5/26/09

NGUYỄN NHƯ CƯƠNG, NHỮNG LỜI PHẢI NÓI TỪ TRƯỚC


Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002
Thời tiết trong Mùa Memorial của Mỹ thường rất ảm đạm tại Salt Lake City, trời mưa nhẹ trong đêm, ban ngày nắng không lên nổi, gió lạnh khó chịu khi phải ra đường. Tin qua đời tại nước Đức của Giáo sư Nguyễn Như Cương, người thầy của hàng ngàn, hàng vạn sinh viên trường Luật, trường Quốc gia Hành chánh, trường Chính trị Kinh doanh Dalat… đến trong điện thư, chỉ vỏn vẹn có hai dòng.
Tôi tắt máy không muốn đọc gì thêm, trong lòng dâng lên mênh mông một tâm sự bâng khuâng, man mác khó tả. Tôi sẽ không bao giờ gặp được ông, bởi tôi chẳng hề tin câu chuyện có một kiếp sau rồi tất cả chúng ta sẽ tái ngộ. Thế mà trong mấy chục năm nay, tôi vẫn nghĩ trong số ít những người đã có một vai trò trong cuộc đời của tôi, thì ông là người tôi muốn gặp, phải gặp, dù cho chỉ để có một lời vừa cung kính, vừa tình cảm. Tôi vẫn nghĩ mình muốn gặp ông, phải gặp ông, nhưng trong cuộc sống, cái kế hoạch dài hạn của con người cứ ngắn hạn dần đi, số việc phải làm hay muốn làm cứ tăng dần, và người ta càng ngày càng sống dằn vặt trong những ý muốn không thành ý định được. Vừa qua, thầy Trần Long, khoa trưởng đầu tiên của trường Chính Trị Kinh doanh của Viện Đại học Dalat, có dịp đi châu Âu, ghé Đức, ghé Pháp, gặp được ông. Tôi được nghe nói giáo sư Cương vẫn còn “khỏe mạnh”, dù rằng tôi chẳng mấy tin ở cái khỏe mạnh của tuổi già. Có lẽ khoảng ba tuần sau đó, ông qua đời. Vào thời trẻ, người ta ít khi để ý đến cái “vô thường” của cuộc sống, cái bất định của định mệnh. Bước qua tuổi 60, người ta có thể bắt đầu hiểu ít nhiếu về điều này, và lại cứ bồn chồn như thể việc gì cũng đã quá trễ.
Trong khi nhớ đến ông, tưởng như nghe được giọng nói của ông rất lớn đến độ rổn rảng như muốn người nghe phải hiểu cho được điều mình muốn nói, như thấy được tác phong bình dị của một người đã lên cao trong nấc tháng xã hội nhưng không quên con đường mình đã đi qua, tôi nghĩ có một điều phải nói ngay, phải thú thật, cho mình được nhẹ lòng: Nguyễn Như Cương là người thầy duy nhất có ảnh hưởng lớn lao đối với tôi không những trên mặt phát triển tri thức, quan điểm, thái độ mà còn về hướng đi, sự nghiệp của cuộc đời. Hơn nữa, trong quan hệ giữa người và người, nhiều khi cần phải có cơ duyên, trong sự thăng tiến của con người cần phải có sao tả phụ hữu bật trong cung quan, thì giáo sư Cương chính là cái may của đời tôi, chính là ngôi sao đã chiếu trong cung quan của tôi. Tôi đã học ở Dalat, ở Saigon. Đã học ở Anh, ở Mỹ. Có nghĩa là nhìn xuống tôi không có học trò, nhưng nhìn lên tôi có biết bao người là thầy. Nhưng khi nghĩ đến người thầy như một người cho mình đủ hành trang tri thức vào đời và dùng được tất cả gì tôi đã mang theo từ đó, Nguyễn Như Cương là người đầu tiên đến với tôi trong ý nghĩ.
Tôi không thể tưởng được làm sao tôi có thể thích đuợc ngành kinh tế học, để ý đến cách sống của con người, những “dộng thái” của con người trong những quyết định kinh tế (chi tiêu, để dành, đầu tư…) , hay cách sống của một nước, tại sao có nước quá nghèo và có nước quá giàu và những động thái cần có ở một quốc gia để có thể vươn lên và phát triển, nếu không có những giáo trình và những buổi lắng nghe sự diễn giảng của hai giáo sư Vũ Quốc Thúc và Nguyễn Như Cương tại trường Chính trị Kinh doanh của Viện Đại học Dalat. Giáo sư Thúc dạy kinh tế học nhập môn và chính sách kinh tế, bao gồm cả hai lĩnh vực kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô, chính là người cho thế hệ của chúng tôi ý niệm về tầm quan trọng của John Maynard Keynes không những trong tư tưởng kinh tế hiện dại mà cả trong đời sống kinh tế thường ngày của một quốc gia. Cái nền tảng của lý thuyết kinh tế học của thế hệ tôi là do giáo sư Thúc xây dựng phần lớn.
Sự đóng góp của giáo sư Nguyễn Như Cương là ở chỗ trên nền tảng lý thuyết đó, với những bài giảng về môn Phát triển Kinh tế của ông, ông đã cho chúng ta có cái nhìn lớn rộng, bao quát hơn, cái nhìn phân tích hơn về sự phức tạp của thế giới này không chỉ phân cách bởi những lằn ranh giữa Tự Do và Cộng Sản mà nặng nề hơn còn bởi khoảng cách ngày càng lớn giữa những nước giàu và những nước nghèo. Tất cả không đơn giản là gánh nặng của di sản lịch sử của một thời cực thịnh của chủ nghĩa thực dân đế quốc phương tây đi xâm chiếm bóc lột những nước Á, Phi, châu Mỹ La Tinh. Cũng không chỉ là yếu tố địa lý chính trị khiến cho những nước giàu thì càng giàu thêm, những nuớc nghèo thì mãi mãi không cất đầu lên được. Giáo sư Cương đã đưa vào đầu chúng tôi dòng chữ “vòng lấn quẩn nghèo nàn”, mở ra cho chúng tôi thấy rõ những khái niệm về thân phận nhược tiêu, lạc hậu, chậm tiến, và sự tìm kiếm và lựa chọn một “mắt xích” nào đó để phá tan cái gông cùm của sự nghéo đói, nô lệ đó. Môn học Phát triển Kinh tế của giáo sư Nguyễn Như Cương đã thoát ra được cái tháp ngà kinh điền của lý thuyết kinh tế để nhìn thẳng vào thực tế và cho người học chẳng những thấy cái thập niên phát triển của Liên Hiệp Quốc không phải là tuyệt vọng, mà các nước nghèo còn có thể thăm dò những khả năng, những chọn lựa tùy theo hoàn cảnh của mình. Ví dụ như ông nói về sự hình thành của một “tầng lớp doanh nhân tạo tiến” của J. A. Schumpeter, về sự cần thiết của một “sức đẩy mạnh” của Rosenstein-Rodan, lý thuyết “tăng trưởng thăng bằng” của Nurkse và Kindleberger, “tăng trưởng không thăng bằng” của Albert O. Hirschman, “Những giai đoạn kinh tế tăng trưởng” của Walt Rostow, hay lý thuyết tổng quát về kinh tế mở mang của Hla Myint. Một đặc điểm trong giáo trình của ông là sự trau chuốt văn vẻ một cách dễ dàng tiếng Việt, khiến cho người ta đọc lý thuyết mà không cảm thấy trúc trắc như khi đang đọc … lý thuyết.
Những năm sau này khi nhìn lại những năm đó, tôi không khỏi khâm phục công phu nghiên cứu và tổng hợp của ông về những tác gia kinh tế học phương tây rất mới chỉ viết chủ yếu là tiếng Anh đó. Vào thế hệ của ông, người ta đọc tiếng Pháp nhiều hơn là tiếng Anh. Sau này khi lên cao học và lại được ông dạy về kinh toán học vi mô, tính toán về những hàm số phát triển, ông mới thực sự làm cho tôi choáng người khi đưa toán vi tích phân vào những phương trình phát triển để tính toán mức độ đầu tư cần thiết, tiết kiệm cần thiết để có thể vươn lên trình độ “phát triển tự duy” - đều là những chữ ông đã cho tôi mà tôi không bao giờ trả vì còn phải dùng suốt đời mình. Ngay từ hồi đó, tôi vẫn tự hỏi cái gì có thể giới hạn được sức nghiên cứu của ông.
Nguyễn Như Cương không chỉ là một ông thầy không vắng mặt ở bất cứ một đại học nào. Đơn giản là người ta không thể thiếu ông được. Ông còn là cố vấn kinh tế cho nhiều tổng trưởng, bộ trưởng, thứ trưởng kinh tế, tài chánh, có người đương nhiên chỉ có thể là học trò của ông. Tôi có hai dịp biết ông “riêng tư”: một dịp khi ông còn là người điều khiển chương trình nghiên cứu phát triền kinh tế hậu chiến cùng với Giáo sư Mai Văn Lễ cho hai đồng tác giả là Vũ Quốc Thúc và David M. Lilienthal. Tôi là phóng viên của tờ Saigon Post. Ông đã giúp tôi, ông hoàn thành một bài cả 3.000 chữ về kế hoạch này, đăng bốn cột trên trang 1 của tờ báo vào khoảng tháng ba năm 1969. Dịp thứ hai, ông là người bảo trợ cho luận văn tốt nghiệp cao học của tôi, và trong khi tôi khép nép đứng lên trình bày đề tài của mình, thì ông vui vẻ nói lớn: “A, nhà báo Saigon Post, hôm nay thì tôi phỏng vấn ông, không phải ông phỏng vấn tôi đâu nhé”. Trước đó, ông đã biết là giáo sư Vũ Quốc Thúc đã cứu tôi ở Hội đồng Kỷ luật của trường về tội đi học có học bổng mà còn đi làm báo.”
Những gì sau này tôi viết trên báo chí hay nghiên cứu, những gì tôi đã làm tại Bộ Kinh tế hay trong nhóm nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Oánh, tôi nghĩ, đều có dấu ấn nặng nề của tri thức mà ông đã truyền đạt. Ông không chịu trách nhiệm về những thất bại trên đường đời của tôi, nhưng những gì tôi đạt được trong tư tưởng của mình, qua ngòi bút của mình, qua đóng góp của mình vào những công trình nghiên cứu… đều có Nguyễn Như Cương. Có một lần tôi gặp ông, trong căn nhà nhỏ, xinh xắn trên đường Trần Quí Cáp. Ông đang xoa mạt chược. Ông là người Bắc di cư. Ông hiểu chính trị hơn những người khuynh tả hay “dấn thân” từng đi dạy đại học như ông. Ông cũng hiểu sự hiểm nghèo của phân hóa địa phương đang ngấm vào các mặt của đời sống chính trị, xã hội của miền nam. Nhưng ông không nói. Trước năm 1975 ông có thể nói ông còn không nói. Sau năm 1975, còn có gì nữa mà ông nói. Vào một thời mà khoa học kinh tế biến động vĩ đại và quyết liệt nhất với sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, hình thành của các con rồng châu Á, và sự nổi dậy lạ kỳ của những nước người ta vốn tưởng không bao giờ có thể tỉnh dậy khỏi con mê mệt nặng nề vì nạn nhân mãn như Trung Quốc, Ấn Độ…, thì ông vì thời thế mà ngồi trong nhà nhìn qua cửa sổ ra ngã ba đường Trương Minh Giảng mong chờ thời gian trôi qua. Tôi viết đây không chỉ vì một tấm lòng vừa mang ơn, vừa trìu mến một người thầy. Tôi viết đây không chỉ nói lên tiếng nói tri ân của những thế hệ trí thức “trẻ” của những năm 60, 70 vào thời chiến tranh mịt mù đó đã được những người đàn anh trang bị những tri thức đủ chững chạc, trưởng thành để vào đời và thấy được đất nước trong bối cảnh thế giới chung quanh. Tôi còn viết vì sự cảm khái truóc những mất mát rất to lớn không đo lường được, không chuộc lại được của đất nước trước sự mai một hoang phí của những con người như thế trong xã hội. Những người thầy như thế, những người trí thức như thế, chẳng những tôi không tin chúng ta còn có ai trong mấy chục năm qua và càng không tin rằng chúng ta sẽ có trong tương lai trước mắt trên đất nước mình – trong tình hình không chỉ là giáo dục hiện nay.

No comments:

Post a Comment