10/21/11

Lá Thư Hàng Tháng - ‘‘Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ ’’ Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở

Lê Đình Thông

clip_image001

Có hai anh khóa 1 CTKD đều có tên là Nguyễn Đức Quang. Muốn phân biệt chỉ có cách đặt cho mỗi người một biệt danh : Quang Du Ca và Quang Già Cơ. Quang Già Cơ thế nào cũng sống đến già. Quang Du Ca theo cung nhạc rày đây mai đó. Trước đây chỉ là Ba la yết đế (Vượt qua bờ bên kia) rồi lại quay về chốn cũ. Tháng ba năm nay mới thực sự là Ba la tăng yết đế: anh đã vượt hẳn qua bờ tử sinh, bỏ lại người thân, bỏ bạn bè. Tuy anh đã ‘‘yết đế’’ mà vẫn còn ‘‘yết ma’’. Cái nghiệp du ca của anh còn đến muôn thuở. Tháng ba năm nay, anh đi biền biệt để trở nên Người Du Ca Muôn Thuở.

Tựa tập sách tuy là Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở, nhưng hồn du ca ‘‘Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ’’ đã che phủ toàn tập bằng hàng chữ trên cùng. Quang Du Ca kể cho chúng ta nghe bài ‘‘Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ’’ ra đời vào năm 1966, trong không khí bừng bừng sức sống của tuổi thanh niên. Tôi nhớ khi đó, tôi cần chấm dứt trầm ca, một bài hát cuối cùng - chung khúc - rất là cần thiết. Tập Trầm Ca là tất cả những suy tư của tuổi trẻ chúng tôi về quê hương đất nước, về chiến tranh hòa bình, về tự do cũng như về khát vọng thống nhất dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng bối cảnh đất nước lúc đó thê thảm quá, tôi nghĩ phải vùng lên từ thảm trạng, từ thực tế đó, phải NGẠO NGHỄ MÀ ĐI LÊN…’’ (tr. 320)

Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu kể lại rằng : ‘‘Bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ được hát lần đầu tiên tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. (…) Hơn 150 Du Ca viên từ khắp nước đứng chật sân khấu để hát bài này. Chúng tôi hát xong, khán thính giả đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt. Chúng tôi hát lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba, lần thứ tư, thứ năm. Mặc dầu đã nói trên máy phóng thanh nhiều lần rằng buổi trình diễn của Phong trào Du ca đã chấm dứt, xin kính chào quý khán thính giả (…) nhưng họ không chịu ra về. Chúng tôi phải hát bài này đến lần thứ mười. Chưa lần nào tôi lại thấy một bài hát được khán giả cổ võ nồng nhiệt đến như vậy.’’

Tháng chín vừa qua, Thụ Nhân Paris tổ chức đêm lửa trại Jambville. Quanh ánh lửa bập bùng, chúng tôi đã đồng ca khúc hát này. Bài hát không còn là hành khúc, mà là nước lũ sầm sập, là gềnh thác cuồn cuộn, cuốn trôi rong rêu thế sự, phơi bầy niềm ngạo nghễ tự hào.

Tựa đề ‘‘Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ’’diễn đạt gọn ghẽ 25 bài viết của các cây bút học một trường với Quang Du Ca. Có thể tạm chia các bài viết làm ba nhóm : (1) Việt Nam. (2) Quê hương. (3) Ngạo Nghễ.

(1) nhóm ‘‘Việt Nam’’ gồm những bài viết giới thiệu một Nguyễn Đức Quang nhạc sĩ. Không gian là Đà Lạt và những nơi chốn khác. Thời gian là giai đoạn khởi nghiệp du ca. Nhóm này gồm các tác giả Hoàng Ngọc Tuệ, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Quang Tuyến, Đỗ Quý Toàn.

(2) Nhóm ‘‘Quê hương’’ gồm những bài viết về tình tự Nguyễn Đức Quang với các tác giả : Phan Ni Tấn, Hoàng Ngọc Nguyên, Cao Hoàng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Trần Văn Lương, Lê Đình Thông, Bảo Trân, Phan Thạnh, Hoàng Kim Châu, Lê Trọng Huấn, Nguyễn Tâm Trực, Lisa Cúc, Nguyễn Dy Loan.

(3) Nhóm ‘‘Ngạo Nghễ’’ gồm những bài viết về một Nguyễn Đức Quang trẻ trung, tự hào về đất nước, muốn lấy Du Ca làm đòn bẩy bức dư đồ. Nhóm này gồm các bài viết của Mai Kim Đỉnh, Phạm Phú Minh, Hoàng Khởi Phong, Trần Khánh Tuyết, Bùi Ngọc Nga và Quang Già Cơ. Nếu Quang Du Ca mở đầu với bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Quang Già Cơ viết lời bạt để nói lên một tình bạn thủy chung.

Ngoài những bài viết về Nguyễn Đức Quang, ta còn nghe Người Du Ca Muôn Thuở nói với ta : ‘‘Những sáng tác của tôi hình như ít có những hoa và bướm, chỉ toàn là những tiếng kêu. Nhiều khi tôi muốn rú lên trong những ca khúc của tôi. Những thanh âm của sự khổ đau làm sao mà êm ả được.’’ (tr.205)

Bìa cuối là ca khúc ‘‘Chuyện Quê Ta’’ của Nguyễn Đức Quang có câu: ‘Yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi.’’ Nguyễn Đức Quang là người du ca muôn thuở. Các tác giả trong tập sách viết về Nguyễn Đức Quang có cùng một tâm sự, viết ‘‘mà lòng chẳng biết sao nguôi’’.

Paris, ngày 20 tháng 10 năm 2011

Lê Đình Thông

No comments:

Post a Comment