10/4/11

Nobel Vật lý 2011 thuộc về 3 nhà vật lý thiên văn Mỹ

 

Ngày 4/10/2011, Ủy ban giải Nobel Vật Lý của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel vật lý  2011 thuộc về ba nhà vật lý thiên văn người Mỹ.

Ngày 4/10/2011, Ủy ban giải Nobel Vật Lý của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel vật lý 2011 thuộc về ba nhà vật lý thiên văn người Mỹ.

REUTERS/Leif R. Jansson/Scanpix

Mai Vân

Hôm nay 04/10/2011, Ủy ban Nobel tại Stockholm đã quyết định trao giải Nobel Vật lý hai nhà vật lý thiên văn người Mỹ Saul Perlmutter và Adam Riess, cùng với nhà khoa học Brian Schmidt, mang hai quốc tịch Mỹ-Úc. Ba người này đã có công "phát hiện sự giãn nở với tốc độ đang tăng nhanh của vũ trụ".

Bản thông báo của Ủy ban Nobel ghi nhận : "Các nhà khoa học đã nghiên cứu hàng chục vụ nổ của các vì sao gọi là sao siêu mới (supernova), và phát hiện ra rằng vũ trụ đã giãn ra với một tốc độ gia tăng thường trực".

Cũng theo Ủy ban Nobel, bằng cách quan sát một loại sao siêu mới đặc thù, những người được trao giải đã "phát hiện ra hơn năm mươi sao siêu mới ở rất xa mà ánh sáng thấp hơn so với dự kiến đó là "một dấu hiệu cho thấy  đà mở rộng của vũ trụ đang tăng tốc."

Đối với Ủy ban Nobel, từ một thế kỷ nay, người ta đã biết là vũ trụ đang trên đà giãn nở. Nhưng khám phá về việc đà giãn nở đó tăng tốc thì lại là một phát hiện đáng kinh ngạc. Nếu đà này tiếp tục, vũ trụ sẽ "kết thúc trong băng giá".

Giải Nobel Vật lý năm nay sẽ được chia đều thành hai phần : một nửa dành cho ông Saul Perlmutter, thuộc Dự án Vũ trụ học Sao Siêu Mới tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Đại học California, Berkeley ở Mỹ.

Phần còn lại thì chia đôi cho ông Brian Schmidt, nhóm Nghiên cứu Sao siêu mới, Đại học Quốc gia Úc, và ông Adam G. Riess thuộc nhóm Nghiên cứu Sao siêu mới, Đại học Johns Hopkins và Viện Khoa học Viễn vọng Không gian, thành phố Baltimore, Hoa Kỳ.

Trả lời phỏng vấn RFI nhân sự kiện này, nhà Thiên văn  Nguyễn Quang Riệu, nguyên Giám đốc nghiên cứu Đài thiên văn Paris giải thích về biết mục tiêu và tầm quan trọng của công trình nghiên cứu vừa được nhận giải Nobel Vật lý 2011:

RFI: Xin kính chào nhà Thiên văn Nguyễn Quang RIệu. Thưa giáo sư, hôm nay Ủy ban Nobel tại Stockholm đã trao giải Nobel Vật lý 2011 cho 3 nhà vật lý thiên văn người Mỹ về công trình nghiên cứu "tốc độ giãn nở tăng nhanh của vũ trụ". Thưa giáo cụ thể chuwong trình nghiên cứu này và những khám phá của họ llà như thế nào?

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Ở đầu thế kỷ trước, nhà thiên văn Hubble đã phát hiện được là vũ trụ đang dãn nở. Trong vũ trụ, lực hấp dẫn cuả Newton là lực phổ biến nhất. Vì có lực này mà vật chất trong vũ trụ có xu hướng làm vật chất co lại, nên vũ trụ phải dãn nở chậm dần. Những mô hình vũ trụ học còn coi là vũ trụ có khả năng co lại đến mức cực kỳ nhỏ và cực kỳ nóng để rút cục lại bùng nổ. Trong những năm gần đây, một số nhà thiên văn muốn nghiên cứu quá trình dãn nở của vũ trụ bằng những phương pháp hiện đại.

Họ quan sát một loại “sao siêu mới” tức là một loại sao đang kết liễu cuộc đời bằng cách bùng nổ trong những thiên hà và trở nên rất sáng và quan sát được trong vòng khoảng một tháng. Loại sao phù du này được coi là những ngọn hải đăng mà các nhà thiên văn có thể dùng để thăm dò thật sâu trong vũ trụ. Đặc trưng cuả những ngôi sao siêu mới này là nếu chúng ở cùng một khoảng cách thì có độ sáng như nhau, ngôi sao nào ở xa hơn thì mờ hơn. Cho nên các nhà thiên văn có thể căn cứ vào độ sáng biểu kiến của sao siêu mới để đo khoảng cách của các thiên hà.

Trong quá trình đo đạc, họ rất ngạc nhiên khi tìm thấy là độ sáng cuả sao siêu mới trong các thiên hà lại thấp hơn, tức là các thiên hà lại ở xa hơn là dự đoán. Có nghĩa là đáng lẽ vũ trụ phải dãn nở ngày càng chậm dần do ảnh hưởng của lực hấp dẫn, nhưng thực tế thì vũ trụ lại dãn nở ngày càng nhanh nên làm gia tăng khoảng cách của những thiên hà.

Kết luận là trong vũ trụ dường như có một lực đẩy nào đó chống lại lực hút hấp dẫn và chi phối lực hấp dẫn làm tăng tốc độ dãn nở của vũ trụ. Công trình nghiên cứu quá trình tiến hóa cuả vũ trụ bằng sao siêu mới không những đòi hỏi những kỹ thuật quan sát rất tinh vi mà còn phải có sự cộng tác cuả nhiều nhà thiên văn trên thế giới, sử dụng nhiều kính thiên văn.

RFI: Vậy thưa giáo sư, tầm quan trọng của khám phá này là như thế nào?

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Chính Einstein đã từng đưa vào phương trình một hằng số tương đương với một lực đẩy chống lại lực hấp dẫn, nhưng rồi lại phủ nhận ý kiến cuả mình. Ngày nay, các nhà thiên văn quan sát thấy là bức xạ phông vũ trụ phản ánh một vũ trụ nguyên thủy lổn nhổn những khối vật chất mầm mống của những chùm thiên hà quan sát thấy hiện nay.

Các nhà thiên văn dùng kỹ thuật thống kê để xử lý số liệu cuả bức xạ phông vũ trụ để bổ sung kết quả cuả những mô hình lý thuyết. Họ tìm ra là đa phần vũ trụ không phải là vật chất mà lại là năng lượng. Năng lượng này chi phối vũ trụ và được gọi là năng lượng tối, mà bản chất chưa được khẳng định. Có ý kiến cho rằng chính năng lượng tối là nguyên nhân làm gia tăng tốc độ dãn nở vũ trụ.

Trong những thập niên cuối cuả thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, giải Nobel vật lý đã được trao cho không ít các nhà thiên văn như Penzias, Wilson, Smoot và Mather. Sự trao giải Nobel năm nay cho ba nhà thiên văn Perlmutter, Schmidt và Riess là để tiếp tục vinh danh những công trình khám phá vũ trụ. Bởi vì vũ trụ là một phòng thí nghiệm thiên nhiên vô cùng phong phú.

RFI xin cảm ơn nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu.

No comments:

Post a Comment