4/29/14

11 NĂM TRƯỚC ĐÓ!

Thi Phương HNN

clip_image002

clip_image004

Thời gian bình thản trôi qua, và cũng như mọi năm, năm nay tháng tư đến và ngày 30-4 đến, cộng đồng người Việt tha hương bước vào lễ kỷ niệm thứ 39 ngày nước mất nhà tan. Sự hoài niệm khác nhau theo từng lứa tuổi và từng hoàn cảnh. Tâm tư của những người di tản được ngay trong ngày hôm đó hẳn phải khác tâm tư của những người mắc kẹt ở lại - những người hoặc phải bị lừa và lùa vào những trại tập trung “học tập cải tạo” hay vất vả, khốn đốn trong nhà tù rộng lớn hơn bên ngoài xã hội đề sống sót, tồn tại. Và đương nhiên, người trẻ phải khác già, thậm chí già cũng khác nhau ở từng thế hệ. Những người năm mươi đương nhiên chẳng thể là nhân chứng lịch sử. Những người xấp xỉ sáu mươi có thể thấy được tình hình trong những năm 70. Những người trên dưới bảy mươi có thể thấy hết cả những năm sáu mươi. Và đương nhiên những người tám mươi có thể thấy toàn diện cả cuộc chiến. Cho nên, ở mỗi người, mối ám ảnh của quá khứ khác nhau.

Năm nay, 2014, nhiều người muốn nhắc lại chuyện nửa thế kỷ trước. 1964. Chẳng phải chỉ vì con số 50 năm dễ nhớ. Đúng hơn, đó là năm người ta vẫn phải nghĩ tới khi đứng trước câu hỏi tất yếu: What’s wrong with us? Tại sao chúng ta để cho bị dẫn tới ngày đó, năm đó và nay là chốn này.

Chẳng có cuộc đảo chánh 1-11-1963 thì chẳng có năm 1964. Nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm sụp đổ sau chín năm, và một chương mới đương nhiên được mở ra. Có nghĩa là những người lãnh đạo “cách mạng” phải thấy được hết những thử thách lịch sử để dồn hết sức “làm lại từ đầu”, đoàn kết quân đội, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết địa phương, đoàn kết đảng phái, để tập trung nỗ lực quốc gia vào cuộc chiến đấu chống Cộng. Hội đồng Quân nhân Cach mạng (HĐQNCM) thời đó bao nhiêu người mà chẳng thấy nổi điều đó, chẳng thể hiện được ý chí đó, mà chỉ để một vết nhơ không gột sạch được trong lịch sử: ám sát hai anh em ông Diệm và không một “dũng tướng” nào đủ can đảm nhận trách nhiệm. Tướng Dương Văn Minh là thủ lĩnh của HĐQNCM chưa bao giờ nói một lời hối tiếc. và tháng năm năm sau, khi ông đã bị bầm dập trong tay Tướng Nguyễn Khánh và trở thành Quốc trưởng bù nhìn, ông đã không ký lệnh khoan hồng cho ông Ngô Đình Cẩn cho nên ông Cẩn phải ra pháp trường cát! Cũng cần nói thêm rằng chúng ta không nghe một đoàn thể chính trị nào, một tôn giáo nào lên tiếng trước bản án tử hình cho người em ông Diệm. Đúng là môt thời người ta đều điên cả.

Ba tuần sau khi ông Diệm bị sát hại là đến phiên Tổng thống John F. Kennedy tại thành phố Dallas. Cuộc chiến chống Cộng mọi người đều biết ngày càng căng thẳng, mở rộng, tình hình an ninh ngày sẽ càng kém, nhất là ở khu vực nông thôn, và kinh tế sẽ ngày càng khó khăn. Đó phải là điều lo nghĩ số 1 của lãnh đạo và phải được truyền đạt cho người dân mối quan tâm đó. Mỹ là đồng minh số 1, là chỗ dựa sống còn của Miền Nam trong cuộc chiến đấu này. Tuy nhiên nhiều người chỉ nhớ trong ít nhiều ảo tưởng, hoang tưởng, Miền Nam là tiền đồn của “Thế giới Tự do” cho nên không cần sợ gì cả, đưa đến tâm lý khoán trắng cho Mỹ, để cho Mỹ điều khiển cuộc chiến, và chẳng cần hiểu gì chính trị quốc tế, chính trị nước Mỹ cả. Trong khi đó, chính tình nước Mỹ thì phức tạp, chính phủ Mỷ thì bộn bề, và lòng dân Mỹ thì chẳng muốn phải chịu một cuộc chiến tranh phương xa kéo dài làm hao tốn sinh mạng và tài nguyên quốc gia. Giáo sư John M. Newman, trong tác phầm “JFK and Vietnam: Deception, Intrigue and Struggle for Power” (JFK và Việt nam: Lừa dối, Âm mưu và Tranh quyền) đã cho ta thấy sự phức tạp, phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo của Mỹ đối với cuộc chiến Việt Nam. Chẳng lẽ các võ tướng của chúng ta chẳng biết nguyên tắc “biết người biết ta” hay sao?

Chẳng có cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964 của Tướng Nguyễn Khánh thì chẳng có năm 1964. Bất mãn vì phần bánh của mình HĐQNCM cho không đủ lớn như tham vọng quyền lực của mình, Nguyễn Khánh liên kết với một số tướng tá, một phần có dính líu với Tân Đại Việt (Đại Việt phía nam), một phần thuộc thành phần bất mãn như ông Khánh, một phần có gốc rễ sâu với nhà Ngô trước đây, tổ chức đảo chánh, nhưng vì những người lãnh đạo của HĐQNCM (các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân) đều mê ngủ cả, trong khi Đại sứ Mỹ Cabot Lodge thì kín miệng, cho nên những người làm binh biến không tốn một viên đạn, nên họ dùng chữ ‘chỉnh lý” cho nhẹ nhàng và làm cho phía Phật giáo khỏi bàng hoàng và phẫn nộ.

Trong 11 tháng còn lại của năm 1964, tình hình đất nước như thế nào?

Chiến trường tồi tệ. Ngày 20-12 năm 1963, Bộ trưởng Quốc phòng Robert MacNamara trở về từ một chuyến đi thanh sát tình hình Việt Nam đã báo cáo cho Tổng thống Lyndon Johnson mới lên thay Tồng thống Kennedy tháng trước tình hình ở Miền Nam “đáng lo ngại” trên nhiều mặt: quân sự, chính trị và bất đồng quan điểm trong phái bộ Mỹ ở Saigon. MacNamara cho rằng trong hai ba tháng nữa, nếu không có gì cải thiện, Mỹ sẽ phải tính đến việc trung lập hóa miền nam để tránh một chiến thắng của Cộng Sản. Đó là lý do mà Tồng thống Pháp Charles De Gaulle lợi dụng thời cơ đẩy mạnh đề nghị trung lập hóa miền nam. Việt Cộng nổi dậy tràn lan ở vùng nông thôn, mở ra một số trận đánh qui mô lớn gây tiếng vang, và gia tăng xâm nhập và khủng bố ở các đô thị, nhất là tại thủ đô Saigon. Nhiều người trong chúng ta có thể còn nhớ vụ nổ bom ở tòa đại sứ Mỹ đường Hàm Nghi (tháng 7) và khách sạn Brink của người Mỹ trên đường Hai Bà Trưng (tháng 12).

MacNamara còn đến Saigon xem xét tình hình một lần nữa vào tháng ba (8-3), một lần khác vào tháng năm (12-5), đều có tướng Maxwell Taylor đi cùng - vị tướng này về sau thay Henry Cabot Lodge làm đại sứ ở Việt Nam vào tháng bảy năm 1964. Cũng trong tháng đó, Mỹ gởi thêm 5.000 quân tới Miền Nam, nâng tổng số quân Mỹ có mặt là 21.000 người. Năm 1964 là năm bầu cử tổng thống ở Mỹ, cho nên ông Johnson không muốn bị núng thế vì chiến tranh Việt Nam. Sau khi thăm dò Bắc Việt đôi lần về khả năng tiến hành hòa đàm và gặp phải những điều kiện “bắt bí” của Hà Nội, Johnson quyết hành động mạnh cứu vãn tình hình trước sức ép của phía diều hâu trong đảng Cộng Hòa, nổi cộm là hai ứng cử viên Barry Goldwater và Richard Nixon.

Vụ “Vịnh Bắc Việt” xảy ra vào tháng tám năm 1964, và vị tổng thống gốc tiểu bang cao bồi Texas này quyết định leo thang nhanh chóng với hy vọng sớm chấm dứt cuộc chiến để tránh việc sa lầy (tức bị kẹt lâu dài, không rút khỏi được), là điều người Mỹ sợ nhất (Cứ xem như hiện nay Mỹ đang muốn tháo chạy ở Afghanistan thì rõ). Đến giữa tháng ba năm 1965, Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu đến Miền Nam trong ý đồ đó. Đến cuối năm 1965, Mỹ đã có 180.000 quân ở Miền Nam; đến cuối năm 1966: 280.000 quân trên đất liền và 60.000 trên các hạm đội ngoài biển). Vào tháng 11 năm đó, Tổng thống Johnson chiến thắng vẻ vang trước ông Goldwater, và những người ở Saigon hân hoan “coi như xong”. Và giao cuộc chiến cho Mỹ.

Phải chăng những người lãnh đạo tại Saigon không có cố vấn, chuyên viên nào về đối ngoại, về quan hệ với Mỹ - ngay cả những người thuộc Bộ Ngoại giao hay tòa đại sứ Việt Nam tại Washington! Họ không hiểu Mỹ phải “làm sớm nghỉ sớm” trong một cuộc chiến tranh đối với người Mỹ không phải dễ hiểu và dễ đồng tình. Ho cũng không hiểu Tồng thống Johnson còn những mục tiêu quốc gia trọng đại hơn – chính là chương trình Great Society của ông. Mục tiêu “Biên Cương Mới” (New Frontier), có thể có Việt Nam trong tầm nhìn đó, là của JFK. Nhưng với Johnson, các chương trình Medicare, Medicaid, cuộc chiến chống đói nghèo, và phong trào dân quyền của người da đen là quan trọng hơn. Thái độ của những người trong quân đội cũng khiến cho phía Mỹ kém nể trọng và tin tưởng – dẫn đến cuộc đụng độ cuối năm 1964 giữa ông Khánh và Đại sứ Taylor.

Cũng không kém quan trọng là biến cố ở Điện Cẩm Linh vào ngày 14-10, bộ ba Leonid Brezhnev, Alexei Kosygin và Nikolai Podgorny lật đổ lãnh tụ Nikita Khruschev và chấm dứt luôn chủ trương sống chung hòa bình của ông. Để cạnh tranh thế lực với Trung Cộng, Liên Xô không hề có ý khuyên Miền Bắc hòa dịu, thương thuyết; trái lại đã viện trợ quân sự ồ ạt cho Bắc Việt, biến Việt Nam trở thành một “chiến trường trắc nghiệm” vũ khí hiện đại trong chiến tranh qui ước.

Có lẽ phải nhắc lại tướng Nguyễn Khánh trước và Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ sau từng đưa ra ý “Bắc tiến”, mở rộng chiến tranh ra bắc, nhưng thấy Mỹ phớt lờ, hai người ngưng chuyện này, không nói nữa, thay vì mở ra một cuộc “trưng cầu dân ý” và vận động dư luận về vấn đề này.

Chính trường còn tồi tệ hơn. Cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh như mở ra nắp hộp Pandora (Pandora box) cho ma quỉ chạy ra. Từ đó các tướng chỉ lo tranh giành quyền lực – ngay cả trong đám người từng theo Nguyễn Khánh lúc đầu. Các sĩ quan Đại Việt ủng hộ Khánh để làm chỉnh lý, và hai người của Đại Việt có mặt trong chính phủ là Bộ trưởng Nội vụ Hà Thúc Ký (trung) và Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn (nam). Về sau, các sĩ quan Đại Việt này xung đột với ông Khánh vì thấy ông muốn nắm quyền hết. Cuối tháng tám, ông Khánh hất cả hai ông Ký và Hoàn, ông Hoàn phải lưu vong trở lại, ông Ký rút về miền trung. Khi được ông MacNamara cầm tay mình và đưa lên cao, hô “Việt Nam Muôn Năm”, ông Khánh nghĩ rằng cờ đã đến tay, cho nên lợi dung biến cố “Vịnh Bắc Bộ”, ông đưa ra Hiến chương Vũng Tàu ngày 16-8 đưa mình lên làm quốc trưởng. Học sinh, sinh viên tức thì ồ ạt xuống đường, ông Khánh phải rút lại hiến chương và cũng ra đứng trước Dinh Thủ Tướng hô “Đả đảo độc tài” cùng với người biểu tình (25-8)! Thời kỳ khủng hoảng chính trị bắt đầu, kéo dài đến hết năm và qua cả năm sau.

Suốt hai tuần sau ngày ban hành hiến chương này (từ giữa đến cuối tháng tám), Miền Nam hỗn loạn khắp nơi chưa từng thấy. “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc” mà các “trí thức, nhân sĩ” ở Huế thành lập từ tháng ba năm đó được thể khuấy phá, và những tổ chức tương tự ở một số tỉnh miền Trung cũng nổi lên, đặc biệt là Đà Nẳng và Qui Nhơn, có sự đỡ đầu của Phật giáo địa phương cùng sự xâm nhập lũng đoạn của Việt Cộng. Sau khi Nguyễn Khánh rút Hiến chương Vũng Tàu, quân đội cam kết trở về với vai trò bảo vệ quốc gia và bổ nhiệm một tam đầu chế gồm Minh, Khánh, và Khiêm: Minh làm quốc trưởng, Khánh là thủ tướng và Khiêm làm tồng tư lệnh quân đội. Biểu tình và bạo động tiếp tục. Tại Đà Nẳng, it nhất chín người chết trong đụng độ giữa nhóm biểu tình Phật giáo quá khích và người Công giáo trong biến cố Thanh Bồ, Đức Lợi, cả 450 nhà của người Công giáo và hai nhà thờ bị đốt. Ở Saigon, hàng ngàn giáo dân từ bên ngoài thành phố được đưa vào biểu tình tại Bộ Tổng Tham Mưu, bị bắn chết sáu người. Sau đó, họ tấn công học sinh hai trường Nguyên Trường Tộ và Cao Thắng, hai học sinh bị đâm chết. Đáp lễ, người biểu tình theo Phật giáo hôm sau tấn công trường Nguyễn Bá Tòng và nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm. Tình hình cực kỳ lộn xộn. Lính Nhảy Dù phải được đưa vào thủ đô gìn giữ an ninh. Lãnh đạo Phật giáo và Công giáo phải lên tiếng kêu gọi tín đồ hai bên tự chế.

Tình hình chưa hẳn yên thì có biến cố “biểu dương lực lượng” ngày 13-9 của tướng Lâm Văn Phát (cựu bộ trưởng Nội Vụ, được xem là một phần tử Cần Lao của chế độ cũ) và tướng Dương Văn Đức lưu vong thời trước và hồi hương gần đây. Sau khi vụ này bi dẹp, đến ngày 25-9 lại có tin đồn có đảo chính, quân đội bố trí khắp Saigon.

Cũng đáng ghi nhớ là sự thành lập của Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) vào ngày 26-9 gồm 17 nhân sĩ, chính khách, có nhiệm vụ lập chính phủ lâm thời và triệu tập Quốc dân Đại hội soạn thảo hiến pháp. Ngày 20-10, THĐQG công bố Hiến chương lâm thời. Đây là hiến pháp tạm thời thứ tư kể từ ngày đảo chính 1-11. Ngày 26-10, ông Phan Khắc Sửu được bầu làm quốc trưởng. Ngày 4-11, Thủ tướng Trần văn Hương trình diện nội các mới. Nguyễn Khánh làm tổng tư lệnh quân đội. Thử nghiệm THĐQG này không kéo dài lâu, một mặt vì Thủ tướng Hương thiếu khôn khéo chính trị trong quan hệ với tôn giáo (Phật giáo) và địa phương (chính phủ của ông bị tố là “phi chính trị”, chỉ co chuyên viên gốc miền nam). Bởi thế, sinh viên, học sinh lại xuống đường. Mặt khác, nhóm “sĩ quan trẻ” (young Turks) bắt đầu ra mặt tranh quyền, muốn ép THĐQG hành động theo ý mình. Họ ép giải ngũ các tướng lớn tuổi đàn anh (Minh, Khiêm, Đôn, Lê Văn Nghiêm…). Các tướng Khiêm (thang 10) và Minh đều bị ép phải lưu vong, “được làm vua, thua làm đai sứ”. Đến tháng hai năm 1965, thì chính ông Khánh cũng chịu số phận tương tự, lên máy bay ra đi với một “nắm đất của quê hương”. Ngày 20-12, nhóm tướng trẻ này, gồm Thiệu, Kỳ, Có, Viên, Thi, Khang… làm đảo chánh, giài tán THĐQG và bắt một số lớn thành viên cùng tướng tá nhốt ở Ban Mê Thuột, lập Hội đồng Quân lực để lãnh đạo quốc gia. Đại sứ Maxwell Taylor bực quá, ngày 21-12 phải triệu tập HĐQL đến tòa đại sứ (Khánh lánh mặt, chỉ có Thiệu Kỳ đến) và câu đầu tiên ông hỏi là “trong các người, ai biết tiếng Anh”. Và nói: “Tôi đã nói rõ cho tất cả các người… người Mỹ chúng tôi đã mệt mỏi quá vì những cuộc đảo chánh. Rõ ràng tôi đã phí lời… Nay thì các người đã làm rối lên cả. Chúng tôi chẳng thể gồng gánh cho các người mãi mãi nếu các người làm những chuyện như thế”.

Năm 1964 đã kết thúc như thế. Dường như ai cũng ham quyền, điên rồ, bất lực, và vô trách nhiệm. Từ tướng lãnh, đến tôn giáo, từ đảng phái đến các địa phương. Nhưng rồi nó cũng qua đi. Các năm sau phần nào cũng như thế, chúng ta sống rất nguy hiểm, hỗn loạn, mất trật tự dai dẳng cho đến cuộc bầu cử năm 1967 để thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa. Chỉ ba tháng sau khi nền Đệ nhị Cộng hòa ra đời, biến cố Tết Mậu Thân xảy ra trong khi chúng ta chẳng hề sẵn sàng.

Nhắc lại chuyện 50 năm trước trong ngày kỷ niệm 39 năm đất nước không còn đúng là một gánh nặng cho tâm trí. Nhưng nếu hiểu rằng lịch sử vẫn luôn luôn ở phía trước, chúng ta nhìn lại đàng sau vẫn có lợi ích thắp sáng được con đường trước mặt, thấy được những thử thách phải vượt qua khi đã hiểu được những kinh nghiệm và bài học trong quá khứ.

Đó chính là câu chuyện năm xưa mà chúng ta đang kề lại cho nhau nghe, tuy chẳng phải là nhân “trà dư tửu hậu” ở bên này!

No comments:

Post a Comment