7/25/13

Nước Mỹ nổi sóng!

Hoàng Ngọc Nguyên


Biểu tình đòi công lý cho nạn nhân Trayvon Martin tại Los Angeles. Getty Images
Ngay từ khi vụ án bùng nổ, người ta đã thấy trước một tương lai sóng gió, bão bùng sẽ nổi lên không chỉ tại Florida mà trên khắp cả nước, nhưng rõ rệt giống như chuyện dự báo thời tiết, đài khí tượng chỉ có thể đoán trước sẽ có mưa gió, có giông bão hay không, nhưng không có cách nào ngăn chận được thiên tai. Đó chính là câu chuyện hiện nay, khi người da đen khắp nước Mỹ xuống đường ồ ạt để phản đối quyết định của một bồi thẩm đoàn ở Florida hôm thứ Bảy tuần qua đã tha bổng bị cáo George Zimmerman 28 tuổi về tội bắn chết Trayvon Martin, một thiếu niên da đen 17 tuổi không vũ trang, vào ngày 26-2-2012. Người ta đang thấy nổi cộm lên ba vấn đề trong vụ án nhiều tranh cãi này: tính chủng tộc trong bối cảnh kình địch đặc biệt ở tiểu bang Florida giữa người da đen và người Latino; sự lạm dụng quyền có súng trong nền văn hóa súng đạn truyền thống ở Mỹ, và; thêm một lần nữa người ta phải nghi ngờ sự hiện hữu của công lý ở tiểu bang này, và câu hỏi do đó được đặt ra là cái gì đã vào đây khiến công lý phải đội mũ bước ra?
Trước hết là phải tóm tắt câu chuyện, mặc dù độc giả có thể đã được thông tin tương đối cập nhật vụ án này ngay từ đầu.



George Zimmerman là một thanh niên cha Mỹ mẹ Peru, không mấy học hành, nghề nghiệp chẳng có, và có lẽ một phần nào hơi tâm thần vì tính của anh ta muốn làm người hùng, mặc cảnh phục, lưng đeo súng, nhưng bao nhiêu lần xin vào ngành cảnh sát đều không được toại nguyện. Vì quá rảnh rang, và cũng để thỏa chí bình sinh, Zimmerman tình nguyện làm nhân viên dân phòng, ăn cơm nhà, vác ngà voi, nhưng có dịp lận cây súng trong người đi rảo rảo trong xóm - một khu gia cư riêng biệt có tường ngăn với bên ngoài ở thị trấn Sanford của tiểu bang Florida. Trong khi đó, Trayvon Martin là một học sinh từ nơi khác về đây thăm cha, ông cũng ở trong cộng đồng kín cổng cao tường này với hôn thê và một đứa nhỏ bốn tuổi con của hai người. Trong buổi chiều hôm đó, bóng tối xuống mau, đèn đường lù mù, trời mưa gió, Zimmerman chẳng chịu ngồi yên trong nhà mà lại ra đường, trong một chiến dịch “search and destroy” (tìm và diệt địch) và gặp Martin. Zimmerman vẫn phàn nàn mãi với cảnh sát trong xóm này có nạn trộm cắp thường xuyên, và những kẻ tình nghi đều chạy vuột, thường là người da đen, cho nên vẫn có chủ trương phải cho dân phòng nhiều quyền hạn hơn. Martin mặc áo dính liền với chiếc mũ trùm trên đầu, đi lầm lũi trong mưa đêm, vừa từ tiệm tạp hóa mua kẹo đem về cho đứa em cùng cha khác mẹ với mình.



Vấn đề chủng tộc là ở đây: nếu Martin là người da trắng, nếu Martin không có chiếc mũ trùm đầu, nếu Martin biết chào “Hola” như những người Latino, chắc chắn Zimmerman sẽ bỏ qua và Martin sẽ không phải thọ tử chiều tối hôm đó. Zimmerman thấy nghi báo cho cảnh sát biết, và họ nói được rồi, anh ta không phải theo dõi nữa. Nhưng anh ta không về, cứ lái xe rề rề theo dõi và còn ra khỏi xe định tìm cách theo sát nút. Hóa ra Martin biết mình bị theo dõi, cho nên quay lại chận đầu anh ta và hỏi anh ta muốn gì. Xô xát xảy ra, và cuối cùng thì Zimmerman lấy súng trong người ra bắn một phát hạ sát thiếu niên da đen này.

Zimmerman kêu cảnh sát đến ngay và nói rằng mình vừa phải giết thiếu niên này vì lý do tự vệ. Anh ta nói Martin đã đè anh ta xuống, dộng đầu anh ta nhiều lần xuống mặt đất, gây ra những vết thương chảy máu trên đầu. Florida có một luật nổi tiếng, đó là luật ra tay trước vì lý do tự vệ, có tên là “Stand You Ground law”, cho phép một người có thể chủ động sử dụng vũ lực vì lý do tự vệ khi người ta tin một cách có lý rằng mình đang bị đe dọa bất hợp pháp mà không nhất thiết phải tìm cách rút lui. Zimmerman bị thẩm vấn trong năm giờ sau đó, nhưng được phóng thích ngay trong đêm đó, theo trách nhiệm và quyền hạn của cảnh sát điều tra cùng biện lý của quận hạt.

Gia đình của Trayvon Martin phản ứng mạnh mẽ khi thấy vụ án bị chìm xuồng quá nhanh. Cộng đồng người da đen tại nhiều thành phố xuống đường. Hiệp hội Quốc gia vì sự Tiến bộ của Người Da màu (National Association for the advancement of Colored People – NAACP) lên tiếng. Và Tổng thống Obama cũng có lời phát biểu từ Tòa Bạch Ốc. Thống đốc Florida Rick Scott phải cử ra một biện lý tiểu bang cho vụ án (bà Angela Corey). Vụ án được mở ra lại và Zimmerman  chính thức bị truy tố tội giết người ở mức độ hai (sát nhân không chủ mưu – thông thường có tính ngộ sát khi có xung đột).



Đây đúng là một vụ án cực kỳ phức tạp. Những chứng cớ và nhân chứng của hai bên nguyên và bên bị đều khá mơ hồ. Chẳng có ai có mặt ở hiện trường. Còn trong đêm mưa gió đó, ai thực sự có thể thấy gì được qua màn mưa từ cửa sổ của nhà mình một cảnh tượng xảy ra ở một khoảng xa cả 50-60 yards chìm trong bóng tối. Ngay cả những tiếng kêu la, chẳng ai xác định được là của ai. Về vết thương trên đầu của Zimmerman? Bác sĩ đã xác nhận “rất không đáng kể” (Very insignificant). Cho nên cuộc điều tra của phía công tố xác định đây là trưòng hợp “sát nhân không chủ định”. Đó là trường hợp đã rõ khi cây súng của Zimmerman bắn chết Martin. Công việc của phía bị can đúng là vạn nan khi họ cố chứng minh đây là một trường hợp tự vệ hay ra tay trước để nắm quyền chủ động sinh mạng. Stand Your Ground! Có nghĩa là Zimmerman thấy yếu thế, thấy tính mạng bị đe dọa và do đó phải dùng súng để giải vây!



Phiên tòa chính thức bắt đầu vào ngày thứ Hai 24-6, bồi thầm đoàn gồm sáu phụ nữ, trong đó có năm người là da trắng. Người ta chẳng nói người thứ sáu da màu gì. Nhưng ở Florida, ngưòi da đen từ lâu vẫn bị người da trắng xem như “đồ bỏ” – dân đến đây để làm nô lệ. Mạng sống của họ có nghĩa gì! Đương nhiên thời gian có thể làm thay đổi, nhưng chẳng phải công dụng đó bao giờ cũng có hiệu quả, nhất là hiệu quả nhanh như thế. Cứ thử hỏi xem Nội Chiến nước Mỹ chấm dứt bao lâu rồi, và “tâm tình Nội Chiến” có còn hay không ở nhiều ngưòi Mỹ.

Bao nhiêu chuyện hỉ nộ ái ố đầy kịch tính đã xảy ra. Nhiều người có cảm tưởng đang lạc vào mê hồn trận, đến mức bà chánh án đã lên tiếng gợi ý bồi thẩm đoàn có thể xét Zimmerman ở một tội nhẹ hơn: manslaughter, cũng có nghĩa là ngộ sát, nhưng nhẹ hơn tội giết người không chủ định. Nhưng cuối cùng ngày 13-7, bồi thẩm đoàn đã có phán quyết George Zimmerman không có tội giết người, và một thành viên trong đoàn này sau đó giải thích với CNN: họ tin rằng Zimmerman hành động vì “lo sợ cho mạng sống của mình” (he feared for his life)! Một trường hợp tự vệ. Có hai điểm bồi thẩm đoàn phải nhìn nhận: lẽ ra Zimmerman không được xuống xe và vụ nổ súng là không cần thiết!

Như thế, Zimmerman về mặt lý thuyết đã có thể ung dung bước ra khỏi tòa án, ngẩng mặt nhìn trời, cúi mặt nhìn đời như một người tự do, sau khi đã dùng súng bắn chết một người không có vũ trang mà không bị kết tội gì cả. Trong thực tế, anh ta vẫn sẽ phải tiếp tục cuộc sống ăn không ngon, ngủ không yên và chẳng bao giờ dám chường mặt ra ngoài vì bây giờ thì anh ta có lý khi “lo sợ cho mạng sống của mình”. Anh ta đã từng bị “stress” đến mức nặng thêm cả 100 pounds - tức hiện nay xấp xỉ 300 pounds – trong mấy tháng trốn chui nhủi trước khi ra tòa. Tiếc thay, lần này anh ta không thể lợi dụng luật “tiên hạ thủ vi cường”, ai bắn trước làm cha, để giết hết cả mấy chục triệu người da đen đang phẫn nộ xuống đường khắp nơi đòi anh ta phải đền tội - một điều người ta đã thấy trước.



Tổng thống Obama lại lên tiếng, và ông phát biểu rất chừng mực, thận trọng. Ông nhìn nhận vụ án này đã gây xúc động mạnh mẽ nơi công chúng, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. “Tôi nay xin mọi người dân Mỹ hãy tôn trọng lời yêu cầu suy nghĩ một cách bình tĩnh của cha mẹ đã mất đứa con trai của mình. Và khi đã lắng xuống, chúng ta phải đặt câu hỏi cho mình, chúng ta đã cố gắng làm hết khả năng của mình chưa để mở rộng vòng tay nhân ái và hiểu biết giữa cộng đồng của chính chúng ta. Chúng ta phải tự hỏi đã làm hết sức mình chưa để chận đứng nạn bạo lực súng đạn đã cướp đi hàng ngày biết bao nhiêu sinh mạng trên khắp đất nước của chúng ta”.



Bộ Tư Pháp đã nói sẽ xét đến chuyện truy tố ở cấp liên bang Zimmerman vào “tội ác thù ghét” (hate crime). Gần giống như vụ án O.J. Simpson tuy được “vô tội” trong vụ án giết vợ và tình địch nhưng lại vướng vào vụ án dân sự sau đó với kết quả là thân tàn ma dại trong nhà tù ngày nay – cho dù vì chuyện khác. Và những cuộc xuống đường hiện nay cũng khó nói sẽ đi về đâu, và chuyện gì sẽ xảy ra khi người Latino cũng xuống đường “đáp lễ”.

Những bài xã luận trên CNN, Los Angeles Times, The New York Times, The Washington Post… đã nói hết những phán quyết của dư luận về phán quyết của tòa án. Cho dù Tối cao Pháp viện vào tuần cuối tháng Sáu đã phán quyết tình hình chủng tộc đã cải thiện nhiều ở 13 tiểu bang nổi tiếng vì nạn kỳ thị, thực tế là “Trẻ da đen đã bị từ chối quyền niên thiếu” (Black boys denied the right to be young – Eugene Robinson) và “Trẻ da đen bị cướp đi tuổi trẻ của mình” (Trayvor Martin and the stolen youth of black children – Jonathan Capehart). Bà Lisa Bloom bình luận: “Phía công tố không đủ can đảm nêu ra vấn đề chủng tộc”. Hai người  khác thì nói gọn hơn: “Nguyên cả hệ thống bị hỏng” (Charles Blow), “Phán quyết cho thấy sự khuyết nhược của công lý”. Có gì đáng ngạc nhiên ở Florida. Casey Anthony rõ ràng đã điên loạn trấn nước đứa con gái 5 tuổi của mình để chạy theo mấy người bạn trai đàng điếm, nhưng tòa án ở đây vẫn tha bổng cô ta. Bầu cử ở đây thì tha hồ gian lận phiếu, đếm phiếu lui tới mãi không xong đến mức ông Albert Gore năm 2000 phải bỏ tiểu bang này, bởi thế mà thua ông George W. Bush trong đường tơ kẽ tóc.



Trong khi đó, những nhà chính trị tại Washington đều ngọng nghịu - đây là lúc họ đang kiếm phiếu Latino: bầu cử ở Mỹ đến liền liền, và dân số Latino gia tăng là nguồn hy vọng sống còn duy nhất cho nước Mỹ vì ngưòi da trắng không chịu sinh con đẻ cái, và người da đen thì thích phá thai hơn giữ. Vả lại, những nhà chính trị cũng đang có vụ án của chính họ: những ngưòi Cộng Hòa tại Hạ Viện lần đầu tiên trong cả 40 năm, tuần qua đã bỏ phiếu loại bỏ chương trình tem phiếu thực phẩm cho người nghèo ra khỏi Đạo luật Trợ nông, có nghĩa là chương trình này phải chấm dứt nếu được Thượng Viện và ông Obama đồng tình với Hạ Viện, và ít nhất 47 triệu người, trong đó đến một nửa là trẻ em, sẽ có nguy cơ chết đói.

Khi quyết định vô tâm này, người Cộng Hòa nói họ bỏ đi một chuyện “không liên quan” trong đạo luật này, dù trong thực tế, trong đạo luật trợ nông này từ 50 năm nay, chuyện bỏ ra hàng trăm tỉ cho giới nông trại cùng 80 tỷ cho người đói ở thành thị đã gắn bó với nhau từ lâu như một thỏa hiệp giữa hai đảng, cùng một thể hiện liên đới thành thị-nông thôn. Thực ra, người Cộng Hòa trong một phút điên rồ trong mùa nóng này chỉ nhằm triệt hạ một “chương trình phúc lợi” của chính phủ để phô trương khí thế trước mùa ngân sách đang đến mà thôi.

Tại sao người Cộng Hòa nay im lìm trong vụ án? Họ sợ cái gì. Theo ngưòi hiểu biết, họ đang “lo sợ cho mạng sống của mình” – giống như Zimmerman. Nhỡ 47 triệu người nghèo cảm thấy bất an, sợ chết đói, do đó áp dụng luật Stand Your Ground trong trường hợp này, mà ra tay trước, đối xử những nhà chính trị này mạnh tay với lý do “tự vệ chính đáng”.

Ngày xưa, người Mỹ phải qua tận Botseana để tìm cảm hứng từ những chuyện lạc hậu, điên rồ trong văn hóa của người dân bộ lạc ở châu Phi cho phim “The Gods Must Be Crazy”. Đời nay, chắc chắn họ chẳng phải đi đâu xa. Trên nước Mỹ này, thiếu gì chuyện![HNN]













































No comments:

Post a Comment