5/7/09

Bêlarus trong kế hoạch đối tác phương Đông của Liên Hiệp Châu Âu

Tú Anh

Bài đăng ngày 07/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày 07/05/2009 13:15 TU

Hội nghị Đối tác phương đông thượng đỉnh quy tụ 27 nước Liên Hiệp Châu Âu với 6 nước thành viên của Liên Xô cũ. Matxcơva nghi ngờ Tây phương muốn thiết lập «vùng ảnh hưởng » ngay trên sân sau của Nga. Bêlarus trong chiến lược lưỡng long tranh châu. RFI phỏng vấn giáo sư Lê Đình Thông, Paris.
Đối tác phương đông được khởi động vào ngày hôm nay tại Praha. Hội nghị thượng đỉnh quy tụ 27 nước Liên Hiệp Châu Âu với 6 nước thành viên của Liên Xô cũ trong thời chiến tranh lạnh được tổ chức hôm nay tại thủ đô cộng hoà Tiệp, chủ tịch luân lưu của Liên Hiệp Châu Âu. Đối tác phương Đông gồm 6 nước Armenia, Azerbaijan, Bêlarus, Grusia, Moldavia và Ukraina.
Mục tiêu của Liên Hiệp châu Âu trong «đối tác phương đông », sáng kiến của Balan và Thụy Điển, là thắt chặt quan hệ với 6 nước láng giềng sát nách Matxcơva.
Liên Hiệp Châu Âu cũng khẳng định không có dụng ý chiến lược bao vây nước Nga. Đối tác đông phương cũng không phải là bước đầu của một tiến trình mở cửa nới rộng Liên Hiệp Châu Âu cho 6 nước này làm thành viên. Đối tác phương Đông chỉ là những hợp tác qua những đề án cụ thể để giúp 6 nước láng giềng của Nga từng bước hội nhập kinh tế, luật pháp và chính trị của Liên Hiệp Châu Âu.
Để trấn an chính quyền Nga, Bruxelles giải thích các đề án được tập trung hoàn toàn vào kinh tế như là cải thiện việc bảo đảm nguồn cung ứng khí đốt và dầu hỏa, bảo vệ biên giới, đương đầu với khủng hoảng, hậu thuẫn cải cách chính trị và kinh tế. Về lâu về dài tiến tới vùng tự do thương mại và tự do đi lại, không cần visa.
Ba Lan và Thụy Điển đưa ra sáng kiến này hồi năm 2008 trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraina và xung đột võ trang giữa Nga và Gruzia.
Tiếp theo đó là vụ bạo động tại Moldavia mới đây đã thuyết phục được nhiều nước trong Liên Hiệp châu Âu, đặc biệt là Pháp, cần phải khẩn cấp giúp đỡ 6 nước láng giềng và nhu cầu tiến xa hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở hình thức "quan hệ láng giềng đơn thuần". Chính quyền Nga, qua tuyên bố của ngoại trưởng Serguei Lavrov, nghi ngờ Tây phương muốn thiết lập «vùng ảnh hưởng » ngay trên sân sau của Nga.
Theo giới phân tích, có nhiều hy vọng, sau hội nghị thượng đỉnh này sẽ biết rõ phe nào có nhiều cơ may dành được ưu thế trong cuộc chiến chinh phục trái tim người dân với viễn ảnh một tương lai tươi sáng nhất cho vùng đất ngèo khó đầy bất trắc nhưng cũng có nhiều tài nguyên và địa lý chiến lược quan trọng này.
Bêlarus trong chiến lược lưỡng long tranh châu
Quan ngại tình hình bất ổn chính trị tại Ukraina, thủ tướng Đức Angela Merkel tham gia hội nghị thượng đỉnh Praha. Ngược lại các nhà lãnh đạo Tây Âu khác từ thủ tướng Anh, đến tổng thống Pháp, thủ tướng Tây Ban Nha đều vắng mặt.
Lý do gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu là chế độ độc tài tại Bêlarus. Vào giờ chót, tổng thống độc tài Loukachenko không di dự hội, để phó thủ tướng Vladimir Semachko thay thế. Chính quyền Minks bất bình vì Bêlarus được mời nhưng trong thiệp không đề đích danh tổng thống. Tổng thống Tiệp, nước chủ nhà còn gây chấn động khi tuyên bố là “sẽ không bắt tay Loukachenko”.
Quan hệ giữa Bruxelles và Minks khá căng mặc dù Liên Hiệp Châu Âu tỏ nhiều thiện chí với “nhà độc tài cuối cùng” đến mức đối lập Bêlarus than phiền là bị bỏ rơi.
Hôm 16/3, Liên Hiệp Châu Âu triển hạn quyết định tạm đình chỉ các biện pháp cấm vận đối với tổng thống Loukachenko và một số lãnh đạo cao cấp cũng như thân nhân của họ. Một trong những điều kiện để bãi bỏ hẳn các biện pháp cấm vận là Bêlarus phải không ngả theo sự thôi thúc của Nga, công nhận độc lập hai vùng ly khai ở Gruzia hiện do Nga kiểm soát.
Cho đến giời này thì đúng là Loukachenko giả ngơ giả điếc không theo Nga trên hồ sơ này. Ông ta đòi Nga phải viện trợ hàng tỷ đôla trước đã. Thái độ mặc cả của Bêlarus cũng gây bất bình cho Nga, nhất là Bêlarus là trạm trung chuyển xuất khẩu khí đốt của Nga qua châu Âu.
Châu Âu cũng là một thị trường to lớn của Bêlarus. Trong năm 2008, Liên Hiệp Châu Âu một mình chiếm gần 44% thị phần xuất khẩu của Bêlarus.
Cho dù về mặt chính thức, Minks ủng hộ Matxcơva, chống chính sách mở rộng của Liên Minh Bắc Đại Tây dương nhưng tổng thống Loukachenko không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhắc chính quyền Nga là sự hậu thậu thuẫn của ông không phải là tự động và miễn phí.
Do vậy bị thúc ép lắm, ông mới lên tiếng chỉ trích Gruzia cho có lệ. Ông còn viện lý do trong nước sắp bầu Quốc hội, tránh những hành động gây phật lòng Tây phương, để không thực hiện lời hứa với Nga là công nhận Nam Ossetia và Abkhazia.
Để tìm hiểu thêm về bàn cờ tay ba này, RFI đặt câu hỏi với giáo sư bang giao quốc tế Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre.
Nghe âm thanh bài phỏng vấn

Câu hỏi đặt ra là liệu Bêlarus cuối cùng có thấy sự lợi ích ngả theo Liên Hiệp Châu Âu và dân chủ hóa chế độ hay không ? Hay chỉ tìm cách mặc cả với Nga để được viện trợ kinh kế lâu dài ? Theo chuyên gia Pháp Jean-Charles Lallemand tại Nghị viện châu Âu, thì có nhiều khả năng chính quyền Minsk chọn con đường dễ dàng nhất là “làm tiền” nước Nga hơn là theo con đường dân chủ của châu Âu. Dù theo chính sách nào, chế độ này cũng sẽ phải làm sáng tỏ lập trường.
Đối với châu Âu, thì sau hội nghị thượng đỉnh, một ngân sách 600 triệu euro sẽ được chi ra cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển hợp tác tại sáu nước thuộc Liên Xô cũ.
Dường như cũng để xoa dịu Matxcơva, ngoại trưởng Tiệp Karel Schwarzenberg thẩm định là trong tương lai, những quốc gia khác như Nga, Thổ Nhĩ kỳ, Nhật và Mỹ cũng có thể tham gia vào “đối tác phương đông”

No comments:

Post a Comment