8/15/12

Biết đến bao giờ?

HOÀNG NGỌC NGUYÊN

Sống trong thời buổi ngày nay, người ta có khi trở nên lẩn thẩn, cứ muốn thời gian trôi qua vùn vụt để biết được có gì ở phía trước, nhưng lại sợ nước chảy qua cầu nhanh quá, tuổi già chợt đến khi nào không hay, kết thúc có khi không kịp trở tay, nên lại cứ van vái xin thời gian đừng qua mau. Dù thế nào đi nữa, tâm trạng của con người bao giờ cũng là mong đợi… Biết đến bao giờ?... Biết đến bao giờ?…

Câu hỏi “biết đến bao giờ?” thay đổi tùy hoàn cảnh. Ví dụ như trước sự trí trá, vô lương đang đầy rẫy trong xã hội chúng ta, trong cộng đồng nhỏ bé của chúng ta, chắc chắn chúng ta phải tự hỏi biết đến bao giờ, niềm tin của mình vào sự lương thiện của con người mới được thăng hoa. Hay trước một vụ nổ súng làm cho bao người vô tội phải nằm xuống - những vụ sát hại đã quá thông thường ở nước Mỹ này – chúng ta ắt phải buồn rầu trong mặc cảm bất lực, không biết được đến bao giờ có thể ngẩng mặt nói với những người bên châu Âu: “Nay chúng ta hai bên bờ Đại tây Dương đã cùng chung một nền văn minh rồi đó! Nước Mỹ đã bỏ Đệ Nhị Tu Chánh Án và Hiệp hội Súng Quốc gia cũng đã giải tán!”

Unbenannt

Mười sáu ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát vào nửa đêm ở một rạp hát tại Aurora, Colorado, khiến cho 12 người thiệt mạng và 58 người bị thương, hôm Chủ nhật vừa qua lại một người xách súng bán tự động đi vào một đền thờ của người Sikh tại Oakcreek, nằm ở ngoại ô Milwaukee của tiểu bang Wisconsin, nổ súng một cách chuyên nghiệp, với kết quả sáu tín đồ đạo Sikh tử nạn, ba người trọng thương. Người đầu tiên tóc đỏ có tên là James Holmes, 24 tuổi, một sinh viên cấp tiến sĩ ngành tâm não, đang bị trắc trở trên đường học vấn, lại là một người đang mắc chứng tâm thần. Ngoài chuyện cảm thấy bế tắc trong sự nghiệp, là chuyện thường tình trong đời sống của con người thời nay, Holmes có thề còn mắc bệnh hoang tưởng, muốn là người “làm nên lịch sử” bằng cách phá kỷ lục cá nhân trong việc sát hại thường dân. Sau khi “thỏa mãn nhân tính” (một cách nói để chẳng động đến tự ái của các loài thú) và “nhiệm vụ hoàn thành”, Holmes đã vui vẻ nộp mình. Hung thủ tại Oakcreek có tên là Wade Michael page, 40 tuổi, từng là một binh sĩ trong quân đội Hoa Kỳ cách đây 21 năm, sau bốn năm bị xuất ngũ vì lý do kỷ luật, có tiếng là một người siêu kỳ thị chủng tộc theo phái “da trắng siêu đẳng” (white supremacist), đến mức ông đi la hét trong một ban nhạc rock nghiệp dư chuyên loại âm nhạc chuyên chở hận thù chủng tộc. Ông này đi làm đủ mọi việc chân tay, và cứ liên tục bị đuổi vì lý do kỷ luật, và càng bị đuổi, càng tin rằng ông bị những người khác màu da trắng của mình cướp việc. Những người quen biết Page cho rằng ông đặc biêt thù ghét người Hồi giáo, cho rằng họ phài chịu trách nhiệm về vụ khủng bố 11/9. Tuy động lực của hành động cuồng sát của Page chưa được xác định rõ vì ông đã bắn vào đầu tự sát sau khi bị một thành viên của nhóm đặc nhiệm an ninh bắn trúng bụng, người ta nói rằng có thề ông không phân biệt được đạo Hồi, đạo Sikh, đạo Ấn Độ, và cứ nghĩ người Sikh theo đạo Hồi! Dù sao đi nữa, hôm thứ Ba, cảnh sát địa phương đã bắt Misty Cook, 31 tuổi, ban gái cũ của Page. Cô Cook này cũng là một thành viên trong một nhóm “da trắng siêu đẳng”. Cô từng là một tội phạm bị kết án, đã ở tù, bị quản chế và nay bị bắt về tội oa trữ vũ khí không có giấy phép. Hai ngưòi chỉ mới “ly thân” cách đây vài tuần!

Có quá nhiều vụ người điên, người hận đời đen bạc, người bị khủng hoảng gia đình… xách súng bắn bừa bãi vào đám đông đề giải tỏa những uẩn ức tâm lý đến nỗi ta không thề kể siết, không thể nhớ hết. Trong tuần này, chúng ta được nhắc nhở đến một vụ thảm sát cũng nổi tiếng đầu năm ngoái, mà một trong những nạn nhân là bà dân biểu Gabrielle Gifford chính trực. Hung thủ trong vụ giết chết bảy ngưòi và làm bị thương 12 người (trong đó có bà Gifford) trước một siêu thị tại Tucson, Arizona, Jared Lee Loughner, 24 tuổi, đã ra tòa, khước từ thỉnh nguyện xin được xử như một người tâm thần, và nhận hết tất cả 19 tội giết người và mưu sát, để đổi lấy việc công tố sẽ không đòi bản án tử hình cho bị can. Tuy nhiên, trong cả 19 tội hung thủ nhận, tội nào cũng có sẵn bản án tù chung thân, cho nên anh ta sẽ có 19 án tù chung thân – trong khi chỉ có một đời duy nhất đề thụ án. Người ta kể rằng khi nghe tòa tuyên án, anh ta nhoẻn miệng cười có vẻ đắc thắng, như đang nghĩ trong đầu “mình còn lời chán”. Loughner là trường hợp một người vừa bất đắc chí (chuyện học hành dở dang thực ra đời này đâu có hiếm), vừa thù đời (tại sao bà Gifford thành công như thế mà mình lại cứ mãi lận đận), và đương nhiên luôn luôn vừa có lý do tâm thần.

Cũng vào cuối tháng Bảy, chúng ta có dịp đi thăm kho vũ khí của Neil Prescott, 44 tuổi, ở thành phố Crofton, Maryland. Ông ta đang hận đời đen bạc. Công ty nơi ông đang làm đã có kế hoạch cho ông nghỉ việc. Trong khi rất nhiều người khác đuợc giữ lại. Thế là “bất công”. Hoàn cảnh như ông Prescott đâu có hiếm hoi gì trong xã hội đang gặp thời kinh tế nạn thất nghiệp chính thức đã lên đến 8.3% trong tháng Bảy vửa qua. Thất nghiệp nói chung, đủ loại lên cả 17-18%. Cái tâm trạng hận đời muốn trả thù đời của ông cũng chẳng phải là hiếm hoi gì. Nếu không thì ông Mitt Romney đã chẳng ngồi rung đùi, đắc chí, mơ tuởng chuyện “bất chiến tự nhiên thành”. Và ông Obama sạm mặt (nếu ta khéo để ý), lo sợ cuống cuồng. Bởi thế mà ông Prescott này tậu cả một kho súng như thế để dành. Có dịp sẽ phản ứng cho người ta biết. Chung quanh ông ta biết bao nhiêu là gương sáng, bao nhiêu kỷ lục mà những người tham vọng đều muốn vượt qua. Với tình hình mua bán súng dễ dàng như ở Mỹ, khi con người ta mang một niềm oán hận, một trong những ý nghĩ đầu tiên là “Để rồi coi!” và ám ảnh có lẽ chỉ còn là làm sao để phá kỷ lục. Chúng ta cũng nhớ cách đây gần 10 tháng, một người chồng đã vác súng đi tìm bà vợ của mình ở một tiệm làm tóc của phụ nữ ở Seal Beach, Orange County - thế là tám người bị chết oan. Chỉ trong tuần qua, bên Na Uy người ta kỷ niêm một năm biến cố nổ súng thảm sát, thủ phạm Anders Behring Breivik tạo một kỷ lục phi thường: 71 người tử nạn và hơn 50 người bị thương! Và không thiếu những kẻ tâm thần muốn phá kỷ lục đó.

Xã hội này đang lan tràn người điên, người ác, người phẫn chí, người tội lỗi. Như một chuyên gia phân tích về an ninh quốc gia của CNN, Peter Bergen, vạch ra hôm thứ Tư: chúng ta chớ nên quên rằng những phần tử cực đoan khuynh hữu trong nước Mỹ thực sự còn nguy hiểm hơn bọn khủng bố Al Qaeda. Người ta tính ra có đến hơn một ngàn nhóm “da trắng siêu đẳng” này đang hoạt động khắp nước Mỹ - tương tự như thế lực Ku Klux Klan thuở nào. Và chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế: trong xã hội được tôn vinh là “đa chủng”, “đa văn hóa” này, quan hệ chủng tộc sẽ ngày càng phức tạp hơn, hận thù sẽ ngút ngàn hơn trên muôn mặt, những cộng đồng người da trắng, người Hồi giáo, người da đen, người Latino… đều có những phần tử quá khích ẩn náu đang tìm cách sát hại những người khác “lý lịch chủng tộc” của mình. Chưa kể người gốc Hoa chưa vào cuộc! Người nào cũng có những thế lực bên ngoài sẵn sàng tiếp sức! Al Qaeda sức mấy để cho Mỹ yên. Những tập đoàn ma túy tội ác từ Mexico hay Colombia vẫn xem Mỹ là một sân chơi tự do của chúng. Trong tâm lý chủng tộc như thế, những con người manh động bao giờ cũng cảm thấy được rộng đường nhờ Đệ Nhị Tu Chánh Án và cái tổ chức NRA sống vào nó.

Thực trạng nước Mỹ là thế: xã hội ngày càng bất an, nguy hiểm, thiên đường có thể nhanh chóng trở thành địa ngục sau một vụ nổ súng tàn sát người vô tội qua đường. Có lẽ chỉ an toàn hơn nước Mexico láng giềng. Nhà báo Fareed Zakaria của tờ Time tháng qua đã kêu gọi các nhà chính trị Mỹ thôi đừng mũ ni che tai nữa. Sự thật đó là nuớc Mỹ có thể không có nhiều tội phạm hay nhiều người điên hơn các nơi khác, nhưng ở Mỹ, nơi cái gì người ta cũng ham có nhiều, cứ 100 người thì có đến 88 cây súng. Ở Yemen 54. Trong 10 nước đầu còn có Serbia và Iraq – toàn là những nơi thường dân chết vô tôi vạ. Hoa Kỳ dân số chỉ chiếm 5% của thế giới, nhưng có đến 50% vũ khí trên cả trái đất này. Bởi thế, Mỹ cũng đứng đầu về án mạng, cứ 100.000 người thì có ba vụ nồ súng gây tử thương. Con số đó gấp bốn lần so với Thụy Sĩ, 10 lần so với Ấn Độ, 20 lần so với Úc và Anh.

Nuớc Mỹ là thiên đường của chuyện mua bán súng. Chưa có nơi nào trên thế giới này chuyện mua bán súng dễ dàng như chuyện đi chợ “mua broccoli” – theo cách nói của một ông chánh án của Tối cao Pháp viện khi nói về chuyện mua bảo hiểm y tế. Mà mua súng gì cho đúng điệu của thời đại? AK-47 của Nga vừa có sẵn, vừa ngày càng đuợc nâng cấp hiện đại hơn so với trước đây. Bắn một loạt, chết cả chục người như chơi! Nhà sản xuất phải nâng cao khả năng sát hại cho thích hợp với thời đại khủng bố quốc tế ngày nay mới có thề bán hàng đuợc chứ. Nhất là trước sức cầu mạnh mẽ từ những tập đoàn ma túy từ nước láng giềng phía nam. Còn cây súng quen thuộc với chúng ta, M16 hay AR15? Rẻ tiền, đại chúng, chỗ nào cũng có.

Đệ Nhị Tu Chánh Án từ năm 1791 là một luật lỗi thời, hình thành trong giai đoạn nhiễu nhương của đất nước khiến cho an ninh địa phương tùy thuộc vào các toán dân quân tự trang bị vũ khí. Chỉ có một câu viết rất lủng củng nay đã được xem như lời trong Thánh Kinh và chỉ có một cách diễn dịch; mọi công dân đều có quyền mua súng, có súng, sử dụng súng để tự bảo vệ. “Một tổ chức Dân Quân khéo điều khiển, là cần thiết cho nền an ninh của một Quốc gia tự do, quyền của người dân giữ và mang vũ khí, sẽ không bị xâm phạm” (A well regulated Militia, being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms, shall not be infringed). Hiệp hội Súng Quốc gia vẫn cho rằng Hiến pháp đã nói thế thì các nhà chính trị không bao giờ được đụng đến chuyện quyền mua bán vũ khí và giữ vũ khí trong nhà, trong người. Và những nhà chính trị của chúng ta đã ngoan ngoãn nghe lời hiệp hội này trong bao nhiêu thập niên qua, không dám đụng đến như sợ đụng phải một thứ gì thiêng liêng đặt trên bàn thờ dân tộc.

Sau những vụ thảm sát, phản ứng của những nhà chính trị lãnh đạo đất nước ở cả những ngành lập pháp (Quốc Hội), hành pháp (chính quyền) và tư pháp (Tôi cao Pháp viện) là thế nào. Trong khi báo chí, những phương tiện truyền thông được dịp để nhắc lại vấn đề, những nhà chính trị vẫn giữ mồm giữ miệng, không muốn mang vạ miệng với NRA. Ai cũng có thể thấy khá dễ dàng, trước sức ép của tổ chức đầy quyền thế và khả năng thao túng, lũng đoạn chính trị có từ bao đời nay với cả một sư đoàn những người vận động hành lang là NRA, những nhà chính trị từ cả hai đảng đều nhất trí hiếm có là “chưa” nên đụng tới NRA. Một phần có lẽ cũng do dân Mỹ quen thói sùng bái có súng. Một phần các nhà dân cử sợ mất phúc lợi. Và vì thế từ bao nhiêu đời, NRA vẫn lạm dụng Đệ nhị Tu chính án bàn về quyền tự vệ của dân quân Mỹ (militia) trong thời mới lập quốc để diễn dịch trong thời hiện đại này, hơn cả hai thế kỷ về sau, người Mỹ vẫn cần có súng đế tự vệ.

Hai ứng cử viên tổng thống chẳng thể không lên tiếng về vấn đế này. Cực chằng đã, ông Mitt Romney phải nói. Và ông nói như một người duy tâm, mặc dù ai cũng biết ông là chúa “duy vật biện chứng”. Ông tỏ sự đau buồn, và thậm chí trong một bài diễn văn, ông gục đầu rũ rượi, đem ra bao nhiêu lời giảng trong Kinh Mormon để giới thiệu tôn giáo của mình cũng chẳng phải là “chẳng giống ai”. Tuy nhiên, sau đó, khi được phỏng vấn ở Luân Đôn về vấn đề luât lệ vũ khí, ông nói rằng “tăng cường luật lệ nhằm hạn chế vũ khí chẳng thể ngăn chận được chuyện nổ súng ở Aurora”, và “để ngăn ngừa những chuyên tấn công tương tự, phải làm sao thay đổi con tim của người Mỹ”. Ai làm chuyện thay đổi con tim (nhà thờ Mormon?), mất bao lâu? Và trong khi chờ thay đổi, đành phải chấp nhận chuyện bắn giết hay sao?

Trong khi đó, ý của ông Obama là ông ủng hộ phải tăng cường việc kiểm soát vũ khí. Ông nhìn nhận “chúng ta chưa làm đúng mức độ hạn chế bao lực vũ khí và bảo đảm súng ống không lọt về tay tội phạm”. Ông ủng hộ “những giới hạn đương nhiên”, trong đó có viêc cấm đoán đối với vũ khí tấn công. “Tôi tin rằng nhiều người có súng cũng đồng ý AK-47 là chỉ cho quân nhân ngoài chiến trường, không phải vào tay tội phạm trên đường phố. Tôi tin đa số sẽ đồng ý chúng ta phải hành động để tội phạm và những kẻ tà đạo không mua được vũ khí; phải kiểm tra lý lịch tư pháp của người mua súng ngay tạị quầy; và người có vấn đề tâm thần không được đặt tay vào súng quá dễ dàng. Đây là những biện pháp quá hợp lý”.

Nhưng trong mùa bầu cử, chẳng ai muốn đụng đến NRA. Và sau khi bầu cử, người ta bắt đấu phải tính chuyện vận động cho nhiệm kỳ sau, cho nên cũng chẳng đụng đến NRA. Chưa gì mà hiệp hội này đã đe dọa: Ra luật lệ cấm việc mua bán và sử dụng vũ khí sát hại hàng loạt là âm mưu xóa bỏ Đệ Nhị Tu Chánh Án, tìm cách vi phạm Hiến pháp. Họ đang có chiến dịch gây quỹ nhằm chống lại “âm mưu” này.

Thế nhưng ta trách ai giờ đây, nếu không trách chính người dân Mỹ còn mập mờ trước câu hỏi “Biết đến bao giờ?” bởi vì chỉ cứ nhìn phía trước mà không xem lại hiện tình.[HNN]

No comments:

Post a Comment