Showing posts with label VNCH. Show all posts
Showing posts with label VNCH. Show all posts

11/9/22

NÉN HƯƠNG cho NGƯỜI NẰM LẠI

Hàn Sĩ Phan  

Khoảng giữa tháng bảy năm 2007, nghĩa là sau gần 12 năm đến định cư ở Mỹ theo diện H.O. vào gần cuối tháng 9-1995, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Thủ Đô Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ…Và nơi tôi nhờ bạn học đưa đến thăm trước nhất không phải là vùng Hoa Anh Đào dọc bờ sông Potomac vì đã qua mùa hoa nở, mà là nghĩa trang Quốc Gia Arlington. Đi rảo viếng vòng vòng trong Nghĩa Trang hơn hai tiếng đồng hồ lòng tôi bâng khuâng tràn đầy cảm xúc và ngưỡng mộ…Ngưỡng mộ không phải chỉ vì nó rộng lớn, ngăn nắp, khang trang mà là sự trân trọng với những tấm bia kích thước ngang nhau được xây dựng cho Người đã nằm xuống dù ở chiến tuyến nào trong cuộc nội chiến tương tàn 1860 – 1865, kể cả dành nơi trang trọng để lưu niệm cho những chỉ huy của cả hai phía và bia mộ cho các chiến sĩ vô danh, không tìm được danh tính lúc tử trận trong cuộc nội chiến, của cả hai bên. Đúng là Điểm Son không cần tô vẽ bằng khẩu hiệu của những con người có ý thức văn minh nhân bản và đủ đầy nhân cách của một nhân sinh đúng nghĩa. Không biết trong ngôn ngữ văn học của Mỹ có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận” hay không..? nhưng Họ đã thể hiện đúng trong thực tế đời thường.

   

 Khoảng gần cuối tháng chín năm nay 2022 tôi lại về thăm quê hương VN và trú ngụ tại nhà người thân ở quận ba, Sài Gòn. Lần nầy nơi thăm viếng đầu tiên của tôi là Nghĩa Trang Quân Đội VNCH ở gần xa lộ Biên Hòa cũ ( nay được gọi là nghĩa trang nhân dân Bình An, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương ). Chốn nầy đã từng là nơi an nghỉ của từ 16,000 đến 25,000 Tử Sĩ Quân Lực VNCH và một số công chức cấp cao. Mặc dù nhiều năm qua tôi đã nghe nói, nghe kể và xem một số  băng Video phô bày sự hoang phế của những mộ phần trong khu nghĩa trang còn lại nầy…nhưng bây giờ có cơ hội phải đến tận nơi để nhìn tận mắt và đốt nén nhang cho những người còn nằm lại trong hoang tàn, đơn lạnh : Có người hơn, có người gần NỬA THẾ KỶ !

     

Nơi hoang tàn, đơn lạnh có nghĩa là nó còn tồn tại…Bởi vì những mộ phần nơi đây có thể sẽ biến mất dần dần…Một phần rất ít được người thân bốc mộ cải táng hoặc thiêu lấy tro cốt, nhưng phần lớn chắc sẽ bị san ủi…Bởi vì ai cũng biết đất ở VN, nhất là trong, ngoài Sài Gòn rồi đến Thủ Đức, Biên Hoà, Bình Dương v.v..đều được tính từng mét vuông bằng vàng, bằng ngoại tệ…Những khu dân cư có người sống sờ sờ, mặc dầu đã liều mạng đấu tranh để giữ đất nhưng nếu đã nằm trong tầm ngắm thì đều bị chính quyền xua đuổi để chiếm với đồng tiền bồi thường bèo bọt, rẻ mạt và kéo dài dây dưa vô tận…huống chi là khu mộ phần của những người đã nằm xuống bất động mà lại thuộc về phía bại trận…! Cũng may nhờ có sự góp phần của những tiếng nói Hải ngoại…


Vào cuối tháng 10-2017 một Phái Đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Đã đến viếng khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nầy, sau đó được chính giới trong chính phủ Hoa Kỳ và 19 Dân Biểu Hạ Viện Liên Bang vận động lưu giữ và trùng tu. Dĩ nhiên vì lý do bang giao và những quyền lợi trao đổi phát sinh cho nên khu nghĩa trang cũ đã được tồn tại mặc dù không biết đến bao giờ ? Còn trùng tu thì chỉ mới qua loa như xây một khu bệ nhỏ để hoa quả và đúc đặt một lư hương để có chỗ dâng nhang cho những người đến lễ viếng.( Chỗ nầy ở dưới khu mộ phần gần sát vách tường của Lễ Đài chính cũ, còn Lễ Đài thì vẫn đóng vì hình như không được cho ra vô bình thường ).  Ngoài ra, khu mộ thì có nơi được dọn dẹp phát quang cây, cỏ dại và đặc biệt có lẽ do yêu cầu, các rễ cây lớn đâm vào dưới mộ đã được cắt, chặt…Tuy nhiên chỉ vào dịp gần TẾT Âm Lịch thì những mộ phần mới được dọn dẹp kỹ hơn nhờ có thêm một số người thiện nguyện tham gia, trong số người thiện nguyện nầy có lẽ có một số chiến hữu cũ đến góp phần thể hiện chút công quả hy vọng làm ấm hương linh người qúa cố được chút nào hay chút nấy. Hơn nữa, nếu có người yểm trợ điều kiện, thường là thân nhân hoặc các mạnh thường quân thì một số mộ được quét vôi và trét đắp những vết nứt. Còn như chúng tôi đến thăm vào những ngày tháng bình thường thì chỉ nhìn thấy cảnh hoang sơ, đơn lạnh…rêu phong phủ kín mộ phần !

     

Con đường đi vào nghĩa trang bây giờ là ở phía sau, có cửa sắt đóng mở theo giờ. Bên trong gần sát cổng có căn nhà dành cho nhân viên quản lý và bảo vệ. Muốn vào thăm mộ thì phải trình báo ở đây để được hướng dẫn. Điều nầy làm chúng tôi hơi bất ngờ vì thật ra mình không có mộ người thân nằm ở trong nầy…Tuy nhiên mọi việc cũng dễ dàng, tôi nói là ở nước ngoài về và có người bạn thân nhờ tìm giùm mộ người nhà để gần Tết ta về thăm cho được dễ dàng và thuận lợi…rồi nói đại tên nguyễn văn X, hạ sĩ quan, mất vào khoảng cuối tháng 3-1975. Tôi cũng nói là đi cầu may thôi vì người bạn cho biết là đã từ lâu lắm không được tin tức, cũng không chắc tìm được…nhưng nhân tiện có dịp đốt nén nhang cho những chiến hữu đã nằm lại ở đây. Cậu trưởng toán quản lý khoảng ngoài 30, người miền nam, đã xong nghĩa vụ quân sự năm năm, hiểu được tình đồng đội, tính tình cũng dễ dãi, dễ thương…Cậu ghi sổ khách viếng rồi hướng dẫn lối vào và hướng đi. Tôi có hỏi mua vài bó nhang, cậu nhanh nhẩu đưa cho tôi một bịt nhang lớn và cái bật lửa rồi nói : “Mỗi ngày con cũng có chia ra đốt nhang cho từng khu, nay có các bác đốt thay cho thì khu nầy con khỏi đốt…không cần phải trả tiền nhang đâu, đã có chi phí cho mục nầy”. Không biết có phải thấy tôi với bà xã và Long ( Nguyễn thăng Long ) lớn tuổi, lại nói là ở nước ngoài về nên được đối xử tử tế, lễ phép như vậy không ? Tôi nhìn sâu vào mắt người đối thoại và thấy nét chân thật lộ rõ trên gương mặt của cậu trẻ người nam bộ dễ thương nầy nên có cảm tình ngay…(dĩ nhiên là sẽ được đáp trả thoải mái khi xong chuyện theo đúng nguyên tắc giao tiếp rồi).

     

Tôi với bà xã và Long đến khu có bàn cúng và lư hương đốt bó nhang lớn…Trời đã gần trưa nên có nhiều tia sáng xuyên cành, trong không gian tĩnh mịch có tiếng xào xạc nhẹ nhàng lưa thưa của những chiếc lá lìa cành…Nơi chốn nầy từ hơn nửa thế kỷ hoặc gần nửa thế kỷ có những chiến hữu, đồng đội của chúng tôi đã gửi thân xác lại đây…Có những xác nguyên vẹn nhưng cũng có những thân xác không còn nhìn rõ hình hài…Rồi cuộc chiến kết thúc trong bi thảm…Họ là tử sĩ của bên thua cuộc ! nên hứng chịu chung niềm oan khuất của phía bại trận : “ Tủi hờn trong hoang lạnh cô đơn”. Bây giờ đứng ở đây nhìn những nấm mộ phủ kín rêu phong, lòng dâng trào cảm xúc nghẹn ngào ! Xin được quỳ xuống hôn mảnh đất mà hình như khắp mọi nơi trong khu nầy đều thấm đậm và hòa trộn niềm u uẩn với hương linh chưa siêu thoát của các chiến hữu còn phảng phất đâu đây…Vài nén nhang với tất cả lòng thành xin kính bái Anh Linh người đã khuất. 

….. “Ngày Anh đi, anh đi…Anh đi từ tổ ấm

        Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh ?

        Đợi anh về…Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ

Tấm khăn sô…”.

     

     Trong lúc đi cắm nhang trên một số mộ phần, tôi đã tình cờ tiếp cận một hoàn cảnh buồn đau đến mủi lòng . Một ông lão khoảng trên 70 cầm mấy nén nhang vừa đi vừa lẩm bẩm : “- Anh biết chú nằm ở đâu đây mà…Bình ơi ! Bình ! Sao chú lại đi vào những ngày gần cuối đó chứ…sao không chờ anh đưa về…Rồi sau đó lại giận anh không cho anh biết chổ chú nằm ở đâu? Em ơi ! Em có đói không ? Em có lạnh không ?”. 

   -Tôi rất ngạc nhiên nhìn ông lão đang lẩm bẩm một mình, gọi là ông lão nhưng tôi tin ông ta không hơn tuổi xấp xỉ 80 của tôi…nhưng có lẽ nét gian khổ hằn sâu trên gương mặt đã làm ông già đi trước tuổi rất nhiều. Tôi tiến lại gần và hỏi ông ta :

    - Ông anh đang đi tìm người thân ?


      Ông nhìn tôi, hình như cố nở nụ cười nhưng miệng vẫn còn méo xệch và mắt ngấn lệ :

     - Em tôi nó giận tôi, nó không cho tôi biết chỗ nằm…nhưng tôi sẽ tìm được thôi, nó đừng hòng ! hà..hà.

     Tôi chào ông và chúc ông tìm được người thân…nhưng không hỏi thêm gì nữa vì hiểu rằng có lẽ nỗi đau kéo dài đã làm cho tâm trí ông trở nên bất bình thường ! Tôi định trở về lại chỗ cũ, khu có lư hương thì thấy cậu quản lý trẻ đi vào, tay cầm bình xịt trừ muỗi nho nhỏ…cậu ta thấy tôi và gọi : - Bác ơi, ở đây muỗi nhiều lắm, để con xịt cho bác một chút thuốc cho đỡ…Cháu đã xịt cho bác gái và ông bạn của bác rồi. Quả thật muỗi khá nhiều, muỗi rừng nho nho nhưng chích rất nhanh và đau. Tôi bảo cậu trẻ xịt luôn cho ông lão và nhân tiện hỏi thêm về ông ta…

       - Này cậu, cậu có biết gì về ông lão tìm mộ người thân nầy không ?

       - Dạ ông cụ Hòa đó hả ? Con biết ông ta đi tìm mộ người em tên là Bình. Con đã giúp tìm nhiều lần nhưng không được vì hình như ở Nghĩa Trang Quân Đội cũ nầy không có ngôi mộ đó. Chuyện ông cụ dài lắm. Cách đây hơn năm năm, sau khi xong nghĩa vụ con được ông Cậu xin đưa vào làm việc ở đây thì đã nhiều lần thấy cụ Hoà đi tìm mộ em rồi. Cậu con kể ông ấy có người em tên Bình là hạ sĩ nhất Biệt Động Quân, lính Cộng Hoà…còn ông ta là trung sĩ làm việc ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hóc Môn…nhà cũng ở vùng đó. Vào khoảng giữa tháng 4/75 ông nghe nói em ông ta bị thương nặng từ chiến trường Long Khánh…có đem về Bệnh Viện Quân Đội Cộng Hòa ở Gò Vấp…Lúc đó tình hình lộn xộn, ông chưa kịp tìm hỏi rõ ràng thì tan hàng…rồi sau đó từ từ không biết thêm tin tức gì nữa… Sau nầy, khoảng năm, bảy năm gần đây có lẽ nghe người ta nói những binh sĩ VNCH lúc đó chết ở Saìgòn được đem chôn ở Nghĩa Trang nầy nên ông ta lại đến tìm. Cậu của con còn cho biết những lần đầu đến tìm ông còn rất tỉnh táo nói rõ Họ Tên, cấp bậc và khoảng thời gian chết của người em nhưng tìm mãi cũng không có dấu tích, nên cứ tự trách mình là đã bỏ bê để cho em chết mất xác…Rồi dần dần cứ tự trách móc, dằn vặt mãi nên có lẽ đã làm tinh thần ông suy sụp và không còn bình thường nữa… Thật tội nghiệp ! Bây giờ thì lâu lâu ông lão mới đến và càng ngày càng suy yếu, con thấy vậy cũng thương và cũng theo lời cậu con dặn là khi ông đến cứ trao cho ông mấy nén nhang rồi cứ để ông tự nhiên đi tìm người đã mất…chừng nào ông muốn ra về thì về, chỉ chú ý là nếu ông đến buổi chiều thì đừng để ông ở lại trễ.

     

Ôi cuộc chiến bi thảm và tàn nhẫn ! Gia đình ông lão đi tìm người em, chết mất xác vào những ngày gần tàn chinh chiến, chắc chắn mơ ước một cuộc sống bình yên, không có cảnh bom rơi, súng nổ, đạn bay nên đã đặt tên cho hai đứa con trai là Hoà – Bình. Nhưng rốt cuộc một đứa chết mất xác vì chiến tranh, đứa còn lại cũng chịu hệ lụy sau cuộc chiến để trở nên tinh thần bất ổn !!! Vì cái lý tưởng gì đây ? Giải phóng dân tộc ? Xây dựng một thiên đàng ảo tưởng ? Phải ! Cuộc chiến hơn hai mươi năm đã giải phóng sinh mạng hàng triệu, hàng chục triệu con người chết tức tưởi, oan khiên…Sau cuộc chiến kẻ thắng trận còn giáng đòn thù : bức tử vô số sinh mạng khác trong ngục tù, dọc đường chạy trốn chế độ trong rừng thẳm, ngoài biển khơi !!! Còn “Thiên Đàng” thì không phải hoàn toàn Hư Ảo mà cũng có dành riêng MỘT GÓC RẤT THẬT, thật đến trần truồng dành cho Cán Bộ, Đảng Viên cao cấp xây dựng biệt điện, dinh thự, lâu đài để hưởng thụ trác táng, cất trữ vàng bạc, ngoại tệ, thưởng thức cao lương mỹ vị đắt giá như “bò dát vàng” chẳng hạn v.v.và v.v..

   Chỉ Còn Một Lời Để nói là “Không còn gì để nói”!!!

   Thôi xin tỏ bày một chút tâm tình nơi đồng đội, chiến hữu còn nằm lại trong hoang lạnh, ngậm ngùi :


 

           Bạn  nằm đây  nửa  chiều  dài thế kỷ,

Vẫn chưa được an nghỉ giấc nghìn thu.

Bởi chúng mình thuộc về phía bị thua…

Đành tủi hờn trong âm  u hoang lạnh.


Sầu vong quốc chung chia niềm bất hạnh,

Người nằm lại trong hiu quạnh  cô đơn.

Những nấm mộ  rêu phong phủ xanh rờn,

Thêm  xác lá  như  giọt buồn  đọng lại !


Đời quân ngũ… những ngày xưa thân ái,

Nay  còn  gì ?  ngoài  tê  tái  cõi  lòng.

Nắm xương tàn chưa thoát kiếp long đong,

Hồn vất vưởng  chờ trông ngày  siêu độ.


Đến  thăm bạn vào đầu Thu  lá  đổ,

Qùy hôn mảnh đất gần chỗ bạn nằm,

Tấm chân tình xin khấn nguyện Hồng Ân,

Giúp bạn siêu thoát : Vĩnh Hằng an nghỉ.

 

Đốt  nén  nhang  tỏ  chút  tình  tri  kỷ,

Cùng chiến hữu chung nghiệp dĩ tang thương:

Kẻ gục ngã, người viễn xứ tha hương.

Nay linh cảm : Cõi Âm-Dương hội ngộ.


Thoáng ngọn gió tựa tiếng ai bày tỏ,

Lá  xạc xào  như  lời ngỏ  thì thầm,

  Vang vọng về từ một cõi xa xăm…

Hồn Tử  Sĩ đã nhiều năm vất vưởng !

 

 Trong hương khói với lòng thành hướng thượng,

 Cầu người khuất mặt an hưỡng bình yên.

 Đã chung đường thì  ắt cũng hữu duyên ?

 Rồi sẽ trùng phùng nơi miền vĩnh cửu.


 BÁI BIỆT ANH LINH BẠN HIỀN CHIẾN HỮU


 Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

 Một Ngày Mùa Thu 16/09/2022 - HÀN SĨ PHAN


Xem Video: HS Phan & NT Long viếng thăm NTQĐ BH



Đọc thêm: Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu 

11/3/22

Những gian lao của Thủ tướng Ngô Đình Diệm giành độc lập từ tay người Pháp

31 tháng 10 2022
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng
Gửi đến BBC từ Virginia, Hoa Kỳ

Ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, xuất hiện tại một hội chợ ở Sài Gòn năm 1957

Tiếng hát của ca đoàn vang vang trong Thánh Đường buổi sáng hôm ấy. Nhà thờ ‘Chính Tòa’ Sài Gòn (còn gọi là ‘Nhà thờ Đức Bà’) đã chật ních những giáo dân. Bầu không khí thật trang nghiêm, long trọng. Đã từ mấy tuần rồi, ca đoàn phải tập dượt cho thật kỹ một số nhạc khúc chọn lọc để hát vào một dịp lễ đặc biệt. Lần đầu tiên, một Hồng Y Mỹ nổi tiếng, ông Francis Spellman, tới thăm viếng Việt Nam. Ông là thượng khách của tân thủ tướng chính phủ. Phần đông ca đoàn là những thanh niên vừa được tầu Mỹ chuyên chở từ miền Bắc di cư vào Nam mùa Hè 1954, trong đó có tác giả.

11/26/21

LỜI CÁM ƠN NHƯ TIẾNG LÒNG BẤT TẬN

( Gởi: Lê Văn Trữ, Cao Văn Tuấn, Trần Tỵ, Trần Thanh Xuân, Lê Diệp, Nguyễn Phong, Nguyễn Văn Hành, Trần Văn Phùng, Nguyễn Văn Phước, Hồ Viết Sành, Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Minh, Lê Văn Chánh, Qúy "mát", Nguyễn Văn Thu, ... 1/3/37 BĐQ dù đang ở bất cứ phương trời nào. )

Năm 2021 đang đi vào những ngày tháng sau cùng của niên lịch. Trên toàn quốc Hoa Kỳ, mọi người cũng hăm hở thắp ngọn nến lòng để mừng Lễ Tạ Ơn. Đất nước này, từ lâu không còn mang ý nghĩa "tạm dung", mà ngược lại đã trở thành "vườn hoa" của người Lính già trên đường về nguồn, chờ ngày thành bụi tro để nương mây, theo gió.

Bước chân đang hướng dần về sương khói trăm năm mà lòng vẫn nặng mang những uẩn tình chưa kịp ngỏ. Không thể nào quên những tháng ngày thắm Tình Huynh Đệ, nặng Nghĩa Chi Binh! Vạn dặm xa quê mà lòng mãi hoài vọng hướng đăng trình. Nửa thế kỷ đã qua mà vẫn nhớ hoài dấu giày saut đây, đó!

Di sản cho đời, cho người, chẳng có gì ngoài nhọc nhằn, gian khó. Trái tim dẫu chưa khô cằn nhưng cũng sắp cạn dần những ký ức thuở phong sương. Đáng buồn thay! Hơn nửa đời người và sau một kiếp ly hương, mà hồn vẫn cuồng quay và chân còn rị mọ trong vũng lầy phiêu bạt.

Nhớ xưa nhịp giày Saut kiêu hùng khua vang như tiếng nhạc. Đi giữa lằn tên, mũi đạn, lướt chông gai mà chẳng chút ngại ngần. Thường xuyên đối diện với Tử Thần cũng không thoáng phân vân. Nay nhìn lại thấy mỏi mòn trong từng ngày sinh hoạt. Mới hôm nào trên bước đường phiêu bạt, tiếng " Xung Phong! " hòa đạn nổ rân trời. Đồng đội xưa giờ tan tác khắp nơi. Chiến Hữu cũng lạc loài ngay trong tăm tối của quê hương nghiệt ngã!

Tôi tuy lưu vong, nhưng dẫu sao cũng an nhàn trên đất người, xứ lạ. Bạn, đáng buồn thay, phải chịu sống lất lây giữa chốn quê nhà! Thảm trạng bây giờ có khác gì trong tù ngục bao la; khi từng ngày, từng phút, từng giây, bạn phải chịu đựng cảnh tình của một khúc phim nghẹt thở! Cứ như bạn đang oằn mình để thay chúng tôi trả từng món nợ. Nợ trần ai đã làm bạn còng lưng, ná thở giữa đời thường. Đáng buồn thay! Mà cũng bất công thay cho những người đã từng giữ biên cương, ngăn cuồng lũ, chống giặc thù xâm lấn!

Đã hơn nửa đời người, tôi an nhàn, yên phận, nhưng không một ngày nào quên gian khó thuở chi binh. Không thể quên những ngày xưa thân ái rất chí tình của lính chiến chung lưng ngoài trận tuyến. Vì kiếp nạn trên quê nhà, bạn và tôi phải cúi mặt, bó tay, rồi rưng rức chia hai nơi trời, biển. Nhìn về quê hương, tôi chỉ biết dâng lời thầm nguyện. Cầu mong mọi người- trong đó có bạn- ráng "nín thở để qua sông". Lời thành tâm tôi nói từ tận đáy lòng; lúc suy tưởng, hay trầm ngâm trong niềm thương, nỗi nhớ.

Đồng Đội ơi! Tôi tự nhủ là mình còn đang nặng nợ. Món nợ thiêng liêng, đong bằng xương máu thuở chi binh. Tiếng cám ơn có thể không diễn đạt hết nghĩa tình, bởi chính bạn là người đã chấp nhận hy sinh để cho tôi được sống. Hỡi Tử Sĩ của thanh xuân đầy biến động! Bạn thiên thu là ngọn nến soi đường, là đuốc thiêng thắp nẻo quê hương. Bạn luôn hiện hữu trong lòng tôi nơi lưu xứ hà phương, để giúp nhớ mãi về những ngày cùng dấn thân trong nghiệt oan định phận.

Chính vì vậy, lời cám ơn như tiếng lòng bất tận. Bởi khi xưa tôi đã "hà tiện" ngôn từ và quên cả tiếng tri ân, nên ngày nay dù có nói đến vạn lần, cũng không đủ ý nghĩa như lúc còn trong cuộc chiến. Khi tiễn bạn lúc tải thương, hay ngậm ngùi nhìn poncho còn thấm rĩ máu hồng, tôi không kịp nói tiếng cám ơn, mà chỉ đọc thầm một vài câu kinh nguyện, hoặc nói nhanh một lời chúc bình an là vội vã trở về với phận sự và trách nhiệm đa mang nơi chiến tuyến.

Thời gian trôi trên lữ thứ dặm trường qua dòng đời đầy biến, hiện, đã không làm nhạt phai ký ức thuở đao bình. Mà ngược lại, tuy ký ức sắp cùn mằn, nhưng quá khứ vẫn lưu trữ thời khắc đậm như in, của những chuỗi ngày sống trong cảnh bom rơi, đạn nổ. Hình ảnh cũ còn đong đầy trong não bộ, nên kỷ niệm như khúc phim tiếp diễn mãi không ngừng. Mới ngày nào hăm hở lứa thanh xuân, mà nay đã hơn nửa đời hun hút vòng quay chia bờ bến.

Nén hương lòng thắp từ nơi biệt xứ, dâng anh linh tử sĩ chốn quê nhà. Đây thân tình thay cho tiếng quân ca, gởi Đồng Đội còn trần thân nơi cố quận. Món nợ nghĩa tình chất chồng từ thuở còn bạc màu áo trận. Trả suốt đời vẫn vô tận, vô cùng. Tiếng Cám Ơn không chỉ là dấu ấn của thủy chung, mà còn- hơn bao giờ hết- nói lên lòng tri ân và niềm tin vào hồn thiêng Lạc Việt.

Tin sông núi trường tồn. Tin sử hùng lẫm liệt. Món Nợ nghĩa tình trọn kiếp chẳng hề vơi. Tiếng Cám Ơn là điệp khúc muôn đời. Nợ chồng nợ! Bạn ơi! Hãy về đây...Thượng Hưởng!
HUỲNH VĂN CỦA

( Để cùng nhớ: Cao Kim Rắc, Đặng Tri, Tâm, Bình, Thanh, Tùng, Cẩm, Minh, Trần Văn Thái, Lê Văn An, Hoàng Thanh Tú... R.I.P...)

7/23/19

DƯỚI BÓNG MÁT CỦA LÁ CỜ “BA QUE”

Tác giả: Hoàng Ngọc Mai
Nguồn: Căn Nhà Nhỏ
Ngày đăng: 2019-02-18


Bài nầy tôi muốn nói cho những kẻ cứ mỗi lần vén hai cái mép mồm lên nói là phát ra tiếng “Ba Que”.
Theo tôi thấy, thì những kẻ hay dùng cái từ 3/// đó thường còn trẻ, đa số chưa đến 60, có nghĩa là vào năm 1975 chỉ còn là con nít. Còn những người lớn tuổi hơn, thậm chí cả đảng viên, họ cũng nói một cách khác. Ngay cả từ Ngụy Quân và Ngụy Quyền cũng đã được chính thức gở xuống.
Cho rằng họ là những kẻ “chiến thắng” một cuộc chiến đi, nhưng tâm lý mặc cảm thua kém của họ vẫn thể hiện qua rất nhiều mặt. Những giá trị của xã hội thời VNCH vẫn còn đó, làm cho kẻ chiến thắng ăn ngủ không yên. Hằng triệu người Bắc di cư vào Nam, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hằng triệu người khác vượt biển Đông để từ bỏ chế độ CS sau chiến thắng 1975.

3/4/19

Một Bài Thơ Không Đề Tựa !

Tự Do như muối
Hạnh Phúc như đường
Khi còn đang ăn đủ miếng ngọt miếng ngon
Khó thấy giá trị của hạt đường hạt muối
tôi sống ở miền Nam
nhìn dòng đời trôi nổi
nở lại tàn
bao nhiêu mùa hoa
hai nền Cộng Hoà
một cuộc chiến tranh dài đẫm máu
tôi đã dốc lòng chiến đấu
bảo vệ tự do
dưới lá cờ
nền vàng ba sọc đỏ

3/21/18

Chuyện về người giữ 16 tấn vàng của VNCH vừa qua đời tại Thái Lan

TS Đinh Xuân Quân (*)

March 19, 2018

Ông Lê Quang Uyển, người có trách nhiệm giữ 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia (NHQG), tài sản của Việt Nam đã qua đời tại Chiang Mai, Thái Lan thọ 81 tuổi. Ông sinh Tháng Chín năm 1937 và mất ngày 26 Tháng Giêng năm 2018. Nhân dịp 49 ngày ông mất, tôi xin có bài sau đây.

Trong giới kinh tế tài chính, nhất là vào những năm chót của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ai cũng biết đến Thống đốc trẻ tuổi của Ngân Hàng Quốc Gia là ông Lê Quang Uyển.

Sau khi tốt nghiệp HEC (Hautes Etudes Commerciales) tại Paris năm 1960, ông Lê Quang Uyển về Việt Nam phục vụ. Ông đã làm một thời gian ngắn làm cho Ngân Hàng Pháp Á (BFA – Banque Francaise de l’Asie). Sau đó ông Lê Quang Uyển cũng như nhiều chuyên viên trẻ khác cũng bị động viên vào quân đội và lên đến cấp bậc đại úy.

6/26/17

LỊCH SỬ TRƯỜNG CHU VĂN AN

Việt Nam có nhiều trường trung học nổi tiếng, nhưng trường nổi tiếng nhất trong những trường nổi tiếng phải nói đó là trường Trung Học Chu văn An. Trường Chu văn An nổi tiếng không những vì nó đã có mặt trên cả hai miền Nam Bắc gần thế kỷ và đã đào tạo ra không biết bao nhân tài cho đất nước, mà còn vì học sinh trường Chu Văn An có tinh thần yêu nước rất cao.

Có điều không ai có thể ngờ được là nó lại chẳng được một nghị định nào của bộ Quốc Gia Giáo Dục ban hành thành lập, mà lại chỉ được một nghị định của bộ Mỹ Nghệ và Giáo Dục đổi tên do Giáo Sư Bộ Trưởng Hoàng xuân Hãn ký. Vì thế nói tới lịch sử của trường Chu văn An không thể nào không nói tới nguồn gốc của nó.

Nguồn gốc trường Chu văn An : trường Bưởi.

Người ta thường nói tiền thân của trường Chu văn An là trường Bưởi. Thực ra tên Bưởi không phải là tên chính thức. Tên chính thức của trường Bưởi lúc đầu là Collège des Interprètes. Nhưng chẳng bao lâu thì trường được đổi tên là Collège du Protectorat rồi tới năm 1930, trường lại được đổi tên lần nữa thành Lycée du Protectorat.

5/5/16

Người Thương Binh và Bóng Tối Còn Lại

blank

Anh Trần Văn Phụng.

Tôi cầm phong thư của hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa với một tờ giấy trắng ghi rõ các chi tiết về người thương binh tên Trần Văn Phụng, bị mù hai mắt, cánh tay trái bị gẫy, mặt bị dị dạng, ký hiệu # 780 KH, địa chỉ thôn Phú Bình, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

1/23/15

Chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa

Tác Giả: Phạm Bá Hoa

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa thi hành bổn phận công dân, từ vĩ tuyến 17 xuống tận Mũi Cà Mau, từ duyên hải quanh năm sóng vỗ đến rừng già heo hút đội sương, từ Cao Nguyên rậm rạp xuống đồng bằng sông rạch Cửu Long, mời quí bạn lần theo dấu chân để đến, và nhận ra Chân Dung Những Người Lính ấy, sau khi có khái niệm về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.