Lê Đình Thông
Sigbjørn Obstfelder
(Na Uy, 1866-1900)
‘‘Mưa’’ reo rắc ý thơ và nhạc tính đơn điệu cho cả phương đông lẫn trời tây. ‘‘Mưa’’ trong ngôn ngữ ta, cũng như chữ ‘‘Vũ’’ (雨) của tầu đều là đơn âm. Nhiều ngôn ngữ đa âm Tây phương nói đến mưa cũng chỉ một vần : ‘‘pluie’’ của Pháp, ‘‘rain’’ Anh-Mỹ, ba ngôn ngữ Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch cùng một chữ ‘‘regn’’. Phải chăng vì mưa sầu nên độc vận, buồn bã ?
Thơ văn nước ta có ‘‘Văn tế Thập Loại Chúng Sinh’’ của Nguyễn Du. Ngay câu mở đầu đã thấm thía nỗi buồn :
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Âm nhạc có bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, chỉ toàn là than với khóc :
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ...
Nếu thay đổi không gian và thời gian, ‘‘mưa’’ trong thơ mới trở nên ‘‘mát mẻ’’, ‘‘khoan khoái’’ qua vần điệu Hàn Mặc Tử :
Đất ướt loi ngoi trời mát mẻ
Mây mưa khoan khoái trận vừa qua.
Từ quê nhà đến quê người, nhà thơ Na Uy Sigbjørn Obstfelder đã gột sạch nỗi buồn của mưa, qua bài thơ ngẫu hứng ‘‘Regn’’, nguyên tác như sau :
REGN
En er en, og to og to --
vi hopper i vand,
vi triller i sand.
Zik zak,
vi drypper på tak.
tik tak,
det regner i dag.
Regn, regn, regn, regn,
øsende regn,
pøsende regn,
regn, regn, regn, regn,
deilig og vådt
deilig og råt !
En er en, og to og to --
vi hopper i vand,
vi triller i sand.
Zik, zak,
vi drypper på tak,
tik, tak,
det regner i dag.
Nhạc sĩ Trần Thụy Minh đã chuyển dịch tài tình như sau :
Mưa
Tí tách tí tách
Một là một hai là hai
Anh với tôi cùng vui với mưa
Ta múa hát trong mưa
Mình cười ngất say sưa
Bì bõm ! Mình bơi theo dòng nước
Tí tách ! Mình bơi xuống dòng sông
Mưa ô mưa, sướng vui bập bềnh
Mưa ơi mưa, ướt nhem toàn thân
Nhịp ngàng nhảy múa
Tuyệt vời hạnh phúc.
Trần Thụy Minh chuyển dịch trung thực nguyên bản : một là một, hai là hai (En er en, og to og to). Nhưng tại sao nhà thơ Na Uy lại mở đầu bài thơ bằng một ý nghĩ lạ thường như vậy ? Trong văn học, một là một, hai là hai được mệnh danh là tính hai mặt (dualité), có nguồn gốc tôn giáo và triết học. Nhà thơ Pháp Racine trong Cantiques spirituels đã dịch Thánh thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Roma như sau :
Mon Dieu, quelle guerre cruelle !
Je trouve deux hommes en moi.
Lạy Chúa,
chiến trận khủng khiếp quá
trong tôi hai con người ! (LĐT)
Nhiều triết gia bày tỏ mối ưu tư về tính hai mặt này. Trong Lettres philosophiques, Racine cho rằng : ‘‘Điều gọi là tính hai mặt của con người là một ý tưởng cũng phi lý như là siêu hình học’’ (Cette prétendue duplicité de l’homme est une idée aussi absurde que métaphysique). Trong thi tập Khối Tình Con có Bài nói truyện với ảnh, Tản Đà minh họa tính hai mặt của kiếp nhân sinh (dualité de l’être humain) như sau :
Người đâu cũng giống đa tình
Ngỡ là ai, lại là mình với ta
Mình với ta dẫu hai như một
Ta với mình sao một mà hai?
Cũng vì tính hai mặt, nhà thơ Na Uy vật vã trong mưa. Tính hai mặt được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như Obstfelder vừa viết văn, lại vừa làm thơ. Ông có công giới thiệu Verlaine với giới thưởng ngoạn Na Uy, đặc biệt là bài thơ ‘‘Nghệ thuật Thi ca’’ (Art poétique), trong đó nhà thơ Pháp đề cao nhạc tính trong thơ :
De la musique avant toute chose,
Et pour cela préfère l'Impair
(Nhạc điệu là trên hết
vần thơ lẻ cùng đàn) LĐT
Thể hiện chủ trương ưu tiên là nhạc tính, ‘‘mưa’’ trong thơ Verlaine giầu nhạc điệu :
Il pleure dans mon coeur
Comme il pleut sur la ville;
Quelle est cette langueur
Qui pénètre mon cœur ?
(Tim ta chừ đẫm lệ
Mưa rơi khắp phố phường
Niềm u sầu nhân thế
Thấm ướt nỗi đau thương) LĐT
Lời ca khúc ‘‘Mưa’’ của Trần Thụy Minh thành công là nhờ thơ nhạc giao duyên. Trong ca khúc, ‘‘tí tách’’, ‘‘bì bõm’’ đều là các chữ tượng thanh (onomatopée). Không những lời bản nhạc dịch thoát được nguyên tác bằng tiếng Na Uy, âm điệu cũng duyên dáng, dễ thương, dường như giọt mưa ngoài phố đã đi vào tận ngõ ngách tâm tư người nghệ sĩ, mỗi giọt mưa là một lời tâm sự. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng bày tỏ lòng cảm mến với các nhạc phẩm của Trần Thụy Minh. Chúng tôi chuyển dịch bài thơ qua vần điệu lẻ năm chữ, từ đầu đến cuối bài đều là độc vận :
Mưa
một hai mưa lưa thưa
cùng nhảy nhót trong mưa
rồi cuộn mình đong đưa
ta chán ngấy che mưa
hôm nay trời đổ mưa
hồn chơi vơi cho vừa
tầm tã dầm dưới mưa
mưa, mưa, mưa, mưa, mưa
lòng vui được tắm mưa
lạnh lẽo hát cùng mưa… (LĐT)
Sigbjøm Obstfelder sinh tại Stavanger. Ông sang Mỹ một năm rồi trở về Na Uy, in tập thơ đầu tay. Ông qua đời vì bệnh lao vào đúng ngày cô con gái đầu lòng ra đời. Ông làm thơ như hơi thở, vần điệu đổi thay nhịp nhàng, tự nhiên.
Na Uy hưởng nhờ dòng nước vùng vịnh (Gulf Stream) nên khí hậu lúc nào cũng ấm áp. Phía Tây Nam nhiều mưa, bao quanh là núi đồi. Nơi sinh quán của Obstfelder có khí hậu đại dương, mưa nhiều. Tức cảnh sinh tình. Tình đây được chép thành thơ, viết nên cung nhạc, qua bản ‘‘Mưa’’ của nhạc sĩ Trần Thụy Minh :
No comments:
Post a Comment