8/20/11

Phương Bích thuật chuyện tối qua công an tới nhà

image001

Phương Bích

Cơm chiều xong là vào ngay mạng, tìm tất cả các thông tin về phản ứng của quân ta, về cái thông báo đe dọa biểu tình của UBND thành phố Hà Nội. Lúc trước bố tôi nghe ti vi có vẻ hơi lo lắng: lần này chính quyền làm quyết liệt đấy con ạ.

Tôi trấn an bố: con biết rồi, bố cứ yên tâm, con sẽ tùy cơ ứng biến.

Nói vậy nhưng tôi xác định rất rõ ràng, mọi người đi là tôi cũng đi. Vả lại tôi cũng muốn biết lần này họ sẽ làm quyết liệt là như thế nào? Cái bài túm cổ, bẻ tay tống lên xe, rồi đem ra thả ở Mỹ Đình xem chừng không thiêng nữa rồi. Nếu lần này bắt thì chắc không phải vài chục như lần trước, bởi vì biết đâu lần này, tất cả người biểu tình lên xe buýt theo nhau – cùng một tội cả mà – sẽ có tới vài trăm thì sẽ như thế nào nhỉ. Huy động bao nhiêu xe buýt đây? Rồi hậu của việc đó sẽ dẫn đến phản ứng như thế nào của người dân và dư luận thế giới?

Vẫn đang mải miết lướt các trang, bài, thì có tiếng bố í ới ngoài phòng khách. Ngó ra thì thấy một đoàn lố nhố kéo vào, ba ông bà trong tổ dân phố, ba ông bà trong chi bộ và ba anh công an.

A! Thế là rốt cuộc họ cũng đến rồi. Bấy lâu nay tôi cứ băn khoăn không hiểu sao không thấy công an đến “thăm nhà”?- Điều này từng khiến có người nghi tôi là công an chìm đấy – Trong khi đó tôi nghe có thông tin rằng, địa phương nào có người đi biểu tình thì chính quyền ở đó sẽ phải chịu trách nhiệm…??? Mà tôi đi biểu tình đến lần thứ chín rồi chứ ít gì (lần đầu bị nhỡ). Rốt cuộc thì họ cũng đã đến!

Trong khi tôi đang vào buồng bê ghế ra cho các ông bà ấy ngồi, nghe thấy bố tôi ngạc nhiên hỏi:

- Không biết hôm nay có chuyện gì mà có đoàn đến nhà thế này nhỉ?

Tôi nghĩ bố tôi cũng biết thừa nhưng cụ cứ giả vờ hỏi thế. Tôi nói vọng ra:

- Chắc là về chuyện biểu tình đấy bố ạ.

Thì tôi đã nói luôn vào sự việc rồi, nên các anh công an cũng chả phải rào trước đón sau nữa. Sau khi giới thiệu các thành viên trong đoàn, các anh ấy giơ cái thông báo có đóng dấu treo mà tôi đã nhìn thấy trên mạng, sau đến là màn thuyết giảng. Tôi cứ liên tục ngọ ngoạy trên ghế, vì cứ buộc phải nghe những thứ lý lẽ mà tôi vốn rất kỵ dơ, chịu không nổi. Mấy anh công an cứ liếc nhìn tôi. Sau khi anh công an khu vực nói xong, tôi nổ súng ngay:

- Thứ nhất, tôi không phải là đảng viên nên tôi không biết các ông bà chi bộ nào cả. Tôi chỉ làm việc với tổ dân phố và công an khu vực thôi. (Đấy là tôi chưa chỉnh việc đến nhà dân phải báo trước, nhỡ đâu tôi có việc phải đi thì sao?)

- Thứ hai, cái thông báo các anh cầm trên tay tôi đã đọc trên mạng rồi. Tôi xin nói thông báo này không có giá trị pháp lý vì không có chữ ký. (Lúc đấy tôi chưa kịp nhớ ra để nói với cả chín ông bà ngồi đấy rằng cái dấu treo chỉ để đóng vào phụ lục kèm theo văn bản chính thôi). Ngay cả ti vi bây giờ cũng nói sai nhiều lắm.

- Thứ ba, nếu các anh đưa cho tôi bất cứ một văn bản pháp lý nào nêu rõ việc cấm biểu tình, tôi sẽ ở nhà ngay. Còn tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tôi làm. Nói vậy để các anh đỡ mất thời gian giải thích cho tôi.

Nhưng nói vậy rồi mà các anh ý vẫn cứ bắt tôi phải nghe những bài giảng về chuyện không chừng bị mắc mưu, rồi bị các thế lực thù địch lợi dụng, rồi gây mất ổn định xã hội vân vân…Thậm chí anh công an khu vực còn đe dọa sẽ thông báo đến cơ quan tôi, rồi anh trai tôi – vốn là một đại tá công an đương chức – sẽ bị ảnh hưởng vì để người nhà đi biểu tình.

Úi giời! Lôi người thân ra để ép tôi lại càng làm tôi điên máu hơn:

- Anh đừng có đe dọa tôi. Thứ nhất, xin nói để anh biết, cơ quan tôi biết rất rõ việc tôi đi biểu tình ngay từ lần đầu tiên – vì tôi đâu có dấu giếm. Thứ hai, nếu anh trai tôi bị ảnh hưởng về chuyện tôi đi biểu tình chống TQ, bị cấp trên khiển trách rồi dùng việc đó để ép tôi, thì xin nói là tôi sẽ viết đơn lên thẳng ông Bộ trưởng Công an để khiếu kiện về việc này. Tôi đã quá đủ tuổi để chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Đến bố tôi cũng không cản tôi thì tại sao anh trai tôi lại phải chịu trách nhiệm về tôi? (tôi quên béng mất không nói rằng, tại sao trước nguy cơ ngoại xâm, không lo đoàn kết trên dưới một lòng, lại đi dùng thủ đoạn để chia rẽ nội bộ trong từng gia đình như thế là sao?)

May quá, lúc ấy bố tôi lên tiếng xin phép được nói. Tai cụ nghễnh ngãng nặng, nhưng qua vẻ mặt của mọi người, và cũng thuộc bài của công an – chắc giống hệt như đài, báo nói thôi. Tôi không nhớ cụ thể cụ nói như thế nào, nhưng đại để là cụ rất uất ức về những chuyện chính quyền TQ đã làm với nước ta. Cụ nói như dân biểu tình ấy, rằng TQ là thằng hàng xóm to xác, tham lam, xấu tính. Rằng tại sao chính quyền không xúi dân đi biểu tình mà lại ngăn cản thế? Rằng tại sao chính phủ lại cứ dấu giếm, không cho dân biết, trong khi bên TQ nó tung hết lên mạng, kích động dân của nó như thế. Cụ còn đưa cái bài có in 3 cái ảnh đặc trưng nhất về việc trấn áp biểu tình là ảnh công an bế Phan Nguyên, ảnh công an khiêng Chí Đức, ảnh công an đạp vào mặt Chí Đức cho các anh công an xem (hi hi) và bảo, thế này thì xấu hổ quá. Rằng thì cụ hết hơi rồi nên không đi biểu tình được, nên con nó bảo nó đi thì tôi hoàn toàn ủng hộ.

Chao ui, tôi nghe mà sướng cả hai cái lỗ tai. Tôi không ngờ bố tôi lại dũng cảm thế. Bình thường tôi vẫn buồn là bố tôi sống yên phận, không muốn làm mất lòng ai. Cụ rất quan tâm đến thời cuộc, bất bình trước những vấn nạn xã hội, nhưng cái chính là cụ ngại lên tiếng. Thế mà hôm nay cụ lại nói trúng ý tôi thế, mà lại nói cho mấy người rất đáng nghe mới sướng chứ. Cụ nói rất nhẹ nhàng chứ không hùng hổ như tôi. He he, mấy anh công an tự nhiên lại bị cụ giảng bài không giống cấp trên nên chán hẳn. Vì bố tôi là lão thành cách mạng, 66 năm tuổi đảng, cũng từng là quan chức (hơi cao cấp một tý) nên họ hi vọng bố tôi sẽ thuyết phục tôi giúp họ, thế mà lại bị cụ cho ăn quả đắng. Ai dám lên lớp lại bố tôi chứ.

Lúc đầu tôi còn ngồi khoanh tay, khá căng thẳng khi cụ xin có ý kiến. Nhưng càng nghe, nụ cười bắt đầu nở trên môi tôi khiến mấy anh công an lại liếc nhìn. Tôi không dấu giếm nét mặt tươi như hoa của mình. Bố của con muôn năm! Tuy bố chưa lên tiếng như cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, nhưng hôm nay tôi hãnh diện về bố quá.

A! Anh Phó trưởng công an phường còn nói một câu, đại để là mọi người dân phải có bổn phận trung thành và phụng sự cho nhà nước. Tôi ngắt lời liền:

- Xin lỗi anh, không phải cho nhà nước mà là cho Tổ quốc.

Tôi không thấy ngại ngùng khi nói những từ đao to búa lớn như Tổ quốc, hay yêu nước…Khi anh ta nói việc tôi bị công an bắt về đồn rồi cũng có làm được gì đâu (ý là có khiếu nại được việc bị bắt vô cớ đâu), tôi bảo nhưng kẻ phải hổ thẹn với lương tâm không phải là tôi.

Cậu tổ trưởng dân phố còn bảo, tôi nên tiếp tục truyền thống cách mạng của gia đình. He he, tôi đốp lại liền: chính việc tôi làm là đang phát huy truyền thống của gia đình tôi đấy chứ .

Nói chung là các anh công an tuy chán hẳn, nhưng vẫn cố thuyết phục tôi không đi biểu tình. Rồi rằng thì là vì lợi ích của tổ dân phố (phong trào thi đua gì đấy), chị không nên đi biểu tình nữa. Tôi lại có cơ hội nổ tiếp:

- Xin lỗi các anh, cái lợi ích của tổ dân phố nó quá nhỏ bé so với lợi ích của đất nước. Tôi không thể hứa với các anh được. Tôi cảm ơn các anh đã cảnh báo cho tôi, đã thuyết phục tôi hết nước hết cái rồi, nhưng tôi sai tôi xin chịu, các anh thông cảm cho. Nếu chính quyền không cho dân đi biểu tình, hãy xóa bỏ điều 69 của Hiến pháp đi. Việc không ra được luật không có nghĩa là được cấm dân biểu tình, mà chính là Quốc hội đang nợ dân cái luật đó suốt 19 năm nay đấy.

Rốt cuộc là họ ra về sau khi thông báo là nếu tôi đi biểu tình là cậu công an này – chỉ vào một anh trẻ nhất – là công an điều tra của Quận, sẽ đi theo chị đấy. Thảo nào trông mặt cậu ấy buồn thỉu đi khi thấy có vẻ không thuyết phục được tôi.

Họ về rồi, hai bố con tôi quay ra cười nói rôm rả. Lại thêm một chị tổ dân phố quay lại nhà tôi vì sướng quá, họ có bao giờ dám nói thẳng tưng thế đâu, dân mình nhiều người sợ công an lắm. Hôm nay tôi có cơ hội nói thật đã – với những người tôi muốn đối thoại – không vấp víu tý nào. Lại còn tranh thủ tố những chuyện bức bối trong xã hội. Cứ bảo để ổn định xa hội, ổn định thế nào được khi mọi chuyện tham nhũng, chuyện giao thông và giáo dục, chuyện lạm phát, ngay cả chuyện công an cũng làm bậy nhan nhản. Thế mà tôi chỉ là đi biểu tình chống TQ xâm lược thôi đấy. Ái chà! Chả vị nào “phản biện” lại cả.

A! Họ thấy không cãi lý được với tôi, thì họ bảo ai mà chả yêu nước, ai mà chả căm phẫn, bức xúc v.v… Tôi nói luôn:

- Bố tôi và các chiến hữu của cụ ai cũng quan tâm đến tình hình nước nhà, cũng rất bức xúc, nhưng lại chỉ ngồi trong nhà nói với nhau cả buổi cho bõ tức. Tôi vẫn đùa bảo: yêu nước như của bố và các bác ý là yêu nước kiểu salon.

Gớm, sao hôm nay tôi nói được nhiều vấn đề thế. Mà cứ chạm vào cái gì là tôi lại nổ luôn được cái đó, tuy chưa đã lắm. Nhớ lại chuyện bác Nguyên tóc bạc và Hiếu Gió nói chuyện có đuôi, thế là bây giờ tôi cũng sẽ mọc đuôi (khí muộn), cũng trở thành người quan trọng rồi đấy nhé.

Hà Nội ngày 19/8/2011

Phương Bích

No comments:

Post a Comment