1/15/15

Ca sĩ Trần Ngọc Phong

Được biết trong "Bữa Cơm Gây Quỹ Yểm Trợ Tù Nhân Lương Tâm" do Nhóm Yểm Trợ Tụ Do Dân Chủ Việt Nam tổ chức từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối ngày Chủ Nhật 9 tháng 5 năm 2010 tại Nhà Hàng Legin, Oregon, diễn giả là Ký Giả Hồng Phúc và Nhà Văn Phan Nhật Nam. Trong phần văn nghệ đặc sắc, độc đáo ngoài vợ chồng Nghệ Sĩ Văn Tiên/ Phương Thủy Dung cùng nhiều Ca Nhạc Sĩ địa phương còn có sự hiện diện lần đầu tiên của Ca Sĩ Trần Ngọc Phong. Với tư cách là một đàn em, một tù hữu của TNP trong bao nhiêu năm, tôi xin phép có đôi dòng giới thiệu về người Ca Sĩ đặc biệt này.

Trần Ngọc Phong, một Ca Sĩ chuyên nghiệp với giọng ca thiên phú, đã nổi tiếng một thời trên xứ Đà Lạt mù sương cuối thập niên 60 và đầu 70. Anh đi hát từ thuở còn đang theo học Đại Học Chính Trị Kinh Doanh, bắt đầu từ Phòng Trà ca nhạc La Tulipe Rouge năm 1964 rồi rất nhiều nơi khác. Anh hát với tất cả đam mê mà anh gọi là "nghiệp dĩ" chứ không hẳn vì tiền bạc. Cái nghiệp dĩ này đã bám chặt theo anh trong suốt cuộc đời sinh viên, binh nghiệp, tù đày...cho đến tận hôm nay trên miền đất tạm dung.
Anh tốt nghiệp Khóa 1 CTKD năm 1968, đang theo học Cao Học nhưng vì biến cố Mậu Thân đưa đến Tổng Động Viên, Anh phải nhập ngũ Khóa 9/68, ra trường đươc chuyển về phục vụ tại Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị với chức vụ Sĩ Quan Phụ Khảo thuộc Khối Văn Hóa Vụ (của Trung Tá Hoàng Minh Hòa) cho đến ngày mất nước.
Trong hơn 8 năm sống trong các trại tù khổ sai CS ngụy trang dưới mỹ từ "Trại Cải Tạo", tôi đã đi với Anh một đoạn đường dài từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam. Anh đã hát không ngừng nghỉ, hầu như mỗi ngày, mỗi đêm suốt thời gian này. Lúc đầu chỉ hát lén sau khi cổng trại đã khóa kín với vài người canh chừng vì CS cấm hát "Nhạc Vàng", sau dần thành công khai với những bản nhạc thòi VNCH trước kia được chuyển qua Anh Ngữ, bọn cán ngố có hiểu chi mô vì anh em gọi là nhạc "Liên Xô" hay "Cu Ba", đến những năm sau này thì không biết ai đã cải tạo ai, bọn cai tù CS công khai yêu cầu TNP hát "Nhạc Vàng"!!!
Trại Long Giao chúng tôi có một "phòng trà". Đó là một căn phòng bỏ trống bên cạnh nhà bếp. Tối tối anh em tập họp lại, người pha trà, người đóng góp vài cái bánh ngọt, vài cục kẹo, ít thuốc lào, thuốc rê.....đàn guitar tự chế bằng ván ép lượm lặt, dây đàn làm từ giây điện thoại...ghế ngồi bằng những khúc củi....trống là cái can xăng cũ lật ngược. TNP và Nguyễn Anh Tuấn thay phiên nhau hát mỗi đêm 4 năm mươi bài ! Nhà Văn Dương Hùng Cường (tức Dê Húc Càn) tham dự rất thường xuyên, thỉnh thoảng góp thêm vài chuyện tiếu lâm.
Khi bị chuyển ra miền Bắc với kỷ luật chặt chẽ hơn, sắt máu hơn, anh em chuyển qua hát "Nhạc Xanh" tức nhạc "Niên Xô" hay "Cu Má" (=Cu Ba) thực chất là nhạc chuyển ngữ để ngụy trang, đồng thời để ôn lại chút ngoại ngữ cho qua thời gian. Có nhiều chuyên viên ngôn ngữ trong anh em như Nguyễn Văn Ngọc, người nói viết thông thạo bảy (07) ngoại ngữ có thể giải thích tường tận ngữ pháp liên hệ khi có những tranh luận. Anh Ngọc đã giúp tôi chỉnh lại những bài học tiếng Đức khi tôi dịch quyển "Allemand Sans Peine". Hay nhất phải kể đến anh Lê Thành Luận, một Cử Nhân Văn Chương Anh, đã dịch những bài thật xuất sắc. Ví dụ một đoạn trong bài "Xin còn gọi tên nhau":
- Tiếng hát ru em còn nuối trên môi (Love song for you still on my lips)
- Lời nào gian dối cũng xin qua rồi (Please let's forget all what we've lied)
- Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau (So that someday we'll meet again)
- Còn nuối chút êm vui ngày đầu (Little hope you're still be mine)
- Cho mình nhớ gọi thầm tên nhau (In our hearts murmur the names)
Và rất nhiều bài khác bằng tiếng Anh, Pháp hay Đức. TNP còn sở trường hàng trăm bài hát tiếng Tây Ban Nha nên rất thoải mái. Mỗi tối, trong khi anh em nằm trăn trở, có người trùm mền nhớ vợ thương con, có người rấm rức...TNP với cây đàn "tự biên tự diễn", anh hát nho nhỏ, cho mình, cho mọi người..có khi đến 1 hai giờ sáng. Anh hát nhạc Xanh, anh hát nhạc Vàng, anh hát những bài do anh sáng tác (hơn 30 bài) ...bỗng nhiên nghe anh đổi tông qua nhạc Đỏ "nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng..." thì biết ngay anh vừa nhận ra ngoài song sắt thấp thoáng một vệ binh. Một hôm bất ngờ có một tên VC lên tiếng"vừa thôi Anh Phong ơi, tôi đã nghe nhiều bài anh hát nãy giờ rồi, hay lắm, đừng giả vờ nữa, cứ tiếp tục đi, tôi canh cho !!!"...dần dần quen đến độ mỗi tối Anh TNP phụ trách nhạc "yêu cầu" do cán binh CS "biến chất" tự nguyện làm lính canh để TNP tha hồ vi phạm "nội quy Trại". Có lần TNP làm reo:
- tôi sẽ hát bài Cán Bộ yêu cầu với điều kiện.
- điều kiện gì?
- Cán Bộ đưa khẩu AK cho tôi bắn vài phát rồi tôi mới hát !?!?
Anh em trong phòng cười rộ lên! Đùa tí thôi !!!
Ngày mồng một Tết 1978, Trại tập trung mọi người lên Hội Trường để nghe Trại Trưởng "chúc Tết"...trước thềm lục địa năm mới ?!?!...Chúc xong, Trại Trưởng "đề nghị" TNP hát một bài. Anh Phong đứng dậy chậm rãi: vì Trại Trưởng yêu cầu nên tôi xin hát bài "Hương Xưa", nhạc của Liên Xô (???) do Cung Tiến chuyển ngữ (???). Cả hội trường ngồi im phăng phắc, nổi da gà, rùng mình khi nghe TNP hát tỉnh bơ:'"Ôi những đêm dài lòng vẫn mơ hoài một giấc ai mơ, buồn sớm đưa chân cuộc đời, thời hoàng kim nay đã chìm trong sương mơ, dù có bao phen lắng men đợi chờ....nay đời tàn chết trong hoang vu, oán thù từng giờ.."' người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi, người ơi, chiều nào gió thu về cho tôi nhặt lá thu rơi...!?!" VC làm sao hiểu nhưng tất cả anh em đều nghe rõ tâm sự của Anh, cũng là ước mơ của mọi người.
Cuối năm 1980, đa số anh em thuộc Trại tù Thanh Lâm (Thanh Hóa) được chuyển về Nam. Trước khi lên xe, cứ 2 người bị xiềng chung lại với nhau bằng một sợi dây xích có khóa. TNP bị xích với Nguyễn Văn Sơn (Sơn Lai), tôi "cùng khóa" với Ngô Ta (tên thật một người "đồng hương" của tôi. Cùng trại có anh Ngô Tây và một anh tên Ngô Xứng nhưng anh em cứ kêu "Ngô Sắn" cho đủ bộ tam sên). Dĩ nhiên trong cuộc hành trình gần 4 ngày đêm, những đôi "uyên ương" này không bao giờ rời nhau trong mọi sinh hoạt. Ra đến nhà ga Thanh Hóa lúc 2 giò sáng, anh em nằm vất vưởng trên nền xi măng, căn phòng khóa kín, cố tìm giấc ngủ chập chờn...Cái lạnh như từ trong xương lạnh ra...TNP lại cất tiếng hát, tay bị xiềng vẫn bấm phím đàn, những bài hát gây cảm xúc khó tả, trong đó, một bài mang tên "Babilon" của LM Nhạc Sĩ Nguyên Thanh mà tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Khi đoàn tàu vừa vượt qua cầu Hiền Lương, các toa xe đều vang lên những tiếng reo mừng “về quê rồi” "chúng ta đã trở về quê hương""về Nam rồi anh em ơi"...
TNP hát lớn hơn bao giờ, vui hơn bao giờ. Đến Quảng Trị, bỗng một viên đá liệng trúng ngay một tên vệ binh làm hắn rớt nón cối. TNP giả bộ xót xa: chết rồi, dân miền Nam còn căm thù chúng tôi quá, họ ném đá chúng tôi đấy chứ, không ngờ trúng phải cán bộ?!!? Đến ga Huế, rất nhiều em bé bán đủ loại bánh trái trên sân ga. Một em trèo lên toa của tôi: mấy chú mua bánh không? Tôi giơ cánh tay bị xiềng lên: cám ơn cháu, mấy chú là tù làm gì có tiền! Ụa, mấy chú là Sĩ Quan miền Nam hả? Đúng cháu ạ! Em bé lẳng lặng đổ luôn thúng bánh lá xuống sàn rồi la lên: Cha con cũng tù như mấy chú, con tặng mấy chú đó, không lấy tiền đâu. Em nhảy xuống tàu rồi chạy mất hút....Một anh phế binh đang chống nạng khập khễnh bước đi, nghe đối đáp giữa tôi và em bé, anh bỗng đúng nghiêm trên một chân, hai cái nạng rơi ra, tay phải giơ lên chào, tay trái đập mạnh vô đùi, cằm bạnh lên, đôi mắt long lanh....tự nhiên tôi không ngăn được giòng lệ....cám ơn anh, "còn trời. còn đất, còn non nước.." .phải không anh? Dạ, một tiếng dạ thật lớn, thật cương quyết, thật căm hờn...TNP hát lớn : "cười lên đi anh ơi, cười lên giấu những dòng lệ rơi, hãy ngước mặt nhìn đời...." Xe từ từ lăn bánh..anh phế binh vẫn đứng im thật lâu trên một chân, chào một lần nữa rồi ngồi bệt xuống đất, một tay vò đầu, một tay sờ soạng tìm cặp nạng...Khi xe gần đến thành phố Đà Nẵng, vệ binh VC bắt chúng tôi đóng hết các cửa xuống. Lúc bánh xe ngừng hẳn chúng tôi nghe những tiếng đập bên hông tàu:
- mở cửa ra mấy chú ơi, mở cửa ra mấy chú ơi!
- mấy chú là tù, có công an trên xe cấm không cho các chú mở
Các cháu tiếp tục la lớn hơn, đập vào thành xe mạnh hơn. Căng thẳng. Hà Bằng thét lên thật to:
- Trời đất ơi, nóng quá rồi, ngộp thở rồi, mở cửa ra lẹ lên
Tất cả anh em ngồi bên cửa nhìn nhau rồi đồng loạt mở tung lên, mặc những tên vệ binh la hét, nạt nộ, tức thì những ổ bánh mì được ném vào. Tôi nhìn thấy rõ những em bé trên dưới 10 tuổi tay cầm 2 ổ bánh, ném xong lại chạy thật nhanh ra xa xa, nơi đó có vài thiếu phụ đứng bên cạnh những cần xế bánh, nhận 2 ổ khác, tiếp tục hăng hái chạy đi "giao hàng" !!! Không lẽ họ có tổ chức ?? Thấy vậy, TNP xướng trước, anh em cùng vỗ tay đồng ca bài Việt Nam Việt Nam hùng tráng biết bao. Vài cô gái ngồi trên chuyến tàu bên cạnh yêu cầu, TNP hát liền mấy bài, tiếng vỗ tay, tiếng cười vang vang, ngạo nghễ...Một số tiếp viên trên tàu lén ra hiệu hay nói nhỏ nếu chúng tôi muốn nhắn tin gia đình, bỏ vô gạt tàn thuốc bên cạnh chỗ ngồi, họ sẽ chuyển giùm cho. Tôi lấy một vỏ bao thuốc lá Mai viết ở mặt sau địa chỉ nhà với dòng nhắn: "Con vẫn khỏe. Đang đươc chuyển về Nam, không biết trại nào, hình như Long Khánh. Chờ tin con" (không ký tên). Hình như tất cả những "thư" nhắn của chúng tôi đều đươc các em các cháu đích thân tìm đưa đến tận nhà. Các anh trên chuyến xe lửa xuôi Nam ngày cuối cùng của năm 1980 có còn nhớ cảm tình này, hình ảnh này không? Ân nghĩa thâm sâu của bà con Huế, Đà Nẵng có ai còn nhớ không? Cái chào thân thương của người bạn phế binh hình như vẫn còn đó, anh vẫn còn đang đứng mãi nơi đó, đứng trên một chân, bất động, tay vẫn chào, mắt vẫn còn ngóng theo đoàn tàu, đoàn tàu nay tha hương..vì miếng cơm, manh áo, vì sinh kế sinh tồn, vì mải mê mưu cầu chút hạnh phúc bản thân....có ai, một lúc nào đó, còn nhớ đến anh chăng ? Hay vẫn cứ bình thân an phận thủ thường !?! Chúng tôi về đến Z30A Xuân Lộc Đồng Nai vào lúc 11 giờ đêm, giờ cuối cùng của năm 1980 để bắt đầu ngày 1 tháng 1 năm 1981 tại nhà tù này.
Ngoài tài ca hát, TNP còn rất có duyên kể chuyện. Anh là tác giả của rất nhiều chuyện tiếu lâm châm chọc CS. Chuyện gì anh cũng có thể biến thành hài hước. Ngay những ngày căng thẳng vì phải khai lý lịch, TNP vẫn bình thản. Từ phòng lấy khẩu cung ra, Anh Phong vẫn với nụ cười "vểnh râu" cố hữu: hôm nay tôi được "dạy" một bài học nhớ đời. Thằng cán bộ hỏi:
- Anh Phong, anh khai rằng anh có văn bằng Cử Nhân, vậy bằng Cử Nhân nghĩa là gì?
- Thưa cán bộ, Cử Nhân là Cử Nhân chứ còn là gì nữa.
- Anh học Cử Nhân làm sao?
- À, thì tôi học từ Tiểu Học, lên Trung Học phải thi lấy bằng Tú Tài một, rồi lấy bằng Tú Tài Hai, rồi lên Đại Học học thêm 4 năm nữa, học tốt mới được cấp văn bằng Cử Nhân.
Tay cán bộ lẩm nhẩm tính toán một lúc rồi ra điều "ta đây":
- Như vậy là anh có bằng "Tú Tài sáu" phải không?
- À à, hai cộng bốn là sáu, cũng đươc, cán bộ giỏi quá, biết làm cả tính cộng nữa !!!
- Đúng đấy. Nhưng tôi bảo thật anh nhá, anh học đến Tú Tài 6 mà anh ngu lắm!
- Tôi ngu thế nào cán bộ phải cho tôi biết chứ? TNP chợt sửng cồ lên!
- Anh vểnh tai mà nghe tôi dạy đây. Anh Tú Tài 6 mà anh quá ngu ở chỗ...Nhà anh ở đường Huỳnh Tịnh, Sài Gòn phải không?
- Ơ, ơ...
- Ừ đấy đấy, Huỳnh Tịnh Sài Gòn thì viết Huỳnh Tịnh Sài Gòn, đằng này anh viết Huỳnh Tịnh của Sài Gòn mà chữ "của" anh còn viết "hoa"!?!?
- Chu choa trời đất ơi, trên đời này tôi chưa hề thấy thằng nào ngu như....thằng…tôi ! Cám ơn cán bộ nghe!
- Ừ !! (ghi chú: Nhà anh TNP ở đường Huỳnh Tịnh Của, Tân Định)
TNP còn rất "ga lăng" với phái nữ. Một lần trước mặt anh em, anh lân la đến làm quen với một "nữ cán bộ"
- Không phải tôi thấy người sang bắt quàng làm họ, chứ tôi thấy cán bộ quen lằm? Hình như cán bộ quê "đồng bằng sông Cửu Long"?
- Không, tôi người miền Bắc.
- Thế vậy chắc cán bộ đã vô Nam và sống gần Phi Trường Tân Sơn Nhất?
- Không, tôi chưa hề vào Lam. Tại sao anh hỏi thế?
- Tại tôi thấy cán bộ...bằng phẳng quá. Cán bộ cái nhăn mặt, một lúc mới hiểu ra:
- Im ngay, anh đừng "nếu náo" như vậy.
- Không dám đâu. Xin cán bộ bớt lóng. Cán bộ "vu khống" tôi rồi!!! Xin lỗi xin lỗi !!
(Xin đọc ngược chữ vu khống) Anh em được một phen cười bể bụng!
Một lần cả đội phải đi K5 vác gạo sớm. Sương mù vẫn còn dày đặc. Bên vệ đường có một cục đá lớn trên đó có 2 đứa bé khoảng 9 mười tuổi ốm o gầy giơ xương, trên đầu loe ngoe vài sợi tóc, da mặt nhăn nheo đang ngồi bó gối mà đầu gối cao trên hai tai.... TNP đến trước hòn đá khoanh tay cúi đầu rất lễ phép "cháu xin kính chào hai Cụ ạ". Vệ binh nạt: anh Phong làm gì vậy? Tôi thấy hai Cụ đây giống y chan hình các Ông Tiên trong truyện cổ tích nên định đến xin xỏ vài việc...Vớ vẩn, khẩn trương đi đi !!!
Hơn tám năm, biết bao nhiêu chuyện. Quả thật TNP là người tôi rất mến, rất phục. Anh không những trực tiếp nâng tinh thần anh em bằng lời ca tiếng hát, bằng những chuyện tiếu lâm...mà còn bằng chính phong cách hiên ngang của một dũng sĩ dù chiến bại. Ngay trong năm đầu tiên khi vừa bị chuyển ra Đảo Phú Quốc, Anh và 4 người nữa đã tổ chức trốn trại, cả tháng trời băng rừng vượt núi đến tận bờ biển phía tây của đảo, dự định kết bè thả trôi về hướng Thái Lan hay Mã Lai nhưng xui xẻo vào mùa gió Tây nên đành nằm chịu trận để rồi bị bắt lại với bao nhiêu nhục hình tra tấn...Thế mà lúc nào anh cũng cưới, nụ cười vểnh râu với bộ ria mép bất hủ, với cái nick name thân thương "Phong Râu"!
Nguyễn Thế Thăng       

No comments:

Post a Comment