5/30/09

Nguyên nhân và giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu

DC&PT - Thời Sự 2009


Tổng thống Đức H. Köhler


Âu Dương Thệ lược dịch
LTS: Nhân dịp kỉ niệm 60 năm ra đời Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 23.5 ông Horst Köhler đã vừa đắc cử Tổng thống Đức nhiệm kì thứ hai ngay trong vòng bầu cử đầu tiên. Ngày 24.3, ít ngày trước dịp Hội nghị Cấp cao của 20 nước công nghiệp và đang phát triển đã họp ở London vào đầu tháng 4 để tìm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chánh-kinh tế thế giới tồi tệ nhất từ 80 năm qua, Tổng thống Công hòa Liên bang Đức Horst Köhler đã đọc một diễn văn quan trọng trong một ngôi nhà thờ ở Berlin đã từng bị tàn phá trong Thế chiến II. Ông Köhler đã kể về kinh nghiệm của ông khi còn là Giám đốc Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đưa ra một số ý kiến về nguyên nhân cuộc khủng hoảng tài chánh-kinh tế hiện nay cũng như đề nghị các cách giải quyết nó để Đức và thế giới có thể tìm được con đường mới xây dựng một tương lai tốt hơn cho nhân loại. Bài diễn văn quan trọng này được dư luận đánh giá là có giá trị cao trong suốt nhiệm kì Tổng thống đầu tiên của ông H. Köhler.

Dưới đây là phần lược dịch bài diễn văn này. Tựa là của Tòa soạn.


Tại thành phố Prag vào tháng 9.2000 khi đó tôi vừa làm Giám đốc IMF. Mục tiêu của tôi là muốn biến IMF thành một trung tâm độc đáo nhằm giữ ổn định hệ thống tài chánh quốc tế.
Tình hình phát triển trên thị trường tài chánh khi ấy làm tôi rất lo ngại. Tôi không thể xếp đặt hợp lí những khoản tiền quá lớn và những sản phẩm tài chánh quá phức tạp. Tôi bắt đầu bằng việc xây dựng cho IMF một hệ thống cố vấn về chính sách thị trường tài chánh. Nhiều người không ưa việc này. Và tôi ngạc nhiên là nhóm G7 (1) đã miễn cưỡng kiểm tra khu vực tài chánh trong nước họ. Sự kiểm tra này được các nước hội viên IMF quyết định từ 1999 do cuộc khủng hoảng tài chánh ở châu Á.
Nhiều chuyên viên ý thức được việc này và đã lên tiếng cảnh cáo về nguy cơ gia tăng một cuộc khủng hoảng toàn bộ. Nhưng nhiều thủ đô các nước công nghiệp đã không quan tâm tới những lời cảnh cáo này. Nó thiếu một ý chí dùng quyền uy của chính trị trên thị trường tài chánh.
Nay nhiều bánh xe lớn đã bị gẫy [ý nói một số cường quốc kinh tế] và chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Kết quả của nó có thể để lại dấu ấn cho Thế kỉ 21. Tôi nghĩ là sẽ tiến tới tốt đẹp, nếu chúng ta biết học những tai hại để sáng suốt ra.
Sự đình trệ kinh tế vẫn đang trải rộng ra. Các lục địa đều bị thăm viếng. Cuộc khủng hoảng tài chánh đã tiến nhanh như chớp vào kinh tế. Hôm qua nước Đức còn đứng đầu về xuất khẩu trên thế giới. Nhưng hôm nay cái nhãn hiệu quí giá này đã rơi xuống chân. Các đơn đặt hàng đã giảm đi với một tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Có dấu hiệu tốt là, đại đa số các hãng xưởng ở Đức tìm cách tránh sa thải nhân viên. Các hãng xưởng biết rằng, họ cần các công nhân năng động và có tay nghề cao, nếu họ muốn vượt qua cuộc khủng hoảng. Nhưng chúng ta cũng phải thành thực thừa nhận rằng: Vì sự sống còn của mình nên nhiều hãng xưởng chỉ giữ lại môt phần chỗ làm, nên phải sa thải một số công nhân. Do đó chúng ta phải tiên liệu là, nạn thất nghiệp ở Đức sẽ gia tăng mạnh trở lại.
Một số người hỏi: Liệu chúng ta có thể tách ra khỏi tiến trình toàn cầu hóa? Nhưng một nền kinh tế phải sản xuất từ cái bánh mì tới cái áo, từ máy điện toán tới xe hơi và mọi thứ trong một nước thì rõ ràng đây là điều không tưởng. Tách ra khỏi thị trường thế giới sẽ hủy hoại sự phồn vinh của chúng ta rất nhanh.
Vì thế chúng ta phải gánh vác trách nhiệm. Việc này đồng nghĩa với lợi ích của chúng ta. Chúng ta bán ra các nước ngoài một nửa sản lượng kinh tế của chúng ta. Kinh tế thế giới là định mạng của chúng ta. Chính vì vậy chúng ta phải sử dụng sức nặng của chúng ta một cách tích cực và hiệu quả trong việc hợp tác để vượt qua cuộc khủng hoảng.
Cơ hội từ cuộc khủng hoảng cho thấy là, nay mọi người có thể nhận ra: Không một ai có thể tạo lợi ích lâu dài chỉ riêng cho mình. Nhân loại cùng ngồi trong một thuyền. Những ai cùng ngồi trong một thuyền thì phải tìm cách giúp lẫn nhau. Lợi ích riêng trong Thế kỉ 21 có nghĩa là phải lo lẫn cho nhau.
Trước hết, chúng ta ở Bắc bán cầu (2) phải thay đổi tư duy. Trên trái đất hiện sống trên 6,5 tỉ người. Trong đó chỉ chừng 15% có cuộc sống [khá giả] như chúng ta. Hơn hai tỉ người phải sống với lợi tức 2 Mĩ kim mỗi ngày [đây là trường hợp của VN], thậm chí một tỉ người phải sống với một Mĩ kim. An sinh, thịnh vượng và hòa bình chỉ được lâu dài ở các nước công nghiệp khi công bằng gia tăng trên thế giới. Chúng ta cần một chính sách phát triển cho toàn địa cầu. Nghĩa là, các nước công nghiệp, trong đó có Đức, phải tự hỏi, phải tự sửa đổi như thế nào để gìn giữ một tương lai tốt cho thế giới.
Chính phủ Liên bang và Quốc hội Liên bang Đức trong các tháng vừa qua đã chứng tỏ khả năng hành động và tránh được các hoạt động bộp chộp. Tiếng nói của Đức có trọng lượng trong các cuộc giải quyết khủng hoảng ở Âu châu và quốc tế.
Ở Đức Chính phủ đang đứng trước các lựa chọn và quyết định khó khăn nhất. Nó đụng chạm tới hạnh phúc và đau khổ cho nhiều người. Không ai có giải pháp có sẵn. Chúng ta không thể quả quyết một cách chắc chắn cho những bước đi cụ thể và những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp phải. Nhưng chúng ta có thế tin rằng, hướng đi đã chọn là đúng.
Mỗi đề nghị nghiêm túc phải được cân nhắc cẩn thận. Cuộc vật lộn cho một giải pháp tối hảo là một sinh hoạt dân chủ. Ngay cả giai đoạn trước cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang (3) cũng không có sự vắng bóng trách nhiệm của chính phủ. Chính vào giữa lúc khủng hoảng người dân có quyền đòi hỏi chính phủ phải hành động cương quyết và đưa ra các giải pháp thích hợp. Cuộc khủng hoảng không phải chỗ để giương oai đấu võ. Đây chính là một thách đố cho dân chủ.
Nhiều công dân đang hoài nghi. Họ hỏi, cái gì đang đứng trước chúng ta và cái gì cần phải làm bây giờ. Họ nhìn vào lợi tức [kếch sù] của các chủ ngân hàng, sự thiệt hại của những người gởi tiền, cuộc khủng hoảng của nhiều xí nghiệp và các chương trình giúp đỡ khổng lồ của nhà nước. Và nhiều người đang bắt đầu nghi ngờ về những giá trị và sự tồn tại tiếp tục của hệ thống kinh tế thị trường.
Mọi người cần có nhiều thông tin và sự giải thích về những gì đang diễn ra. Họ muốn biết, họ có thể đóng góp tư tưởng và ý kiến như thế nào. Quốc hội và Chính phủ Liên bang cũng như trong các tiểu bang cần tới sự ủng hộ và cộng tác của các công dân trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Vấn đề ở đây là cùng nhau tìm ra một con đường mới.
Câu hỏi đầu tiên là: Từ đâu đã đưa tới cuộc khủng hoảng này?
Chúng ta chưa biết hết các nguyên nhân. Nhưng nay thì nhiều việc đã rõ ràng. Quá nhiều người với quá ít tiền của riêng thì không thể nào lay chuyển được cái đòn bẩy tài chánh khổng lồ. Trong nhiều năm người ta đã nghĩ rằng, hãy chỉ cho mọi người biết, nợ nần tự nó là một giá trị; ta phải biết sử dụng nó. Các ngân hàng mua và bán ngày càng nhiều các chứng thư mà trong đó ngay họ cũng không hiểu những hậu quả ra làm sao. Cốt lõi là chỉ muốn đạt lợi nhuận cao trong thời gian ngắn nhất.
Ngay cả một số ngân hàng Đức có tiếng cũng đã mất tầm nhìn và thông minh trong việc cân nhắc các rủi ro. Việc này đã diễn ra vì họ đã từ bỏ văn hóa từng có của họ: Nghĩa là những gì đã từng giúp cho các ngân hàng này lớn mạnh hơn – ấy là biết tầm quan trọng của giá trị về an toàn của tiền bạc, kính trọng người gởi tiền tiết kiệm và suy nghĩ đường dài. Các ngân hàng cũng chỉ có thể mang lại thành công lâu dài khi họ ý thức rằng, họ là một phần của xã hội và phải được xã hội đó nhìn nhận. Nếu họ tôn trọng nguyên tắc căn bản của Hiến pháp chúng ta là: Bảo đảm quyền tư hữu. Sự hiện hữu của nó là phục vụ phúc lợi chung.
Rất tiếc là, sự lớn mạnh của các kim tự tháp tài chánh đã bị nhiều người coi đó như là một thành tích riêng, đặc biệt đối với các ngân hàng đầu tư. Từ đó họ đã không chỉ tự tách ra khỏi kinh tế thực tại, mà còn cả toàn bộ xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là, tinh thần trách nhiệm và lòng lương thiện. Nhiều giá trị đã bị đánh mất. Đúng ra người ta không nên làm như vậy. Cho tới nay chúng ta vẫn còn đợi sự tự phê bình nghiêm túc của những người có trách nhiệm. Đấy là chưa nói tới một sự tự đóng góp tương xứng để đền bù cho những thiệt hại đã gây ra.
Nay máu đang bị tắc nghẽn giao thông trong cơ cấu tài chánh quốc tế. Nó dẫn tới hậu quả ở nhiều nơi, ngay cả ở nước ta: Muốn đầu tư thì các doanh nhân phải vay tiền, như vậy các ngân hàng phải hợp tác với nhau. Nhưng họ đang nghi ngờ lẫn nhau. Họ giữ số tiền còn lại. Khủng hoảng tài chánh gây ra bất an toàn và làm tê liệt tinh thần kinh doanh.
Chúng ta đang trải qua tình trạng thiếu minh bạch, lỏng lẻo, kiểm soát không chặt chẽ và các quyết định phiêu lưu thiếu trách nhiệm cá nhân. Chúng ta đang trải qua tệ trạng của tự do nhưng vô trách nhiệm.
Nhưng đổ lỗi lẫn nhau và các sửa chữa ngắn hạn không giải quyết được vấn đề, nếu chúng ta muốn rút bài học sâu xa từ cuộc khủng hoảng. Vì có một điểm chung liên hệ tới tất cả chúng ta. Mặc dầu sự phồn vinh tiếp tục gia tăng trong các nước phương Tây, ở Âu châu và cả Đức từ thập niên 70, nhưng nợ nần của các nước cũng tiếp tục gia tăng. Người ta nói là sẽ thay đổi trong tương lai và hứa sẽ thực hiện. Nhưng việc này tới nay vẫn không diễn ra. Vì chúng ta sợ nặng nhọc khi muốn giảm bớt nợ nần. Chúng ta đẩy các thay đổi này cho các con cháu chúng ta và chúng ta yên tâm nghĩ là, sự tăng trưởng kinh tế làm cho con cháu chúng ta dễ giải quyết các thay đổi này. Nhưng bây giờ cuộc khủng hoảng đã hiện ra trước mắt: Tất cả chúng ta đã sống trên mức của chúng ta.
Cuộc khủng hoảng đã đi từ các nước công nghiệp, từ những nước vẫn cảm thấy là mạnh nhất. Điều này đã bộc lộ rõ mâu thuẫn với những gì mà những nước công nghiệp hóa trong mấy thập kỉ vừa qua đã đi vào. Chính chúng ta đã xây dựng thế giới này. Nhưng chúng ta ngày càng không thấy hài lòng. Vì thế hố cách biệt giữa những đòi hỏi mới của thực tế và những mong muốn của chúng ta càng gia tăng.
Chúng ta vẫn thường tự nói với nhau là, có một giải pháp tốt để giải quyết các mâu thuẫn này: Đó là chúng ta đã từng nói với nhau là, sự tăng trưởng kinh tế liên tục là câu trả lời cho mọi vấn đề. Chừng nào mà tổng sản lượng quốc gia vẫn tăng –thật là Logik, chừng đó chúng ta có thể tài trợ mọi mong muốn mà chúng ta vẫn thường ao ước. Điều này phải tính tới cái giá phải trả, nghĩa là chúng ta phải tưởng tượng tới một thế giới mới.
Các thị trường tài chánh trở hành những cái máy tăng trưởng. Nó chạy tốt khá lâu. Vì thế chúng ta đã yên tâm với nó. Nhưng kết quả là vượt qua ranh giới và mất phương hướng. Nay chúng ta thấy là thị trường tự nó không thể làm được. Nó cần phải có một nhà nước mạnh để định ra qui luật cho thị trường và theo dõi việc thi hành. Vì kinh tế thị trường sống là nhờ sự cạnh tranh và đặt giới hạn quyền lực kinh tế. Kinh tế thị trường sống nhờ tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm của cá nhân đã làm; kinh tế thị trường cần minh bạch và tôn trọng luật pháp. Những việc này mọi người có thể tin cậy.
Nhưng sự tin cậy này đã bị lay chuyển. Các thị trường tài chánh thiếu một lực tạo trật tự. Nó tự thoát khỏi nhà nước. Cuộc khủng hoảng đã chỉ cho chúng ta biết: Tự do không giới hạn chứa đựng sự hủy hoại. Thị trường cần có luật pháp và đạo đức.
Chúng ta cũng biết thêm rằng: Tự do là một bảo vật, nó làm chúng ta mạnh lên. Nhưng nó không được phép là quyền của kẻ mạnh. Đây chính là cái khó của tự do: Tự do có thể làm cho những ai trở nên no nê và mạnh mẽ rồi trở nên tự kiêu. Từ đó nghĩ rằng, tự do không cần tới trách nhiệm.
Tự do không phải là quyền ưu tiên tự dành cho mình những chỗ tốt đẹp nhất. Chúng ta cần hiểu là, tự do không phải chỉ dành cho chúng ta, mà nó cũng dành cho những người khác nữa. Sự tín nhiệm của tự do có thể đo được trong chia xẻ khả năng và cơ hội. Cả trong lẫn ngoài. Trong việc sẵn sàng nhận trách nhiệm đối với những thế hệ tiếp theo và hạnh phúc cho toàn thể. Nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta sẽ tìm thấy những cái đẹp nhất của con người vẫn nằm ở trong mỗi người chúng ta.
Vì thế: Chính cuộc khủng hoảng đã thừa nhận giá trị của kinh tế thị trường xã hội (4). Nó có ý nghĩa nhiều hơn là trật tự kinh tế. Nó là trật tự của giá trị. Nó thống nhất tự do và trách nhiệm trong lợi ích cho tất cả. Văn hóa này đã bị chống lại. Quí vị hãy để chúng ta cùng tìm kiếm cái mới trong văn minh của kinh tế thị trường xã hội.
Nhưng cuộc khủng hoảng cũng mở ra một điều tốt: Chẳng hạn như những gì Barack Obama đang cố gắng làm cho kinh tế và xã hội Mĩ. Việc này tương tự như những nguyên tắc cơ bản của một kiểu mẫu kinh tế thị trường xã hội. Tương tự như thế, những người Đức đang thử nghiệm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Chính phủ và các dân biểu đang đứng trước những thử thách lớn lao. Họ phải giải quyết gấp đôi nhiệm vụ: Một mặt, phải tìm cách ngăn cản sự suy thoái, nhưng đồng thời lại phải tạo những căn bản cho ổn định và hưng thịnh trong một thế giới đang trải qua thay đổi sâu sắc.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là làm sao để đồng tiền lưu thông tốt lại. Chúng ta nói tới mạch máu kinh tế. Nó phải được nuôi dưỡng để những người đang làm việc cực nhọc và tôn trọng luật lệ vẫn còn công việc trong tương lai. Nó cũng có nghĩa là, tìm cách chống lại sự suy thoái lâu dài trên thế giới. Các thị trường tài chánh cần có một trật tự mới với những luật lệ tốt hơn, kiểm sát hữu hiệu hơn và trách nhiệm hiệu quả.
Cần tâp trung vào ba lãnh vực. Chính trị đã phản ứng nhanh và cương quyết. Các ngân hàng được giúp đỡ tiền bạc và bảo đảm, nhờ đó sự giao thông tiền tệ không bị đình trệ. Các chương trình thúc đẩy kinh tế tạo ra sự kích cầu và giúp các xí nghiệp đang bị khó khăn của cuộc khủng hoảng. Những giúp đỡ của nhà nước cho các ngân hàng và xí nghiệp tốn phí rất cao. Vì thế phải chấp nhận khoản nợ công của nhà nước gia tăng. Nhưng nó chỉ hợp lí, nếu số tiền này được sử dụng thông minh. Đối với chúng ta ở Đức sử dụng thông minh có nghĩa là:
  • Chúng ta ý thức rằng, cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn thế giới. Việc này cần một chất lượng mới trong hợp tác quốc tế. Là nước có nền kinh tế mạnh nhất trong EU nên Đức giữ vai trò đầu tầu. Trong đó làm sao tập trung sức mạnh của 500 triệu người để ngăn cản cuộc khủng hoảng. Chúng ta nên biết tận dụng cuộc khủng hoảng này để làm cho sự thống nhất của Âu châu thêm sức mạnh mới.
  • Chúng ta tạo ảnh hưởng mạnh để lập một trật tự mới cho các thị trường tài chánh. Ở đây hướng đi chính nên là: Các ngân hàng phải đóng góp nhiều hơn phần tư bản của chính mình. Điều này làm gia tăng ý thức về rủi ro của họ. Thị trường tài chánh cần có thêm sự bảo vệ cho giới tiêu thụ. Các nhân viên ngân hàng không nên được trả lương theo mức doanh thu, nhưng nên theo sự hài lòng của khách hàng về lâu về dài. Không nên có các tổ chức tài chánh và sản phẩm tài chánh thiếu kiểm soát. Các tổ chức tài chánh lớn phải đặt dưới sự kiểm soát thống nhất mang bình diện quốc tế.
  • Chúng ta không phí phạm cho tiền các ngân hàng. Chúng ta đòi hỏi quyền được tham gia vào các quyết định, tiền lời và tham dự trong việc giải quyết khủng hoảng. Những người đóng thuế bỏ ra số tiền rất lớn. Vì thế nhà nước phải có ý thức trách nhiệm. Ngay cả việc không thể loại trừ một sự tham gia của nhà nước trong ngắn hạn. Bảo đảm quyền tư hữu, một quyền căn bản cho tự do và phồn vinh không vì thế bị vi phạm.
  • Một điều ai cũng phải nhìn nhận: Khả năng tài chánh của nhà nước có giới hạn. Các quốc gia cũng có thể mất tín nhiệm trong việc đi vay. Chúng ta không được phép phiêu lưu trong việc này. Vì thế ngay bây giờ chúng ta phải hứa là, tìm cách giảm các nợ nần của nhà nước sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng. Thậy vậy, chúng ta không được phép tránh né vấn đề công bằng giữa các thế hệ. Chúng ta đứng trước về sự trách nhiệm đối với sự tồn tại của đất nước chúng ta.
Là một nước ở trung Âu và là quốc gia xuất cảng cho nên chúng ta lệ thuộc thương mại tự do và với nhiều nước. Từ đó có thêm hành động cho chúng ta:
Người Đức cần cổ súy cho việc sớm đạt kết quả trong cuộc đàm phán về cải tiến giao thương. Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy cho tôi biết, 80% các vấn đề tranh cãi đã được giải quyết. Nhưng nó cần một cố gắng cuối có lí trí và ý chí quyết tâm hành động để giao thương thế giới và xây dựng tín nhiệm quốc tế có thêm sức mạnh cần thiết. EU nên làm gương. Vì tương lai của nó tùy thuộc vào thị trường thế giới phóng khoáng. Chúng ta cũng cần tích cực chống lại các khuynh hướng bảo hộ ngay trong thị trường nội địa EU.
Chúng ta đang trải qua những căng thẳng trong khu vực đồng Euro. Một số bạn của chúng ta ở Trung và Đông Âu đang gặp khó khăn. Đây là phản ứng trước những tăng trưởng hồ hởi và thiếu cải cách. Tuy nhiên EU nên sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng EU cần thúc đẩy sự sẵn sàng của các bạn hàng chúng ta trong việc tuân phục kỉ luật và tự gánh trách nhiệm.
Nhiều quốc gia ở Á châu, Nam Mĩ và Phi châu cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta thấy rằng, kinh tế thế giới đang bất ổn lớn. Các phương tiện dùng giải quyết cho các khó khăn này đã từng được các Quĩ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tiến hành trước đây 10 năm không còn đủ nữa. Có lẽ đang có một sự đồng thuận là sẽ gia tăng gấp đôi ngân sách cho IWF. Điều này tốt. Nếu nhiều hơn thì càng tốt…
Tôi lập lại đề nghị, tái lập lại một Bretton Woods II (5) dưới quyền của Liên hiệp quốc trong việc cải tổ toàn diện trật tự kinh tế và tài chánh quốc tế. Chúng ta cần một hệ thống tín dụng thế giới mới và hợp lí và một giải pháp chính trị trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng trên toàn cầu.
EU có thể tạo một động lực lớn trong việc cải tổ các cơ cấu tài chánh quốc tế, nếu các nước hội viên thống nhất với nhau trong việc kết hợp quyền lợi trong IWF và WB làm một. Với đồng Euro EU đã gia tăng thêm lực và thế. Tự do được thể hiện qua kết hợp chủ quyền: EU nên tận dụng cơ hội áp dụng nguyên tắc hòa bình này trong kỉ nguyên mới về chính trị thế giới hợp tác. Trong đó chúng ta cần lưu ý: Những gì mà người địa phương có thể làm tốt hơn thì hãy để họ làm tiếp tục.
Nay đã tới giai đoạn, trong đó chúng ta chia xẻ trách nhiệm chung của nhân loại ….Nay mọi người đã nhận ra: Chúng ta cần một trật tự trong toàn cầu hóa, cần có các qui định được thừa nhận và các cơ cấu hữu hiệu. Trật tự này phải bảo đảm rằng: Những quí giá chung của toàn cầu như sự an toàn tài chánh, giới hạn sự gia tăng nhiệt độ của trái đất và bảo đảm giao thương tự do, lành mạnh cần được định nghĩa rõ ràng và đồng thuận.
Vấn đề ở đây là trách nhiệm của chúng ta đối với sự liên đới trên thế giới. Vấn đề ở đây là nhân phẩm vô giá của con người. Vấn đề ở đây là kinh tế thế giới, trong đó tư bản phụng sự con người chứ không được phép trở thành kẻ lãnh đạo.
Chúng ta ý thức về một cuộc tranh đấu chống nghèo đói và thay đổi khí hậu là nhiệm vụ chiến lực chung của mọi người. Các nước kĩ nghệ là thủ phạm chính gây ra thay đổi khí hậu nên phải nhận trách nhiệm về những thiệt hại mà người dân các nước đang phát triển đang phải gánh chịu. Cuộc đấu tranh chống nghèo đói và chống thay đổi khí hậu phải là nỗ lực chung.
Ngày nay thế giới đặt cho chúng ta một vấn đề xã hội toàn cầu. Trách nhiệm của chúng ta là phải tìm được ra câu trả lời. Đây cũng là cơ hội lớn cho chúng ta. Chúng ta hãy chứng tỏ: Bắc bán cầu không quên Nam bán cầu. Những thay đổi cần thiết phải được diễn ra khắp mọi nơi.
Chúng ta là cộng đồng chung thế giới thì cần có một luân lí chung ràng buộc nhau. Chúng ta phải chọn một đồng thuần về giá trị, trong đó chúng ta chia xẻ với nhau và cộng đồng chung sẽ không tha thứ trước mọi sự vi phạm nó. Nguyên tắc chung là: Chúng ta muốn đối xử với mọi người trong tương lai, như chính chúng ta được đối xử như thế nào.
Do đó trong tương lai chúng ta phải lấy hai tiêu chuẩn. Điều này tạo sự tín nhiệm giữa chúng ta.
Thí dụ: EU, do ngư nghiệp được công nghiệp hóa từ nhiều thập niên đã đánh bắt quá nhiều cá dọc các bờ biển ỡ Phi châu. Các ngư dân Tây Phi phải sống rất cơ cực với các thuyền đánh cá của họ. Cho nên không làm chúng ta ngạc nhiêu là đang ngày có nhiều thuyền đánh cá được dùng chở người tị nạn sang Âu châu. Đúng ra đáng lẽ phải hiệu quả hơn và cũng ít tổn phí hơn nếu thực hiện sớm một sự hợp tác chân thành với các nước Tây Phi trong việc kiểm soát chống bắt cá quá nhiều. Cùng nhau thực hiện để các nguồn hải sản có lợi cho ngư dân địa phương .
Tôi cho rằng, đối với tôi tình nhân loại của thế giới chúng ta sẽ có định mệnh ở Phi châu. Nay chúng ta biết rằng: Sự rủi ro nhỏ hơn sẽ là xây đường xe lửa xuyên qua Phi châu thay vì đầu tư cho một ngân hàng đầu tư bảnh bao ở New York.
Chúng ta hãy làm theo các kiến thức mà chúng ta đã học được. Chúng ta hãy kiểm chứng lại những khẳng định cũ của chúng ta và hãy vượt qua trước nỗi lo sợ về những gì không biết. Khi đó chúng ta sẽ thấy thích thú trong nhiệm vụ khởi thủy là nhận trách nhiệm cho tương lai. Tôi không sợ là chúng ta sẽ thành công.
Vì thực ra chúng ta đã bắt đầu việc này từ lâu. Điều làm tôi can đảm thấy rằng, ngày càng nhiều người ở Đức ý thức được: Nếu cả nhân loại đều muốn sống như chúng ta hôm nay thì nay chúng ta cần nhiều hơn là một địa cầu. Nhưng chúng ta chỉ có một thôi. Nó quen thuộc với chúng ta. Cho nên t��= � đó ngày càng nhiều có những quyết định cá nhân thay đổi nếp sống quen thuộc. Họ đã ý thức: Mỗi người phải đóng góp phần của mình.
Khí hậu thay đổi cho thấy: …Chúng ta cần tạo một cân bằng mới giữa mong muốn của chúng ta và những gì trái đất đang phải trải qua. Điều này cũng liên hệ tới cộng đồng thế giới. Các nước nghèo và giầu cần phải hợp tác với nhau. Các nước giầu nên tiết kiệm nhiên liệu và tài nguyên và cung cấp kĩ thuật. Các nước nghèo đang muốn phát triển kinh tế nên tránh các lỗi lầm của chúng ta. Mục tiêu là tìm ra một mẫu mực thịnh vượng, qua đó tạo ra công bằng cho tất cả.
Chúng ta muốn quyết định chung với nhau là không sống trên phần của người khác. Những chuyên viên khí hậu cho tôi biết: Trái đất cần một hệ thống toàn cầu để thực hiện quyền chống lại dơ bẩn. Họ cũng cho tôi biết: Việc này thành công dễ dàng hơn nếu các nguyên tắc kinh tế thị trường càng được sử dụng. Xuyên qua thị trường và các qui luật, các độc hại cho môi trường có thể được giảm bớt ở mọi nơi và nhanh chóng. Một điều quan trọng nữa là, nên tính giá cho mỗi vật và dịch vụ nó liên quan tới cộng đồng – tới không khí trong lành, nguyên liệu, chất thải, tiếng động lớn và nghẽn tắc giao thông.
Tôi tin rằng: Sự minh bạch về giá cả và những cố gắng để có kinh tế tôn trọng môi sinh sẽ mở ra một cuộc thi đua trong nghiên cứu và khoa học. Việc này sẽ cho người Đức chúng ta một cơ hội lớn. Chúng ta hiện nay đang dẫn đầu thế giới về kinh tế môi trường và kĩ thuật môi trường. Gần hai triệu người đang làm việc trong các lãnh vực này và tương lai sẽ gia tăng.
Ernst Ulrich von Weizsäcker, người được giả thưởng về moi trường ở Đức, nhiều năm trước đây đã từng dự đoán về một viễn tượng „Yếu tố 4“. Nghĩa là, sự hưng thịnh đạt gấp đôi trong khi chỉ cần sử dụng một nửa tài nguyên…
Vì thế chúng ta hãy hình dung một cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai. Lần này sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp về môi trường. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này thì cần tới sự hợp lực thông minh giữa thị trường và nhà nước. Và những người tiêu dùng nên tỉnh táo và sẵn sàng phê phán. Chúng ta cần có một không khí chung khuyến khích sáng tạo và một ý thức mạnh về môi sinh.
Đây không phải chỉ là phận sự của kinh tế. Nó cũng là một thách đố văn hóa. Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Ludwig Erhard (6) đã từng thấy điều này. Đối với ông, sự hưng thịnh không phải là tự nó. Sự phồn vinh đã và đang là nền tảng của cuộc sống, tương lai cũng như thế.
Từ cái nhìn của Erhard chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho chúng ta: Bao nhiêu thì đủ? Câu trả lời cho câu hỏi này cũng đang đặt ra cho thế giới từ sau cuộc khủng hoảng. Chúng ta phải biết cám ơn là đã có cơ hội để chúng ta có thể tự tìm kiếm. Ở đây chúng ta nên biết rằng: Chúng ta không nên chỉ xây dựng trên sự tăng trưởng kinh tế là chính, coi nó như chìa khóa giải quyết các khó khăn và người kiến tạo hòa bình trong các xã hội của chúng ta.
Điều này có ý nghĩa như thế nào: Hạnh phúc? Tôi nghĩ là, chúng ta nên tìm mục tiêu mới cho chúng ta … Thật vậy, lối sống của chúng ta sẽ bị đụng chạm… Chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ gia tăng. Tiết kiệm phải được coi là một cách sống lương thiện- không quá ti tiện, nhưng cẩn trọng cho người đồng loại và cho thế giới. Dân chủ có giá trị nhiều hơn là gìn giữ những tăng trưởng vật chất. Chúng ta không chỉ mong muốn là một người dân chủ tốt, chừng nào chắc chắn là, chúng ta sung túc đủ rồi.
Chúng ta không muốn kéo dài sự hài lòng và sự gắn bó trong xã hội chúng ta chỉ dựa trên „gia tăng“ số lượng. Những gì phải tăng trưởng ở trên đất nước chúng ta, chính là sự hiểu biết và thông minh, qua đó chúng ta có thể xây dựng một cuộc sống tốt của chúng ta tốt đẹp hơn.
Chúng ta chế tạo những chiếc xe hơi tốt nhất thế giới. Nhưng điều này không đủ. Chúng ta phải chế tạo những chiếc xe hơi tốt nhất cho tương lai của thế giới. Ngành chế tạo xe hơi nói là, chiếc xe hơi đạt mức về tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng sẽ ra đời trong 15 năm. Tôi nghĩ là có thể nhanh hơn thế. Tôi đặt tín nhiệm cao vào khả năng thiết chế của các nhà chế tạo xe hơi. Hiện nay đang có một hãng xe hơi Đức gặp khó khăn. Các kĩ sư của hãng này rất tốt. Tôi được biết, họ đang chuẩn bị cho tương lai. Tôi đặt hi vọng vào Opel. Và sự đồng thuận giữa hai bên công nhân và chủ nhân trong việc tín nhiệm lẫn nhau….
Sự gia tăng cần thiết về hiểu biết và khả năng đang làm chúng ta thức tỉnh đối với các thiếu sót của chúng ta trong giáo dục và hội nhập. Chúng ta không được phép để cho những người trẻ bị thua thiệt. Mỗi người trong số 70.000 người cần được sử dụng. Con số này rời nhà trường hàng năm nhưng chưa tốt nghiệp. Chúng ta phải làm thông thoáng xã hội chúng ta. Điều này không chỉ tốt cho những ai trong cuộc. Bóng tối làm chúng ta tê liệt. Điều này cũng như việc cố tình giữ lối sống phức tạp mà chúng ta rơi vào trong đó.
Chúng ta cũng muốn khám phá những giá trị và sự tôn kính lao động ….Vì chúng ta không giả dối với chính chúng ta: Các hãng xưởng của chúng ta sẽ ngày càng ít nhân viện. Máy móc sẽ làm thay những gì nó có thể làm tốt hơn chúng ta. Tuy nhiên, những gì đã kiến tạo thành con người thì máy móc không thể thay thế được. Cái gì là giá trị lao động của một cô y tá những đêm hôm giúp đỡ bệnh nhân trong hiểm nghèo và với tấm lòng nhân ái? Tại sao chúng ta đã từ lâu để cho việc trông nom các người già cả ở nhà và trẻ em theo cách lao động đen [làm việc bất hợp pháp]? Tôi chắc rằng: Trong thế giới lao động tương lai con người sẽ phải làm nhiều với con người. Bởi vì chúng ta không thể thay thế được.
Nếu chúng ta chú tâm hơn, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau trong thế giới …Chúng ta có quyền và có lí do đưa chúng ta tham gia mạnh mẽ hơn. Vì chúng ta có trách nhiệm chung. Tôi tin rằng: Gánh vác trách nhiệm là cách mang lại cho chúng ta các cơ hội mới và câu trả lời mới về ý nghĩa của cuộc sống.
Chúng ta có thể hài lòng về phương cách chúng ta đã trải qua 60 năm lịch sử vừa qua của chúng ta. Chúng ta sung sướng việc nước Đức được tái thống nhất từ 20 năm. Người Đức vẫn giữ được khả năng tự phê bình. Chúng ta vẫn là một dân tộc bình dị, mặc dầu chúng ta trở nên mạnh hơn. Chúng ta nhìn không căm hận, nhưng cởi mở và sẵn sàng hợp tác với các dân tộc khác. Chúng ta xây dựng một cộng đồng trong hòa bình với các lân bang. Helmut Schmidt (7) nói đúng: Chúng ta không tự thổi phồng lớn hơn là những gì ta có.
Nhưng cũng không làm bé hơn.
Kinh tế thị trường xã hội cho chúng ta thấy: Đoàn kết không phải là thương hại. Đoàn kết là tự giúp đỡ. Nếu một cuốn băng giữ chắc giữa trên và dưới, nhờ đó lực sẽ phát sinh trong xã hội. Và nhờ đó nó có khả năng giải quyết cả những khó khăn tưởng như bất lực. Đây là bài học từ lịch sử chúng ta. Lao động, tư bản và kiên tâm lệ thuộc với nhau. Ở nước chúng ta cũng như ở mọi nơi.
Chúng ta không được phép đánh lừa chúng ta: Các tháng tới sẽ rất khó khăn. Cả cho Đức. Chúng ta sẽ bị thử thách. Chúng ta sẽ còn nghe nhiều tên khác nữa…: Märklin, Schiesser, Rosenthal (8).
Chúng ta sẽ cảm thấy bất lực, thất vọng và bực bội. Nhưng chưa có một giai đoạn nào trong đó số phận của chúng ta lại nằm trong bàn tay của chính chúng ta như hôm nay. Chúng ta có cơ hội, tự do và trách nhiệm trong lúc này phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Trách nhiệm thì rất lớn. Bởi vì tự do của chúng ta cũng lớn như vậy. Chúng ta hãy gìn giữ nó cẩn trọng. Chúng ta hãy cống hiến cho tự do. Trước chúng ta. Và cả tự do của những người khác.
Thưa Quí vị, chúng ta hãy quan sát ngôi nhà thờ này. Nó cho chúng ta thấy, cho tới nay nó là một sản phẩm của hủy hoại do chính con người gây ra. Ngôi nhà thờ này cũng tỏ cho thấy: Chúng ta luôn luôn có thể thực hiện một bắt đầu mới. Việc này nằm ngay ở chúng ta!
Ghi chú của người dịch:
Các phần trong […] là của người dịch.

1. Nhóm G 7 gồm 7 nước công nghệ lớn trên thế giới: Mĩ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý và Gia nã đại.
2. Cụm từ các quốc gia „Bắc bán cầu“ ám chỉ những nước công nghiệp và phồn vinh.
3. Cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức mới sẽ diễn ra vào 27.9.09. Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất theo nhiệm kì 4 năm. Quốc hội này sẽ bầu một Thủ tướng mới.
4. Cụm từ „kinh tế thị trường xã hội“ ở Đức được hiểu là nền kinh tế thị trường trong một xã hội dân chủ đa nguyên và trọng pháp cũng như bình đẳng xã hội. Nó hoàn toàn khác với nền „kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“ trong chế độ độc đảng độc tài toàn trị và luật pháp chỉ phản ảnh ý muốn của một nhóm có quyền lực như ở VN hiện nay.
5. Bretten Woods, một thành phố ở tiểu bang New Hampshire (Mĩ). Tại đây 44 nước đã họp vào năm 1944 để thỏa thuận một hệ thống tài chánh mới lấy đồng Dollar Mĩ làm đơn vị tiền căn bản. Nhưng đồng thời cũng thỏa thuận với nhau lấy vàng để bảo đảm giá trị của đồng Dollar.
6. Cựu Thủ tướng Đức và là một chiến lược gia về kinh tế của Đức
7. Cựu Thủ tướng Đức
8. Tên một số hãng xưởng tên tuổi của Đức vừa bị phá sản do cuộc= khủng hoảng kinh tế.

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
http://www.dcpt.org/ hay http://www.dcvapt.net/



Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam Trở về Mục Lục

No comments:

Post a Comment