4/29/14

RAY RỨT CHUYỆN 50 NĂM TRƯỚC

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image001

clip_image003

Hàng năm, mỗi khi tháng tư đến, ngày 30-4 lại trở về trong trí nhớ của chúng ta với một câu hỏi ray rứt: Tại sao tấn kịch nước mất nhà tan bi thảm đó lại xảy ra?

Những người Việt, ở trong nước hay đang ở nước ngoài, dưới tuổi 60, tức là chỉ khoảng 20 tuổi vào ngày 30-4-1975 đó, hầu như chắc chắn cảm thấy rất mơ hồ về những gì đã xảy ra. Trong lớp tuổi đông đảo đang sống ở Mỹ, ở Pháp, hay ở bất cứ nơi nào có người Việt tha hương, chẳng biết còn bao nhiêu người đang mang nặng nỗi ưu tư này?

Một số những người trên 20 tuổi vào năm 1975 đó, tức nay phải thuộc thế hệ lục tuần trở lên, còn có thể biết ít nhiều câu trả lời. Và câu trả lời cũng có thể khác biệt từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những người càng lớn tuổi, đương nhiên đã sống nhiều hơn trong thời đó, cho nên đã can dự nhiều hơn, đã thấy nhiều hơn, biết nhiều hơn lịch sử cận đại của đất nước - từ năm 1945 chẳng hạn. Và khi già, người ta càng sống ẩn mình hơn, ít bị chi phối, tác động với “âm thanh và cuồng nộ” của thời cuộc, cho nên có thể biện giải sâu sắc hơn.

Đúng là một chương đã khép lại, và chúng ta nay phải nhìn ra phía trước với những mong đợi mới, hy vọng mới. Ông Vladimir Putin có cả một nước Nga hùng mạnh để nói chuyện giành lại những đất đai mà ông cho rằng Nga đã mất khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991. Còn chúng ta? Nếu cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của nhưng ngưòi trong nước mà thành, chúng ta sẽ có niềm an ủi tìm lại được quê hương tưởng không còn nữa, nhưng những gì đã mất cách đây bốn thập niên quả thật đã bị thời gian lấy đi vĩnh viễn.

Thế nhưng đối với những thế hệ trẻ lớn lên ở Mỹ sau này, dường như câu hỏi vẫn còn đó, và rất liên quan đến tầm nhìn tương lai của chúng ta, nếu chúng ta chỉ đổi cùng một câu hỏi đó qua một cách khác: Làm sao chúng ta đã để cho chuyện đó xảy ra, ma quỉ nào đã dẫn dắt đến bờ vực 30-4 mà chúng ta cứ như bước tới không hồn. “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” tránh né vấn đề đó, thế nhưng câu hỏi đó quan trọng cho chúng ta vô cùng, bởi vì ôn cố tri tân, và có nhìn lại mình cho kỹ thì chúng ta mới có thể tránh được những vấp ngã mà chúng ta làm như mình là con nít, chẳng có trách nhiệm gì cả.

Chúng ta đã quen thuộc với những lập luận đổ lỗi cho kẻ thù và đồng minh về thất bại của mình. Kẻ thù đương nhiên phải dùng đủ mọi thủ đoạn để chiến thắng, mà Cộng Sản lại có thừa vũ khí đó – trách người ta sao được. Những trò như ngưng bắn, thành phần thứ ba, ủy ban hòa giải hòa hợp… con nít cũng chẳng tin, trong khi chúng ta đều là người lớn đã “trưởng thành” trong cuộc chiến chín năm chống Pháp, trong những màn đấu tố, cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp ở miền bắc, trăm hoa đua nở sau năm 1954! Cứ xem Putin và hai câu chuyện hiện nay ở Syria và Ukraine thì rõ. Còn đồng minh? Người ta còn bao nhiêu chuyện ưu tiên hơn liên quan trực tiếp đến sự sống còn, phát triển của ngưòi dân của họ. Những cái nhức đầu ngày nay của chính phủ Mỹ: y tế, giáo dục, công ăn việc làm, nhà cửa, kỳ thị chủng tộc, cuộc chiến chống đói nghèo… đâu phải đến bây giờ mới căng. Thời nào chẳng căng? Suy cho cùng, chiến tranh Việt Nam có phải là cuộc chiến của họ đâu. Khi vui thì vỗ tay vào!

Để chiến thắng, chúng ta phải có ý chí quyết thắng, và còn cần phải biết người biết ta. Trong suốt cả trận chiến, ý chí quyết thắng nơi lãnh đạo miền nam, chưa nói đến người dân, chưa bao giờ rõ ràng. Có nhiều khi lãnh đạo còn quên cả đó là cuộc chiến của chúng ta. Có nhiều khi quên lửng vai trò lãnh đạo cuộc chiến của mình. Và có nhiều khi quên rằng đó phải luôn luôn là mục tiêu số 1 của quốc gia để dồn nỗ lực vào. Chúng ta không khẳng định được với chính mình, và với kẻ xâm lăng, chỉ có đánh bại địch trong cuộc chiến một mất một còn này mới có thể tồn tại được.

Còn biết người biết ta? Ta và người đều phức tạp. Trong chiến tranh, ta phải muôn người như một. Chẳng những phải một lòng một dạ như “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” (Un pour tous, tous pour un - một người vì tất cả, tất cả vì một người) mà còn phải “hận thù đằng đằng” như Hội Nghị Diên Hồng. Trong cuộc chiến thời đó, có bao giờ ta đạt được khí thế Diên Hồng hay chăng? Lãnh đạo có bao giờ hỏi dân “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?” Để người dân đồng thanh trả lời “ Hy Sinh!” hay chăng?

Có thể xem đồng minh là ta được hay chăng khi ông Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger của Tổng thống Richard Nixon đã rắp tâm đi đêm với Cộng Sản, mật đàm với Cố vấn Lê Đức Thọ ngay từ tháng chín năm 1969? Đến đầu năm 1972, ta mới biết được chính thức chuyện đó từ miệng ông Nixon. Hơi muộn nhưng còn hơn không. Nhưng ta đã phản ứng thế nào trước chuyện đó, hay chỉ lao vào một “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm đó, “máu xương tơi bời một mùa thu”, và ngây thơ tưởng vụ ném bom oanh tạc miến bắc 12 ngày đêm của “Tricky Dick” (Dick lừa lọc – biệt danh của ông Nixon) là xong chuyện! Mỹ vẫn ký kết hiệp định “hòa bình” Paris – như thể ta không hiện diện trên đời này. Nhưng ta cũng phải có mặt để ký!

Và nhìn lại trong hàng ngũ của ta, thiếu gì những ngưòi “ta là ta mà không phải là ta” – từ thường dân đến trí thức, nhà văn, nhà báo, dân biểu, nghị sĩ, chính khách, thượng tọa, linh mục và cả những người nằm trong bộ máy chính quyền. Đông đảo đến mức không thể kể tên hết được – nhan nhãn như thời nay, trên vùng đất “tạm dung” của người Việt tha hương tỵ nạn này!

Khi tìm hiểu về sự sụp đổ của Miền Nam, chúng ta thường chỉ nhìn những diễn tiến sau khi có hiệp định hòa bình Paris 1973: Cộng Sản tăng cường nỗ lực “giành dân lấn đất” với vũ khí tối tân, hiện đại, được viện trợ “hào phóng” của Cộng Sản Quốc tế, từ Liên xô đến Trung Cộng; đồng minh Mỹ thì đang lún vào cuộc khủng hoảng Watergate và ngày càng xem Việt Nam như là chuyện “fait accompli”, đã xong rồi, siết hầu bao, đến xăng cho máy bay, súng đạn cho lính cũng chi tiêu dè sẻn như người sắp khánh tận; trong khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày càng mê sảng vì chính trường tồi tệ (chỉ một năm 1974, ông mất cả hai chỗ dựa là Phụ tá Nguyễn Văn Ngân chuyên về kinh tài và mua chuộc, và Tổng trưởng Dân vận Hoàng Đức Nhã, và phải “ngủ với kẻ thù” là ông thủ tướng của mình) và chiến trường náo động. Rốt cuộc ông ngày càng co cụm, chẳng còn ai, chẳng tin ai và vô kế khả thi về mặt quân sự - đưa dến quyết định tự sát là rút khỏi Ban Mê Thuột để dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng.

Tuy nhiên, phải chăng tình thế không chỉ mới trở nên tuyệt vọng từ năm đó mà đã có thừa những dấu hiệu cảnh báo ngay từ 10-11 năm trước đó, nhưng sự cảm nhận của chúng ta quá đơn giản, thiếu nghiêm chỉnh, thiếu tính cách phê phán (critical thinking) để thấy được vấn đề của ta, hiểu được nó để tìm cách đối phó. Lẽ ra, sau khi trải qua năm 1964, tức cách đây 50 năm, và trước năm miền nam sụp đổ đến 11 năm, chúng ta phải thấy rùng mình, người thì nói “Nam mô A di đà Phật”, người thì “A-men” và làm dấu thánh giá khi thấy miền nam còn tồn tại. Nhưng những gì lẽ ra chúng ta phải thấy, phải hiểu từ năm đó, chẳng hiểu chúng ta phải đợi đến bao lâu sau đó mới hiểu?

Trong năm 1964 đó, chúng ta nhớ được gì?

Vào cuối năm 1963, nền Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ sau cuộc đảo chánh 1-11. Một chương mới dù sao cũng đã mở ra, có thể nói “làm lại cuộc đời”, hay “ta làm lại từ đầu”. Thách đố này đương nhiên không phải là nhỏ! Một Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã được dựng lên, được lãnh đạo bởi người duy nhất phải chịu trách nhiệm về cái chết của hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm - tướng Dương Văn Minh. Quân nhân mà làm cách mạng – chuyện hơi khó tin, nhất là ông tướng chỉ thích chơi lan và tennis đến bỏ ăn bỏ việc. Càng khó tin hơn khi nhìn những ông tướng nói tiếng Việt còn lúng túng. Với trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong tình huống đặc biệt phức tạp đó (Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát đúng ba tuần sau vũ đào chánh 1-11), nhất là trước một cuộc chiến chống cộng nổi dậy đang có nguy cơ núng thế, HĐQNCM cần phải nhanh chóng ổn định tình thế, tái lập trật tự, vận động cho sự đoàn kết dân tộc giữa các tôn giáo, đảng phái, địa phương. Và quan trọng nhất là động viên cho được toàn dân cho cuộc chiến bảo vệ tự do, dân chủ của mình.

Tuy nhiên. cái chết của hai anh em ông Diệm như đã mở ra cái hộp nhốt ma quỉ (Pandora box) bấy lâu nay. Giống như Tôn Ngộ Không gỡ được cái niềng kim cô trên đầu, các tướng lãnh “cựu trào” và “tân trào” đua nhau đảo chánh để tranh giành quyền lực, bắt đầu là cuộc “chỉnh lý” ngày 30-1 -1964 của tướng Nguyễn Khánh, người nổi tiếng với câu nói bất hủ “Quân đội là cha”. Lật đổ năm tướng bị tố là theo trung lập, thân Pháp nhưng đều đang mê ngủ, là những tướng tá bất mãn như ông Khánh (vì ông muốn phần bánh của mình to hơn): Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên, Nguyễn Chánh Thi. Đó là một thời cực thịnh của chủ nghĩa cơ hội với sự nổi lên của “The Young Turks” – băng nhóm tướng tá mê sảng quyền lực.

Chiến tranh đang chuyển qua một giai đoạn mở rộng ở nông thôn, do địch lợi dụng sự xáo trộn bất ổn chính trị ở Saigon. Sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, cùng với vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy tại Dallas đúng ba tuần sau khi vụ đảo chánh 1-11 (1963) xảy ra đúng là định mệnh đã đưa Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson vào Tòa Bạch Ốc, mở ra một chương mới cho chính sách Mỹ tại Việt Nam. Johnson quyết định leo thang chiến tranh với thời điểm đáng nhớ là vụ Vịnh Bắc Việt vào tháng tám năm 1964 để thay đổi cuộc diện ở Việt Nam sau những báo cáo bi quan về tình hình quân sự ông nhận được. Bộ trưởng Quốc phòng Robert MacNamara, Tướng Maxwell Taylor đã đến Saigon nhiều lần trong năm 1964 để thị sát tình hình. Johnson không muốn là một tổng thống bại trận, và ông tin có thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến ở đó nếu leo thang - để ông có thể rảnh tay theo đuổi chính sách “Đại Xã Hội” (Great Society) của ông, với những chương trình đầy tham vọng mang chữ ký của ông về medicare, medicaid, chống đói nghèo. Chúng ta có thể nhớ lại, vào tháng ba năm 1965, Mỹ bắt đầu đưa quân chiến đấu đến Việt Nam, đợt đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẳng. Quân số Mỹ tại Miền Nam đến cuối năm đó đã lên đến 180.000, nhờ thế tái lập được sự cân bằng trên chiến trường.

Những người lãnh đạo ở Saigon chỉ thấy mỗi một chuyện leo thang, mà không thấy chuyện phải tập trung vào cuộc chiến để cho Johnson lo cho “Đại Xã Hội” của Mỹ. Khánh tin rằng ông ta được Mỹ ủng hộ vô điều kiện, và Mỹ không bao giờ dám bỏ “tiền đồn của Thế giới Tự do” này, nên ông ta yên tâm khoán trắng cuộc chiến tranh cho Mỹ. Lãnh đạo mà không thấy được trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến thì làm sao ngưòi dân thấy được trách nhiệm của mình đối với cuộc chiến, cho nên tôn giáo, đảng phái chính trị, và các địa phương cũng nhắm mắt lao vào cuộc chiến tranh giành quyền lực đang bỏ trống, đường phố Saigon vì thế trở thành bãi chiến trường.

Một nhà văn Mỹ Christopher Koch đã viết cuốn “Một năm sống liều lĩnh, hiểm nghèo” (The year of living dangerously) về tình hình chính trị ở Indonesia năm 1965, khi người ta lật đổ Tổng thống Sukarno, thế mà lạ thay chẳng nhà văn Việt Nam nào đủ cảm hứng hay khả năng viết một cuốn tương tự về tình hình Miền Nam trong năm 1964.

Sau khi Nguyễn Khánh thất bại trong âm mưu Hiến chương Vũng Tàu đưa ông ta lên làm quốc trưởng vào ngày 16-8, tính từ đó đến cuối năm, đảo chánh liên tục (tính ra có đến bảy cuộc đảo chánh lớn nhỏ trong hai năm 1964-65), chính phủ thay đổi liên miên. Hai tướng Minh và Khiêm bị Khánh ép phải lưu vong.

Chẳng tôn giáo nào lên tiếng trước vụ bức tử ông Ngô Đình Cẩn (em ông Diệm), cho dù ông bị xem là “lãnh chúa miền Trung”, vào tháng năm. Người ta chỉ ham xuống đường phô trương thanh thế, làm áp lực với lãnh đạo quân sự để cho người của tôn giáo của mình vào được chính quyền. Sau “thắng lợi” huy hoàng, Phật giáo miền Trung “thừa thắng xông lên”, đi vào hướng quá khích một cách mơ hồ. Ở Huế, người ta còn dựng lên “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc” như thể muốn ly khai hay thành lập một tiểu quốc. Người ta đốt phá thư viện của Mỹ, và sau đó còn màn cho bàn thờ ra đường (1966). Nhiều nơi ở miền Trung, các chùa trở thành tồng hành dinh “cách mạng” – sinh viên, học sinh sẵn sàng bỏ học, đóng cửa trường, ra vào chùa với khí thế đằng đằng, tưởng như họ đang làm lịch sử đến nơi. Ngay cả đường phố Saigon chẳng yên tĩnh được vì sư sãi, sinh viên, học sinh biểu tình. Hầu như trong giới lãnh đạo Phật giáo thời đó, chỉ còn Thượng tọa Thích Tâm Châu là cố giữ sự ôn hòa và tự chế trong những đòi hỏi chính trị của lực lượng Phật giáo tranh đấu. Phía Thiên Chúa giáo cũng đối lại bằng những cuộc xuống đường ồ ạt của dân Hố Nai… Có xung đột, có đàn áp, có người chết… Đáng ghi nhớ là vụ đốt làng Thiên Chúa giáo Thanh Bồ, Đức Lợi ở Đà Nẵng, và vụ sáu người Thiên Chúa giáo biểu tình bị bắn chết trước Bộ Tổng Tham Mưu ở Saigon.

Các đảng phài cũng rầm rộ tìm cách kiếm quyền lực, từ Việt Quốc đến Đại Việt, Dân Xã… . Nhất là Đại Việt, cho dù đảng này phân hóa ít nhất cũng thành ba nhánh: ĐV Quan lại (bắc), ĐV Cách Mạng (trung), Tân ĐV (miền nam)… Sau này, có thêm những đảng như Cấp Tiến của hai giáo sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy (chính là Tân Đại Việt cải danh), Công Nông của ông Trần Quốc Bửu thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Công (cũng là một đảng có phần lớn người nam), Lực lượng Đại đoàn kết (“Bắc kỳ Công giáo di cư”) mà người cầm đầu là kỹ sư Nguyễn Gia Hiến, và đảng Dân Chủ của chính quyền do Nguyễn Văn Ngân lập ra và cũng chết khi Ngân bị thất sủng.

1964 là một năm chiến tranh leo thang và mở rộng ở miền bắc cùng lan ra hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Đương nhiên, cũng xâm nhập vào nhiều thành phố miền nam. Việt Cộng tấn công phi trường Biên Hòa, cho ném bom vào tòa đại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi, nổ bom ở khách sạn Brink trên đường Hai Bà Trưng, và trận Bình Giã nổ ra vào tháng chạp. Đại Hàn đã bắt đầu gởi “cố vấn” đến, Thái Lan và Phi Luật Tân cũng gởi đến những toán nhỏ trong “công tác dân sự” (civic action group). Úc và Tân Tây Lan cũng đang cho quân đến. Phía địch, Hà Nội đang chuyển quân theo đường mòn Hồ Chí Minh vào nam đến cả 50.000 người để “tăng viện”. Ở miền bắc, người ta cho thấy một cách lãnh đạo đất nước vốn chẳng xa lạ gì, tất cả cho chiến tranh, bất kể đất nước ngày càng lạc hậu, nghèo đói, xơ xác, cứ bắt ngưòi dân “với sức người sỏi đá cũng thành cơm” . Với lãnh đạo chuyên chính, trong suốt cuộc chiến họ chẳng gặp sự đối kháng nào trong dân chúng. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ là người lãnh đạo duy nhất trong chừng ấy năm. Họ xác định rất rõ địch là ai: trước cũng như sau cuộc chiến. Trước thì tiêu diệt; sau thì cho đi “học tập cải tạo”. Họ cũng chỉ có một “ta”, dựng lên Mặt trận Giải phóng Miền Nam để “che mắt thánh”, sau chiến tranh thì dẹp đi ngay không thương tiếc. Với “đồng minh” hai nước xã hội chủ nghĩa anh em thì khéo đi giây xiếc đề lợi dụng cả hai và chẳng ai dám bỏ rơi mình.

Có nhiều người đã sống khá đủ trong cả hai cuộc chiến để biết được, hiểu được chuyện gì đã thực sự xảy ra. Có nhiều người chỉ mới sống trọn vẹn một cuộc chiến nhưng cũng có thể hiểu biết ít nhiều. Khi ngưòi ta càng lớn tuổi, nhìn lại nghĩ lại, chắc chắn nỗi thương đau càng lớn. Tuy nhiên, càng suy nghĩ và hiểu rằng lịch sử rồi cũng phải sang trang theo qui luật tiến hóa, người ta cũng có thể nhìn quá khứ sáng hơn để chia sẻ với những thế hệ trẻ sau này tâm tư chân thực của mình.

No comments:

Post a Comment