11/26/13

Chuông gọi hồn ai

HOÀNG NGỌC NGUYÊN

Hôm  22-11, nước Mỹ tưởng niệm vị tổng thống thứ 35 John F. Kennedy đã bị sát hại cách đây đúng 50 năm mà lý do cho đến bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau sẽ không xác định được. Cách đây ba tuần, người Việt chúng ta cũng có dịp tưởng niệm ông Ngô Đình Diệm, vị tổng thống duy nhất của Đệ nhất Cộng hòa của chúng ta, cũng bị sát hại cách đây đúng 50 năm, và cho đến giờ chúng ta vẫn chưa khẳng định được đầy đủ tình tiết của nghi án lịch sử này. Là người Việt tha hương trên đất Mỹ và phần lớn đã là công dân hữu thệ của nước này, chúng ta đúng là có những cảm xúc riêng trong tháng 11 này, một tháng chúng ta phải tưởng niệm đến hai vị tồng thống của mình, đã bỏ mình cách đây nửa thế kỷ, cùng năm cùng tháng, chỉ cách nhau ba tuần. Hình như chẳng có một trường hợp nào như thế đối với những người khác nguồn gốc.

Đầu tháng này, một số người đã làm lễ cầu hồn, tưởng niệm, cho các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Có nơi còn có cả ông Nguyễn Văn Thiệu trên bài vị. Ông Diệm và ông Nhu là những người đã nằm xuống vì chính nghĩa dân tộc. Ông Thiệu là người đã đưa chúng ta qua đây, và rất nhiều người đã nằm xuống vì ông. Những nhân vật này đứng chung với nhau đúng là một sự tùy tiện đối với lịch sử. Trong khi đó, nhiều người trong chúng ta đã lãng quên một chuyện không nhỏ. Chúng ta đã quên rằng nước Mỹ nay là nước của chúng ta, Tổng thống Mỹ là tổng thống của chúng ta, những giá trị của nước Mỹ là những giá trị của chúng ta. Nước Mỹ vĩ đại có hơn 300 triệu dân này đã nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày hôm nay tưởng niệm 50 năm ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát và rộn rã nhắc lại sự nghiệp ngắn ngủi nhưng di sản to lớn của ông. Chúng ta phải xem đó cũng là một ngày của mình, từ lý trí, từ con tim, từ tâm hồn.

Chúng ta cần nhớ rằng John F. Kennedy, vị tổng thống trẻ nhất của nước Mỹ (43 tuổi) khi đắc cử (năm 1960), là người đã đi vào lịch sử khi mở ra một “Biên Cương Mới” (New Frontier) cho người Mỹ nới rộng tầm nhìn về đất nước của mình và chấp nhận sự thách đố phải đi tới với nhận thức “đừng hỏi Tổ quốc có thể làm được gì cho ta mà phải hỏi ta làm được gì cho Tổ quốc”. Trong ba năm ngắn ngủi dưới thời ông, nước Mỹ đã trải qua những thử thách, biến động ngoài nước và trong nước, nhưng người Mỹ cũng đã thấy đi xa được hơn một cách đáng kể trên quốc tế, đi sâu hơn vào không gian, và đạt những tiến bộ có tính cách thời đại đối với phong trào dân quyền cũng như cuộc đấu tranh không ngừng cải thiện điều kiện sống cho những thành phần khốn cùng trong xã hội. Chính những tư tưởng phải chống sự bất bình đẳng xã hội về mặt chủng tộc, giới tính cũng như kinh tế đã là cảm hứng chính trị về một “Xã hội Vĩ đại” (Great  Society) của Tổng thống Lyndon B. Johnson về sau này, đưa đến Luật về Bảo hiểm Y tế cho người già Medicare và người nghèo và khuyết tật Medicaid được ban hành chưa đến hai năm sau khi ông Kennedy nằm xuống.

Một điều cũng cần nhấn mạnh trong dịp này là một quan điểm phổ quát của những sử gia nước Mỹ về lập trường của ông Kennedy đối với cuộc chiến Việt Nam. Họ cho rằng dù thất vọng Tổng thống Diệm không chịu “đoạn tuyệt” với ông Nhu, ông Kennedy vẫn chủ trương cố giữ ông Diệm vì không có ai có thể thay thế. Đồng thời, ông Kennedy một người tin tưởng ở “thuyết domino”, cũng quyết tâm không để cho Cộng Sản lấn lướt ở Đông Nam Á, và do đó, chẳng ngại gia tăng viện trợ quân sự tối đa cho Saigon. Tuy nhiên, trong khi bủa vây ông là rất nhiều “quân sư” với những ý kiến khác nhau về ông Diệm và khả năng chiền đấu của quân đội miền nam, khiến cho ông càng thêm phân vân, ông không thiên về chủ trương đưa quân chiến đấu đến miền nam (có ý kiến từ phía Việt Nam cho rằng vì Tổng thống Diệm chống lại việc Mỹ đưa quân chiến đấu đến Việt Nam cho nên ông Kennedy phải “khử” ông Diệm. Thực tế có thể phức tạp hơn thế, nếu không là ngược lại!).

Ông Kennedy theo đạo Thiên Chúa, cho đến nay vẫn là tổng thống duy nhất không phải là người Tin Lành. Gia đình Kennedy sống tại Massachusetts, gốc di dân bốn đời từ Ái Nhĩ Lan, giàu có và quyền thế. Cha của ông Joseph Patrick “Joe” Kennedy Sr., đại sứ tại Anh quốc, vốn nuôi tham vọng phải có một đứa con làm tổng thống Mỹ. Bao nhiêu mong đợi người cha đặt cả vào người con trai đầu lòng là Joseph Kennedy, cho đến khi ông này tử nạn trong một phi vụ trên vùng Suffolk, Anh quốc, trong Đệ nhị Thế chiến (1944), người cha mới chuyển mục tiêu của mình qua đứa con thứ hai, chính là JFK, lúc đó đang là một sĩ quan hải quân đang xông pha trận mạc và nổi tiếng về sự can đảm. Trong thế chiến, John Kennedy từng sống sót kỳ diệu khi tàu của ông bị Nhật đánh đắm gần một đảo trên Thái Bình Dương.

John Kennedy chẳng được cha mong đợi gì vì thuở nhỏ ông khá “èo uột”. Ruột dư phải cắt. Bị vàng da phải bỏ học mấy phen. Bị đau cột sống đến mức bị quân đội từ chối lúc ban đầu, về sau phải mổ. Ông đã từng học ở London School of Economics, rồi Đại học Princeton. Và cuối cùng Harvard – theo ngành chính trị học. Và ông bắt đầu sự nghiệp chính trị khi giã từ quân ngũ năm 1946, làm dân biểu trong suốt sáu năm, sau đó là thượng nghị sĩ Massachusetts tám năm.  Người ông đánh bại trong cuộc chạy đua vào viện trên chính là ông Henry Cabot Lodge, cũng thuộc một gia đình vọng tộc. Ông là người nổi tiếng linh hoạt, năng động, viết hay, nói giỏi, có tài biện bác, có tư tưởng, có tầm nhìn, có nhiệt tâm dấn thân với đất nước, với xã hội, có sức thu hút với quần chúng… đó là những điều dần dần người ta đã kết luận về ông. Và cũng nhờ những đặc tính đó, ông đã thắng được cuộc bầu cử tổng thống ngay trong lần đầu thử thách, trước một đối thủ dày dạn kinh nghiệm chính trường và chuẩn bị chu đáo như ông Richard Nixon.

Một điều đáng ghi nhận trong giai đoạn này là ông John Kennedy đối nghịch về chính trị với cha ông. Ông Joseph Kennedy là người bảo thủ. John Kennedy là người tương đối cấp tiến. Người cha sùng đạo, người con ít nói chuyện tôn giáo. John Kennedy là người “độc lập” trong chính kiến. Ông từng đứng về phía người Cộng Hòa lên án Tổng thống Truman đã để mất Trung Hoa vào tay Cộng Sản. Nhưng ông cũng lên tiếng phê phán tổ chức Cộng Hòa cựu chiến binh American Legion khi họ chống chủ trương “public housing” (cung cấp nhà cho người nghèo) của bên Dân Chủ.  Ông Kennedy bắt đầu sự nghiệp chính trị khi Chiến tranh lạnh cũng vừa mở màn, ông đã thực sự quan tâm đến hiểm họa Cộng Sản bành trường ở châu Á, sau khi đã chiếm trọn Đông Âu từ 1948. Từ năm 1952, ông đã có dịp đến chiến trường Đông Dương để đánh giá khả năng của Pháp giữ được Việt Nam hay chăng. Ông chủ trương phải ngăn chận sự mở rộng làn sóng đỏ của Trung Cộng ở Đông Nam Á.

Trong bầu cử tổng thống năm 1960, Nixon chỉ thua Kennedy 115.000 phiếu. Phải chăng vì Tổng thống Eisenhower có thái độ ỡm ờ với người phó tổng thống của mình. Hay vì Nixon vụng tính cho nên đã mất sự ủng hộ của phong trào dân quyền của Martin Luther King. Hay là vì ông Nixon quá cứng, quá sượng, thiếu tự tin và tự nhiên, còn bị cảm, sổ mũi trong tranh luận với ông Kennedy cho nên bị thua. Cũng phải nói là nhờ ứng cử viên phó tổng thống Lyndon Johnson nên Kennedy mới thắng được tiểu bang Texas cực kỳ quan trọng chỉ với 50.000 phiếu nhưng có đến 38 phiếu cử tri đoàn (Kennedy được 303, Nixon 219)!

Dù sao đi nữa, ông Kennedy đã mở ra một thời đại mới sau tám năm nước Mỹ sống với một Tổng thống Cộng Hòa chậm rãi, từ tốn, chững chạc và khá cứng nhắc như ông cựu tướng Eisenhower. JFK trẻ trung, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng mở đường, chấp nhận thách đố và liên tục cổ vũ người dân hành động. Đúng như sứ điệp “New Frontier” mà ông cổ vũ trong bài diễn văn nhậm chức, nhấn mạnh nước Mỹ phải tiến lên trên tất cả mọi mặt để đạt đến một “biên cương mới” đáp ứng những thách đố của thời đại. “Ngày hôm nay chúng ta đang trên ngưỡng của một Biên cương Mới  - biên cương của những năm 60, biên cương của những cơ hội và bất trắc không biết được, biên cương của những hy vọng chưa thành và những giấc mơ chưa trọn… Bên kia biên cương là những khu vực chưa được định hình về khoa học và không gian, những vấn đề hòa bình và chiến tranh chưa được giải quyết, những vấn đề chưa khắc phục được là sự ngu dốt và thành kiến, những câu hỏi chưa được giải đáp về nghèo đói và dư thừa”.

Cũng trong bài diễn văn nức lòng, ông nói: “Từ giờ phút này và từ nơi này, chúng ta hãy nói cho mọi người rõ, cho bạn cũng như thù, là ngọn đuốc đã được chuyển giao cho một thế hệ người Mỹ mới...

“Hãy để cho mọi nơi được biết, dù cho họ chúc lành hay chúc dữ cho chúng ta, là chúng ta sẵn sàng trả giá, chịu mọi gánh nặng, đương đầu mọi khó khăn, yểm trợ bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào, để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do…

“Nếu một xã hội tự do không thể giúp gì cho đông đảo người nghèo, làm sao có thể giữ được một số ít những người giàu trong đó?...

“Tất cả mọi chuyện này chẳng thể hoàn thành trong trăm ngày đầu tiên. Cũng chẳng thể xong được trong ngàn ngày đầu tiên, hay ngay cả trong nhiệm kỳ của chính quyền này, hay thậm chí có lẽ ngay cả trong cuộc sống của chúng ta trên trái đất này. Nhưng chúng ta vẫn phải bắt đầu…

“Bởi thế cho nên, hỡi đồng bào nước Mỹ của tôi, xin đừng hỏi đất nước của mình có thể làm gì cho mình, mà xin hãy hỏi chúng ta có thể làm được gì cho đất nước của mình”.

Như nhận định của sử gia Robert D. Marcus: “Kennedy đã nhậm chức với tham vọng xóa bỏ nghèo đói và nâng tầm mất nước Mỹ lên đến những vị tinh tú trong chương trình không gian”. Theo một sử gia tăm tiếng Theodore White, “JFK dù chỉ tại chức trong ba năm đã thông qua được nhiều luật hơn bất cứ tổng thống nào trong 30 năm trước đó”. Phải chăng vì ông đã trải qua một thời sống triền miên trong những đe dọa của bệnh tật, của chiến tranh nên rất hiểu sự hữu hạn của cuộc sống và bởi thế cho nên rất vội vàng, cố gắng thực hiện tối đa những gì mình còn có thể hoàn thành khi còn hơi thở?

Những sử gia thường kể ra hàng loạt sự kiện lớn hay biến cố trọng đại dưới thời Kennedy.  Thất bại trong vụ đổ bộ Vịnh con heo (Bay of Pigs) (1961). Đối đầu với Liên Xô trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba (1962). Cuộc khủng hoảng ở Bức tường Berlin (1962). Thành lập Liên minh vì Tiến bộ (Alliance for Progress) liên kết với các nước châu Mỹ La-tinh. Thành lập Đoàn Hòa Bình đưa tuổi trẻ nước Mỹ đến với những nước Thế giới Thứ ba. Ký kết Hiệp định Ngăn cấm Thử nghiệm Nguyên tử. Triển khai chương trình chạy đua đưa người vào không gian với Liên xô… Kennedy cũng là người được nhắc nhở đến với các chương trình gia tăng tiền lương tối thiểu cho công nhân,  tăng trợ cấp thất nghiệp cùng kéo dài thời gian trợ cấp, tái thiết toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nước Mỹ… Ông cũng đưa ra luật về dịch vụ gia cư cho người nghèo và tích cực ủng hộ phong trào dân quyền của người da đen... Chính ông đưa ra ý kiến phải tăng trợ cấp An sinh Xã hội cho người già và bgười nghèo mua bảo hiểm y tế. Đó chính là khởi điểm cho chương trình Medicare, Medicaid về sau này.

Ông vẫn được xem là một tổng thống ưa chuộng hòa bình. Ông nói: “Chúng ta không sợ phải thương thuyết, nhưng chúng ta không thương thuyết trong sợ hãi”. Ông cũng được xem là một người lãnh đạo quan tâm thúc đẩy lý tưởng của những thế hê trẻ. Và ông cũng là người không bao giờ quên những thành phần bất hạnh trong xã hội - nhất là những bất hạnh bắt nguồn từ sự kỳ thị chủng tộc.

Nhớ lại một thời ở Saigon lúc đó, cái chết của ông vào ngày 22-11 đúng là một nỗi bàng hoàng xúc động to lớn cho người dân thủ đô chúng ta. Chúng ta vào thời đó biết rất ít về tình tiết của vụ án. Nhưng đối với phần lớn thế hệ trẻ thời đó, nay đều đã vào tuổi “cổ lai hy”, đó là một sự mất mát lớn. Trong chúng ta đây, có lẽ đã có nhiều người 50 năm trước tham gia những đoàn diễn hành thầm lặng đi đến Tòa Đại Sứ Mỹ bày tỏ sự thương tiểc.

Báo chí Mỹ nay đang đề cập trở lại những nghi án một thời. Theo CNN, người thì nói chính ông Phó Tổng thống Johnson bàn tay nhuốm máu vì sợ bị hất ra trong bầu cử năm 1964. Người thì cho giới quân sự hành động vì sợ rằng Kennedy không đủ “dũng khí” làm tới ở Việt Nam. Cũng có dư luận cho rằng các nhóm mafia ma túy ra tay để chơi lại người em Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy. Hoặc phải chăng CIA bực bội vì Kennedy đang muốn kềm kẹp cơ quan này trong hoạt động quốc tế. Và chót hết, kẻ sát nhân Harvey Oswald có thể là thằng điên, từng ở trong quân đội rồi bỏ qua Nga rồi trở lại với sứ mệnh tự cho là bảo vệ Cuba! Theo Time, cũng có “giả thuyết” âm mưu từ giới tài phiệt dầu hỏa ở Texas. Và cũng có thể chính Fidel Castro muốn trả thù Kennedy sau bao nhiêu hành động của Mỹ liên quan đến Cuba trong mấy năm đó.

Lich sử đương nhiên chỉ diễn một lần. Tuy nhiên, đối với những người không cảm thấy hài lòng với hiện tại (những người này có thể đông đảo tương đương với số những người bất hạnh trong xã hội), người ta vẫn cứ day dứt với những câu hỏi “Giá như…”. Giá như người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1960 là Richard Nixon, câu chuyện Việt Nam liệu có thể khác đi chăng? Giá như ông Kennedy không bị ám sát năm đó và được tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa, câu chuyện Việt Nam liệu có thể khác đi chăng?

Lịch sử chỉ có một sự chọn lựa trong hàng ngàn khả năng, bởi thế chúng ta cũng chỉ có một chọn lựa trong hàng ngàn điều nghiệp chướng.

Và có nhiều câu hỏi người ta đặt ra chỉ để mang theo mình đi vào đời sau.[HNN]

No comments:

Post a Comment