8/14/11

Còn Nguy Hơn Là Điểm Tín Dụng

Hoàng Ngọc Nguyên

image001_13
Trong cả tháng bảy, người ta khắc khoải mong chờ cuộc thương lượng giữa ông Obama và những người Cộng Hòa tại Hạ Viện về mức trần của nợ chính phủ liên bang đạt được kết quả, vì người bình thường hiểu rằng nếu hai bên không đạt được thỏa hiệp, chẳng những chính phủ Mỹ sẽ cảm thấy bó chân bó tay không làm gì được mà còn sẽ chịu sự sụt giảm uy tín nặng nề, thể hiện trên thái độ người ta đánh giá đồng đô la Mỹ, các khoản trái phiếu của Mỹ, chứng khoán Mỹ.
Mặc dù trên tờ Người Việt người ta viết “trời không sập đâu” cho dù không có thỏa hiệp nào đạt trước kỳ hạn 2-8, bởi vì “chính phủ sẽ chẳng bao giờ vỡ nợ được cả”, người ta cảm thấy có một điều gì đó hiển nhiên vô lý vô kể trong cách nói của những “chuyên gia” và “giáo sư” này, không chỉ vì những bậc “thức giả” trong cuộc, trong chính trường cũng như giới đại học ở Mỹ, chẳng phải những kẻ khơi khơi ở ngoài, đều nói thế, mà còn là điều hiển nhiên: Mỹ sẽ lấy gì mà đỡ trong khi nợ nần tràn đến như nước lũ, như sóng đập vào bờ, trong khi những khoản tạm thu hàng tháng chỉ như những tòa lâu đài xây trên cát của con nít chỉ để mà chơi.
            Bởi thế khi ông Obama lên đài vào chủ nhật tuần trước nữa (31-7) nói rằng đã có thỏa hiệp, tâm trạng của người dân nói chung là vui mừng như tránh được một tai ương to lớn như trời sập. Theo dõi cuộc thương lượng giữa hai phe nhưng nhiều phía (giống như hòa đàm Paris về chiến tranh Việt Nam bắt đầu từ đầu năm 1969) trong cả ba bốn tháng qua về chuyện giảm thiếu hụt ngân sách, cắt chi tiêu, nâng cao mức nợ hợp pháp…, người ta có dư lý do để bất bình, bất mãn, và chẳng có gì để châm chước hay tha thứ cho một chính trường mà điều tối thiểu những diễn viên chính trị phải biết họ lại đều quên cả, đó là tư cách và liêm sỉ. Khi người ta thấy đạt được giải pháp, họ chỉ mừng, hay đúng hơn là thở dài, là đã tránh được chuyện vỡ nợ, nhưng rõ ràng chẳng ở nơi đâu ta có thể thấy sự “ăn mừng” cho một thành công, bởi vì người ta đều chán ngán trước vỡ tuồng của những người ở Capitol của Washington đem vận mệnh đất nước, đem cuộc sống hạnh phúc và an toàn của người dân ra đánh đố.
            Chỉ có một điều người ta đã nhầm, hay không tiên liệu được đúng mức. Người ta tưởng rằng đã xong được thỏa hiệp là xong tất cả, hóa ra chẳng có gì xong hết. Tưởng rằng hết lo trời sập, hóa ra trời vẫn sập như thường. Người ta nâng lên mức giới hạn tối đa của nợ là để cho điểm tín dụng của quốc gia khỏi bị xuống, bởi vì một khi điểm tín dụng của một nước bị xuống, nó cũng giống như một người bị mất điểm tín dụng, chẳng những sẽ chẳng còn nước nào cho Mỹ chịu nợ, mà cũng chẳng còn ai muốn làm ăn với Mỹ, hay cho Mỹ mượn nợ thêm. Mỹ lâu nay vẫn được ba chữ A của hai tổ chức đánh giá uy tín về nợ nần của các quốc gia, đó là S&P (Standard and Poor)  và Moody. Hóa ra từ khi ký đạo luật ban hành thỏa thuận mới đối với vấn đề mức trần của nợ này, theo đó, giới hạn tối đa này có thể thêm được 2.4 ngàn tỷ đô la trong ba giai đoạn từ nay cho đến đầu năm 2013, khi Mỹ hoặc vẫn lưu nhiệm ông Obama hoặc đã bầu ra được chủ nhân mới cho Nhà Trắng, đồng thời cũng có thể có thỏa thuận cắt tổng cộng 2.4 ngàn tỷ trong mười năm tới đây, tình hình càng nhiễu nhương hơn so với thời trước đó.
            Thống kê đã cho thấy trong quí hai năm nay, nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng được ở mức rất thấp là 1.3%, là mức chỉ đủ để “ngáp”, chẳng phải để cho người ta có thể đứng thẳng và mạnh dạn đi tới. Tỷ lệ tăng trưởng của tổng sản lượng quốc nội (GDP) đương nhiên có tương quan qua lại chặt chẽ với tỷ lệ thất nghiệp, và do đó cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên mấy khi tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở mức 9.2% trong tháng sáu, và trong tháng bảy vừa qua chỉ nhích xuống một chút còn 9.1%. Dĩ nhiên, đàng sau những con số thống kê bao giờ cũng là những câu chuyện giải thích, phân tích để người ta có thể đánh giá tình hình cho đúng mức. Nhưng những con số tự chúng cũng có thể nói lên một vài điều tóm gọn nhưng dễ thấy. Đó là trong tình hình hồi phục kinh tế sau suy thoái trong thời đại ngày nay, kinh tế tăng trưởng khó quá, và làm giảm nạn thất nghiệp cũng khó quá.
            Người ta nói rằng chính vì tình hình kinh tế này mà tổ chức Standard and Poor đã  hạ thấp điểm tín dụng của Hoa Kỳ xuống. Nước Mỹ không còn được coi là một nước “triple A” (ba chữ A) nữa. Nếu tình hình kinh tế làm cho Mỹ mất ba chữ A, thì không có ba chữ A làm cho tình hình kinh tế Mỹ càng xuống mạnh hơn nữa. Đó là lý do cho chúng ta thấy thị trường chứng khoán trong cả hơn hai tuần nay ngóc đầu lên không được. Dĩ nhiên, tình hình vỡ nợ, khủng hoảng tài chánh bên châu Âu cũng làm cho những nhà đầu tư trên Wall Street lo ngại. Nhưng  nỗi lo của họ về châu Âu đương nhiên không lớn bằng nỗi lo về nước Mỹ. Và nói lên nỗi lo của họ về nước Mỹ chính là S & P, và điều khiển quyết định giải tư của họ trong mấy tuần qua cũng chính là nhà quân sư Gia Cát Lượng S & P này.
            Đầu tuần này, chỉ số Dow Jones (trung bình cho các ngành kỹ nghệ) đã giảm đến 634 điểm chỉ trong một ngày thứ hai, xuống dưới mức 11.000 điểm (lần đầu tiên từ tháng 11 năm ngoái đến nay) mất đến 5.55% so với thứ sáu trước đó, và là mức sụt giảm nặng nhất từ tháng mười hai năm 2008 đến nay. Trong hai tuần qua, chỉ số Dow Jones đã mất đến 15% giá trị. Và ngày thứ hai 8-8 mà thôi, những nhà đầu tư đã thua lỗ đến 1 ngàn tỷ. Những nhà đầu tư có khuynh hướng bán tống tháo chứng khoán để đi vào lĩnh vực an toàn hơn, là vàng và trái phiếu quốc gia. Theo những chuyên viên thị trường, sự mất giá chứng khoán mạnh mẽ hôm thứ hai vừa do tác động của việc S&P đánh giá điềm tín dụng của Mỹ vừa do tình hình kinh tế toàn cầu. Mối lo ngại về mức tín dụng của Hoa Kỳ đã thêm sâu sắc khi S&P sáng thứ hai đã thông báo tổ chức nảy cũng đang hạ thấp điểm tín dụng trước mức nợ của hai công ty cho vay địa ốc khổng lồ là Fannie Mae và Freddie Mac, là hai công ty nay đang sống nhờ sự cưu mang của chính phủ.
            Cũng hôm thứ hai, trong khi nhiều giới chuyên môn lên tiếng chỉ trích hành dộng “đánh giá điểm tín dụng” vô trách nhiệm của S &P, Tổng thống Obama cũng đã lên đài truyền hình để trấn an những nhà đầu tư rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ sẽ “vẫn luôn luôn là một nước có ba chữ A”, và khẳng định chính phủ vẫn duy trì khả năng để thanh toán nợ đến hạn của mình. Trong khi bác bỏ sự đánh giá của S & P, ông thừa nhận rằng quyết định hạ thấp điềm tín dụng của Mỹ hôm thứ sáu đã phản ánh những sự nghi ngờ vào “khả năng hành động của hệ thống chính trị” của nước Mỹ hơn là S&P cho rằng Mỹ đã hụt hơi không trả nợ nổi. Ông đã nhân cơ hội này để nhắc lại lời kêu gọi của ông là phải đưa vào chính sách quốc gia biện phàp làm tăng nguồn thu từ thuế, theo ông cũng quan trọng như cắt chi tiêu, trong những kế hoạch dài hạn để giảm nợ nần và thiếu hụt ở nước Mỹ. Ông nói: “Chúng ta không cần một cơ quan thẩm định báo cho chúng ta biết rằng chúng ta cần một khảo hướng dài hạn về thăng bằng ngân sách đối với mục tiêu giảm thiếu hụt. Và chúng ta cũng không cần một cơ quan đánh giá nói với chúng ta rằng sự giằng co, đối đầu ở Washington trong nhiều tháng vừa qua đã không có tính cách xây dựng, điều nhẹ nhất mà ta có thề nhận định”. Sự thật có thể tiến vào từ đó.
            Không có cách nói nào khác hơn, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản, vì nó đã có biết bao nhiêu thập niên để điều chỉnh lại cách sống nhưng đã không thay đổi được cách sống dó, lối sống “ngoài khả năng, phương tiện” của quốc gia. Vì sao nước Mỹ bị sa lầy trong lối sống này, và lối sống này nghĩa là thế nào, mọi nguòi đều có thể hình dung được sự hình thành, nguyên do, sự phát tác, trách nhiệm… bởi vì ai cũng có thể thấy thấp thoáng trong đó phần thiếu trách nhiệm của mình. .. Nhưng điều quan trọng hơn cả là người ta đã bất lực trong hành động cụ thể để thay đổi cách sống bởi vì đã không thay được cách nghĩ trong một hoàn cảnh, tình thế đã đổi thay. Thậm chí còn có sự ngộ nhận trong tình thế mới của toàn cầu, nước Mỹ đã có thể sống còn mạnh dạn hơn trước với lối suy nghĩ cũ, hành động cũ.
            Sự không chuyển biến trong lối sống Mỹ có lý do từ sự thiếu chuyển biến trong suy nghĩ và nhận thức của xã hội mà lối suy nghĩ phổ biến là chấp nhận mặc nhiên điều sẵn có trước mắt. Đó là điều lạ lùng khi chúng ta đang sống trong một nước, trong một xã hội vẫn có tự hào vô song về nền giáo dục của mình, về những khối chất xám (Think tank) chuyên nghiệp chỉ có một việc làm duy nhất là suy nghĩ. Chúng ta cứ xem tờ báo nào cũng la liệt những bài chính kiến để thấy sự suy nghĩ tự do, cùng cách nhìn mạnh dạn, cấp tiến trước những vấn đề của nước Mỹ. Như thế tại sao cả giáo dục và giới trí thức không làm thay đổi được lối suy nghĩ của người Mỹ để có một chuyển hướng?
            Không có cách nào nói khác hơn, là chính trị Mỹ đang bị phá sản còn nặng nề hơn nữa. Đó là vì sự nghèo nàn và giới hạn trong tư duy của những người làm chính trị - và của cả một số đông những người viết. Đó chính là sự lo ngaị của không chỉ S & P khiến cho họ phải cho Mỹ điểm thấp, mà còn là sự quan tâm của thế giới khi thấy rằng Mỹ thực sự không có khả năng, bản lĩnh, đảm lược bởi vì giới chính trị lãnh đạo đang sa đọa, suy đồi. Giới chính trị của Mỹ tả hay hữu, quá khích hay bảo thủ, đều bám theo giáo điều, bởi vì khi vượt ra giáo điều, họ sẽ thấy lạc đường, bơ vơ, thời gian họ có không đủ cho suy nghĩ lớn và hành động triệt để.
            Đó là những điều mà người ta đã “khám phá ra nước Mỹ” ngày nay qua cuộc thương thảo có tính hạ cấp, vô công, manh mún, nhỏ mọn, và quay lưng lại với những mục tiêu thực sự của đất nước. Toàn bộ thỏa hiệp hay thỏa thuận chẳng đá động gì đến những chuyện sống còn của nước Mỹ như kinh tế tăng trưởng, thất nghiêp gia tăng, nhà cửa tiêu tan, giáo dục xuống cấp, nạn di dân bất ổn, xã hội đa văn hóa thiếu văn hóa… Không chỉ S & P nhìn thấy cái sân khấu chính trị trẻ con, ấu trĩ của những người già nhưng chưa trưởng thành này. Bởi vậy mà câu hỏi đặt ra không chỉ là nước Mỹ đi về đâu, mà thế giới chúng đang đi về đâu?
Nguồn: http://thunhan.org

No comments:

Post a Comment