8/5/12

LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 22 CỐ GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY TẠI PARIS

Lễ giỗ tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy năm nay do Ban Chấp Hành Liên Khu Bộ Châu Âu Tân Đại Việt tổ chức tại thành phố Ivry Sur Seine, cách Paris 13 chừng trên 2 cây số về hướng Nam. Lễ tưởng niệm được khai mạc đúng 11.45 giờ ngày Chúa Nhật 29.7.2012.

Thông thường, lễ giỗ hàng năm đuợc tổ chức trang nghiêm và thân mật trong nội bộ Gia Đình Tân Đại Việt. Nhưng năm nay thì buổi lễ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật, vào tháng 7 là tháng bà con đi nghỉ hè, và hơn nữa, buổi lễ được tổ chức tại một địa điểm xa trung tâm Paris…là một điều gây ngạc nhiên cho nhiều người khi thấy khoảng 80 khách hiện diện trong hội trường.

Ngoài một số đảng viên Tân Đại Việt đến từ Châu-Âu và các đại diện các hệ phái của Đại Gia Gia Đình Đại Việt tại Pháp, người ta gặp rất nhiều nhân sĩ trong hàng ngũ chống cộng tại Paris đã đến tham dự và phát biểu trong buổi lễ.

Ông Trần Quý Phong - Luật sư Trần Thanh Hiệp

Sau nghi thức chào cờ Quốc Gia và phút Mặc Niệm ghi ơn những người đã nằm xuống vì Tổ Quốc, ông Trần Quý Phong, bí thư Liên Khu Bộ Tân Đại Việt Châu-Âu thay mặt ban tổ chức chào mừng quan khách và sau đó ông vào trọng tâm một cách vắn tắt :

‘‘Kính thưa Qúy Vị. Cách đây đúng 22 năm, Gs Nguyễn Ngọc Huy đã từ trần tại Paris vào hồi 9.30 tối ngày 28.7.1990. Hôm nay đúng ngày giỗ, là một dịp đặc biệt để anh em các cấp Tân Đại Việt khắp Châu-Âu về đây họp mặt làm lễ tưởng niệm, đồng thời xác định trước Hương Linh cố Giáo sư một lần nữa, mục tiêu tranh đấu của Đảng là phải giải thể chế đô độc tài cường bạo cộng sản việt nam đồng thời xây dựng một nước Việt Nam Tự Do, Độc Lập, Dân Chủ Pháp Trị. Tuy rằng tiềm lực của chúng tôi đã sút giảm trước sự ra đi vĩnh viễn của một số các đồng chí cao niên cũng như đã gặp muôn vàn khó khăn khi vắng bóng Giáo Sư, nhưng, chúng tôi đồng xác nhận, Tân Đại Việt lúc nào cũng đi đúng đường lối do Giáo Sư vạch ra và vẫn cố gắng phát triển từng bước. Sở dĩ được như vậy là nhờ nề nếp sinh hoạt tập thể, dân chủ và được điều khiển bởi những đồng chí lão thành có nhiều kinh nghiệm chính trường. Do đó Tân Đại Việt vẫn tiến lên hành xử trách nhiệm lịch sử của mình…..’’.

Buổi lễ tiếp qua phần chính, toàn thể quan khách tuần tự dâng hương trước bàn thờ Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và phần phát biểu của quan khách. Trong chương trình dành cho quan khách, chúng tôi ghi nhận có 6 vị lên phát biểu.

Trước hết, luật sư Trần Thanh Hiệp, với tư cách đồng môn với cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, ông Trần Thanh Hiệp đã tâm tình với quan khách. Ngoài việc nhắc đến vài kỷ niệm cùng thời với người quá cố, ông còn nhấn mạnh những điểm quan trọng trong chương trình tranh đấu cũng như xây dựng một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam. Luật sư Trần Thanh Hiệp ca tụng chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn và cho rằng dù đã trên 40 năm nhưng nội dung Giáo sư viết ra trong Dân Tộc Sinh Tồn thật thích ứng và cần thiết, nhất là cho thời điểm nầy.

Tiếp lời Luật sự Trần Thanh Hiệp, Bác sĩ Trần Ngọc Quang, là một y sĩ đã theo dõi bệnh tình cũng như đã có những giây phút cuối với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Ông dành gần 30 phút để diễn tả lại cảm tình và những kỷ niệm cũng như ghi nhận những ước nguyện trăn trối cuối cùng của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Ông lấy làm tiếc Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy không có dịp khai mạc Đại Hội Liên Minh Dân Chủ Thế Giới tổ chức lần đầu tại Paris sau đó một ngày !

Ông Nguyễn Văn Trần - Ông Phan Văn Song

Sau đó là phần phát biểu của các ông Nguyễn Văn Trần và ông Phan Văn Song. Ông Phan Văn Song kể lại những hoạt động mà ông đã sinh hoạt với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy từ hải ngoại cho đến nội địa trước cũng như sau ngày mất nước 30.4.1975. Ông không quên nhắc lại vài ba hoạt động của ông và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mà đa số người lớn tuổi vẫn còn nhớ.

Đặc biệt nhà thơ Miên Thụy được xem như thành phần thế hệ trẻ so với những vị vừa phát biểu xong. Tuy dưới 10 phút nhưng nhà thơ Miên Thụy đã tế nhị trình bày lòng ái mộ của một người trẻ đối với cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, đồng thời cô cũng tâm tình với quý vị quan khách về tình thần dấn thân của các thế hệ sau bằng những lời thật chân tình của một người đến từ Hoà Lan.

Cô Miên Thuỵ - Ông Nguyễn Phan Đăng

Và người lên phát biểu ý kiến cuối cùng, ông Nguyễn Phan Đăng, mở lời trước tiên, ông cám ơn Ban Tổ Chức và tiếp đến bày tỏ cảm tưởng của một cựu quân nhân từ Vương Quốc Bỉ qua. Ông cho biết lễ giỗ hôm nay đạt được kết quả tốt về phương diện tổ chức cũng như nội dung được chứng minh bằng số người tham dự đông đảo trong hội trường cũng như giúp cho nhiều người học hỏi được nhiều điều qua những lời phát biểu của những vị vừa rồi. Một điều nên quan tâm là ông Ngyễn Phan Đăng đề cập đến nội dung quá lớn trong Chủ Thuyết Dân Tộc Sinh Tồn, một tài liệu vượt qua 800 trang giấy, là một trong những khó khăn đầu tiên cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về chủ thuyết nầy. Ông đề nghị tổ chức Đảng TĐV cho cô đọng lại trong vài ba trang giấy để đại chúng có thể tham khảo và học hỏi môt cách dễ dàng.

Tóm lại buổi lễ giỗ của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ngày hôm nay theo ý người viết, đã đem lại một thành quả tinh thần rất đáng khích lệ. Số quan khách tham dự đông, điều nầy chứng tỏ rằng người Việt Tỵ Nạn đã nghĩ đến vai trò của các chính đảng trong đời sống chính trị cũng như đối với công cuộc tranh đấu chống chế độ cộng sản. Ngoài ra sự hiện diện người Việt Quốc Gia trong buổi lễ ngày hôm nay cũng chứng minh rằng họ bắt đầu tìm hiểu về sách lược Dân Tộc Sinh Tồn của Đại Gia Đình Đại Việt và họ đã cho rằng đây chính là một ngọn đuốc, một la bàn để làm chuẩn mở đường cho cuộc cách mạng cũng như xây dựng một nước Việt Nam Tự Do, Nhân Bản và Phú Cường trong tương lai.

Sau cùng là một bữa cơm thân mật ngày giỗ do Gia Đình Tân Đại Việt khoản đãi ngay tại phòng họp của hội trường.

Paris, 30.7.2012

Đinh Lâm Thanh

No comments:

Post a Comment