8/26/11

Thủ tướng Đức Merkel: Quốc tế ca ngợi, quốc nội chỉ trích

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel
REUTERS/Marko Djurica
Đức Tâm
Ngày 24/08/2011, tạp chí kinh tế Mỹ Forbes đã chọn nữ thủ tướng Đức, tiến sĩ Angela Merkel, 57 tuổi, là người đứng đầu trong số 100 phụ nữ có quyền lực nhất trên thế giới trong năm 2011.
Tiến sĩ Âu Dương Thệ - Dortmund - Đức - 26/08/2011
26/08/2011

Tiến sĩ Âu Dương Thệ - Dortmund - Đức - 26/08/2011
(07:31)
Đây là lần thứ 5 trong vòng 6 năm, bà Merkel đã được tạp chí có uy tín này xếp hàng đầu. Từ gần 6 năm nay, bà Merkel là nữ thủ tướng đầu tiên ở Đức và cũng là chủ tịch đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo. Theo tạp chí này, việc hàng năm tuyển chọn các phụ nữ có quyền lực nhất trên thế giới được dựa theo một số tiêu chuẩn khá chặt chẽ.
Các tiêu chuẩn chọn 100 phụ nữ có thế lực nhất trên thế giới
Giai đoạn khởi đầu, tạp chí sẽ chọn 200 phụ nữ được coi là có quyền lực lớn trong các lãnh vực: Tỉ phú, doanh nhân, nghệ thuật, báo chí, hội thiện nguyện và chính trị. Tiếp theo đó, từ trong số 200 phụ nữ được tuyển chọn sơ khởi sẽ chọn 100 người. Trong đó việc sắp thứ bậc quyền lực của 100 phụ nữ này được tính điểm theo 3 tiêu chuẩn: Gia tài riêng hay ngân sách mà phụ nữ đó quản lí tính theo Dollar Mĩ; hoặc tổng sản lượng quốc gia mà phụ nữ có quyền lực này đang đảm nhiệm; vị thế, vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ này đối với cơ quan hay tổ chức mà bà đang hoạt động. Ngoài ra, báo chí và dư luận nói về nhân vật phụ nữ này trong năm cũng là yếu tố dùng để tuyển chọn.
Giữa lúc bà Merkel vừa được một tạp chí Mĩ có uy tín đề cao như vậy thì cũng trong ngày 24/08, bà Merkel đã bị một số nhân vật quan trọng trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo của bà chỉ trích và phê bình rất mạnh.
Những chính trị gia ở Đức chỉ trích thủ tướng Merkel
Một số nhân vật chính là cựu thủ tướng H. Kohl, tổng thống Liên bang C. Wulff, chủ tịch Quốc hội Liên bang N. Lammert và một số nhân vật khác trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo. Đặc biệt những người chỉ trích kịch liệt bà Merkel hiện nay lại không thuộc các chính đảng đối lập, nhưng lại từ ngay trong đảng của bà. Trong số này sự phê bình của cựu thủ tướng Kohl và tổng thống Wulff là mạnh bạo nhất và đang gây bất lợi chính trị lớn cho bà Merkel. Vì cựu thủ tướng Kohl (81 tuổi) được coi là cha đẻ của nước Đức tái thống nhất và cũng là cha đẻ của đồng Euro hiện nay.
Riêng tổng thống Liên bang Wulff tuy không có thẩm quyền trực tiếp trong chính phủ theo như Hiến pháp Đức qui định, nhưng tiếng nói của ông cũng đang gây xôn xao trong dư luận Đức, nhất là trong đảng cầm quyền Liên minh Thiên Chúa giáo. Hiện nay có nhiều dân biểu Quốc hội trong các chính đảng của chính phủ liên hiệp chia sẻ với những phê bình của cựu thủ tướng Kohl và tổng thống Wulff.
Các vấn đề mà bà Merkel bị chỉ trích
Bà Merkel đã bị chỉ trích trong hai lãnh vực chính là chính sách đối ngoại và các biện pháp giải quyết khủng hoảng đồng Euro từ hơn một năm nay. Trong thời gian gần đây một phần dư luận quan trọng ở Đức chỉ trích thái độ lưỡng lự và bất nhất của bà Merkel.
Tuy không nêu tên bà Merkel, nhưng trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Chính sách Đối ngoại Đức, cựu thủ tướng Kohl đã dùng những ngôn ngữ rất mạnh để kết án chính sách đối ngoại của chính phủ của thủ tướng Merkel. Ông Kohl đã ví chính sách đối ngoại của chính phủ Đức hiện nay như người đi tàu không có la bàn, không biết bến đậu và không biết đưa con tầu đi theo hướng nào! Ở đây cựu thủ tướng Kohl muốn ám chỉ đến việc chính phủ Đức đã bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề Libya vào đầu năm nay. Việc này làm mất uy tín và giảm vị thế của Đức đối với các đồng minh chính trong EU, Hoa kì và khối NATO (Liên minh Bắc Đại Tây Dương).
Trong khi đó tổng thống Wulff đã công khai chỉ trích Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bỏ hơn 100 tỉ Euro để mua công khố phiếu của các nước trong khu vực đồng Euro đang gặp khủng hoảng tài chánh. Ông Wulff đã cảnh báo đây là một chính sách tiền tệ phiêu lưu và vì thế chứa đựng nhiều rủi do cho đồng Euro.
Phản biện của bà Merkel
Ngày hôm qua (25/08), thủ tướng Merkel đã lên tiếng phản biện cho rằng, thời đại toàn cầu hoá đang tạo ra những thay đổi cán cân quyền lực mới trên thế giới. Từ đó có những thách đố mới, cho nên mỗi thế hệ phải tìm cách giải quyết những vấn đề trước mắt.
Trong thời gian gần đây, thủ tướng Merkel đã bị chỉ trích từ nhiều phía, đặc biệt là ngay trong nội bộ chính đảng của bà là đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo. Theo nhiều giới, thái độ lưỡng lự và bất nhất của bà Merkel trong chính sách đối ngoại và trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng của đồng Euro đã khiến cho đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo đã bị thất cử trong nhiều cuộc bầu cử ở các tiểu bang trong thời gian qua và làm uy tín và vị thế quốc tế của Đức bị giảm. Chính vì thế trong các cuộc thăm dò gần đây, đảng của bà Merkel chỉ còn được trên 30% cử tri tín nhiệm so với hai năm trước trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang, đảng này đã được gần 40% cử tri ủng hộ.
Sau những chỉ trích nặng nề của nhiều nhân vật quan trọng trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo nên bà Merkel đang phải tập trung giải quyết các khó khăn rất lớn này. Bà đang phải tìm cách thuyết phục các nhân vật và các dân biểu Quốc hội trong đảng của bà đang bất đồng với đường lối của chính phủ. Vì thế bà đã phải huỷ bỏ cả chuyến đi thăm Nga vào đầu tháng 9.
Trong vài tuần tới Quốc hội Liên bang Đức sẽ thảo luận và biểu quyết về các biện pháp giải quyết khủng hoảng đồng Euro của chính phủ Merkel. Nếu không được đa số dân biểu ủng hộ ngay của các chính đảng trong chính phủ liên hiệp hiện nay thì uy tín và vị thế chính trị của bà Merkel có thể bị lung lay. Đây hiện là mối quan tâm hàng đầu của bà Merkel.

No comments:

Post a Comment