Juliana Liu
Phóng viên kinh doanh, BBC News
Phó tổng thống Joe Biden tới thăm Trung Quốc lần đầu tiên là hồi năm 1979, khi ông còn là một thượng nghị sỹ trẻ của Hoa Kỳ.
Khi thượng nghị sĩ Mỹ trẻ tuổi có tên Joe Biden đến thăm Trung Quốc hồi năm 1979, ông thấy đây là một quốc gia nghèo đang vươn dậy từ những nỗi kinh hoàng của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Chỉ hơn ba thập niên sau đó, ông Biden, nay là Phó Tổng thống, trở lại thăm Bắc Kinh, trái tim của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi có đầy sức mạnh tài chính để giúp tạo công ăn việc làm ở Mỹ.
"Nói một cách đơn giản, chúng tôi đang đầu tư vào tương lai cho quan hệ Mỹ-Trung", Tony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, nói với các phóng viên trước chuyến công du hôm thứ Tư.
"Một trong những mục đích chính của chuyến đi là để làm quen với giới lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, để xây dựng mối quan hệ với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, và để thảo luận với ông cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác về các vấn đề toàn diện trong quan hệ Mỹ-Trung," ông nói thêm trong một cuộc gọi họp.
Người tương nhiệm với ông Biden, ông Tập Cận Bình, được cho là sẽ lãnh chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 và sẽ chính thức được trao chức Chủ tịch nước vào tháng 3/2013.
Chuyến thăm tuần này, vốn được thống nhất từ hồi tháng Giêng, sẽ mở đường cho ông Tập tới thăm Washington vào cuối năm.
Các nhân viên phụ tá nói rằng sứ mệnh chính của ông Biden trong chuyến đi năm ngày đến Trung Quốc sẽ là dành nhiều thời gian tiếp xúc và xây dựng mối quan hệ với ông Tập Cận Bình, người vốn khá kín tiếng và tránh thu hút sự chú ý quốc tế.
"Đây là một chuyến viếng thăm nghi lễ, nhằm hâm nóng mối quan hệ trước khi Phó Chủ tịch Tập đi thăm Hoa Kỳ," Xie Tao, giáo sư tại Đại học Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh, đồng ý.
Đúng hướng
Phó tổng thống Mỹ đang có nhiệm vụ phải lấy lòng Trung Quốc.
"
Các quốc gia như Trung Quốc đang dùng tỷ giá hối đoái, thay vì lãi suất, để đối phó với tình trạng lạm phát, bởi họ lo ngại về mức độ tăng trưởng chậm ở phương Tây."
Marc Chandler, Brown Brothers Harriman
Một trong những việc cần làm là phải trấn an nước chủ nhà rằng Washington rất nghiêm túc trong việc đưa nền kinh tế phát triển trở lại đúng hướng.
Các cuộc đàm phán kéo dài về tương lai của vấn đề thâm hụt ngân sách Mỹ đã làm sứt mẻ niềm tin vào sự tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Hồi đầu tháng, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đã lần đầu tiên đánh tụt hạng mức tín nhiệm của các khoản nợ quốc gia của Mỹ, khiến các thị trường quốc tế càng thêm suy yếu.
Lael Brainard, trợ lý thư ký về các vấn đề quốc tế tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nói với các phóng viên rằng ông Biden sẽ thúc giục các quan chức Trung Quốc hãy có hành động nhằm giúp thị trường toàn cầu và nền kinh tế phục hồi nhanh chóng hơn.
Có một cách có thể đem lại hiệu quả, đó là việc cho phép đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng giá nhanh hơn so với đồng đô la Mỹ. Với đồng nhân dân tệ đắt hơn so với đồng đô la Mỹ, sức mua của Trung Quốc sẽ tăng lên, và về mặt lý thuyết, thì việc đó sẽ giúp thúc đẩy thương mại và tạo công ăn việc làm ở Mỹ.
Ông Biden nhiều khả năng sẽ tìm được đối tượng chịu lắng nghe và tiếp nhận lập luận này, bởi Trung Quốc cũng đang trong cuộc chiến với tình trạng lạm phát của mình.
"Các quốc gia như Trung Quốc đang dùng tỷ giá hối đoái, thay vì lãi suất, để đối phó với tình trạng lạm phát, bởi họ lo ngại về mức độ tăng trưởng chậm ở phương Tây", ông Marc Chandler, người phụ trách toàn cầu bộ phận chiến lược tiền tệ của Brown Brothers Harriman tại New York, nói.
Trong tuần qua, đồng nhân dân tệ đã liên tục được giao dịch gần mức cao kỷ lục so với đồng đô la Mỹ.
Chiến đấu cơ
Phó chủ tịch Tập Cận Bình được trông chờ sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc trong tương lai.
Chuyến đi của ông Biden diễn ra vào thời điểm quan hệ song phương đang nồng ấm.
Trong vài tháng qua, ngay cả khi căng thẳng bùng lên ở Biển Đông, Washington cũng luôn thận trọng, không làm điều gì khiến Trung Quốc phật lòng.
Đó là lý do khiến một số nhà phân tích tin rằng Mỹ sẽ không chấp thuận việc bán các chiến đấu cơ tân tiến F-16 cho đồng minh Đài Loan.
Quốc phòng Thời báo, một ấn phẩm của Mỹ, tường thuật hồi cuối tuần qua rằng Washington đã chính thức từ chối yêu cầu của Đài Loan liên quan tới các chiến đấu cơ này.
Nội dung tường thuật không được xác nhận, nhưng có thể sẽ được nêu lên trong chuyến đi của ông phó tổng thống.
"Ông ấy không đi Trung Quốc để nói về vấn đề đó", ông Daniel Russel, thuộc bộ tham mưu của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, nói.
"Nhưng sẽ không phải là chuyện gây ngạc nhiên gì nếu như phía Trung Quốc nêu lên chuyện Đài Loan, điều họ vẫn thường làm."
Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý trong việc bảo vệ Đài Loan nếu như nơi này bị Trung Quốc tấn công. Đài Bắc có thể đề nghị mua các chiến đấu cơ trong thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la, nhưng bản thân Đài Loan cũng đang muốn trông vào việc cải thiện thương mại và các quan hệ khác với người láng giềng khổng lồ của mình.
Trung Hoa đại lục vẫn có nhiều dân nghèo, nhưng không còn là một nước nghèo mà ông Biden từng tới thăm hồi hơn 30 năm trước.
Chuyến đi của ông là bằng chứng cho thấy Washington sẽ có lợi nhiều hơn nếu kết thân được với Bắc Kinh, thay vì xa lánh ông chủ ngân hàng và đối tác thương mại lớn của mình.
No comments:
Post a Comment