Đối với người Việt Nam, thú uống trà gần như là một tập tục do người xưa được sống trong cảnh một nền văn hóa hài hòa đã lưu lại. Trong những ngày nhàn rỗi không có gì thú vị hơn đối với một người Việt Nam thanh lịch là được cùng một tri kỷ vừa hàn huyên vừa uống trà.
Huyền Thoại Về Trà:
Huyền sử Trung Hoa có kể chuyện vua Thần Nông thời Thượng cổ, một hôm ngồi hóng mát ở hiên cung, bỗng có gió thổi rơi vào tách nước nóng ông đang uống một số lá cây. Vua thấy nước có mùi thơm hợp khẩu vị nên truyền lịnh cho dân trồng nhiều cây này để chế nước uống gọi là trà.
Thư liệu Trung Hoa cũng có kể chuyện về trà trảm mã. Số là vua Tần Thủy Hoàng kéo quân đánh với quân một nước láng giềng. Nhưng quân đối phương do tướng Sát Cáp Nhĩ có một con tuấn mã cực kỳ dũng mãnh gây nhiều tổn thất cho quân Tần. Vua Tần Thủy Hoàng sai Lâm Phi, một ái phi sũng ái của ông, cải trang làm cô gái bán cỏ ngựa cho ngựa Sát Cáp Nhĩ ăn, đồng thời làm mỹ nhân kế làm Sát Cáp Nhĩ mê mệt. Lâm Phi bày chuyện uống trà trảm mã. Chiều ý người đẹp, từ lúc sáng tinh mơ Sát Cáp Nhĩ cho tuấn mã lên núi cao Ma Vương Các, ăn đọt trà non còn ướt đậm hơi sương rồi cho ngựa phi về lúc mặt trời vừa lên. Đợi cho trà thấm vào bao tử ngựa rồi giết ngựa, moi trà ra ướp mật sấy khô làm trà uống vào sẽ sống lâu. Vì Sát Cáp Nhĩ muốn có trà ngon phục vụ người đẹp mà ngựa của Sát Cáp Nhĩ phải chết. Thiếu tuấn mã dũng mãnh, Sát Cáp nhĩ đành bỏ mạng ở sa trường.
Huyền thoại Ấn Độ có nói về nguồn gốc của cây trà. Truyền rằng: Thánh Bo Rát Ma vào thời gian cuối đời, quyết tâm không ngủ để thiền và tu luyện khổ hạnh. Nhưng ông lại cứ hay buồn ngủ, đã thế khi ngủ lại nằm mơ thấy được nhiều cô gái trẻ đẹp quấn quýt nuông chiều... Tỉnh giấc, thánh Bo Rát Ma giận mình không được tự chủ, bèn cầm kéo cắt hai mí mắt vất xuống đất. Hôm sau tại đó mọc lên hai cây có tàng lá xum xuê. Ngắt lá hãm trong nước sôi thì có được một chất nước uống làm hết buồn ngủ và tâm hồn thêm phần tỉnh táo. Người Ấn Độ xem đó là nguồn gốc cây trà.
Nhật Bản cũng có truyện tích về việc uống trà. Vào thế kỷ 13, một danh tướng Nhật bị lâm bệnh nặng về tiêu hóa. Nhiều thầy thuốc được mời đến chữa, nhưng bệnh vẫn không lành. May được một thiền sư đến xem mạch, kê toa và khuyên nên đặc biệt uống trà. Sau vài lần uống những tách trà đậm đặc, Minamoto Sanetomo được bình phục. Từ đó dân Nhật có tập tục uống trà.
Câu hỏi người đời thường đặt ra là để biết người Việt Nam biết uống trà từ thời nào? Thật khó mà trả lời chính xác. Nhưng ngày nay, ít nhất ngành khảo cổ cũng giúp cho người đời nay biết rằng trong các cuộc khám quật tại di chỉ Nông Giang tại Thanh Hóa, trong nhiều đồ tuẫn táng có tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà có thời gian tính ngang với các đời Tống, Minh bên Trung Hoa. Như thế chứng tỏ người Việt Nam thời xưa đã biết uống trà khá lâu trước thời Tống.
Sách An Nam Chí Lược từng ghi rằng: “Vào tháng Năm, năm thứ Tám niên hiệu Khai Bảo Đinh Liên có tiến cống vua nhà Tống trà thơm”.
Tất nhiên trà tiến công phải là trà khô. Việc này chứng tỏ rằng từ thời xa xưa trước đó, người Việt Nam đạt được kỹ thuật cao trong việc chế biến sao cho trà có hương thơm (chậm nhất cũng khoảng thời Tống). Tất cả những sự kiện này chứng tỏ rằng tập tục uống trà của người Việt Nam không hề bắt nguồn từ văn hóa Hán.
Người Việt Nam khắp nước đều uống trà tuy rằng với nhiều phương cách khác nhau. Tuy vậy cách nào cũng đều đem lại cho người uống những khoái vị đặc thù của nó.
“Khách đến nhà không trà thì bánh”. Bình trà nóng dùng đãi khách không thể thiếu trong mọi việc tiếp tân hay lễ hội. Tách trà nóng tỏa hương thơm ngát đều được mọi người ưa thích. Nhất là biết trà có tác dụng thông lợi ngũ tạng, giải nhiệt hạ đàm, tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ hoặc ngừa trị được một số bệnh và kéo dài được tuổi thọ. Lợi ích mà trà đem lại cho con người thật quá nhiều. Vì vậy nếu:
Bình minh sở trảm trà,
Mỗi nhật cứ như thế,
Lương y bất đáo gia.
dịch:
Sáng sớm vài chén trà,
Ngày nào cũng như thế,
Thầy thuốc không bao giờ tới nhà.
Trà qua Thi ca:
Ngày xưa trà Mạn Hảo được phổ biến nhiều ở Bắc Phần Việt Nam. Trà có mùi vị rất hấp dẫn nên ai cũng thích uống:
Làm trai biết đánh tổ tôm,
Uống trà Mạn Hảo, xem nôm Thúy Kiều.
Nhưng theo thời gian, Huế là kinh đô của cả nước, đã trở thành trung tâm văn hóa, qui tụ nhiều tao nhân mặc khách. Lề lối pha trà, uống trà trở nên một nghệ thuật với nhiều sắc thái cầu kỳ, nên câu thơ trên đã biến đổi:
Làm trai biết đánh tổ tôm,
Uống trà kiểu Huế, ngâm nôm Thúy Kiều.
Vì uống trà kiểu Huế đã trở thành một thú thưởng thức mà trong đó mỗi chi tiết như lối pha trà, bộ đồ trà, cách uống trà, nơi uống trà đều là những yếu tố nghệ thuật, tạo được thú vui tuy thanh đạm nhưng cầu kỳ.
Nếu trong dân gian các nơi đã thích ứng trà thơm với chén sành:
Nước trong còn ở nguồn sành,
Trà thơm có đợi chén sành hay không?
Thì khi nhìn bộ đồ trà của giới tao nhân mặc khách ở Huế, là có thể có ngay một nhận thức về hình ảnh cao quý thanh lịch của dân tộc.
Bộ đồ trà gồm những chiếc khay hình chữ nhật chân quì bằng ngà trơn hay trạm trổ hay trạm đồi mồi hay nạm bạc. Chén gồm những chén quân hay chén Tống thanh nhã. Ấm trà thì phải loại Thế Đức, loại Lưu Bội hay Mạnh Thần.
Nổi tiếng nhất và được quý trọng nhất là các bộ trà Giáp Tý và Mai Hạc. Trên mặt dĩa trà Giáp Tý có hai câu thơ:
Thủy sắc du xuân noãn
Kiên tâm nại tuệ hàn
(Sắc biếc mơ xuân ấm,
Lòng kiên chịu tuệ hàn)
Bộ trà Mai Hạc được nổi tiếng với lời thơ:
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, Hạc là người quen.
Tập tục uống trà đã gắn liền sâu đậm với mọi giới người Việt Nam như thế, nên nếu có nhiều thi nhân, danh nhân có tán tụng trà nhiều cũng là lẽ thường.
Viên Chiễu thiền sư đời Lý Nhân Tông, tiễn chân bạn, đã có lời thơ:
Tặng quân thiên lý viễn,
Tiên bả nhất bình trà.
dịch:
Tiễn chân ai bước đường xa,
Miệng cười đưa một bình trà tặng nhau.
Vào thời nhà Trần, trong các tập Phục Hưng Viễn của Thượng tướng Trần Quang Khải, Tang Sĩ Đồ Tư của Huyền Quang, Xuân Đài của Chu Văn An hoặc Cửu Nguyệt Tam Thập Dạ Hiên của Trần Nguyên Đán đều tràn đầy lời tán tụng thú uống trà.
Thi hào Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều, khi diễn tả sự nhớ nhung người yêu, đã mượn hình tượng hương trà để thổ lộ:
Hương gây mùi nhớ, trà khang giọng tình.
Hoặc:
Khi hương sớm, lúc trà trưa,
Bàn lan diễm nước, đường tơ họa đàn.
Thi sĩ Trần Tế Xương thì dí dỏm thú nhận mấy đam mê của mình:
Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Vào thời Lê, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có lời ca ngợi thú uống trà. Nguyễn Trãi cũng từng mơ ước:
Bao giờ mây quyện mái tranh,
Trà pha nước suối, đá xanh gối nằm.
Nói tóm lại đối với người Việt nam ngày trước, trà không chỉ là một lối thức uống từ ngàn xưa lưu lại mà còn là một món thuốc bổ tuyệt vời cho sức khỏe con người. Trà là bạn tri âm của những tâm hồn thanh cao. Việc người Việt Nam ngày trước có tập tục uống trà đã phản ảnh cá tính đặc thù của một dân tộc ưa chuộng những tác phong thanh nhã nhưng lịch sự, dịu dàng mà vẫn trang trọng.
Rấc tiếc ngày nay ở các thành phố ở Việt Nam cũng như trong các gia đình Việt Nam ở hải ngoại, trà không còn được phổ biến nhiều như xưa. Đi tới nhà ai, đồ uống được mời thường chỉ còn là một ly nước ngọt hay một tách cà phê mà y khoa ngày nay chưa tìm được một lợi ích dầu nhỏ cho sức khỏe con người. Những người lớn tuổi lần lượt vắng bóng, không hiểu còn lại bao nhiêu người trung thành chung thủy với trà trong giới trẻ tương lai !
Phan Hưng Nhơn.
No comments:
Post a Comment