7/29/13

Lại câu chuyện tiền đồn

HOÀNG NGỌC NGUYÊN

Người Việt xuống đường trước Bạch Ốc khi Chủ Tịch CSVN Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ

Theo những chuyên gia về bang giao Mỹ Việt, cuộc gặp gỡ trong tuần này giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ cực kỳ hào hứng, và người ta hình dung rằng ngoài hội đàm chính thức, hai người còn sẽ có dịp nói chuyện riêng tư với nhau, không cần có thông dịch viên, cho dù đương nhiên rốt cuộc chẳng ai nói được gì và ông Sang sẽ có thể phải dùng nhiều Salonpas.

Ít ra thì hai người cũng đều xuất thân từ ngành luật, đều là tiến sĩ – tuy một người phải vất vả ở Harvard mấy năm, một người nhàn hạ đi theo con đường chuyên tu và tại chức thời gian không đáng kể. Ai nói con người chẳng có số!

Cả hai cũng có một trường hợp sự nghiệp đi lên phi thường, tuy câu chuyện ông Obama bình thường hơn - một thanh niên trí thức có chí và có tâm huyết đã vươn lên đến đỉnh cao nhất trong nấc thang chính trị. Câu chuyện của ông Trương Tấn Sang thì mới nghe tưởng là huyễn hoặc hơn. Một cán bộ xã thôn sau này lên làm bí thư một huyện ngoại thành chẳng ai biết có mặt trên đời hay không vào những năm 70, thế mà nay là người đứng đầu guồng máy nhà nước – trên danh nghĩa! Khi được hỏi, ông khiêm tốn nói: “Tôi làm sao bì được với đồng chí Ba Dũng (thủ tướng). Trước 75, đồng chí ấy chỉ có công tác y tá ở tận tỉnh Hà Tiên cực nam. Thời đó, nhờ chủ trương sinh bắc tử nam của bộ đội ta cho nên ngành y cũng khá rảnh rỗi. Thế mà sau này công tác lãnh đạo quốc gia nào đồng chí cũng đảm nhiệm, từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, thứ trưởng nội vụ, phó thủ tướng thường trực rồi thủ tướng cả tám năm nay”. Vả lại, những người đã từng lãnh đạo đảng và nhà nước tại Hà Nội, như Đỗ Mười, Lê Đức Anh… ai lại chẳng có những quá khứ lẫy lừng, oanh liệt, ít ai biết đến như thế! Người thì thợ sơn, người thì cai đồn điền cao su. Có ai ngờ được trước đâu.

TT Hoa Kỳ Obama gặp gỡ Chủ Tịch VN Trương Tấn Sang tại Bạch Ôc, ngày 25 tháng 7, 2013. Getty Images

Đương nhiên, ông Obama mà gặp ông Sang, hẳn phải có chuyện mới gặp. Ông Sang còn có thể muốn có dịp đi chơi nước Mỹ một chuyến, sợ vài năm nữa già rồi hay xuống rồi khó đi, nhưng ông Obama thì không hưỡn. Ông chưa phát điên vì biết bao chuyện bế tắc của chính quyền là còn may - nhất là khi phải sống giữa biết bao người điên đang nhào vào ông mà la hét! Nhưng ngay cả ông Sang, ông nói “Tôi đi Oa-xinh-tơn Đi Xi lần này chẳng phải là không có sứ mạng”. Nền kinh tế đổi mới thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay thực ra vẫn chạy bằng đầu máy Hoa Kỳ, nếu chúng ta hiểu rằng ngoại thương là “engine of growth”, mà phần lớn ngoại thương của Việt Nam là với Mỹ.  Không có o bế “thằng đế quốc Mỹ”, kinh tế Việt Nam làm sao có những khu vực kỹ nghệ chế biến, gia công, ngoại thương, du lịch… để chen vai đứng trong tổ chức ASEAN của các nước Đông Nam Á?  Hiện nay, Mỹ đang muốn hạn chế nhập cảng để quân bình cán cân thanh toán, trong khi thằng cha căng chú kiết nào trên thế giới cũng muốn bán hàng cho Mỹ cả bởi vì người Mỹ thời nay hóa ra dễ tính, không mấy kén chọn, có phải Việt Nam được độc quyền gì đâu. Người ta nói kinh tế Việt Nam có khuynh hướng tăng trưởng chậm và đầu tư giảm. Đó phải là chuyện đương nhiên!

Nhưng trong quan hệ Việt Mỹ hiện nay còn có một nội dung tế nhị khác. Việt Nam và Trung Quốc vốn là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em như cây liền cánh, như hoa liền cánh trong thời chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”. Chẳng có Trung Quốc viện trợ và lù lù ở phía bắc như “con cọp giấy” thì Hoa Kỳ đã chẳng ngại mở rộng cuộc địa chiến ra miền bắc. Thế nhưng qua thời hòa bình, tôi trung không thể thờ một lúc hai chúa, Hà Nội đi với Mạc Tư Khoa vì không chịu được hơi nóng từ Bắc Kinh quá sát mình - mặc dù trong thời chiến ở Hà Nội ngưòi ta ca hát, ăn mặc, sinh hoạt chẳng khác gì nước bạn là mấy - đến mức ông Nguyễn Cao Kỳ ở trong nam mà cũng bị ảnh hưởng, bắt chước mặc áo đại cán! Bắc Kinh phản ứng, và từ năm 1979, Việt Nam và Trung Quốc đoạn giao. Việt Nam đánh Khmer Đỏ, chiếm đóng Campuchia của Trung Quốc, và Trung Quốc đánh tràn qua biên giới Lạng Sơn để cho Việt Nam “một bài học”, Bắc Bộ Phủ lần đầu tiên tố cáo âm mưu “bá quyền bành trướng Đại Hán” của Trung Nam Hải!

Nay tuy hai nước đã tái lập bang giao từ 1990, nhưng người ta không còn nói đến mối tình xa xưa “môi hở răng lạnh” nữa. Trái lại, ít nhất là trong vòng mười năm qua, khi Bắc Kinh nghĩ rằng mình đã đạt được vị trí đại cường kinh tế của thế giới (từ hai năm qua đã vươn lên vị trí thứ nhì, qua mặt cả Nhật Bản), và có thể chẳng bao lâu nữa, nền kinh tế của họ sẽ to nhất thế giới, tức đẩy nước Mỹ xuống hàng thứ nhì, thì người ta bắt đầu nghĩ chẳng nên chậm trễ trong việc mở rộng thanh thế trong vùng Biển Đông của Thái Bình Dương. Đây mới là lúc người ta chứng kiến hay có cảm nhận về sự bành trướng của chủ nghĩa bá quyền dạng háng của Trung Cộng, cho nên những nước lân bang xa gần của Trung Quốc đều se mình, mà Việt Nam có lẽ là nước cảm thấy bị lấn áp nhiều nhất và đang phải phản ứng một cách khó khăn, lúng túng. Đó là truyền thống lịch sử từ bao đời.

Nhưng cũng là truyền thống lịch sử Cộng Sản Việt Nam luôn luôn tìm một chỗ dựa nào đó ở bên ngoài để đối lại với sự thách đố của một thế lực bên ngoài khác. Ngay từ đầu “Bác Hồ” đã vượt biên “đi tìm đường cứu nước”, có tìm con đường này ở trong nước đâu.  Bao nhiêu chuyện về sau đều là những bài học tương tự cho thấy họ là “bậc thầy khôn vặt” trong việc lợi dụng bằng mọi giá những thế lực bên ngoài để đạt những mục tiêu của mình: Khi chống Pháp, ho dựa nhiều vào Trung Cộng; khi chống Mỹ, họ đi dây xiếc giữa Trung Cộng và Liên Xô; trong thời hòa bình, họ hất Bắc Kinh, chạy theo Mạc Tư Khoa; khi chuyển qua kinh tế thị trường, khách hàng là thượng đế, thì dĩ nhiên Mỹ phải là số 1. Những người đến Việt Nam từ Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Đại Hàn… để kiếm gái còn được trân trọng xem là “thượng đế” huống chi (thậm chí có ông bộ trưởng lao động còn hãnh diện bắt chước Mỹ đề cao quyền của khách hàng được lựa chọn mẫu mã, ông nói “Khách hàng bao giờ chẳng đúng!”). Nhưng chuyện Trung Quốc đang tìm cách bành trướng và lấn át Việt Nam cả ở biên giới phía bắc trên đất liền và trên các đảo, các vùng đánh cá, các vùng khai thác dầu khí… trên biển quả là một chuyện cấp bách, sinh tử, nhất là vì sự xâm lược kinh tế của Trung Cộng khắp nơi trên Việt Nam cũng khá hiển hiện và rất khó ngăn chận. Cho nên, Việt nam phải tìm đến Mỹ chẳng phải là chuyện lạ, nhất là bởi vì Việt Nam cũng biết Mỹ đang tìm đến mình.

Mỹ vẫn muốn giữ vị thế của một “đại cường vùng Thái Bình Dương” (a Pacific power) để bảo vệ quyền lợi cùng che chở những đồng minh  chiến lược truyền thống ở vùng này như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan… Trung Cộng bao giờ cũng là một đe dọa nghiêm trọng đối với sự có mặt của Mỹ ở Thái Bình Dương, nhất là Trung Cộng ngày nay, vừa phình to, vừa trang bị nguyên tử đến tận răng, vừa cực kỳ tham vọng với “Giấc Mơ Nước Tàu” (The Chinese Dream) là “siêu cường số 1 của thế giới” và vừa nuôi dưỡng một con chó điên là Bình Nhưỡng. Bởi thế, Hoa Kỳ đang muốn có một “tiền đồn” ở vùng Đông Nam Á này. Đã từng là tiền đồn, chúng ta đều hiểu số phận tơi tả của nó, vai trò “domino” của nó, những hy sinh bạc bẽo của nó cho sự an bình trong khu vực.

Dĩ nhiên thời thế ngày nay khác, tiền đồn ngày nay cũng khác. Hà Nội vẫn có những mối quan hệ với Bắc Kinh phải giữ. Giới lãnh đạo người bắc ở Bắc Bộ Phủ từ lâu vẫn “nể mặt” Bắc Kinh và tránh tối đa những trường hợp đối đầu. Nhưng họ cũng biết Washington muốn gì, và cũng muốn khai thác quan hệ này để dằn mặt lại Trung Quốc. Họ vẫn muốn chơi trò đi dây xiếc cho dù Hồ Chí Minh không còn nữa vì cái nghề gia truyền này đã ăn trong máu. Về phần Hoa Kỳ, họ có những đồng minh “tự nhiên”, đồng minh “chiến lược”, đồng minh “bất đắc dĩ”, đồng minh “giai đoạn”. Tùy mức độ thực dụng, hay ngây thơ của những nhà ngoại giao Mỹ thời nay mà mối tình Mỹ Việt này có dẫn đến “hôn nhân đồng tính” hay không. Việt Nam vẫn giỏi trong nghề mặc cả bằng cách cứ làm bộ xem cuộc đời này là sắc sắc không không, họ chẳng cần gì – ngay cả Henry Kissinger cũng rơi vào tròng!

Cái thú vị trong cuộc gặp gỡ giữa hai ông Obama và ông Sang là chuyện hai người trao đổi riêng bằng cách hoa chân múa tay về những vấn đề đôi bên cùng tò mò.

Ví dụ ông Obama có thể nói với ông Sang là Việt Nam nên cố gắng cải thiện thành tích nhân quyền, vì người dân Mỹ khó để cho chính quyền của mình tăng cường quan hệ với một chính phủ không có một ý niệm gì về dân chủ tự do mặc dù nhân loại nay đã bước hơn một thập niên qua thế kỷ 21. Ông Sang đáp lại ngay: “Nhưng thưa đồng chí, trong nước của đồng chí người ta cũng đang than phiền dân quyền bị xâm phạm, quyền bỏ phiếu của người da đen bị tước đoạt một lần nữa đấy thôi”. Chẳng nên lạ khi ông Sang gọi ông Obama là “đồng chí”. Những người từng đi “học tập cải tạo” sau năm 1975 còn nhớ mấy cán bộ quản giáo lên lớp có khi nói với mình rằng “Các đồng chí là tay sai của ngụy quyền, ngụy quân nay được khoan hồng”, khiến cho có người mừng rỡ, cho rằng sắp được về vì nay đã được xem là “đồng chí”.  

Khi ông Obama đem trường hợp cô Nguyễn Phương Uyên chỉ vì có phản ứng nhiệt tình trước thái độ hung hăng xâm lăng của Trung Cộng mà bị tù và hành hạ cả mấy năm tiêu đời tuổi trẻ, ông Sang đã chuẩn bị, đáp ngay “Đồng chí hãy nhìn lại nền công lý ở Mỹ trước đã. Mẹ giết con (như bà Casey Anthony ở Florida) cũng được tha bổng. Dân phòng (như George Zimmerman cũng ở Florida) mà cũng có súng giết bậy thường dân cũng được tha bổng. Ở nước tôi, súng chỉ có cho quân đội hay công an. Cho nên, chẳng ai bắn bậy được - trừ nhân viên công lực. Chúng tôi cũng chủ trương bắt oan còn hơn tha lầm. Công lý nào sáng tỏ hơn, công lý nào mạnh hơn, công lý nào an toàn cho xã hội hơn nếu so sánh hai vụ án? Cô Uyên còn sẽ được tha, sớm hay muộn, năm năm hay mười năm, thậm chí 15 năm, còn ông Zimmerman này, chừng nào mới bắt lại được?”.

Ông Obama chợt nhớ đến những lời than phiền về tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng mới đề cập thì ông Sang đã nói ngay. “Người ta nói Việt Nam không có tự do tôn giáo, như thế thì mấy chùa ở đây, mấy nhà thờ ở đây, ai cung cấp tăng ni cha xơ cho họ nếu không có hệ thống tôn giáo quốc doanh của chúng tôi? Chúng tôi đào tạo không kịp trước nhu cầu tôn giáo to lớn ở Mỹ. Tôn giáo ở Việt Nam có gây phân hóa xã hội như tôn giáo ở Mỹ gây ra cho cộng đồng ngưòi Việt ở Mỹ hay không? Ở Việt Nam, có chỗ cho Hồi giáo cực đoan lộng hành không?”

Túng thế, ông Obama mới hỏi nước Việt Nam con giữ bốn chữ “xã hội chủ nghĩa” trong tên nước, nhưng xem chừng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, và giai cấp phía dưới càng bị bỏ bê. Trương Tấn Sang cười ha hả, giống như Khổng Minh khi đi phó hội ở Giang Đông, đáp rằng: “Tôi tưởng ngài đang nói chuyện nước Mỹ, khi 47 triệu người nghèo bị cúp tem phiếu thực phẩm, 7 triệu sinh viên phải trả gấp đôi lãi suất vay nợ, gần 25 triệu vừa thất nghiệp chính thức vừa trá hình. Nước tôi vốn là một nước nghèo, nhưng nhờ đổi mới kinh tế, thành phần vô sản trước đây nay đã trở thành thành phần 5%. Tức con số cao hơn 1% bên Mỹ. Ở nước tôi, chẳng ai sợ thất nghiệp cả. Ngay cả trẻ con. Cuộc cách mạng giải phóng thiếu nhi vừa qua đã dẫn đến luật cho phép trẻ em đang còn quàng khăn đỏ dưới 15 tuổi cũng được nghỉ học để đi làm. Cuộc cách mạng giai cấp này còn diễn ra ở nông thôn. Đó chính là cuộc giải phóng phụ nữ nhiều nước, trong đó có cả nước của đồng chí, nói nhưng chưa làm được! Hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn cô gái đã tiến từ lũy tre xanh lên thẳng lầu xanh ở những xã hội tiên tiến lân bang, không cần trải qua thời kỳ quá độ lên thành phố trong nước. Về chuyện sinh viên, chẳng những họ không bị gánh nặng nợ nần khi đi học mà hàng chục ngàn người đang còn thong dong ở Mỹ”.

Nghe nói sau cuộc gặp gỡ này, ông Obama tâm trạng bần thần giống như Chu Du của Đông Ngô sau khi gặp Khổng Minh của nhà Thục qua phó hội ở Giang Đông trước trận Xích Bích. [HNN] 

No comments:

Post a Comment