Cựu Tony Tan trong cuộc vận động tranh cử ngày 24/08/2011 tại Singapore.
Reuters
Ngày mai, thứ bảy 27 tháng 8, Singapore sẽ tổ chức bầu Tổng thống. Liên quan đến sự kiện này, nhật báo Le Monde số ra hôm nay có bài nhận định « Xã hội Singapore âm thầm theo đuổi trào lưu dân chủ ». Bài báo cho biết, cuộc bỏ phiếu ngày mai có thể sẽ xác nhận cho các tiến triển chính trị hiện hành.
Kể từ khi bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức năm 1993, lần đầu tiên bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra với sự tranh tài giữa 4 ứng viên : ông Tony Tan, cựu thủ tướng và 3 ứng viên khác thuộc phe đối lập.
Le Monde cho biết, ông Tony Tan đã từng quản lý Tập đoàn Đầu tư Chính phủ Singapore, Quỹ tài sản lớn nhất của đảo quốc. Ông nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng thống đương nhiệm Ramanathan, hai lần trúng cử khi không có đối thủ trong phe đối lập. Còn ba ứng viên còn lại thuộc các đảng đối lập, luôn chỉ trích Đảng Hành động Nhân dân (PAP), cầm quyền kể từ khi lập quốc 1959.
Theo Le Monde, sự kiện này cho thấy trên đảo quốc 5 triệu dân này, đang từ từ hình thành một « hướng suy nghĩ » nào đó, mong muốn bẻ gãy tính cứng nhắc của khế ước xã hội.
Trên thực tế, vị trí Tổng thống tại Singapore chỉ có vai trò hình thức. Le Monde cho rằng nếu như ứng viên Tony Tan trúng cử thì vai trò này sẽ không thay đổi. Còn trong trường hợp một trong ba ứng viên đối lập trúng cử, có thể họ sẽ đi đến việc sử dụng quyền phủ quyết, nhất là trong việc chặn đứng vài sự bổ nhiệm trong chính phủ.
Theo Le Monde, do phụ thuộc nhiều vào thế giới để kích thích tăng trưởng kinh tế, nên xã hội Singapore đang gặp một loạt các khó khăn : thách thức về dân số, sức mua của tầng lớp trung lưu giảm, bất bình đẳng kỷ kục giữa các giai tầng xã hội, sự mệt mỏi về hệ tư tưởng chủ nghĩa gia trưởng có hiệu lực kể từ giành độc lập năm 1965, quyền tự do ngôn luận bị tước đoạt.
Trong đợt bầu cử Quốc hội hồi tháng năm vừa qua, xã hội Singapour đã cho thấy sự khát khao đổi mới của họ. Lần đó, đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long chỉ đạt có 60% số phiếu bầu. Le Monde nhận xét, kết quả bầu cử đưa ra có lẽ sẽ thấy nực cười : phe đối lập chỉ đạt có 6 trên tổng số 87 ghế tại Quốc hội, thay vì là 2 ghế như trước. Tuy nhiên, nếu xem xét ở góc độ địa phương, lần đầu tiên đảng Lao Động « Workers’ Party », viết tắt là WP, đã chiếm được 5 ghế trong cùng một quận.
Ngay khi kết quả được công bố, ông Lý Hiển Long phải lập tức lên tiếng xin lỗi và cam kết sửa sai. Không những thế, ông Lý Quang Diệu, cha đẻ của nước Singapour hiện đại, và cũng là cha của thủ tướng Lý Hiển Long, đã phải tuyên bố từ chức « Bộ trưởng Cố vấn » để nhường cho giới trẻ.
Le Monde ghi nhận công lao to lớn của ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore thành một nước phồn vinh, với tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/ năm, mức thu nhập quốc dân GDP trên đầu người đứng hàng thứ tư trên thế giới, Singapore là cảng biển lớn thứ hai sau Thượng Hải, thống trị lãnh vực công nghệ bán dẫn, ngành dược sinh học và có đến 15% người giàu.
Giờ đây, người dân Singapore bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì chủ nghĩa gia trưởng. Họ khao khát một nền dân chủ ở đó người dân sẽ được hưởng nhiều không gian rộng lớn hơn cho tự do ngôn luận.
Cuối cùng Le Monde trích dẫn lời nhận định của một cựu phóng viên : "Có lẽ đã đến lúc nhà nước nên đàm phán với xã hội dân sự".
No comments:
Post a Comment