Ngày mai (21/01/2015) Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 45 sẽ chính thức khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ, và kéo dài trong ba ngày. Cuộc họp quy tụ các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị trên toàn thế giới nhằm bàn thảo các vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Trong số các hồ sơ quan trọng, có vấn đề về hiện tượng gia tăng bất bình đẳng kinh tế theo như báo cáo do Oxfam công bố ngày hôm qua.
Báo cáo của Oxfam nhấn mạnh: 1% dân số thế giới chiếm giữ đến 48% sự giàu có của cả hành tinh. Tài sản tích lũy của số người này sẽ vượt qua mức tài sản của 99% người còn lại có được vào năm 2016. Như vậy là “Người giàu sẽ còn giàu hơn nữa” theo như tựa đề nhận định bài xã luận trên La Croix. Bài viết cho rằng một sự gia tăng bất bình đẳng như thế sẽ chẳng có gì đáng chê trách giả như tình hình của người nghèo cũng được cải thiện. Nhưng tình hình này không như thế: trong khi người giàu ngày càng giàu, vị trí của những người kém may mắn không được cải thiện là bao.
Nhưng điều đầu tiên bản báo cáo của Oxfam muốn lên án đó là cách những người giàu đó làm sinh lợi tài sản của họ nhờ vào vận động hành lang được lèo lái bởi những doanh nghiệp do họ kiểm soát để đạt được những quy định về thuế khóa và ngân sách có lợi cho họ. Một phần tài sản của họ có được là nhờ vào khả năng định hướng những nguồn tài nguyên công về phía có lợi cho số người này trong khi những nguồn tài sản đó phải được chia cho nhiều số đông hơn nữa.
Tuy nhiên theo tổ chức phi chính phủ Oxfam thì tình hình đó không phải là không giải quyết được. Oxfam kêu gọi các quan chức chính trị thông qua một dự án chống bất bình đẳng bằng cách chống lại nạn trốn thuế, đánh thuế nhiều hơn lên vốn tư bản và ít hơn trên việc làm, thiết lập mức lương tối thiểu hay thực hiện các chính sách xã hội cho người nghèo. Sao cho nền kinh tế được phục vụ vì cái tốt chung.
Người giàu áp đặt luật chơi
Để minh họa cho báo cáo của Oxfam, Libération trong bài viết đăng trên mạng lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Theo đó, 5% người Mỹ sở hữu đến 85% sự giàu có của cả nước. Theo nhật báo có rất nhiều lý do để giải thích.
Tờ báo nhắc lại nhận xét của giải Nobel Kinh tế Josph Stiglitz được đề cập đến trong quyển sách gây sốc « Cái giá của sự bất bình đẳng », đầu tiên hết mức thuế bình quân năm 2007 của 400 hộ gia đình giàu nhất chỉ có 16,6%, thấp hơn nhiều mức 20,4% phần đông phải trả. Tiếp đến, bởi vì họ nắm giữ guồng máy chính trị « Chính họ là những kẻ ấn định luật chơi chính trị, những luật họ dùng để phục vụ cho lợi ích của họ ».
Một phân tích của Center for responsive politics nhắc lại :phân nửa các đại biểu Quốc hội là tỷ phú. Cuối cùng, bởi vì làn sóng bãi bỏ quy định đã phục vụ cho số người này. « Trong vòng 30 năm, mức lương của 90% dân Mỹ chỉ tăng có 15%, trong khi mức lương của 1% trên cao nhảy vọt đến 150%. Còn lương của số 0,1% là hơn 300% ».
Libération ghi nhận chính điều này đã nuôi dưỡng một luồng chống đối từ New York cho đến Luân Đôn, đi qua cả Madrid, đẩy người dân xuống đường biểu tình. « Chúng tôi thuộc 99% », những người biểu tình hô to để phản đối lại số 1% những kẻ chiếm giữ quyền lực và sự giàu có.
Năm 2019 : Thế giới sẽ có hơn 200 triệu người thất nghiệp
Cũng liên quan đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Les Echos cho hay « Tổ chức việc làm Quốc tế dự báo sẽ có thêm 10 triệu người thất nghiệp trong 5 năm tới ».
Báo cáo thường niên được Tổ chức Việc làm Quốc tế công bố hôm nay cho thấy có nhiều tín hiệu đáng báo động : « Thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới, kinh tế thế giới đang đi vào một giai đoạn mới kèm theo là tăng trưởng chậm, bất bình đẳng tăng và biến động xã hội. Năm 2019, hơn 212 triệu người sẽ bị thất nghiệp, tăng thêm 10 triệu nữa so với con số 202 triệu người hiện nay ». Theo Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức : « khủng hoảng việc làm còn xa mới chấm dứt và cũng không có đủ chỗ để đáp ứng ».
No comments:
Post a Comment