(Bài của một người Quảng Trị viết về người bạn Quảng Bình)
Gần đây, Hàn Sĩ Phan đã xuất hiện khá thường xuyên trên Diễn Đàn Thụ Nhân 1-2 với những vần thơ nhẹ nhàng, có phần trào phúng nhưng chẳng hề châm biếm. Trào phúng làm người ta cười. Châm biếm đưong nhiên có người đau. Nhưng anh chẳng muốn làm ai đau! Chẳng ai muốn đau, chỉ muốn làm người khác đau!
Tuy không ra sân chung đá cho đội banh nào, tôi từng chung màu áo với anh cách đây hơn nửa thế kỷ trong một giai đoạn chính trường tao loạn và chiến trường tồi tệ của đất nước, Trường Chính trị Kinh doanh (phải nhắc đến Mai Kim Đỉnh ở đây) cũng như Hội Thanh Niên Thiện Chí Công tác và Nghị luận (không thể không nhớ đến Nguyễn Khải và Chris Jenkins). Tôi đương nhiên phảỉ biết và hiểu ít nhiều vể Hàn Sĩ. Một người không mang màu sắc tôn giáo hay địa phương hay thành phần xã hội, bình dị nhưng không bình dân, cho nên dễ đến với người khác với cách ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, vui vẻ.
Nhờ trở lại trên mạng, cho nên anh đến được với nhiều bạn cũ. Và nhiều bạn cũ tìm ra lại anh. Bạn học thời xưa của anh trong khối Thụ Nhân 1-2 này đương nhiên đã già, quá già, phần lớn (đến 98% - theo thống kê học của thầy Trần Văn Mừng) đều đã trên 75. Củng phải 5% mấp mé hay trên 80. Nhưng chẳng phải hàng trăm người này ai cũng có mặt trong danh sách thành viên của mạng. Và ngay cả trong số thành viên ít ỏi này, chẳng phải ai cũng mang “tật” lên mạng sáng trưa chiều tối. Ít nhất một phần ba ở trong nước. Hai phần ba còn lại rải rác trên nước Mỹ. Hàn Sĩ rất hiểu điều này. Nhìn chung quanh thấy ngày càng thưa thớt. Một khuôn mặt quen thuộc thời đó Nguyễn Tường Cẩm vừa ra đi. “Where have all these old men gone? Graveyard pick them everyone”. Nghe “the sound of silence” mà tưởng như thấy bóng tối âm u trước mặt.
Hàn Sĩ là người có đủ tâm hồn để hiểu và sợ nỗi đơn chiếc của tuổi già – nhất là trong kiếp tha hương, cho dù thời tha phương cầu thực khi tuổi đã qua ngưỡng 50 đã qua đi. Anh đủ hiểu sự kinh hoàng của thời đại chúng ta – khôi hài thay tấn bi kịch đó lại diễn ra trên “vùng đất của cơ hội” (land of opportunities), “vùng đất hứa” (promised land) của hàng chục triệu di dân đến từ tứ xứ, vẫn xem Mỹ tiến bộ nhất, văn minh nhất, dân chủ nhất - nhưng nay cũng có thể lạc hậu nhất trong quan hệ không thể đồng cảm giữa người và người. Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên, vô cớ anh tìm cách đến với bạn bè càng thường xuyên càng tốt.
Trước số phận coronavirus dành cho lớp người cao niên (đến 75-80% người tử vong ở Mỹ là trong độ tuổi từ 65 trở lên, độ tuổỉ này khoảng 52 triệu người chiếm vào khoảng 16% của dân số nước Mỹ 325 triệu, nhu cầu cách ly sống còn đang làm cho người già nào cũng thấy mình đang “học tập, cải tạo” tại chỗ dài ngày, khác gì những tội phạm bị quản thúc tại gia. Anh đã từng bị đày ải sáu năm trong trại tù cộng sản sau biến cố lịch sử 1975 người dân Miền Nam bị lãnh đạo bỏ rơi và đồng minh phản bội. Đại dịch coronavirus tuy chỉ mới sáu tháng, nhưng xem chừng kinh khủng như cả đời người, vửa vì sự phát tác vô phương kiểm soát ở khắp nước Mỹ, vừa vì mục tiêu dễ nhắm nhất của đại dịch này chinh là người già. Điều kinh khủng nhất không thể tưởng được nhưng lại có thật: nước Mỹ không có lãnh đạo! Bởi thế, tính đến ngày 23-7, nước Mỹ đã có đến 4 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 140.000 thiệt mạng.
Nơi người già, những bệnh như alzheimer, dementia, mental depression có nguy cơ trở thành “bình thường mới” (new normal) – có ai còn nhớ ngày 20-7 vừa qua là ngày gì trong lịch sử Miền Nam chăng. Những gì chúng ta đang hiển nhiên chứng kiến, đang nghe, đang thấy, đã quá đủ. Người da trắng cực hữu, cực đoan đang phát điên vì cứ sợ “mất nước” Mỹ của họ vào tay di dân khác màu da. Chúng ta đừng bắt chước họ phát điên. Chỉ nên lo chính đáng là ra đường người ta tưởng mình là người Hoa. Những gì chúng ta đang loay hoay, bối rối, không biết xoay trở thế nào cũng quá đủ: những bệnh của người già đang chen nhau xâm nhập vào cơ thể, và bế tắc trong việc vận dụng những dịch vụ y tế lâu nay dành cho người có Medicare, từ bác sĩ gia đình đến bác sĩ chuyên ngành và ICU và ER.
Hàn Sĩ đến với bạn bè chính là vừa vì mình, vừa vì người. Khác với “mọi người vì mình, mình vì mình” trong chính trị thời nay. Những vần thơ chân thực anh gần đây gởi đi đã gây nhiều nỗi cảm khái, cảm thán. Phải hiểu cuộc đời của anh phần nào, vốn chẳng có gì khó hiểu vì phần lớn cũng giống như đa số những người trong thế hệ chúng ta. Thời niên thiếu, anh lớn lên trong giặc giã vì thực dân Pháp bố ráp Việt Minh, Bà Mẹ Gio Linh trở thành phổ biến nhất. Đệ nhất Cộng Hòa là thời đẹp nhất với Mộng Lành, nhưng giới hữu trách (quân đội, chính trị, tôn giáo) đã chỉ biết cấu xé mà chẳng biết gìn giữ. Giặc Cộng nổi lên và Hàn Sĩ cũng như phần lớn những thanh niên cùng thế hệ đã chấp nhận định mệnh trai thời chiến. Hòa bình được “lập lại”, và anh có đến sáu năm để hiểu rõ thêm trại tập trung của Cộng Sản và thấu tận xương nỗi đau lịch sử. Ra trại, anh nhìn chung quanh ai cũng như mình: không chỉ là công dân hạng hai mà còn là một thành phần “vô giai cấp” trong một xã hội vô thần có giai cấp của cộng sản. Chùng chình cho nên đến Mỹ rất trễ , anh giải thich:
Ngoại ngũ tuần mới khởi đầu viễn xứ,
Phận " Lưu Đày" Ta tự xử lấy Ta.
Có ai hỏi vì sao lại bôn ba ?
Xin thông cảm : không có lời giải đáp.
Đời người như cánh hạc,
Đậu tạm bến trần gian.
Địa cầu là Tổ Quốc,
Hà cớ vị quan san !
Hàn Sĩ là một nhân sĩ người Việt tha hương năm 2020. Tuy thế, anh phảng phất nét của một nho sĩ của đất nước trăm năm trước, thời thực dân thống trị, chế độ phong kiến suy tàn, giới sĩ phu đau buồn vì vận nước, vì phận mình. Thế nhưng những vần thơ của anh còn làm gợi lên nơi chúng ta một nỗi đau nhức mất ngủ trước những mất mát to lớn của đất nước thời nay, và vì thế lại thấy thế hệ mình quá may mắn mà những thế hệ chắc chắn chẳng có. Làm sao chúng ta còn được một nền cổ văn phong phú như thời xưa với những Bà Huyện Thanh Quan (Thăng Long Thành Hoài Cổ), Nguyễn Công Trứ ( Chí Làm Trai), Nguyễn Khuyến (Thu Điếu), Cao Bá Quát (Uống Rượu Tiêu Sầu), Trần Tế Xương (Thương Vợ), Tản Đà (Vịnh Dư Đồ Rách)... Và còn những đại tác phẩm đã trở thành kinh điển như Kim Vân Kiều, Chinh Phục Ngâm, Cung Oán Ngâm, Nhị Thập Tứ Hiếu... Tất cả văn hóa từ chưong này đã góp phần lớn hình thành con người chúng ta trước đây. Chúng ta cũng phải nhớ đến một thời âm nhạc (“nhạc vàng”) đi vào lòng chung ta, từ nhạc “tiền chiến”, đến dân ca, đến tình ca, cùng hàng loạt bài day dứt vì cuộc chiến cuối cùng... Sau năm 1975, âm nhạc đã chết dần chết mòn...
Hàn Sĩ vất vả “ta làm lại từ đầu”, khó khăn trong cố gắng hội nhập (như mọi người), nhưng cũng có thì giờ quan sát nước Mỹ, và hiểu rằng lịch sử nước này tuy chỉ mới xấp xỉ 250 năm kể từ Ngày Độc Lập 1776 nhưng hiểu cho được văn hóa chính trị Hoa Kỳ chẳng phải dễ. Có một điều, theo anh, trước hiện tình đất nước ở Mỹ, xã hội và con người trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, “điều quan trọng là không bao giờ dể dãi chấp nhận, đề cao hay tôn vinh bất cứ điều gì hay con người nào mà không có giá trị đích thực-chân chính, vì những thứ đó chỉ là những giá trị hay thần tượng ẢO được hình thành bởi cảm tính chứ không phải lý trí, buồn thay loại nầy lại rất nhiều và nó đang gậm nhấm, phá hoại con người và Xã hội!” Vấn đề là nếu xác nhân chúng ta có cùng “nhân dạng” (identity) thì đừng lạc lối trong hiện tại để quên quá khứ.
Anh khuyên can:
Tranh nhau hơn kém để mà chi !
Đường ai nấy chọn tự nhiên đi.
Tuổi đang ngấp nghé bên bờ hố,
Thọc lét nhau chơi để cười khì.
Và nói lên mối quan tâm phải là đích thực của thế hệ chúng ta:
Lạy Trời cho đến cuối năm
Chấm dứt Vai-Rút xâm lăng Địa Cầu.
Vai-Rút nay khoác đủ màu,
Hận thù, Chia rẻ để sầu cho nhau.
Ngày xưa vừa thấy đã chào,
Nay đứng đối mặt : Người nào, nấy đi !
Nguyên nhân cũng bởi SÂN, SI,
Đừng nên đổ lỗi bởi vì tại Ai.
Ngoa ngôn, xảo ngữ bên tai,
Nếu tâm an tịnh, ai lay được mình ?
Mặc cho thế thái nhân tình,
Ghét, Yêu tô phấn, trét sình mặc ai.
Còn về lý lẽ đúng, sai,
Trăm năm là chuyện dông dài khó phân.
Thôi thì dứt khoát một lần,
Từ nay giữ lẽ công bằng với nhau.
Không đưa, không viết những câu,
Có tính tranh chấp, đối đầu hai bên...
Ước mong một chốn bình yên,
Đỡ phiền và giúp cụ XUYÊN điều hành.
Một Sự Nhịn Chín Sự Lành,
Học hoài mà vẫn Không Rành là sao ?!!!
Hiện nay ở Đồng Hới, người ta nói trẻ con chiều chiều tối tối vẫn cùng nhau hát đồng dao ngoài đường:
Miền Trung có xứ Quảng Bình
Có anh Hàn Sĩ tánh tình dễ thương
Cuộc đời áo đậm phong sương
Nhưng anh vẫn quyết thiên đường kém za.
Người ta cũng nói Albert Einstein từng nói: “Trên đời này có hai thứ vô hạn: Thời gian và tâm hồn con người. Tôi không chắc về yếu tố thời gian”.
Nhưng tấm lòng con người? Đó là điều chúng ta phải tin.
Time is running out. Be nice!
No comments:
Post a Comment