8/26/11

BỆNH KHỚP THOÁI BIẾN (Degenerative joint disease)


Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Khớp (joint) là các chỗ những đầu xương nối với nhau. Trong khớp có nhiều cơ cấu rất tinh vi, phối hợp hoạt động để khớp vừa vững chắc vừa linh động. Sụn khớp (articular cartilage), phần quan trọng của khớp, bao bọc các đầu xương như một lớp đệm, giúp các đầu xương trong khớp nhẹ nhàng trượt lên nhau khi khớp chuyển động.
Ở Mỹ đã lâu, chúng ta cần hòa nhập vào dòng y khoa Mỹ, dùng những từ y khoa Mỹ họ dùng: đau cổ (neck pain), đau vai (shoulder pain), đau khuỷu tay (elbow pain), đau cổ tay (wrist pain), đau lưng (back pain), đau lưng dưới (low back pain), đau hông (hip pain), đau gối (knee pain), đau cổ chân (ankle pain), đau khớp (joint pain), viêm khớp (arthritis: khớp vừa đau, vừa sưng to, nóng đỏ). Nên bỏ hai chữ “phong thấp” vào sọt rác quá khứ, vì những chữ này mơ hồ, không biết dịch sang tiếng Anh thế nào. Xin nhớ, vào nhà thương, các bác sĩ, y tá họ nói tiếng Anh, chúng ta cần dùng đúng chữ để họ hiểu (nếu cần thông dịch, người thông dịch cũng dịch được dễ dàng). Các thuốc Ibuprofen, Motrin, Aleve, Celebrex, ..., thuần túy, chỉ là thuốc chống đau như Tylenol, Aspirin, không nên gọi chúng là “thuốc phong thấp”.
Bệnh khớp nhiều lắm. Ba bệnh khớp làm khổ chúng ta nhiều nhất: “osteoarthritis”, (bệnh viêm xương-khớp), “rheumatoid arthritis” (bệnh viêm khớp rheumatoid) và “gout” (thống phong). Hôm nay, chúng ta tìm hiểu bệnh “osteoarthritis”, tên khác dễ hiểu hơn: “degenerative joint disease” (bệnh khớp thoái biến).
Bệnh khớp thoái biến xảy ra nhiều nhất trong các loại bệnh khớp. Ở Mỹ, đến 12% dân số mang bệnh khớp thoái biến, và với các vị trên 70 tuổi, tỉ lệ gần 35% (tức cứ 3 người, 1 người bị). Rất nhiều vị, đi từ phòng ngủ sang phòng tắm cũng khó khăn, vì khớp gối, khớp hông đau nhức quá.
Đời người chúng ta ví như chiếc xe hơi, chập chững chạy đầu đời, bon bon chạy giữa đời, rồi chậm dần vào cuối đời. Do máy đã rêm, bánh đã mòn. Các khớp của ta giống những bánh xe hơi, dùng lâu tất mòn. Bệnh khớp thoái biến gây do sự mòn lở của sụn khớp (articular cartilage), nhất là ở những vùng sụn phải trực tiếp nâng đỡ sức nặng của cơ thể. Do thế, bệnh thường tấn công các khớp mang sức nặng (hông, gối, lưng dưới, ...), hoặc khớp sử dụng nhiều trong công việc hàng ngày (các khớp ngón tay, khớp nơi gốc ngón tay cái).
Dưới tuổi 55, các khớp mòn giống nhau ở cả nam lẫn nữ. Tuổi cao hơn, khớp hông bị nhiều hơn ở đàn ông, còn phụ nữ hay có bệnh ở các khớp ngón tay và gốc ngón cái. Phụ nữ cũng đau khớp gối nhiều hơn đàn ông.
Ai dễ bị bệnh khớp thoái biến?
Nhiều yếu tố đưa ta đến với bệnh khớp thoái biến:
- Tuổi tác: yếu tố quan trọng nhất. Càng cao tuổi, các khớp ta càng dễ hao mòn.
- Phái tính: phụ nữ dễ mang bệnh hơn đàn ông. (Phải chăng, so ra, nữ giới vẫn phải làm việc nhiều hơn nam giới, việc sở, việc nhà?).
- Chấn thương: những khớp trước từng bị chấn thương hoặc sử dụng nhiều quá dễ mang bệnh. Chẳng hạn, người vũ ballet hay có bệnh ở khớp cổ chân. Ngược lại, các võ sĩ boxing hay mang bệnh ở khớp nối bàn tay và ngón tay. Người làm những nghề nghiệp cần quì gối dễ mang bệnh ở khớp gối.
- Nặng cân: xe nặng, bánh tất mau mòn. Người nặng, khớp mau hư, nhất là khớp gối.
- Bệnh bẩm sinh: khiến khớp bất thường ngay từ lúc mới sanh.
- Bệnh nội tiết: tiểu đường, suy tuyến giáp trạng, ...
Định bệnh
Ta đã biết, trong khớp có sụn khớp (articular cartilage), bao bọc các đầu xương như một lớp đệm, giúp các đầu xương nhẹ nhàng trượt lên nhau khi khớp chuyển động. Bệnh khớp thoái biến gây do sự mòn lở của sụn khớp. Khi sụn mòn hoặc lở vỡ, các đầu xương không còn uyển chuyển trượt lên nhau, nên gây đau nhức, cứng khớp, ...
Tuy vậy, rất nhiều trường hợp bệnh không gây đau gì cả. Có người chẳng bao giờ đau, tình cờ chụp phim, phim chụp cho thấy khớp đã mòn.
Đau khớp, nếu xảy ra, trong giai đoạn đầu, thường là cái đau âm ỉ, cảm thấy sâu trong khớp bệnh: khớp lưng, hoặc khớp hông, khớp gối, khớp ngón tay, ... Người bệnh thấy đau nhiều hơn khi đi lại, sử dụng khớp, và bớt đau lúc nghỉ ngơi. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng hơn, cái đau thành liên tục, làm khổ cả vào ban đêm.
“Công chúa đứt tay, ăn mày đổ ruột”. Mỗi người chúng ta cảm nhận cái đau một khác. Cùng một mức độ bệnh lý của khớp, phụ nữ than đau nhiều hơn đàn ông, người hưởng trợ cấp than đau nhiều hơn người đi làm, và người ly dị than nhiều hơn người có gia đình hạnh phúc. Người ta cho rằng trong bệnh khớp thoái biến, như chứng đau lưng, như nhiều bệnh khác, những yếu tố tâm lý và xã hội có ảnh hưởng quan trọng, khiến người bệnh cảm thấy đau nhiều hay ít.
Triệu chứng quan trọng khác là cứng khớp (stiffness). Khớp thường cứng vào buổi sáng mới ngủ dậy hoặc sau lúc nghỉ ngơi một thời gian ngắn trong ngày. Cứng khớp không kéo dài lâu, chỉ khoảng 20 phút.
Đến giai đoạn nặng, khớp mất hình dạng bình thường, méo mó, to lên, và không còn gập, duỗi được hết mức. Có khi, đang đi, khớp khựng lại. Khớp sờ thấy đau, hoặc sưng và hơi nóng. Khi khớp chuyển động, sờ như thấy các đầu xương trong khớp chạm vào nhau, kêu “lục cục lạc cạc”.
Sự định bệnh dựa vào bệnh sử (triệu chứng do người bệnh kể), sự thăm khám, và phim chụp. Phim chụp cho thấy hai đầu xương trong khớp sát vào nhau ở chỗ sụn bị mòn, có khi thấy những chồi xương mọc ra bất thường. Khi sụn khớp mòn nhiều, trên phim, khớp lệch lạc thấy rõ (subluxation), mất hình dạng bình thường.
Điểm đáng chú ý là triệu chứng và mức độ tàn tật do bệnh gây nên, nặng hay nhẹ, thường không ăn khớp với phim chụp. Nếu đem 100 người trên 40 tuổi ra chụp phim, theo phim chụp, 90 người sẽ có những thay đổi bất thường ở các khớp nâng đỡ sức nặng cơ thể (lưng dưới, hông, gối, ...), tuy vậy, chỉ 30 người có triệu chứng đau nhức. Đau dữ hay ít, như đã bàn, còn tùy thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt những yếu tố tâm lý và xã hội.
Chữa trị

Sự trị liệu nhắm mục đích giảm đau, giúp các khớp duy trì được cơ năng, và hoạt động bình thường. Những trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cần được trấn an, chỉ dẫn cách vận động, thu xếp công việc hàng ngày để tránh những hoạt động khiến khớp dễ tổn thương thêm, và thỉnh thoảng uống thuốc giảm đau nếu cần. Với những trường hợp nặng hơn, có thể phải phối hợp nhiều phương pháp chữa trị khác nhau:
1. Vận động:
Bắp thịt và xương, khớp như anh em ruột thịt, phối hợp, giúp đỡ nhau trong lúc hoạt động. Bắp thịt quanh khớp nếu dẻo dai, vững chắc sẽ giúp khớp bớt làm việc, hoặc làm việc hữu hiệu hơn, và cái đau sẽ nhẹ đi.
Các vận động nhẹ nhàng, không đặt nhiều sức nặng trên khớp (low-impact, nonweight-bearing) rất tốt. Bơi lội tuyệt nhất. Không thì những thể dục năng động nhẹ (low-impact aerobics exercises), hoặc các cách tập đặc biệt dùng cho người mang bệnh khớp. Đạp xe đạp đều có thể làm bớt đau khớp gối bị bệnh. Một chuyên viên thấu đáo về việc tập luyện cho người mang bệnh khớp (physical therapist) có thể giúp ta rất nhiều, chỉ dẫn cho ta những cách tập đúng với nhu cầu của tật bệnh ta.
Kiên nhẫn là mẹ thành công. Tập 4-5 lần mỗi tuần, đều như vậy, sau hai tháng, thường sẽ bắt đầu thấy có tiến triển tốt.
2. Đắp, thoa tại chỗ:
- Ấp nhiệt (khăn, bình nước nóng, heating pad, ...) vào khớp đau có thể giúp khớp bớt đau và cứng. Cách giản dị và rẻ tiền là tắm nước ấm vào buổi sáng lúc khớp hay bị cứng. Có vị thấy bớt đau khi dùng nước đá thay vì dùng nhiệt.
- Một loại kem được xem có tác dụng giảm đau, mua bên ngoài không cần toa bác sĩ là capsaicin cream. Thoa kem capsaicin ngày vài lần trên khớp, có khi bạn không cần uống thuốc giảm đau nữa. Kem capsaicin rất hữu hiệu cho các khớp gối và bàn tay. Khi mới dùng, có thể thấy nóng ở chỗ thoa thuốc, song tiếp tục dùng, phản ứng khó chịu này sẽ bớt dần.
3. Tránh bắt khớp bệnh làm việc quá sức:
- Luôn giữ cơ thể trong tư thế thẳng thắn. Khi nghỉ ngơi, học hành, làm việc, lái xe, bạn nên ngồi ghế có lưng tựa thoải mái (thêm tay dựa càng tốt), sát người vào lưng ghế, để lưng ghế nâng đỡ cơ thể bạn cho thẳng, giúp các khớp xương, bắp thịt lưng và cổ không mỏi.
- Trong công việc hàng ngày, bạn xếp đặt công việc và dụng cụ làm việc hợp lý, thuận tầm tay, vừa tầm mắt, hầu khỏi cong cúi nhiều trong lúc làm việc. Đồng thời, ứng dụng tinh thần “chị ngã em nâng”, sử dụng càng nhiều khớp càng tốt trong lúc làm việc. Chẳng hạn, bưng tách cà phê với cả hai tay, nâng bình cà phê bằng cách đỡ cả trên lẫn dưới (một tay đỡ đáy bình, một tay xách quai xách phía trên), ... Với cách này, lực tác động sẽ lan tỏa, không khớp nào phải làm việc quá sức.
Cũng nhớ, khi nhặt vật gì dưới đất, thay vì cúi lưng, bạn cong hai gối trong lúc giữ lưng cho thẳng. Khi bưng bê vật nặng, bạn đưa sát vào người, từ từ đứng lên, trong lúc vẫn thẳng lưng. Nếu vật quá nặng, cách tốt nhất là nhờ thêm người khác giúp sức.
- Người bị bệnh mòn khớp hông hay khớp gối nên tránh đứng, quì, ngồi chồm hổm (squatting) lâu.
- Xe nặng, bánh mau mòn. Nên xuống cân nếu béo mập.
- Giữ sự cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Những dịp nghỉ ngắn (10-20 phút) trong ngày giúp các khớp nghỉ ngơi sau những lúc hoạt động.
- Người bị bệnh mòn khớp gối hay khớp hông một bên, có thể dùng gậy chống (cầm bằng tay bên không đau) để nâng đỡ cơ thể trong lúc đi lại, giúp các khớp đau đỡ làm việc trong lúc đi lại.
- Giày thể thao loại tốt, hấp thu bớt các sức tác động (impact-absorbing shoes), giúp giảm sức nặng đè trên các khớp ở chân, có thể khiến bớt đau khi đi lại, và có lẽ cũng làm chậm đà tiến triển của căn bệnh. Khổ nỗi, các cụ ta ít quen đi giày thể thao, thích đi dép cao su, dép Nhật cho nhẹ, thoáng, và chỉ... vài đồng một đôi.
3. Chữa trị bằng thuốc:
Thuốc giúp bớt đau. Những trường hợp đau nhẹ hoặc vừa, ta dùng Tylenol là đủ, rẻ, lại an toàn. Không mang bệnh gan hay thận, ta có thể dùng đến 8 viên Tylenol 500 mg mỗi ngày (2 viên ngày 4 lần). Những thuốc giảm đau chứa chất nha phiến như Tylenol số 2, số 3, Vicodin, ... thường không cần thiết, vì tác dụng không dài. Hơn nữa, dùng liên tục, lâu ngày, thuốc có thể sẽ mất tác dụng và gây nghiện.
Các thuốc chống viêm không chứa chất steroid (non-steroid anti-inflammatory drugs, viết tắt NSAID) như Advil, Nuprin, Motrin, ... làm bớt đau và cứng khớp. Dùng Tylenol không bớt đau, ta có thể dùng đến những thuốc loại này. Cái bất lợi là, dùng lâu ngày, chúng có thể gây khó chịu, lở bao tử, chảy máu đường tiêu hóa, và hại cho thận, ... Dùng những thuốc này, ta nên uống lúc bụng no (đang ăn hoặc sau khi ăn). Thấy khó chịu vùng bụng trên, hoặc đi cầu ra phân đen, bạn nên ngưng thuốc và cho bác sĩ biết ngay. Một thuốc giảm đau khác có tên Ultram, cũng giúp nhiều người bớt đau, nhưng không gây những tác dụng độc hại như các thuốc trên. Tất nhiên, nó có thể gây những tác dụng phụ khác.
Gần đây, một số tài liệu đề cập đến việc dùng chất glucosamine và chất chondroitin để chữa bệnh khớp thoái biến, cho rằng hai chất này có khả năng giúp sửa chữa, tái tạo sụn khớp, và bổ khuyết lượng chất nhờn cần có trong khớp. Chúng tác dụng chậm, ít nhất 4 tuần mới công hiệu, và cũng có thể gây một số tác dụng phụ. Sự an toàn và hiệu quả về lâu về dài của thuốc chưa được biết rõ. Thuốc mua bên ngoài không cần toa, bạn có thể thử, song nên cho bác sĩ biết.
Ngoài các thuốc uống, trong nhiều trường hợp, bác sĩ cũng chích thuốc chứa chất steroid hoặc thuốc Synvisc thẳng vào khớp giúp khớp bớt đau.
4. Giải phẫu:
Giải phẫu dùng cho những trường hợp bệnh quá nặng gây đau nhức liên tục, chữa trị hết mức bằng những phương pháp nội thương song không kết quả. Có nhiều phương pháp giải phẫu khác nhau:
- Thay hẳn một khớp: khớp hông, khớp gối nay có thể thay.
- Gọt bớt xương (osteotomy).
- Mài bớt sụn (chondroplasty, abrasion arthroplasty).
- Đưa ống soi vào khớp, dọn dẹp những chỗ bị hư hoại trong khớp.
Sau cùng, ta cũng đừng quên vai trò của tinh thần trong sự chữa trị bệnh khớp thoái biến. Tinh thần và thể xác tuy hai nhưng là một. Trong điều kiện sức khỏe cho phép, nên thường xuyên vận động, hầu giúp cơ thể khỏe mạnh. Thể xác khỏe khoắn, ta thấy yêu đời, yêu người, đỡ căng thẳng tinh thần, và cảm nhận cái đau ít hơn. Một thể xác khỏe mạnh, một tinh thần lạc quan, một lý tưởng hoặc triết lý sống trong sáng, đấy là những viên thuốc bổ của đời sống. Xin biên toa để bạn dùng hàng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

No comments:

Post a Comment