8/11/11

CHẲNG CÓ GÌ ĐÃ XONG

Hoàng Ngọc Nguyên

Để thẩm lượng kết quả công việc, người Mỹ thường nói “All’s well that ends well”. Có nghĩa là chuyện gì kết thúc tốt đẹp thì coi như là chuyện tốt đẹp. Từ đó, ta cũng có thể suy ra chuyện gì kết thúc có vẻ trục trặc, không mỹ mãn, thì chẳng thể coi là tốt đẹp và do đó chẳng có gì đáng ăn mừng. Đó là cách để hiểu phản ứng khá phổ biến trong dân chúng trước tin cuối cùng, Hạ Viện và Thượng Viện đã đạt được thỏa hiệp về việc nâng cao mức trần của nợ liên bang (để chính phủ có thề vay nợ thêm nữa để chi tiêu) và cắt giảm thiếu hụt ngân sách bằng cách giảm chi tiêu của chính phủ để bớt vay nợ) và Tổng thống Barack Obama cuối cùng đã ký để ban hành thỏa thuận này chỉ chín giờ trước hạn chót chính phủ phải được nâng mức nợ này đế tránh chuyện “vỡ nợ” ngày hôm sau. Thiên hạ chẳng ai ăn mừng. Ông Obama chẳng ăn mừng. Đảng Dân Chủ chẳng ăn mừng. Đảng Cộng Hòa thỏa mãn một cách dè dặt. Những người trong phong trào Trà Hội của đảng Cộng Hòa có thể hân hoan hơn một tí. Nhưng hầu như tuyệt đối, người dân chằng ăn mừng. All’s well that ends well. All’s not well that ends badly. All’s not well that does not end at all! Có chuyện gì thực sự đã xong đâu mà xem là tốt đẹp!

 

            Như thế , cái gì đã được hoàn thành mà ông Obama đã ký vào xế trưa thứ ba 2-8? Sau cả hơn ba tháng hai bên cứ nhùng nhằng, bắng nhắng, hỗn chiến chủ yếu giữa ông Obama và những người Dân Chủ tại Thượng Viện một bên, những người Cộng Hỏa tại Hạ Viện, mà lực lượng tiền phong, đặc công “khủng bố” (theo cách dùng chữ mà nay người ta gán cho Phó Tổng thống Joe Biden) là những “Tea-partiers”,  với cả chục đề nghị bên này đưa ra bên kia bác bỏ và ngược lại của Cộng Hòa (Hạ Viện), của Dân Chủ (Thưọng Viện) và của ông Obama, đùn đấy qua lại một cách quyết liệt phũ phàng, rốt cuộc người ta lại chấp nhận dễ dàng một giải pháp có tính “đầu voi tai lừa” (cũng giống như đầu voi đuôi chuột) một cách nhanh chóng. Sáng chủ nhật, những người lãnh đạo Quốc Hội lưỡng viện và lưỡng đảng họp lại cùng Nhà Trắng. buổi chiều, ông Obama từ vũ đài Washington lên đài truyền hình thông báo “the deal is done”. Thứ hai, Hạ Viện biểu quyết 269/161 thông qua dự luật. Trong 269 phiếu thuận có phiếu của bà dân biểu Gabrielle Giffords  đến từ Tucson, Arizona. Trưa thứ ba, Thượng Viện tiếp tục làm một chuyện có tính thủ tục, thông qua dự luật Hạ Viên đã chuyền đến với số phiếu 76/24.  Và một giờ sau đó, ông Obama ngồi một mình, lặng lẽ ký vào luật này, chung quanh chẳng có những nhân vật lập pháp hoan hỉ đứng để chụp ảnh kỷ niệm như thường lệ.

            Theo cái “deal” này, thì mức nợ trần (tức giới hạn tối đa nợ chính phủ có thề được vay) sẽ được gia tăng có thề đến 2.1 ngàn tỷ, như ông Obama cần, hay muốn – hay đúng hơn như tình hình ngân sách đài hỏi. Và thiếu hụt ngân sách cũng có thể được giảm đến cả hơn 2 ngàn tỷ - như phía Cộng Hòa, nhân danh cử tri của mình, đòi hỏi.   Ngay tức thì, để tránh vỡ nợ, mức nợ trần này sẽ được thêm 400 tỷ nữa, tức từ 14.3 ngàn tỷ lên 14.7 ngàn tỷ. Sau đó, mức nợ tối đa này sẽ  được thêm 500 tỷ nữa (vị chi 900 tỷ), lên đến 15.2 ngàn tỷ cho đến tháng hai năm 2012. Quốc Hội có thể bỏ phiếu để hủy bỏ việc gia tăng thứ nhì này, nhưng Tổng thống Obama cũng có quyền phủ quyết. Luật này duy trì một phương cách mà những người Cộng Hòa tại Thượng Viện (chủ tịch phe Cộng Hòa thiểu số Mitch McConnell) trước đây đã đề nghị cho phép những người bào thủ tại Hạ Viện bỏ phiếu chống mức trần của nợ mà không thực sự đánh bại luật này bằng cách cho tổng thống quyền nâng mức trần này lên với sự chấp thuận của Quốc Hội. Tổng thống không đồng ý thì cứ việc phủ quyết để mức nợ tối đa được tăng thêm 500 tỷ.

            Đến ngày 1-10, tức khoảng hai tháng nữa, là thời điểm giới hạn chi tiêu có hiệu lực (spending caps). Thiếu hụt sẽ bị cắt giảm $917 tỷ (tương đương với 900 tỷ nâng mức nợ) trong thời gian 10 năm. Chỉ có 21 tỷ sẽ được tiết kiệm trong năm đầu tiên 2012. Đến ngày 23-11, một ủy ban lưỡng viện đặc biệt với 12 thành viên được thành lập với trách nhiệm thực hiện từ 1.2-1.5 ngàn tỷ trong cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế. Nó có thể xét những biện pháp thuế nhằm tăng  thu, cũng như cắt giảm các chương trình phúc lợi (chiếm cả 55% ngân sách) và quốc phòng (khoảng 20% ngân sách) nhằm mục tiêu giảm thiếu hụt này. Sóng gió chắc sẽ lại nổi lên vào cuối năm khi Quốc Hội phải bỏ phiếu vào ngày 23-12, “không được sửa đổi và không được đình hoãn”, những đề nghị của ủy ban này.  Triển vọng được thông qua có vẻ mơ hồ, nhất là khi đến một nửa con số này là từ ngành quốc phòng, mà người Cộng Hòa ủng hộ. Nếu đề nghị của ủy ban này không thông qua được, người ta sẽ bắt đầu bàn tính từ ngày 15-1 sang năm chuyện cắt từng phần, trong đó hai mục sẽ được tranh cãi chí chóe là quốc phòng và Medicare cho người già. Đến ngày cuối năm 31-12, hai viện cũng sẽ phải biểu quyết nhanh gọn một đề nghị thiết lập một tu chính án về thăng bằng ngân sách, đòi hỏi phải có một đa số hai phần ba đề thông qua. Đây là chuyện khó, nhưng người Cộng Hòa cần có thành tích đế nói với cử tri bước vào năm mới với các cuộc bầu cử Tồng thống, Thượng Viện và Hạ Viện.

            Nếu luật này về ngân sách thăng bằng đưọc thông qua, ông Obama sẽ được tăng mức nợ lên một lần nữa, là 1.5 ngàn tỷ, tổng cộng là 16.7 ngàn tỷ - cho đến cuối năm 2012. Nếu không được thông qua, ông có thể xin nâng mức nợ trần lên 1.2 ngàn tỷ, Quốc Hội phải bỏ phiếu về đề nghị của ông Obama, và cho dù họ có thề bác bỏ, nhưng luật cho ông quyền phủ quyết để giữ mức tăng nợ 1.2 ngàn tỷ này.

            Thỏa hiệp đã được ký thành luật này thực ra chẳng có gì mới lạ so với những điều nguòi ta đã biết. Nói cách khác, bình thì mới, hay đươc lau chùi bên ngoài cho có vẻ mới, nhưng rượu cũ, từ những thứ hầm bà lằng trộn lẫn lại, pha chế, uống bậy bạ rất dễ say. Bởi vì ông Obama là người Hành Pháp, tức phải làm, cho nên ông phải nhượng bộ những người Lập Pháp, chuyên về đập phá - nhất là trong trường hợp những người thành viên Trà Hội (nếu không họ đã không được coi là một tồ chức “khủng bố” nguy hiềm cho nước Mỹ). Vì bị bắt chẹt, bị giữ con tin, phải nhượng bộ, cho nên ông nay phải mang tiếng “nói một đàng, làm một nẻo”. Ông nói giải pháp nào việc cắt chi tiêu cũng phải đi kèm tăng thuế. Rốt cuộc ông phải lơ đi giấc mơ làm Robinhood ở rừng Sherwood lấy của người giàu nuôi người nghèo. Ông cũng nói sẽ không bao giờ chấp nhận giải pháp tạm thời hai ba bước, thế nhưng cái luật của ông ký cũng là một quá trình bị ngắt đoạn hai ba lần. 

            Người ta nói rằng giải pháp này là “win-win” – ai cũng thắng – hay cũng có thề gọi là “lose-lose”, ai cũng thua. Những người trong phong trào Trà Hội của đảng Cộng Hòa  ấm ức là “cắt chưa đã”, họ chưa đụng được tới các chương trình “quyền phúc lợi” “(entitlement programs) như Medicare, Medicaid, An sinh Xã hội đến nơi đến chốn, chưa đưa ra được hai qui định căn bản về giới hạn của ngân sách so với giá trị Tồng sản lượng quốc nội (GDP) cũng như chưa áp đặt được tu chính án về ngân sách thăng bằng vào hiến pháp. Trong Tea Party này, còn có những người quá khích chủ trương nhất dịnh không nâng mức nợ, như dân biểu Michele Bachmann nay đang ra ứng cử tổng thống, mặc dù người ta phanh phui ra nhờ cái chuyện chịu nợ này, chính phủ mới có tiền cho bà làm ăn bằng cách nuôi cả một lúc 26 đứa trẻ bằng tiền nhà nước, cùng cho bà vay hơn $500 ngàn để mua nhà theo lãi suất ưu đãi của Fannie Mae, Freddie Mac!

            Rốt cuộc sau hơn ba tháng ác mộng, tỉnh dây, mọi chuyện đều xong cả như chuyện giỡn. Những nhà chính trị nay đã có thề xoa tay nói: “Kề như xong”. Nhưng đối với dân chúng, tất cả dường như chỉ mới bắt đầu. Tất cả chỉ mới bắt đầu vì luật mới này về mức nợ tối đa đã không giài quyết được những vấn đề người dân đang lo đêm ngày. Ngược lại, nó đặt ra thêm nhiều vấn đề mà người dân nay phải nghĩ tới.

            Trong một phân tích của ban chủ biên về kinh tế và kinh doanh của tờ Wshington Post hôm thứ tư, họ chỉ ra có ba thành phần đang nhìn tương lai với tâm trạng hoang mang, lo sợ . Thành phần thứ nhất là giới công chức liên bang và tiều bang. Có hai điều hầu như chắc chắn: người ta sẽ phải cắt việc giảm người tại các cơ quan chính phủ, nhất là giới hành chánh. Và cũng sẽ gấp rút cải cách những chế độ hưu bổng đề cho giảm đi gánh nặng này trong ngân sách cua chính phủ. Công chức trong các ngành quốc phòng và không quốc phòng đều bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là công việc trong khu vực nhà nước sẽ càng ngày càng ít có, và người ta nay chủ yếu phải đi kiếm việc ở khu vực bên ngoài. Thành phần thứ hai gồmn cả hai chục triệu người thất nghiệp chính thức hay “trá hình”. Chẳng những kinh phí dành cho bảo hiểm thất nghiệp sẽ cạn dần và chính phủ sẽ hết khả năng hào phóng với những người thất nghiệp lâu dài như trong hai,  ba năm qua, mà chính phủ sẽ không còn tiền đề theo đuổi những chương trình kích thích để tạo việc, vốn có hiệu quả rất giới hạn trong thới gian qua. Thành phần thứ ba là những người già, người nghèo, người bệnh “vô dụng” mà những người tea partiers vốn cho rằng chính phủ đã lo cho những đối tượng này thái quá..

            Quốc Hội mất cả ba bốn tháng chỉ làm được chừng đó việc, tạo thêm những nỗi lo cho dân. Bởi thế mà thăm dò của Gallup cho thấy có đến 52% người được hỏi ý kiến cảm thấy chằng ưa tí nào nội dung “cái deal” vừa thành luật này, và họ lắc đầu: các dân biếu của chúng ta như những đứa con hư (spoiled children) vì cha mẹ nuông chiều, chẳng dạy dỗ đến mức chúng chằng biết “ngoan” là gì.

            Một Trung tướng về hưu, Russel Honoré, đã từng chỉ huy chiền dịch cứu trợ đồng bào bị bão Katrina năm 2005 thì than rằng nếu cách đây sáu năm ông làm việc như kiểu những người ở Capitol đang làm thì “nước Mỹ này chắc chết quá”,. “Tôi phẫn nộ và thất vọng trưóc tình trạng lãnh đạo không cương quyết của Washington trong cả mấy tuần qua. Đó không phải là lãnh đạo. Đó là đóng tuồng ”. Ông nói chưa hề thấy môt sự lãnh đạo “thiếu ý chí chung, thiếu mục tiêu chung” như tình hình hiện nay.

            Nếu chẳng phải là tới kỳ hạn, mấy nhà dân cử sẽ vẫn còn lạm dụng chính trường bất kể người dân đang mong ngóng ở dưới, bởi vì dù sao, cái lỗi là ở người dân bầu ra họ, trong khi người dân thì có thể vẫn nói: “chúng tôi biết gì đâu”.

            Bởi thế, những nhà quan sát quốc tế nói rằng vấn đề của nước Mỹ từ thượng tầng xuống hạ tầng, từ hạ tầng đi lên thưong tấng. Từ người dân đến lãnh đạo và cơ chế. Người dân không có lãnh đạo để biết mình đi đâu. Lãnh đạo không có người dân dẫn dắt.  Tất cả làm cho thế giới mất niềm tin vào vai trò lanh đạo của nước Mỹ. Mỹ thường cho rằng ở nơi này nơi nọ trên thế giới, như Pakistan hay Mexico, chế độ của người ta đang bị phân liệt. A failed system. Nay trước khi quá muộn Mỹ có lẽ cần nhìn lại mình. Và nhìn lại từ con người từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới và cả cái hệ thống những cơ chế và định  chế… “không chạy”.

No comments:

Post a Comment