và gia đình các ngư dân... Hàng hàng lớp lớp học sinh sinh viên... Các nhà kinh doanh, những người dân làm ăn lương thiện... hàng ngũ trí thức, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, báo chí trên cả nước... Các chức sắc và nam nữ tín đồ các tôn giáo đang khao khát tự do hành đạo...” Tất cả những lớp người đó, ông Hồ Ngọc Nhuận viết, “đang ủng hộ các bạn, đang thúc giục các bạn, đang hối thúc các bạn, đang khẩn thiết kêu gọi các bạn, đang mong chờ các bạn, đang thúc bách các bạn,” vân vân.Những lời kêu gọi nhiệt thành đó rất đáng ngợi khen. Chỉ thiếu một điều ông Hồ Ngọc Nhuận chưa cho biết, là “Ðảng Dân Chủ Xã Hội mới” mà ông cổ võ nó sẽ làm cái gì? Tất nhiên, chuyện đáng khen là có người đề nghị thành lập đảng trong khi chính quyền Cộng Sản hiện không chấp nhận cho một đảng thứ hai nào xuất hiện. Riêng việc đưa ra cái tên Dân Chủ Xã Hội, khác với chủ trương chuyên chế của đảng Cộng Sản, đã đáng hoan nghênh rồi. Nhưng người dân cần biết cái đảng này sẽ làm gì. Nhất là, cần biết nó sẽ làm gì nếu lên nắm quyền thay thế đảng Cộng Sản. Làm sao có thể hô hào tất cả các tầng lớp dân chúng như trên có thể ào ào ủng hộ một đảng mới, chỉ vì thấy cái tên mới?Thiếu sót đó, chắc vì tác giả bài “Phá Xiềng” chưa có kinh nghiệm sống trong một thể chế tự do dân chủ, chưa có thói quen suy nghĩ theo lối sống tự do dân chủ. Trong một xã hội dân chủ, mỗi đảng phái chinh phục cử tri bằng những chương trình hành động nếu họ được nắm quyền, chứ không chỉ dựa trên một cái tên hay một khẩu hiệu. Hiện giờ chỉ mới thấy ông Lê Hiếu Ðằng mới chỉ nói muốn “thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ Xã Hội”. Nói “chẳng hạn” nghĩa là chưa chắc chắn. Mới có thế mà đã kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ, cả người còn đang sống lẫn người đã khuất, thì hơi vội vàng.Ông Hồ Ngọc Nhuận còn viết một câu nghe đáng lo ngại; ông tuyên bố: “Ðứng vào hàng ngũ đảng Dân Chủ Xã Hội là yêu nước.” Những người phải nghe đài và đọc báo Nhân Dân qua nhiều năm hay bắt chước cái lối nói “ăn trùm” như vậy. Một thủ đoạn của các đảng cộng sản là thấy những gì tốt đẹp của nhân loại thì dùng vơ vào tất cả làm của mình, hô khẩu hiệu rồi dần dần biến thành thói quen khi nói năng. Anh có yêu nước không? Có? Vậy chính anh ủng hộ đảng tôi rồi? Anh có muốn dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng hay không? Nói có tức là anh đã học tập nghị quyết đại hội đảng tôi rồi!Trong một xã hội tự do dân chủ người ta không sống, không suy nghĩ theo lối trùm lấp đó. Một đảng chính trị không có tham vọng bao gồm tất cả mọi người, những người yêu nước, người đạo đức, người chồng chung thủy, người vợ đảm đang, những người lái xe cẩn thận, đánh răng mỗi ngày, biết ăn uống điều độ không mập phì, vân vân. Phải nghĩ rằng trong tất cả các đảng chính trị khác cũng có những người tôn trọng các giá trị chung của nhân loại. Mỗi đảng phân biệt với đảng khác bằng chương trình lập pháp, chứ không phải là vì đảng này yêu nước, đảng kia không. Các chương trình hành động này phản ảnh khát vọng hay quyền lợi của các nhóm dân chúng, mỗi đảng thu hút các “nhóm lợi ích” khác nhau. Mà trong mỗi đảng, chính các nhóm này cũng không hoàn toàn đồng ý với nhau tất cả mọi chuyện. Chính họ cũng phải thỏa hiệp với nhau khi ủng hộ cùng một đảng. Thí dụ, một đảng chính trị có thể thu hút những người chống phá thai, cùng những người đòi giảm thuế. Hai nhóm theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, họ nương vào nhau để chiếm đa số phiếu cho đảng, nhưng trên các vấn đề khác họ có thể trái nghịch nhau. Mỗi nhóm lợi ích có thể thay đổi từ đảng này sang đảng khác, tùy thời gian và chương trình tranh cử của các đảng. Không một đảng chính trị đứng đắn nào dám nói: Những người tốt nhất thì vào đảng tôi. Nói như vậy người ta sẽ cười cho. Nói như vậy là không hiểu tinh thần dân chủ.Trên đây là mấy điều mà các bạn trẻ như Huỳnh Thục Vi, Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha nên biết. Còn rất nhiều khác cần biết nữa. Trong lúc tranh đấu thiết lập một xã hội dân chủ tự do chúng ta cần sống và suy nghĩ theo lối tự do dân chủ.Nước Việt Nam chúng ta cần nhiều đảng chính trị, họ cần cạnh tranh với nhau, giống như trong thị trường. Mỗi đảng phải trình bày chương trình mình sẽ làm gì, khi cầm quyền. Một khẩu hiệu như Dân Chủ Xã Hội chưa đủ. Ở Việt Nam ông Mai Thái Lĩnh là người đã nghiên cứu và trình bày rất nhiều về các chế độ Dân Chủ Xã Hội trên thế giới. Nhưng một đảng Dân Chủ Xã Hội ở Việt Nam phải cho biết sẽ có các chính sách cụ thể như thế nào, phù hợp với nhu cầu của đất nước.Chúng ta hiểu hoàn cảnh khó khăn của những người như các ông Lê Hiếu Ðằng, Hồ Ngọc Nhuận. Ðối tượng của họ hiện giờ không phải là tất cả dân chúng Việt Nam. Họ nhắm trước hết vào các đảng viên cộng sản, chỉ cho những người này thấy nếu bỏ đảng vẫn có thể hành động cách khác. Lê Hiếu Ðằng còn đoán “trong một thời gian dài đảng Cộng Sản vẫn sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được”. Lời tiên đoán đó cốt để làm cho các lãnh tụ đảng bớt sợ, nhưng không biết họ có tin không?Nhưng việc kêu gọi các đảng viên cộng sản bỏ đảng, lập đảng mới không phải là phương cách tranh đấu duy nhất. Các bạn trẻ có thể vận động cho một xã hội dân chủ tự do bằng nhiều lối hoạt động khác. Nước ta đang cần những phong trào, mọi phong trào nhằm vào một vài mục tiêu cụ thể. Các blogger đang đòi xóa bỏ các điều luật “bịt mồm bịt miệng”. Các nông dân đang đòi thay đổi luật ruộng đất. Bao nhiêu người đang đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Các công nhân đảng muốn tự do lập công đoàn. Còn phải gây một phong trào bãi bỏ chế độ hộ khẩu để dân được tự do cư trú và di chuyển. Cần nhiều phong trào bảo vệ môi trường; vân vân.Các phong trào đó có những mục tiêu cụ thể, sẽ thu hút được nhiều người. Chính các đảng viên cộng sản cũng có thể tham gia vào các phong trào này. Khi người dân tự do và tự nguyện tham gia, họ sẽ tập sống theo lề thói dân chủ. Tất cả các hoạt động đó sẽ xây dựng nên một xã hội công dân, nền tảng của chế độ dân chủ. Tới một lúc, các phong trào nhỏ tập hợp lại, nếu cần sẽ thành lập một đảng chính trị. Khi nào cụ bà Lê Hiền Ðức, ông Ðoàn Văn Vươn, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A họp nhau lại lập một đảng, chắc họ cũng đại diện cho nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân. Nhưng không phải cứ ai yêu nước thì phải vào đảng “HÐVA” này! Ngay từ bây giờ, chúng ta đã nhất thiết phải sống theo tinh thần dân chủ. Trong việc xây dựng chế độ dân chủ, những bước đầu mà đi trệch đường sẽ gây hại rất lâu trong tương lai. Vì vậy, tôi mới xin phép khuyên ông Hồ Ngọc Nhuận thay đổi cách suy nghĩ.
No comments:
Post a Comment