Đó là câu hỏi tưởng như ai cũng biết nhưng nếu đặt ra, tôi tin chắc sẽ nhận được nhiều câu trả lời gây ngạc nhiên, nhất là trong một xã hội mà danh xưng đang trở nên hỗn loạn như hiện nay.
Cách đây hai năm rưỡi, tôi bảo vệ luận án tiến sĩ và được cấp bằng sau đó không lâu, thế nhưng suốt quãng thời gian theo đuổi nghiệp học hành, tôi không mảy may nghĩ đến câu hỏi vừa nêu trên. Cho đến một lần, nhân nói chuyện với một người bạn, tôi mới vỡ lẽ ra là không ít người vẫn đang hiểu lầm về danh xưng tiến sĩ.
Lần đó, người bạn cũ hỏi thăm tôi đang làm gì, tôi trả lời rằng đang đi học. Nghe xong, bạn hỏi tôi rất thành thật: tiến sĩ rồi thì còn phải học gì nữa? Tôi chắc ở nước mình, không thiếu người vẫn nghĩ như bạn tôi về danh xưng tiến sĩ, đặc biệt là trong một xã hội mà văn hoá hiếu học đã biến tướng thành một thứ sùng bái bằng cấp.
Tôi giải thích với bạn rằng tiến sĩ chẳng qua chỉ là học vị được cấp cho những người theo đuổi nghiệp học hành trong một lĩnh vực hẹp cụ thể nào đó. Người học tiến sĩ là người nghiên cứu, thông qua luận án học cách tư duy, giải quyết vấn đề một cách duy lý theo các phương pháp khoa học. Luận án cũng chỉ là một bài tập lớn, không hơn. Đó là bước đầu tiên để một người theo đuổi nghề nghiên cứu bước chân vào thế giới học thuật chứ không hề là đỉnh cao nào đó cho phép người ta ngơi nghỉ, tự hài lòng. Tiến sĩ chưa phải là đỉnh cao của tri thức trong chuyên ngành hẹp của họ và lại càng không phải là đại diện đỉnh cao cho mọi phương diện tri thức khác, dù rằng họ có thể có một tầm nhìn khá rộng.
Cũng như nông dân là thợ cấy thợ cày, công nhân là thợ máy, tiến sĩ - người theo đuổi nghề chữ nghĩa sách vở cũng chỉ là thợ học, vậy thôi. Nếu nghĩ như vậy, có lẽ người Việt sẽ dần thoát ra khỏi tâm lý sùng bằng cấp để nhìn nhận công bằng hơn về các ngành nghề khác nhau. Để rồi, xã hội Việt Nam sẽ bớt đi nghịch cảnh thừa thầy thiếu thợ hay nạn bằng cấp giả...
Ở Mỹ - đất nước thu hút tinh hoa học thuật của mọi quốc gia trên thế giới bằng chế độ ưu đãi cao - việc nhìn nhận học vị tiến sĩ lại rất chừng mực. Người Mỹ cân nhắc rất kỹ việc học lên đến học vị tiến sĩ không chỉ vì môi trường học thuật khắt khe mà còn vì đầu ra nghề nghiệp cho học vị này trên thực tế là rất hẹp. Người theo học tiến sĩ hầu hết là những người muốn làm việc trong môi trường hàn lâm - một môi trường hiếm việc hàng đầu. Các công ty khi tìm kiếm nhân sự cũng rất cân nhắc khi thuê người có bằng cấp tiến sĩ, vì họ sẽ phải căn cứ vào học vị để trả lương cho tương xứng.
Một cô giáo ở trường mầm non của bọn trẻ nhà tôi kể chuyện rằng, cô lớn lên trong một gia đình có bố mẹ và anh chị đều học tiến sĩ. Nhìn thấy tất cả những khó nhọc của họ, cô quyết định đi học làm cô nuôi dạy trẻ. Cô và gia đình cô ai cũng vui vì lựa chọn đó.
Tôi tin rằng, một cuộc sống hạnh phúc không thể xây nên trên một nền tảng sáo rỗng. Thói sùng bằng cấp của người Việt mình là một trong những nguyên nhân của đời sống sáo rỗng đó, đáng kể nhất là nạn loạn danh xưng. Điều đáng lo hơn cả là trong bối cảnh nhập nhèm danh xưng ấy, nhiều người có tư chất và liêm sỉ bèn từ chối mọi danh xưng dù họ xứng đáng. Cứ như thế, mọi giá trị trong xã hội dần bị đảo lộn lúc nào không hay.
Danh không chính, ngôn không thuận. Vậy, nên chăng bắt đầu lại từ việc chính danh?
Nguyễn Thị Thanh Lưu
No comments:
Post a Comment