5/24/09

CÂY THỤ NHÂN BÊN CỔNG THIÊN ĐƯỜNG



“Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu” (Nguyễn Du)
LÊ ĐÌNH THÔNG

clip_image002


P R É F A C E
PÈRE JEAN MAÏS

clip_image004"Si vous voulez voir aboutir vos projets dans le courant de l'année,rien n'est mieux que de cultiver le riz. Si vous pouvez attendre dix ans, plantez donc un arbre. Mais si vous avez cent ans devant vous, le plus bel ouvrage est de travailler à la croissance des hommes".
C'est ce que disait le proverbe traditionnel que notre cher recteur, Mgr Nguyen Van Lap, avait choisi pour illustrer la tâche qu'il avait assignée à son université de Da Lat : "faire croître des hommes". Notre ami, le professeur Lê Đình Thông, dans ce beau et profond récit où il décrit sa rencontre imaginaire au paradis avec l'ancien recteur, vient lui ajouter une dimension supplémentaire, celle de l'éternité. C'est en elle que désormais se trouve celui qui nous a quitté en laissant tant de regrets chez ses anciens professeurs et étudiants. C'est dans cette perspective, "sub specie aeternitatis" , qu'il contemple désormais l'oeuvre qu'il a accomplie, une plantation qui s'épanouit et s'élève désormais sur toute la surface du globe, une plantation composée d'hommes et de femmes qu'il a marqués de son influence et surtout de son coeur, ce coeur qui bat désormais sans fin.
Quelle belle initiative d'avoir planté l'arbre "Thụ Nhân" à la porte du paradis, cet arbre Désormais, il a pris les couleurs de la vie éternelle, pour nous rappeler ce qui est en jeu dans notre œuvre de formation des hommes et de femmes, à savoir l'accès à la vie éternelle, la découverte de la valeur inestimable de chacune de nos vies.
Merci au professeur Lê Ñình Thông de nous faire revivre toutes les étapes de la vie de notre recteur bien aimé, de tracer de lui, pour notre imagination et notre coeur, un portrait si chaleureux.
clip_image006
Père Jean Maïs
Ancien Enseignant de
l’Université de Dalat





TỰA

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc . Thập niên chi kế mạc như thụ mộc . Bách niên chi kế mạc như thụ nhân .
Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa .
Kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây .
Kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người.

Danh ngôn của người xưa đã được Đức Ông Nguyễn Văn Lập, vị cựu Viện Trưởng kính mến của chúng ta, chọn làm kim chỉ nam cho Đại Học Dalat : “Trồng Người”. Trong một câu chuyện tưởng tượng thật hay, thật đẹp, thật thâm thúy, mô tả sự trùng phùng với Đức Ông trên Thiên Đường, anh bạn của chúng ta là Giáo Sư Lê Đình Thông đã đem lại chiều kích mới cho phương châm ấy, đó là cõi vĩnh hằng. Cõi ấy là nơi Người vừa giã từ chúng ta tìm đến, để lại biết bao là tiếc nhớ cho toàn thể Giáo Sư và cựu sinh viên của Viện Đại Học Dalat. Chính trong viễn tượng đó, sub specie acternitatis, dưới lăng kính của thiên thu, Ngài đang ngắm nhìn công trình vun trồng của mình, một rừng Thụ Nhân đang sinh sôi nẩy nở trên khắp địa cầu, một rừng nam nữ đang hấp thụ lý tưởng của Ngài, và nhất là rung động theo trái tim của Ngài, một trái tim giờ đây mãi mãi không ngừng nhịp.
Còn gì đẹp bằng sáng kiến đem cây Thụ Nhân trồng bên cổng Thiên Đường. Từ nay, cây Thụ Nhân sẽ mang mầu sắc của sự vĩnh cửu, để nhắc nhở chúng ta rằng trong nhiệm vụ giáo dục con người, vấn đề quan trọng là đạt đến đời sống vĩnh cữu, là tìm ra giá trị vô biên của mỗi đời sống chúng ta.
Cảm ơn Giáo Sư Lê Đình Thông đã làm cho chúng ta sống lại những quãng đời của vị cựu Viện Trưởng kính mến, đã giúp chúng ta phác họa trong tâm trí một bức chân dung của Ngài chứa chan tình người.
Linh Mục Jean Maïs
Cựu Giáo Sư
Viện Đại Học Dalat
Lưu Văn Dân dịch






Mấy hôm trước lễ Noël 2001, các nhánh Thụ Nhân khắp nơi rũ xuống như cành liễu, chịu tang người có công trồng cây Thụ Nhân trong thập niên 60 trên ngọn đồi Đại Học Dalat. Nhà giáo dục Nguyễn Văn Lập đã vĩnh biệt cả một rừng Thụ Nhân lúc 18 giờ thứ tư 19-12-2001, trước lễ Noël năm ngày. Cha nhờ cây thông Noël từ biệt mỗi cành Thụ Nhân vào trước lễ Giáng Sinh. Vào những ngày cuối năm dương lịch, nhiều gia đình dựng biểu tượng Thụ Nhân ở góc phòng.
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nước mắt Thụ Nhân khắp nơi làm không gian ướt sũng. Bầu trời lạnh lẽo cuối năm biến lệ sầu thành màn sương dày đặc che phủ thành phố Paris. Kinh thành ánh sáng có thắp bao nhiêu ngọn đèn cũng vô ích. Bầu trời đêm dầu có hằng hà sa số tinh tú cũng không làm đêm khuya bớt tăm tối. Sương mù Paris đêm nay dày hơn sương mờ Dalat. Sương sớm sương khuya cao nguyên biến dãy núi Lâm Viên thành bức tranh thủy mặc mờ mờ ảo ảo. Đêm nay, sương mù Paris khiến trăng sao ngụp lặn trong lớp sương dày đặc. Mấy hàng chữ email ngay ngắn của anh Phạm Chí Thành gởi chị Phong Nhã nhờ chuyển lại cho tôi siêu vẹo thảm thương. Tấm màn internet là sương mù hay nước mắt ? Phạm Chí Thành là nhánh Thụ Nhân duy nhất chứng kiến giây phút tử ly của cha. Ngày 28-12, Thành gửi e-mail kể lại tang lễ:
« Trong lễ truy điệu chiều 21-12, anh Cao Đình Phúc (CTKD1) đọc Văn tế của LĐT soạn và anh Phạm Văn Bân (Khóa 7) đọc bài Khóc Cha1 do anh Trần Văn Lương (Mỹ) viết. Hai bài thơ dài lời lẽ thống thiết, tình ý sâu xa đã làm mủi lòng mọi người. Trong quan tài, chắc Đức Ông nằm đó cũng phải ứa ước mắt. » Tôi đọc thư của Thành vào lúc nửa đêm. E-mail của Thành dẫn tôi về bến nước Bình Triệu. Tối nay, không gian Bình Triệu che phủ màn sương trắng đục rất là tang thương. Trong cõi vô minh nửa tỉnh nửa mê, tôi mơ màng gặp lại cha.
*
Màn sương dày đặc đến nỗi tôi giẫm chân trên sương mà không hụt bước. Tôi đi hết lớp sương là ra khỏi cõi nhân gian. Còn lại là đường mây chập chùng. Tôi mỏi chân rồi nên nghỉ mệt trên cụm mây trắng nổi trôi bồng bềnh. Hồi còn đi học, tôi thường ngồi bệt xuống đồi cỏ sân cù ngắm trời mây. Mây có cánh đâu mà bay miết như đại bàng : Phượng hề! Phượng hề !2 Tôi chỉ kịp giụi mắt là thấy mình đứng trước một cánh cổng rộng mở, phía bên trái có trồng cây Thụ Nhân.Tôi ngỡ là sân trường. Cha khoanh tay nhìn tôi. Tôi luýnh quýnh sợ trễ học chạy vội về giảng đường, bỗng nghe tiếng cha gọi :
- Con à !
Tôi hỏi cha :
- Cổng đại học mà sao cảnh trí bên trong khác lạ ?
Giọng cha là bếp lửa ấm cúng :
- Đại học năm xưa là vườn địa đàng tập sự. Đây mới là thiên đường thiệt sự. Con đang khóc đấy à ?
Tôi giụi mắt thấy ướt, vội chống chế :
- Chắc là sương ướt đọng bờ mi.
Cha biết tôi nói dối nên mỉm cười. (Cõi nhân gian ai mà chẳng nói dối ?) Thiệt ra, tôi không cầm được nước mắt khi đọc bức e-mail chí thành (viết chữ thường như một định từ). Tôi hỏi cha :
- Thiên đường mà cũng trồng Thụ Nhân ?
- Trên thiên đường không có nắng gắt, chỉ toàn là hoa nên không có cây dài bóng mát. Có ai mỏi mệt đâu mà cần bóng mát. Hôm cha mới lên đây, thánh Phêrô thấy cha thơ thẩn nhớ các con ở trần gian, hỏi cha muốn gì. Cha chỉ mơ một cây Thụ Nhân thôi. Thánh nhân bằng lòng. Vì vậy mới có cây Thụ Nhân bên cổng thiên đường.
Tôi ngây người nhìn cha. Thiên đường chỉ có không gian mà vắng bóng thời gian. Thời gian riêng của cõi nhân gian. Thời gian phân chia năm tháng khiến con người hữu hạn. Sinh, lão, bệnh, tử vây hãm, cắm mốc biên cương vào kiếp sống. Ngược lại, thiên đường bôi xóa thời gian. Khuôn mặt chữ điền của cha không còn vết nhăn, mái tóc hết bạc phơ. Phép mầu thiên cung làm cha trẻ lại. Tôi là phàm nhân đành để cho thời gian rỉa róc thảm thương.
Trên thiên cung toàn là kỳ hoa dị thảo, tôi chưa từng thấy bao giờ. Chỗ nào cũng là hoa. Cánh hoa thiên cung vẫn mong manh như ngàn hoa nhân thế. (Hoa mong manh là hoa quyến rũ. Hoa bất tử nên cứng cỏi, không len lỏi được vào ngõ ngách tâm tư).
Ánh sáng thường mang theo niềm hạnh phúc. Ánh sáng chói chan là biểu hiện của hạnh phúc. Hồi còn đi học, tôi thấy trong nắng sớm niềm vui và sương khuya nỗi nhớ. Tôi luýnh quýnh theo cha qua cây cầu bán nguyệt màu son. Cây cầu nhỏ lắm, chỉ đủ chỗ cho một người. (Cây cầu hẹp càng thêm thấm thía sự cô đơn). Cây cầu này không khác gì cầu màu đỏ thắm trước thư viện đại học. Trên thiên cung, nhịp cầu nho nhỏ mang tên Cầu Vọng Tưởng. Dưới chân cầu, nước chảy róc rách tấu khúc nhạc tâm tư. Khi qua cầu, tâm tư hồi tưởng khúc nhạc nào, suối trong liền tấu nhạc đợi chờ. Cha bảo tôi :
- Con thử vọng tưởng bất cứ khúc nhạc nào.
Tôi nhớ lại ca đoàn cha Ngô Duy Linh hợp xướng ca khúc « Dalat Trăng Mờ », Hải Linh
phổ thơ Hàn Mặc Tử. Lập tức tôi nghe suối nước tự tình :
‘‘Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều.
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió.
Và để xem trời (xem trời í)
giải nghĩa (í) y...ê...u...’’
(Mấy dấu chấm là chữ « Yêu » ngân thiệt dài).
Cho dù thời gian rất đỗi xa xôi, tôi vẫn hình dung được làn môi ca viên vo tròn như chữ o, ngân dài chữ ‘’y...ê...u... ‘’ trên sân khấu hội trường Hòa Bình. (Chữ Yêu trong đời thường ngắn ngủi nên chữ Yêu trong ca khúc phải ngân dài.)
Nghe xong khúc nhạc vọng tưởng, cha bảo tôi ngồi xuống bên cha trên ghế đá thiên cung. Từ ghế đá nhìn ra ngoài cổng thiên cung thấp thoáng bóng cây Thụ Nhân. Cây lay động xôn xao tự tình. Màu xanh Thụ Nhân rất tuyệt vời. Đành rằng vẫn là màu xanh lá cây, nhưng palette pha màu của họa sĩ chưa từng có màu xanh này. Cha bảo tôi :
- Cha chăm sóc Thụ Nhân bằng tình yêu thương nên cây vương mầu truyền sinh.
Tôi hỏi cha :
- Màu truyền sinh là màu gì?
Cha đứng dậy. Còn tôi thì ngây người nghe lời tự tình giáo dục. Hành lang Sorbon của Đại học Sorbonne (Paris) có bức bích họa hoành tráng chiếm phân nửa hành lang tên là L’Etude của Henri Martin, vẽ lại một lớp học dưới bóng mát cây xanh, nối tiếp truyền thống Đối thoại (Dialogue) của phương Tây, hoặc Luận ngữ của phương Đông. Bức tranh không khác chi cảnh thiên đường lúc này. Giọng cha hào sảng :
- Truyền sinh là nối tiếp sự sống. Sự sống bao giờ cũng được được diễn tả bằng màu xanh. Vì
màu xanh là màu truyền sinh.
- Màu xanh truyền sinh và màu xanh Thụ Nhân khác nhau như thế nào hả cha ?
- Cả hai đều bắt nguồn từ sự sống và để phục vụ sự sống. Con nhớ chăng ngày 28-4-1965, cha
từng nói với các con trong giảng đường Hội Hữu: ‘‘Ý thức trách nhiệm trong phạm vi giáo dục và để khắc phục mọi khó khăn, chúng tôi thường tâm niệm lời giáo huấn của cổ nhân :
‘‘Kế một năm không gì bằng trồng lúa,
Kế mười năm không gì bằng trồng cây
Kế trăm năm không gì bằng trồng người.
Bách niên chi kế mạc như Thụ Nhân.’’
- Tại sao ‘‘ trách nhiệm giáo dục’’ lại đi liền với ‘‘khắc phục khó khăn’’ ?
- Con ạ, khi nói trách nhiệm giáo dục là cha muốn nói tới việc trồng người. Con có thấy công việc cầy sâu cuốc bẫm của nông gia ? Trồng lúa khiến nhà nông mệt mỏi trong một vụ mùa. Trồng người khiến nhà giáo dục mệt trí suốt một đời. Nếu không có lời tâm niệm Thụ Nhân khiến đôi lúc ngã lòng.
Cha vừa là nhà tu hành, vừa là nhà giáo dục. Trong Tâm kinh của Thiền tông có câu thần chú
(mantram): Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svàha !
(Này Bodhi, đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia). Thụ Nhân là tâm kinh đại học.
Cũng như chân ngôn Gate, gate được giữ nguyên chữ Phạn, Thụ Nhân giữ nguyên thể chữ Hán. Tuy có nói Trồng người, nhưng bao giờ cũng kèm theo Thụ Nhân.
Thụ Nhân khác gate ở chỗ :
Gatemột mình qua bờ bên kia. Thụ Nhânrủ nhau ở lại bờ bên này để cùng nhau trồng người.
Cha trồng người trên mảnh đất đại học. Nhưng ý nguyện giáo dục đã nhen nhúm ở Quảng Trị. Quê cha miền Quảng Trị. Ngoài Quảng (Trị), cuộc đời cha trải rộng ba chữ Quả(ng) khác là :
- Quảng (đại),
- Quản (Trọng),
- và Quả (quyết).
Giấy tờ hộ tịch ghi quê cha ngoài Quảng Trị. Quê hương Quảng Trị khắc ghi tinh thần quảng đại trong tâm khảm cha. Sau này, cha quả quyết áp dụng châm ngôn ‘‘Thụ Nhân’’ của Quản Trọng. Chữ nghĩa nhiều khi cấu kết nhau làm nên một sự nghiệp.
Quê cha có sông Thạch Hãn. Cũng như bất cứ dòng sông nào, Thạch Hãn dẫn nước vào ruộng đồng để :
- trồng trọt (culture irriguée) ,
- và trồng người (homme de culture).
Thệ giả như tư phù, bất sả trú dạ.
斯 夫。不 舍 昼 夜
(Trôi chảy mãi thế ư, ngày đêm không ngừng nghỉ).
Thạch Hãn, mồ hôi sỏi đá, đủ nói lên sự nhọc nhằn của miền quê Quảng Trị. Tâm trí cha khắc ghi bức tranh quê gồm nhiều mái tranh nghèo xơ xác và bao gia đình vất vả ngược xuôi. Dân làng thiếu thốn từng miếng cơm manh áo, làm sao nghĩ đến việc học.
Ngọn lửa nào chẳng bắt đầu bằng một tia sáng? Bức tranh nghèo miền quê Gio Linh làm nhen nhúm trong cha trách nhiệm giáo dục. Sau này, cha thực hiện hoài bão ấp ủ bằng cách trồng người trên thửa đất đại học.
Chương I
Ca khúc Gio Linh

clip_image008 Cha Nguyễn Văn Lập sinh ngày 28-10-1911 ở xã Vạn Kim, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Quê hương cha rất quen thuộc, với ca khúc Bà Mẹ Gio Linh :
Mẹ già cuốc đất trồng khoai,
Nuôi con đánh giặc đêm ngày.
Cho dù áo rách sờn vai,
Cơm ăn bát vơi bát đầy.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Mẹ già nấu nước chờ ai,
Đêm đêm súng nổ vang trời.
Giật mình em bé mồ côi,
Khăn tang cũng hoen tiếng cười ! 3
Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác Bà Mẹ Gio Linh ở làng Gio Linh vào năm 1948. Địa danh này có từ năm Đồng Khánh nguyên niên (1889).
Gio Linh năm 1948 không khác gì Gio Linh muôn thuở :
- Thập niên 40 có Bà Mẹ Gio Linh.
Ca dao miền Trung có :
Mẹ bồng con ngồi cầu Ái Tử,
Thiếp trông chồng đứng núi Vọng Phu.
hoặc :
Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử.
Theo Trần Văn Tích, ‘‘cầu Ái Tử dài 41,20 mét, nằm trên quan lộ, bắc qua sông Ái Tử, một phụ lưu sông Thạch Hãn’’ 4. Ái Tử còn là tên một ngôi làng ở Quảng Trị. Năm 1558, Chúa Nguyễn Hoàng cho khởi công lập Dinh ở làng Ái Tử thuộc phủ Triệu Phong. Theo học giả Thái Văn Kiểm, linh mục Nguyễn Văn Thích, nguyên là giáo sư Viện Đại Học Huế, có công xác định sông Ô Lâu. Dòng Ô Lâu nhắc lại địa danh Châu Ô của vương quốc Chiêm Thành. Năm 1069, vua Rudravarman III dâng các châu Ma Linh, Địa Lý, Bố Chính cho vua Lý Thánh Tông :
Trăm năm dù lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cộ con đò khác xưa.
Cây đa bến cộ còn lưa,
Con đò đã thác năm xưa tê rồi.
Bến cộ là bến cũ, phát âm theo người Mường. Quê hương Quảng Trị còn ghi dấu qua câu ca dao :
Yêu em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Thanh.
Truông nhà Hồ nay là khu rừng Hồ Xá. Địa danh này nhắc lại việc Hồ Hán Thương cho đào thủy lộ. Phá Tam Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Đất Gio Linh trồng ngô trồng khoai, cơm ăn bát vơi bát đầy. Quê hương cầy lên sỏi đá được giải thích về phương diện thổ nhưỡng như sau :
1) Tính chất đồng bằng duyên hải miền Trung thể hiện sự gia tăng tỷ lệ vật liệu biển với các dải cồn cát, các vỏ sò ốc biển trong các lớp đất và cả ở sự gia tăng tỷ lệ đồi núi sót trong lòng đồng bằng do nền uốn nếp bên dưới không bị sụt võng, lớp bồi tích phù sa đệ tứ mỏng, đất đai ít màu mỡ và phân lớp phức tạp vì vừa chịu ảnh hưởng của các vật liệu ferrate từ các vùng đồi đi xuống, vừa chứa nhiều các vật liệu thô từ biển tới như cát, vỏ sò ốc.
2) Tính chất chung của các đồng bằng duyên hải miền Trung là chân núi – ven biển và chia thành ba vệt từ ngoài vào trong :
- Cồn cát, đụn cát và đầm phá chưa lấp xong ;
- Đồng bằng bồi tích sông – biển có cồn cát và đầm phá cũ ;
- Vùng đồi gò chân núi có thềm phù sa cổ và thềm biển. Các nhánh núi ngang, lại ngăn cách dải đồng bằng ra thành từng đồng riêng rẽ, nhỏ hẹp. 5
Đất xác xơ khiến con người xơ xác. Trần Văn Tích cực tả xứ dân nghèo như sau :
‘‘Răng mà cấy chi cũng mít: cơm gạo đỏ độn lổn nhổn nửa hột mít nửa gạo, ăn với cá long hội kho kèm sơ mít, dặm thêm chút muối mè, mà màu muối trắng chỉ muốn lấn át màu mè vàng. Cá long hội cũng chỉ thấy ăn ở Quảng Trị. Nó là thứ cá lớn chừng ba bốn ngón tay, vi và xương rất cứng. Ăn không cẩn thận là bị lôi họng nên mới gọi là long hội (lôi họng). Để nuốt cho trôi những bát cơm gạo đỏ trộn hạt mít khô thì có mít non nấu canh với ruốc hay mít luộc chấm mắm nêm. Đố ai thường xuyên tìm được chút thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân Cam Lộ, Hương Hóa. Ít ló quá nên ăn khoai ăn sắn ăn bắp là sở trường của dân Quảng Trị. Khoai được nấu, được hấp, được độn đã đành. Khoai còn được biến chế thành khoai luộc, khoai khô. Khoai luộc là khoai nấu chín, cắt thành lát mỏng và phơi nắng cho khô. Còn khoai khô là khoai cắt thành từng thỏi cỡ bằng ngón tay và cũng phơi khô. Khoai luộc để lót lòng cho đỡ dạ hay để điểm tâm vì khỏi phải nấu nướng trước khi ăn. Nhưng khoai khô thì phải nấu, thường là nấu với đậu đen.’’ 6
Trong bài Người Cha Bình Triệu, nữ tu Kiều Nga có nói về thói quen ăn uống (coutume culinaire) của cha như sau : Món canh nhà quê mà cha thích là ‘‘mít non’’ luộc, xong rồi nấu canh.’’ Mít non nấu canh, vì quê hương thường để lại trong cuộc sống nhiều chứng tích, đôi khi biến thành một bản tính thứ hai (seconde nature) như nhận xét của Blaise Pascal.
Ngoài Bà Mẹ Gio Linh, nhiều người biết Quảng Trị là nhờ Đức Mẹ La Vang. Năm 1798, vua Cảnh Thịnh hạ lệnh bắt đạo. Giáo dân Quảng Trị phải trốn vào rừng La Vang. Đức Mẹ hiện ra với các giáo dân đang cầu nguyện dưới gốc cổ thụ và phán với họ rằng : ‘‘Từ nay, ai đến cầu nguyện với Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ ban ơn.’’ Ngày 22-8-1961, Tòa Thánh nâng thánh đường La Vang lên hàng Vương cung Thánh đường. 7
Năm 1831, vua Minh Mệnh tách Quảng Trị ra khỏi Bình Trị Thiên. Năm Duy Tân thứ hai (1908), tỉnh Quảng Trị gồm 2 phủ, 6 huyện và 9 châu 8.
1) Theo kết quả kiểm tra dân số năm Thành Thái thứ 10 (1898), dân số Quảng Trị gồm :
- Kinh : 21 776 người.
- Thượng : 1 589 người.
2) Thống kê dân số (1-4-1989) ghi nhận dân số tỉnh Bình Trị Thiên là 1 995 000 người. Bình Trị Thiên bao gồm : Quảng Bình (tỉnh lỵ : thị xã Đồng Hới), Quảng Trị (tỉnh lỵ : thị xã Đông Hà), Thừa Thiên – Huế (tỉnh lỵ : thành phố Huế).
3) Theo kết quả điều tra dân số ngày 1-4-1999 của Tổng cục Thống kê, dân số Quảng Trị hiện nay là 573 332 người. Diện tích là 4 588 km². Dân số Quảng Trị chiếm 0,75% dân số toàn quốc (76 324 753 người), dân số gia tăng từ 1898 tới 1999 (101 năm) là 551 556 người (+ 2 354%).
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, chiều ngang (từ đông sang tây) tỉnh Quảng Trị là 116 dặm, chiều dọc (từ nam chí bắc) là 127 dặm.
Năm 1923, cậu Simon Nguyễn Văn Lập vào học chủng viện An Ninh ở Vĩnh Linh (Cửa Tùng). Chủng viện An Ninh được xây từ thế kỷ XIX. Cửa Tùng có nhà thờ Di Loan được kể trong số những ngôi đại giáo đường của đất nước. Nhà thờ Di Loan kiến trúc theo kiểu gothique với hai tháp cao, mô phỏng thánh đường Chartres, nằm trên tả ngạn sông Eure, cách Paris 96 km về phíaTây Nam. Thánh đường Chartres được khởi công xây cất vào đầu thế kỷ XIII, ròng rã suốt 30 năm. Hàng năm, vào dịp lễ Phục sinh, nhiều ngàn sinh viên đi bộ từ Paris tới Chartres hành hương.
Thánh đường Di Loan được chạm trổ rất công phu. Trong thánh đường Di Loan có tượng Đức Bà Paris (giống bản chính trên bàn thờ Thánh Mẫu của Vương cung Thánh đường Notre Dame de Paris). Linh mục Léopole Cadière (1869-1955) của Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.) có công trang trí ngôi giáo đường này. Ngài thường được gọi là Cố Cả. Năm 1892, Ngài được Đức Cha Caspar bổ nhiệm làm giáo sư tại Chủng viện An Ninh. Năm 1918, linh mục Cadière là cha sở họ Di Loan (Cửa Tùng), đồng thời giảng dạy môn Tu từ pháp (Rhétorique) và Triết học tại Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng). Di Loan có trong số những họ đạo đầu tiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1930, linh mục Cadière trở lại Di Loan. Ngài là một sử gia và nhà ngôn ngữ học danh tiếng. Ngài cho rằng tiếng Việt có cách cấu trúc tinh tế nhất, từ vựng tiếng Việt vô cùng phong phú. Trong thời gian từ 1898 tới 1955, Ngài trước tác 245 công trình nghiên cứu có giá trị.clip_image010 Cố Cả có trong số những cộng tác viên đầu tiên Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient) và là sáng lập viên Tập san Hội Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế). Có lẽ do ảnh hưởng của linh mục sử gia Cadière, sau này cha Nguyễn Văn Lập theo ngành sử học. Trong bài Viện trưởng Nguyễn Văn Lập và vấn đề chủ quyền, GS Hoàng Ngọc Thành nhắc lại một kỷ niệm với cha khoảng tháng 3-1956 : ‘‘Cha cũng kể việc cha du học tại Pháp và đậu bằng cử nhân sử học khi tôi hỏi về cha Trần Thanh Giản, trước kia làm giám thị tại trường Thiên Hựu và lúc bấy giờ ở tại Paris.’’
Cha Nguyễn Văn Lập là hiện thân của người dân Quảng Trị. ‘‘Người dân Quảng Trị vốn sinh ra và lớn lên trong một vùng đất chịu nhiều tai trời ách nước, đã tự hun đúc cho họ một ý chí chịu đựng dẻo dai, một lòng kiên nhẫn vô bờ. Họ sống rất chân tình với đồng hương ruột thịt, họ chán ghét những lừa đảo, những binh biến máu đổ thịt rơi. Họ cần cù, kiên nhẫn chống chọi với thiên tai, những mùa đông lạnh cắt da, những mùa hè hừng hực nung người. Họ sống hòa vào mảnh đất quê nghèo, tuy lam lũ nhưng hài lòng với cuộc sống. Khi có cơ hội góp mặt với đời và đóng góp vào đại cuộc, họ đem hết tài năng và khả năng của mình ra thi thố. ’’ 9
Cha có tất cả các đặc tính của người dân Quảng Trị :
- Đồng hương của cha là ba miền Trung-Nam-Bắc (viết liền nhau, không ngăn cách bằng dấu
phết).
- Ruột thịt của cha là tất cả học trò.
- Đại cuộc của cha là giáo dục.
- Tài năng của cha là trồng người.
Cha trồng người nhằm tạo thế đứng độc lập vững vàng riêng cho mỗi người và chung cho nền giáo dục, nhằm xóa bỏ sự phân hóa từ lâu đã mọc rễ vào cuộc sống. Sự phân hóa này thể hiện qua những thành kiến, những thành phần xã hội khác nhau và cả niềm tin tôn giáo dị biệt.
Cha trải qua quãng đời niên thiếu ở Cửa Tùng. Cửa Tùng nằm về hướng đông nam phủ Vĩnh Linh và là điểm cực bắc tỉnh Quảng Trị. Cửa sông Cửa Tùng (tức sông Bến Hải) trồng nhiều thông (cây tùng), vì thế mới có địa danh Cửa Tùng. Cây tùng (trồng ở Cửa Tùng) và cây thông (trồng ở Dalat, có tên khoa học là pinus dalatensis) trở thành biểu tượng giáo dục trong sự nghiệp trồng người của cha.
Trong khoảnh khắc, một góc thiên đường mang hình ảnh Cửa Tùng. Ba nhánh sông Bến Hải chia thành ba nhánh ở ngã ba Hiền Lương (trong số có sông Cửa Tùng), giống như ba miền Trung Nam Bắc. Ba nhánh sông đổ vào biển cả, như ba miền đất nước hòa chung sóng nước mênh mông của biển cả Mẹ Việt Nam. Trong lúc hình ảnh Cửa Tùng hiển hiện trên thiên cung, từ chốnxa xăm vọng lại đoạn nhạc số 16 ‘‘Mẹ Trùng Dương’’ trong Trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy :
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng.
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . .
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ hiền.
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về Mẹ yêu. 10
Thiên đường chỉ toàn là tùng. Tiếng thông reo hòa cùng hợp xướng Mẹ Việt Nam. Nghe trong cung nhạc có sóng nước vỗ về, không khác điệu ru ngàn đời của Mẹ Việt Nam. Khi ru khúc vừa hết, hình ảnh Cửa Tùng mờ nhạt dần rồi biến mất trong cảnh trí thiên đường. Tôi hiểu rồi. Từ ngàn thông (Cửa Tùng) tới cây Thụ Nhân (Dalat), cuộc hành trình giáo dục của cha toàn là thông. Tôi hỏi cha :
- Cha ơi, tại sao cha lại lấy cây thông làm biểu tượng Thụ Nhân. Sao cha không chọn một cây nhiệt đới nào khác ?
Cha nhìn tôi mỉm cười :
clip_image012- Mùa đông rét mướt, tùng bách vẫn xanh. Quảng Trị nằm ở bắc vĩ tuyến 20°B. Bờ biển Cửa Tùng sóng to gió lớn có nhiều đụn cát cao. Gió mùa đông bắc từ cao áp Sibérie, Mông Cổ từ tháng 12 đến tháng 2 khiến cây cối nhiệt đới phải rũ lá. Chỉ riêng cây tùng ở Cửa Tùng là không nao núng, vẫn vi vu trong gió lạnh. Dalat cũng vậy. Thành phố này nằm ở cao độ 1500 mét. Trên vùng núi, bao giờ nhiệt độ cũng giảm đi, lượng mưa và độ ẩm lại tăng lên.11 Chỉ riêng cây thông là chịu lạnh: ‘‘giữa trời vách đá cheo leo’’. Một nền giáo dục đích thực nhằm chuẩn bị cho con người thích ứng được với mọi hoàn cảnh, ý chí không bị dao động. Vì vậy, cha mới chọn cây thông làm biểu tượng của giáo dục Thụ Nhân.
- Thưa cha, cây tùng mọc ở Cửa Tùng và cây thông mọc ở Dalat khác nhau ra sao ?
- Tuy cả hai cùng chung một họ, nhưng thông ven biển là thông được sự vỗ về của Mẹ Việt Nam trong sự tích Âu Cơ. Còn thông Dalat là thông của truyền thống Lạc Long Quân. Giữa Mẹ (ven biển) và Cha (miền núi) còn là biểu tượng văn hóa đông phương. Con nghe chăng câu nói ‘‘nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thủy’’ ? (仁 者 乐山,智 者 乐 水) Cây tùng Quảng Trị là biểu tượng của ‘‘Trí’’. Cây thông Dalat là biểu tượng của ‘‘Nhân’’. Giáo dục Thụ Nhân là sự kết hợp giữa ‘‘Nhân’’ và ‘‘Trí’’. Thụ Nhân là khối óc, nhưng còn là con tim. Một cơ thể chỉ có bộ óc mà không có con tim không thể nào sống được.
- Trong những năm 60 ở Dalat, khi hướng về tương lai đất nước và riêng mỗi sinh viên, cha nêu khẩu hiệu Thụ Nhân. Trong những năm 90 ở Bình Triệu, khi nhìn lại quá khứ, cha nói đến ‘‘mái trường cũ mà người ta gọi là Alma mater’’. Cha ơi, Alma mater nghĩa là gì ?
- Các nhà thơ latinh như Horace (65-8 tr. C.N.) trong tác phẩm ‘‘Odarum seu carminum libri’’ thường so sánh Alma mater (hoặc Alma parens) với tổ quốc (mère patrie). Alma (Almus) nghĩa đen là nuôi nấng (nourricier), chuyển sang nghĩa bóng là dịu hiền (doux, bon). Almer mater là mẹ nuôi nấng (mère nourricière) và là mẹ dịu hiền (mère douce), không khác chi truyền thống dân tộc : ‘‘dưỡng’’ nhưng cũng là ‘‘dục’’. Từ 1898, các nhà văn mượn thành ngữ này để chỉ cơ sở đại học (université). Thuở còn thơ, con học vần quốc ngữ dưới mái trường mẫu giáo măng non. Đại học là trường mẫu giáo của tri thức lớn khôn. Alma mater của tây phương không khác gì mẫu hiệu (母 校 muxiào) trong truyền thống đông phương
- Cha ơi, Alma mater và Thụ Nhân khác nhau thế nào ?
- Sự khác biệt chỉ ở chiều kích (dimension) mà thôi. Thụ Nhân là trồng người theo chiều dọc (vertical), lún sâu vào lòng đất mẹ. Alma mater là xã hội hóa việc trồng người theo chiều ngang (horizontal) nhân sinh : Các đồng môn xuất thân từ một mẫu hiệu đều là anh chị em ruột thịt. Các con phải thương yêu đùm bọc nhau. Con có nhớ lời cha dặn bên cổng thiên đường hôm nay không ?
- Thưa cha, con nhớ rồi !
Ngày nay, sở dĩ mỗi nhánh Thụ Nhân không lìa khỏi thân, một lòng một dạ với thầy với bạn vì cây Thụ Nhân được trồng trên thửa đất ‘‘nhân giả lạc sơn’’ của một mẫu hiệu : Viện Đại Học Dalat.
Almer mater (muxiào) là một tổ quốc, hoặc mẫu quốc (母 國muguó) thu nhỏ. Tình hoài hương (nostalgie) thường bắt đầu bằng tình nhớ thương trường cũ : Bao tháng ngày xa vắng trôi, còn đâu nếp trường xưa… (Ca khúc Hướng đạo). Sử sách ghi một giai thoại liên quan đến quê hương Cửa Tùng của cha Nguyễn Văn Lập : Nhân viếng thăm Cửa Tùng, vua Duy Tân cám cảnh đất nước, ứng khẩu :
- Ngồi trên Nước, khôn ngăn được Nước, trót buông câu đã lỡ phải lần.
Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, quê Quảng Trị, tháp tùng nhà vua bèn đối lại :
- Ngẫm việc đời, mà ngán cho đời, liều nhắm mắt tới đâu hay đó.
Ngay khi còn là một chủng sinh, thầy Lập luôn tâm niệm muốn giữ được nhà chỉ còn cách chăm lo giáo dục :
- Ngồi trên Nước, khôn ngăn được Nước, trót buông câu đã lỡ phải lần. (Vua Duy Tân)
- Ngẫm việc Nhà, muốn giữ yên Nhà, lo trí thức tương lai dân tộc.
Hoặc (không gò bó luật bằng trắc):
- Ngẫm việc Nhà, muốn giữ yên Nhà, cây Thụ Nhân trồng suốt trăm năm.
‘‘Nhà’’ được hiểu theo cả nghĩa rộng là ‘‘Nước nhà’’ (như trong câu nói của vua Duy Tân) lẫn nghĩa hẹp là ‘‘nhà’’ (trong câu đối giáo dục Thụ Nhân vừa kể). Muốn làm nước giàu dân mạnh, nhà trường phải rộng mở để đón nhận con em khắp nơi, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo hoặc địa phương.
Cha xót xa nhận thấy tỷ lệ thành đạt của con em miền quê không là bao so với thành thị. Ngay ở thành thị, các gia đình buôn thúng bán bưng phải vất vả lắm mới nuôi con nên người. Ngài lấp hố sâu ngăn cách bằng cách Trồng Người. Thụ Nhân là giáo dục không biên giới. ‘‘Hữu giáo vô loại’’有 教 无 类 (có giáo hóa thì không có phân loại). Năm 1965, cha khai sinh nền giáo dục Thụ Nhân.
Chương Hai
Giáo Dục Thụ Nhân


clip_image014Chủ trương giáo dục của cha chỉ có một quê hương là Thụ Nhân (trồng người). Trồng người là một hành động (action), khác xa một trạng thái (état), lại càng không phải là một lý thuyết suông. Không ai quên được hình ảnh của cha đứng trước văn phòng Đôn Hóa trước giờ học hoặc vào giờ tan học. Nhiều vị viện trưởng điều khiển đại học trong bốn bức tường, hạ bút ký công văn, giấy tờ. Cha vừa ‘‘ngồi’’ trong văn phòng, lại vừa ‘‘đứng’’ trước cổng trường. Cha đứng đó, như người nông dân đứng trên bờ ruộng nhìn đồng lúa chín, người công nhân đứng trong vườn cây nhìn hoa quả đầu mùa. Khi nhìn học trò qua lại, về một phương diện nào đó là cha đã ‘‘trồng người’’. Trong giảng đường hay trong lớp học, cha nhờ các thầy các cô vun trồng trí tuệ cho sinh viên. Cha đứng đây tự tay hun đúc trái tim Thụ Nhân. Khi ngồi trong văn phòng, mối liên hệ giữa vị viện trưởng và các sinh viên chỉ là hệ thống (hiérarchique), vô ngã (impersonnel) và trừu tượng (abstrait). Cha ‘‘xuống đường’’, hòa đồng thương yêu các sinh viên. Khi đứng trước sân, cha thường hút thuốc lá. Trong sách Dư Địa Chí (1438), Nguyễn Trãi chép rằng thuốc hút và hột tiêu là hai thổ sản của Quảng Trị. Một người Quảng Trị hút thuốc lá thì cũng giống như người nông dân miền Bắc hút thuốc lào. Nhưng còn một lý do khác nữa. Trên cao nguyên, khí hậu sáng chiều mát lạnh. Muốn đứng thật lâu nhìn sinh viên đi học hoặc tan trường, cha hút thuốc cho ấm bụng.
Các sinh viên của cha đến từ các chân trời khác nhau, xuất thân giàu nghèo khác biệt, tôn giáo, tư tưởng chính trị (hoặc không theo một khuynh hướng chính trị nào) cũng dị biệt. Nhưng ai cũng yêu mến cha.
Cha chủ trương trồng người. Nghe qua rất đơn giản. Trồng người thì cũng như trồng lúa, trồng cây. Nước ta là nước nông nghiệp. Hiện nay có khoảng 70% dân số là nông gia. Càng lui về quá khứ, tỷ lệ này tăng dần. Cả nước là nông gia. Đất nước Việt Nam được tượng hình qua nhà nông gánh lúa : châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long là hai thúng lúa. Cái đòn gánh kẽo kẹt là dãy Trường Sơn với núi đồi trùng điệp song hành theo hướng tây bắc – đông nam, sườn núi phía biển thoai thoải so với sườn đâu lưng về biên giới.
Quảng Trị có Cửa Tùng, với rừng thông bát ngát. Quảng Trị còn có một thắng cảnh khác là động Phong Nha. Cách làng Sơn Trạch khoảng 30 km về phía nam có bến đò dẫn tới động Phong Nha. Động Phong Nha nằm trong dãy núi đá vôi và khu rừng nguyên thủy (forêts primitives) rộng 41 000 héc ta, có nhiều động vật và thảo mộc hiếm. Trong số 15 thạch động, động Phong Nha là đẹp hơn cả. Linh mục R.-L. Cadière (M.E.P.) là người đầu tiên tìm ra thạch động. Ngài là nhà ngôn ngữ học, thấy phong cảnh thạch động nên thơ nên đặt tên là Phong Nha. Năm 1990, một toán người Anh đi được 7 729 mét hành lang dưới lòng đất. Thạch động (antre) gồm nhiều bờ sông cát trắng, các hang có thạch nhũ (stalactites) từ trên cao thõng xuống và các cột đá (stalagmites). Toàn bộ công trình thiên nhiên được Hóa công trạm trổ công phu, làm thành nhiều bức họa đầy màu sắc tuyệt đẹp.
Ngoài Cửa Tùng, Phong Nha, Quảng Trị của cha còn là Thánh địa La Vang. Vì vậy, cha quyết tâm dùng giáo dục biến cuộc sống thêm tươi đẹp. Nếu QuảngTrị chỉ toàn là trại tù Lao Bảo, là chiến khu Ba Lòng, Khe Sanh, làm sao miền quê này có thể cống hiến cho đất nước một nhà giáo dục suốt đời ươm mầm yêu thương nơi mỗi trái tim Thụ Nhân ?
*
Cửa Tùng và Dalat đều trồng nhiều thông, nhiều tùng. Việc cha lấy cây thông làm biểu tượng Thụ Nhân là nhất quán. Nhưng danh hiệu Thụ Nhận vẫn còn là một thắc mắc. Tôi hỏi cha :
- Tại sao cha lại lấy tên là Thụ Nhân ?
- Thụ Nhân là mượn từ tam đoạn luận giáo dục :
Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Bách niên chi kế mạc như THỤ NHÂN.
一 年 之 计,莫 如 树 谷;
年 之 计,莫 如 树 木;
百 年 之 计,莫 如 树 人
(Kế một năm không gì bằng trồng lúa
Kế mười năm không gì bằng trồng cây
Kế trăm năm không gì bằng trồng người).
- Thưa cha, tại sao bắt đầu là CỐC ? Tiếp theo là MỘC. Sau cùng mới là NHÂN ?
- Tuy châm ngôn mượn lời Quản Trọng, nhưng có cội nguồn từ quê hương ta.
clip_image016*
- Thụ Cốc, vì theo Pierre Gourou12, cây lúa được du nhậpvào Hoa Trung và Hoa Nam ngay từ khi khu vực này chưa là đất Trung Hoa, chưa chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Nhiều chữ Hán nói về cây lúa mượn từ ngôn ngữ Thái. Dân cư Non Nok Tha (miền Đông Thái Lan) biết trồng lúa khoảng năm ngàn năm trước Công nguyên. Ngày nay, người Tàu ăn cơm. Nhưng nguồn gốc văn minh Trung Quốc phát sinh từ khu vực trồng lúa mì thuộc các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam (miền Bắc Trung Hoa). Lúa mì là văn minh phương Bắc. Lúa gạo là văn hóa phương Nam. Khi nói tới trồng lúa (thụ cốc) là nói tới cội nguồn phương Nam. Người Việt cũng như các dân tộc Thái, Lào đều nói ‘‘ăn cơm’’. Các dân tộc ‘‘ăn cơm’’ thuộc về nền văn minh lúa gạo (civilisation du riz), để phân biệt với văn minh lúa mì (civilisation du blé) Bắc phương (Tàu, châu Âu).
clip_image018*
Thụ Mộc vì ngoài văn minh lúa gạo, nước ta thuộc khu vực văn minh thảo mộc (civilisation du végétal). Nền văn minh này hình thành qua mái tranh (nhà ở), áo lá (y phục), các dụng cụ bằng gỗ, bằng tre (cái cầy, gàu dây, gàu sòng, thuyền độc mộc, thuyền tam bản, đòn gánh, nia thúng v.v.) cho đến thức ăn (gạo tám thơm, sôi vừng sôi đậu, rau cần, rau muống, măng, đậu phụ, đậu nành v.v.) :
Trời còn đây, đất còn đây,
Còn ao rau muống còn đầy chum tương.
*
clip_image020- Thụ Nhân, vì nhânlực vốn là căn bản của xã hội nông nghiệp :
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng bừa vợ cấy con trâu đi cầy.
Trong nền giáo dục Thụ Nhân, nhà giáo là nông gia trồng người. Trồng người là trở về cội nguồn dân tộc, đồng thời gặp gỡ Đạo :
Đạo bất viễn nhân 道 不 远 人
Ta là đường, sự thật, và sự sống. (Je suis la voie, la vérité, et la vie) (Phúc Âm).
Vì vậy, đạo chủ yếu nhập thế, không xa lìa cuộc sống. Mặt khác, tính người ta vốn gần gũi nhau (Tính tương cận dã, tập tương viễn dã 性 相 近 也,习 相 远 也). Không lìa xa nhau, con người yêu thương nhau, yêu thương cuộc sống. Những câu như : Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân 己 所 不 欲,勿 施 于 人 (Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người) tương đồng với câu nói : Ne fais pas à autrui ce que tu ne voudrais pas qu’on te fît à toimême. Cũng vậy, câu Tu aimeras ton prochain comme toi-même (Phúc Âm) không khác gì câu Yêu người như thể thương thân của Nguyễn Trãi v.v.
Đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự 同 归 而 殊 途, 一 致 而 百 虑 (Về cùng một chỗ bằng đường khác nhau, tới cùng một điểm bằng trăm ý nghĩ). Nhà triết học Teilhard de Chardin cho rằng ‘‘Tout ce qui monte converge (Những tâm hồn hướng thượng quy về một hướng). Một nền giáo dục đích thực không ngăn bờ đắp lũy. Cần nỗ lực xóa bỏ những cắm móc địa phương, thành phần xã hội, phân biệt nam nữ, tuổi tác, tôn giáo v.v. Mỗi phân chia là một khúc rẽ. Tận cùng của chia rẽ là sự cô lập, riêng lẻ. Sự phân hóa đi ngược lại mục đích của giáo dục. Khi leo hết con dốc dài mang tên Phù Đổng Thiên Vương (Dalat), tất cả gặp nhau trong khuôn viên đại học. Cổng đại học không phải là cánh cửa hẹp (La Porte étroite) như tên một tác phẩm của André Gide. Cánh cửa Đại học luôn rộng mở, đón nhận sinh viên từ các chân trời khác nhau. Sau khi thành tài, họ sẽ trở về khắp chốn :
Đại học chi đạo tại minh minh đức. 大 學 之 道 在 明 明 德 (Học làm người thiết yếu làm rạng cái đức sáng).
Có đức nào sáng hơn lòng yêu thương mọi người, đem hiểu biết để phục vụ nhân quần xã hội.
Như vậy, Thụ Cốc, Thụ MộcThụ Nhân là một tiến trình nhất quán, không lìa xa con đường (Đạo, theo nghĩa triết học), đồng thời gắn liền với văn hóa dân tộc.
*
clip_image022Thụ Nhân trang bị cho mỗi người sự hiểu biết để giúp đời và để mưu sinh. Nông gia sử dụng lưỡi cầy để cầy bừa. Thụ Nhân dùng cây bút để diễn tả những suy nghĩ trong tâm hồn. Xã hội ta cổ thời thường áp dụng chính sách Ngụ binh ư nông 寓 兵 于 农 (gởi binh nghiệp vào nghề nông). Nền giáo dục Thụ Nhân chủ yếu là ngụ văn ư nhân 寓 文 于 人 (giao cho sinh viên viết văn viết báo). Nền giáo dục Thụ Nhân góp phần đào tạo nhiều cây bút xuất phát từ các phân khoa khác nhau. Tập sách này chứng tỏ Đại Học Dalat ‘‘ngụ văn ư nhân’’, mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười.
Tôi lơ đãng nhìn khắp chốn thiên cung. Thỉnh thoảng có kẻ qua người lại. Ai nấy đều nhìn cha mỉm cười. Đại Học Dalat năm xưa là một thiên đường nho nhỏ. Mỗi lần gặp gỡ, bạn bè lại trao nhau nụ cười. Tôi còn nhớ trong mấy tháng, từ ngày khai trường tới trước mùa thi, sau bữa cơm tối, bạn bè thường rủ nhau ra khu phố Hòa Bình. Từng nhóm dăm ba người đi bên nhau chuyện trò, trải dài từ dốc Phù Đổng, tiếp theo là con dốc Võ Tánh thoai thoải (đi ngang nhà giáo sư Ngô Đình Long và trường Bùi Thị Xuân, bên kia đường là quán T2). Sau đó, đi ngang Lữ quán Thanh niên rồi men theo con đường ven đồi, nơi có nhà thờ Tin Lành. Cà phê Tùng là ‘‘tiền đồn’’ của khu phố rong chơi. Tùy sở thích, vài ba người leo lên lầu quán cà phê ngồi trầm ngâm bên tách cà phê khói tỏa. Cà phê Tùng cách nhà in Lâm Viên và nhà thầy tổng thư ký Trần Quang Diệu mấy căn phố. Một số khác bu quanh hàng quà phía sau nhà hàng Mékong, đối diện trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Số còn lại mua bắp nướng rồi vừa đi vừa thổi ‘‘harmonica’’ trong phố đêm. Những ‘‘nhạc sĩ khẩu cầm’’ làm vơi dần nốt nhạc ngang cung bám vào bắp nướng còn nóng hổi. Lượt về cũng bấynhiêu con dốc. Lần này chúng tôi ngắm sao trời. Khắp trái đất, nơi nào mà chẳng có trăng sao. Nhưng trăng sao trên bầu trời đại học Dalat là đẹp nhất. Nhà cửa thành thị không thể che khuất dải ngân hà óng ả. Thành trì tâm tưởng chưa cản lối trăng sao lấp lánh. Lìa xa không gian Dalat là mất trời sao và xa thầy xa bạn. Khi còn có thể nói cười với nhau một cách hồn nhiên là đã cảm nghiệm hạnh phúc thiên đường. Cả trường học là một cõi thiên đường. Các sinh viên cười nói vô tư. Thiên nhiên bắt chước họ cũng nói cười dễ thương. Hoa đào thắm tươi như môi hồng thiếu nữ. Mimosa là sắc vàng tà áo. Hoa hồng e ấp nụ cười. Hoa pensée (tên latinh viola tricolor: hoa tím ba màu) sắc tím đợi chờ. Hoa cúc và trà hoa nữ (camélia) rất trinh nguyên. Hoa vô tư (sans-souci) riêng của tuổi học trò. Vườn địa đàng đại học là ngàn hoa thơm ngát. Cha thấy nếp nhăn chạy dài trên khuôn mặt tôi nên hái trao nụ hoa hồn nhiên (tôi đặt tên khác cho hoa sans-souci để ghi nhớ một loài hoa riêng của tuổi học đường). Tôi còn nhớ năm xưa, khi xe đò Minh Trung quẹo vào thành phố là gặp ngay ngôi biệt thự tên là Sans-souci, nằm ven hồ Xuân Hương. Ôi chao, chốn thần tiên này toàn là mùa xuân và hoa thắm, thu sầu với âu lo làm sao mà len lỏi vào được tâm hồn. Lẽ ra người ta phải đặt tên cho thành phố này là Paradis hoặc là Eden, còn Viện Đại Học Dalat là Vườn Địa đàng (Le Paradis terrestre) thủy mặc. Thay cho tiếng Pháp tiếng Anh là thành ngữ Latinh :
- Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, viết tắt là DALAT.
Phải chăng vì Dalat là thơ là mộng nên được ghép từ câu thơ latinh của hai tác giả sống cùng thời :
- Cicéron (106-43 trước C.N.) : Dare alicui laetitiam (Đem lại niềm vui cho người).
- Julius Caesar (101-44 trước C.N.) : Loca sunt temperatiora (Khí hậu rất ôn hòa).
Đó là Dalat ngày xưa. Dalat trong nuối tiếc kỷ niệm chỉ là Dat Aliis Lacriam Aliis Tacitum (Cho người này lệ sầu, người khác sự lặng lẽ). Hàn Mặc Tử đã lấy lệ sầu làm mực để viết vần thơ lặng lẽ : Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều.
Viện Đại Học Dalat chính là vườn địa đàng (Le Paradis terrestre) tri thức. Mỗi giảng đường là tên một loài hoa nhân sinh. Bao nhiêu tên gọi là bấy nhiêu nốt nhạc trầm hùng trong Đại Học Dalat Hành khúc của Hải Linh (có in trong tập sách này). Tôi thắc mắc hỏi cha :
- Cha bắt bao nhiêu chữ nghĩa từng ngủ gục trong sách vở phải sống lại trong sân trường. Nào là Thượng Hiền, Tri Nhất. Nào là Minh Thành, Hội Hữu. Nhất là Thụ Nhân.
- Cha nói cho con nghe về quê quán của Thụ Nhân đi! Cha mỉm cười đại lượng, dẫn tôi quay về với sách vở Quản Trọng.
clip_image024
Chương 3
Lược Đồ Quản Trọng


clip_image026Ngoài danh hiệu Thụ Nhân, một vài đề mục trong sách Quản Tử của Quản Trọng không khác gì các môn học từng được giảng dạy tại Viện Đại Học Dalat trước đây. Trước khi tóm lược một số ý kiến của Quản Trọng, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu qua về nhân vật lịch sử này.
Quản Trọng 管仲 sinh vào thời Đông Chu (770-247 trước C.N.) trong thời buổi giặc giã, xã hội Trung Quốc bị phân hóa cùng cực: Năm nước chư hầu (Ngũ bá) tranh nhau làm minh chủ. Vì vậy, vương quyền suy yếu, dân tình khốn khổ. Sau này, Khổng Tử chép lại thời kỳ nhiễu nhương này trong cuốn Xuân Thu. Nhân đó, sách vở đời sau lấy lại tên sách của Khổng Tử, mệnh danh là thời đại Xuân Thu (722-479 trước C.N.).
Tài liệu lưu truyền không ghi năm sinh của Quản Trọng, chỉ nhắc lại việc Quản Trọng làm tướng quốc cho Tề Hoàn Công khoảng năm 688 tr. C.N. đến năm ông mất (645 tr. C.N.). Tề Hoàn Công có trong số Ngũ bá : Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Sở Trang Công và Tần Mục Công. Trong sách Sử Ký (phần Liệt truyện), viết xong năm 97 tr. C.N., Tư Mã Thiên viết về Quản Trọng như sau :
‘‘Quản Trọng tên là Di Ngô 夷吾, người đất Dĩnh Thượng, thuở nhỏ thường chơi với Bảo Thúc Nha. Bảo Thúc 鲍叔牙biết là hiền tài. Quản Trọng nghèo túng, thường lừa Bảo Thúc. Bảo Thúc vẫn đối đãi tử tế, không trách nửa lời.
Sau, Bảo Thúc thờ công tử nước Tề là Tiểu Bạch, Quản Trọng thờ công tử Củ. Đến khi Tiểu Bạch lên ngôi, tức Tề Hoàn Công, công tử Củ chết, Quản Trọng chịu vào tù. Bảo Thúc tiến cử Quản Trọng lên Hoàn Công. Quản Trọng được dùng, cầm quyền bính ở nước Tề. Hoàn Công xưng bá, chín lần họp chư hầu, sửa đổi chính sự là nhờ chính sách của Quản Trọng.
Quản Trọng nói: ‘‘Ta hồi nhỏ khốn cùng, từng buôn chung với Bảo Thúc, ta chia lợi, giữ lấy phần hơn cho mình. Bảo Thúc không cho ta là tham, biết ta vì nghèo mà phải làm như vậy. Ta đã từng mưu việc cho Bảo Thúc nhưng không thành, Bảo Thúc không cho ta là ngu, biết rằng thời có lúc lợi lúc bất lợi. Ta đã từng ba lần làm quan mà bị vua đuổi cả ba lần, Bảo Thúc không cho ta là bất tài, biết ta chưa gặp thời. Ta đã ba lần ra trận đều bị thua, Bảo Thúc không cho ta là khiếp nhược, biết ta còn có mẹ già. Công tử Củ thua, Thiệu Hốt chết theo, ta chịu nhục ở trong tù tối tăm, Bảo Thúc không cho ta là vô liêm sỉ, biết ta không thẹn vì tiểu tiết mà hổ vì công danh không rỡ ràng trong thiên hạ. Cha mẹ ta sinh ra ta. Chỉ có Bảo tử là hiểu ta. 13
Tôi hỏi cha :
- Danh hiệu ‘‘Thụ Nhân’’ xuất xứ từ đâu ?
- Tác phẩm của Quản Trọng tên là Quản Tử gồm 86 thiên, mất 16 thiên, đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau. Trong tác phẩm này, Quản Trọng đã nói đến Tam Thụ : Thụ Cốc, Thụ Mộc, Thụ Nhân.
Trước khi đề cập tới trích đoạn xuất xứ của Thụ Nhân, thiết tưởng cũng nên trình bày khái quát nội dung của bộ Quản Tử. Danh mục của 70 thiên như sau :
1 - Mục dân 牧民(Chăn dắt dân chúng).
2 - Hình thế giải 形 勢 解(Bàn về cách bình giải chương Hình thế.
3 - Quyền tu 權 修(Sửa sang chính quyền).
4 - Lập chính cửu bại giải 立政九败解(Bình giải về chín con đường trị nước đưa đến thất bại),
5 - Thặng mã 乘 馬 (Bàn về thuế quốc phòng).
6 - Thất pháp 七 法 (Bảy tiêu chuẩn pháp luật).
7 - Bản pháp giải 版 法 (Bình giải về bộ Bản pháp).
8 - Ấu quan 幼 官 (Việc thành lập cơ quan đặc trách Thanh niên).
9 - Ngũ phụ 五 輔 (Bốn biện pháp giúp đỡ).
10 - Trụ hợp 宙 合 (Bàn về sự thống nhất rộng lớn).
11 - Xu ngôn 樞 言 (Các lời mấu chốt).
12 - Bát quan 八 觀 (Tám cách nhìn).
13 - Pháp cấm 法 禁 (Bàn về các điều luật nghiêm cấm).
14 - Trọng lệnh 重 令 (Bàn về tầm quan trọng của mệnh lệnh).
15 - Pháp pháp 法 法 (Quy chiếu luật pháp).
16 - Binh pháp 兵 法 (Phương pháp chiến tranh).
17 - Đại khuông 大 匡 (Các biện pháp sửa đổi lớn).
18 - Trung khuông 中 匡 (Các biện pháp sửa đổi trung cấp).
19 - Tiểu khuông 小 匡 (Các biện pháp sửa đổi nhỏ).
20 - Bá hình 霸 形 (Các biện pháp bảo vệ vua nước chư hầu).
21 – Bá ngôn 霸 言 (Đàm luận với tước Bá)
22 - Vấn (Hỏi).
23 - Giới (Biện pháp cảnh cáo).
24 - Địa đồ 地 圖 (Bản đồ).
25 - Tham hoạn 參 患 (Xem xét về các hậu quả tai hại).
26 - Chế phân 制 分 (Phân chia trách nhiệm).
27 - Quân thần, thượng 君 臣 上 (Vua tôi, phần I).
28 - Quân thần, hạ 君 臣 下 (Vua tôi, phần II).
29 - Tiểu xưng. 小 稱
30 - Tứ xưng. 四 稱
31 - Nội nghiệp 內 業 (Các công tác nội tại).
32 - Tâm thuật hạ 心 術 下 (Tâm thuật, phần II).
33 - Tâm thuật thượng 心 術 上 (Tâm thuật, phần I).
34 - Bạch tâm 白 心 (Thanh luyện tâm hồn).
35 - Thủy địa 水 地 (Nước và đất).
36 - Tứ thời 四 時 (Bốn mùa).
37 - Ngũ hành 五 行.
38 – Thế (Thế lực).
39 – Chính(Chỉnh đốn).
40 - Cửu biến 九 變 (Chín hoàn cảnh thay đổi).
41 - Nhiệm pháp 任 法 (Tin vào pháp luật).
42 - Minh pháp giải 明 法 解 (Giải thích pháp luật).
43 - Chính thế 正 世 (Chỉnh đốn thế hệ).
44 - Trị quốc 治 國.
45 - Phong thiện 封 禪 (Tế Phong thiện).
46 - Thiểu vấn 小 問 (Câu hỏi).
47 - Thất thần chủ 七 臣 主 (Bảy vị đại thần).
48 - Cấm tàng 禁 藏 (Về sự hạn chế).
49 - Nhập quốc 入 國 (Vào kinh đô).
50 - Cửu thủ 九 守 (Chín phương pháp phòng thủ).
51 - Hoàn Công vấn 桓 公 問 (Các câu hỏi của Hoàn Công).
52 - Độ địa 度 地 (Đo đất).
53 - Địa viên 地 員 (Phân loại đất đai).
54 - Đệ tử chức 弟 子 職 (Bổn phận học trò).
55 - Xỉ mi 侈 靡 (Lãng phí).
56 - Thần thừa mã 臣 乘 馬 (Bầy tôi cưỡi ngựa).
57 - Thừa mã số 乘 馬 數 (Quản trị Thuế vụ).
58 – Sự ngữ 事 語 (Luận về các vấn đề kinh tế).
59 - Hải vương 海 王 (Vương quyền trên mặt biển).
60 - Quốc súc 國 蓄 (Trữ lúa gạo).
61 - Sơn quốc quỹ 山 國 軌 (Dùng phép thống kê để kiểm soát tài chánh công).
62 - Sơn quyền số 山 權 數 (Phương pháp hối đoái).
63 - Sơn chí số 山 至 數 (Phương pháp kiểm soát thuế vụ).
64 - Địa số 地 數 (Phương pháp khai khẩn đất đai).
65 - Quỹ độ 揆 度 (Vấn đề đo lường).
66 - Quốc chuẩn 國 准 (Ổn định tài chánh công).
67 - Khinh trọng giáp 輕 重 甲 (Các chính sách kinh tế, phần I)
68 - Khinh trọng ất 輕 重 乙 (Các chính sách kinh tế, phần II)
69 - Khinh trọng mậu 輕 重 戊 (Các chính sách kinh tế, phần III),
70 - Khinh trọng kỷ 輕 重 己 (Các chính sách kinh tế, phần IV).
Trong 70 thiên, Quản Trọng đề cập các vấn đề triết học, giáo dục, chính trị, pháp luật, kinh tế, tài chánh, canh nông v.v.
Tôi thắc mắc hỏi cha :
- Một số tác giả cho rằng bộ Quản Tử không hoàn toàn do Quản Trọng biên soạn nhưng đã được người đời sau tự ý thêm bớt ?
- Bộ Quản Tử bao gồm các trước tác có từ thế kỷ 5 tới thế kỷ thứ 4 trước C.N. Bộ sách này gồm nhiều luận thuyết được lưu truyền từ khoảng thế kỷ thứ 4 tới thế kỷ thứ 3 trước C.N. Khoảng năm 250 trước C.N. ấn hành tập Quản Tử sơ khởi. Từ đó đến nay có nhiều ấn bản khác nhau. Việc người đời sau thêm bớt vào các tài liệu cổ văn là điều khó tránh. Tuy nhiên, các thiên do Quản Trọng trước tác là cốt lõi của bộ Quản Tử.
- Trong bộ Quản Tử, Quản Trọng đề cập tới các ‘‘Mục tiêuQuốc gia’’ 14 . Tại sao Quản Trọng lại có thể trình bầy nhiều vấn đề thuộc các chuyên môn khác nhau ?
- Con đừng quên Quản Trọng là một Tể tướng, chức vụ tương đương với Thủ tướng Chính phủ ngày nay. Với cương vị này, Quản Trọng có trách nhiệm ấn định và thi hành các kế hoạch cho cả nước. Vì vậy, khác với các tác phẩm lập thuyết khác, các thiên trong bộ Quản Tử có tính cách bao quát, liên hệ tới hầu hết các sinh hoạt chính yếu của một quốc gia. Vì vậy, bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên chép rằng : ‘‘Quản Trọng đã nhiệm chính làm tể tướng ở Tề, nhân đất Tề nhỏ hẹp ở bờ biển mà lưu thông hóa vật, tích tụ tiền của, làm cho nước giàu binh mạnh. Dân chúng yêu ghét cái gì thì cũng yêu ghét cái đó cho nên ông bảo rằng : Kho lẫm đầy rồi mới biết lễ tiết, y phục đủ rồi mới biết vinh nhục. Người trên có pháp độ thì sáu người thân mới được yên ổn, bốn mối không rõ ràng thì quốc gia tất bị diệt vong. Mệnh lệnh ban xuống thì như nguồn nước xuôi dòng, phải thuận lòng dân, cho nên lời bàn luận thì không cao xa mà dễ thi hành, dân chúng muốn cái gì thì cấp cho cái đó, không muốn cái gì thì trừ cho cái đó. Ông làm chính trị khéo đổi họa thành phúc, chuyển bại thành thắng, quy sự phân biệt nặng nhẹ, cẩn thận về việc cân nhắc lợi hại.15
Quản Trọng có tinh thần thực tiễn. Ông chủ trương ‘‘luận ti nhi dị hành’’论 卑 而 易 行 (lời bàn luận không cao xa mà dễ thi hành). Tinh thần thực tiễn khiến ông đề cao công thương nghiệp. Người Tàu thừa hưởng óc thực tiễn của Quản Trọng nên thường thành công trong việc kinh doanh, khác với người Việt có khuynh hướng coi nhẹ việc buôn bán. Ông đề ra chính sách ‘‘lưu thông hóa vật’’ 留 通 货 物 , thu mua hàng hóa, đợi khi cao giá mới đem ra bán. Chủ trương này ngày nay đươc gọi là việc đầu cơ (spéculation). Người đầu cơ tiên đoán giá cả biến động giữa thị trường giao ngay và thị trường triển kỳ. Học thuyết kinh tế của Quản Trọng đã hình thành rất sớm khái niệm kinh tế nhân (homo economicus) nhằm tìm lợi nhuận tối đa.
Quản Trọng cho rằng ‘‘có hằng sản mới có hằng tâm’’ (hữu hằng sản giả hữu hằng tâm有 恒 心 者 有 恒 产). Quản Trọng cũng đã đặt vấn đề công chi (public expenditure) và thâu thuế. Ông có công đặt nền móng cho học thuyết trọng pháp của pháp gia sau này. Phái này định nghĩa pháp luật là hiến lệnh công bố ở công đường. Ý tưởng này không khác gì nguyên tắc công bố pháp luật (publicité des lois) trong hệ thống luật pháp ngày nay, nhằm thực thi Nhà nước pháp quyền.
Tác giả bộ Quản Tử lấy dân làm gốc. Ông khuyên Tề Hoàn ông : ‘‘Nhà vua muốn làm vương bá, dựng nghiệp lớn trong hiên hạ thì phải theo tử gốc mà trăm họ (bách tính) là gốc của quốc gia’’16. Quản Trọng không chủ trương tôn quân một cách tuyệt đối như phái pháp gia. Ông kính trọng vua, vì nhà vua là biểu tượng của đất nước, nhưng không coi vua (Tề Hoàn Công) là Thiên tử (con trời).
Quản Trọng trọng người tài mà không để ý đến giai cấp của họ. Ông không ngần ngại giới thiệu Ninh Thích là một người chăn bò với Hoàn Công. Đối với những kẻ quyền quý như họ Cao, họ Quốc, ông tỏ ra nhã nhặn. Theo Tư Mã Thiên, Quản Trọng chủ trương ‘‘dân muốn gì thì cấp cho cái đó’’. Ông giúp đỡ dân lành, giảm thuế cho dân, khuyếch trương công thương, áp dụng chính sách kinh tế tự do làm dân giầu nước mạnh17.
Quan điểm Tam Thụ (Thụ Cốc, Thụ Mộc, Thụ Nhân) của Quản Trọng đã tóm tắt chủ trương giáo dục của tác giả bộ Quản Tử. Vấn đề này không được trình bày trong thiên bàn về giáo dục như Đệ tử chức, nhưng được nói đến trong thiên Quyền tu (Sửa sang chính quyền) chứng tỏ chủ trương này có liên hệ trực tiếp đến chính sách sửa đổi hành chính.
Tôi thắc mắc hỏi cha :
- Thưa cha, vì sao Quản Trọng lại bao gồm chủ trương giáo dục trong phần nói về ’‘Sửa sang chính quyền’’ ?
- Trên bình diện cá nhân, học là để lo cho bản thân (cổ chi học giả vị kỷ 古 之 学 者 为 己). Trên bình diện xã hội, sự ứng dụng của giáo dục, có ích cho nhân quần xã hội (học dĩ chí dụng 学 以 致 用 ). Giáo dục là mục tiêu quốc gia ưu tiên. Vì vậy, Quản Trọng mới xếp chủ trương ‘‘Tam Thụ’’ của ông trong thiên ‘‘Quyền tu’’.
- ‘‘Thụ Cốc’’: kế một năm, ‘‘Thụ Mộc’’: kế mười năm, ‘‘Thụ Nhân’’: kế trăm năm. Tại sao Quản Trọng không nói tới kế 10 lần 100 là 1000 ?
- Vì thời hạn 100 năm liên hệï đến cuộc nhân sinh. Người xưa nói ‘‘Bách niên’’ hay ‘‘Bách tuế’’ là chỉ một đời người.
- Có bản chép : ‘‘Chung niên chi kế’’, thay vì ‘‘Bách niên chi kế ‘‘. Tại sao châm ngôn của Viện Đại Học Dalat là ‘‘Bách niên chi kế’’ ?
- 1, 10, 100 đều là số thập phân (nombre décimal) : 10 là thập bội, 100 là bách bội. Các số lũy tiến nói lên sự tiến bộ (progrès), tiếp nối (continuité) của đại học, khác hẳn với ‘‘chung thân’’ chỉ sự tù túng, tận cùng, như ‘‘chung thân khổ sai’’ (travaux forcés à perpétuité). Vì vậy, cha thiên về « Bách niên » hơn là ‘‘Chung thân’’. ‘‘Bách niên’’ thích hợp với tâm hồn khoáng đạt (ouverture de coeur) và tinh thần cởi mở (ouverture d’esprit) của đại học.
Chập chờn khắp chốn thiên đường là muôn ngàn cánh bướm đủ mầu sắc. Cha nói rất đúng. 1, 10, 100 khiến ta nghĩ tới 1000.Tôi nghĩ thầm : Thiên thu chi kế mạc như hồ điệp (Kế thiên thu không gì bằng hóa bướm).
*
Trên thiên đường không còn ai phải vất vả vì sinh kế. Khắp chốn toàn là hoa mà không có ruộng đồng. Khi cha nói tới Thụ Cốc, cảnh trí trước mắt là cánh đồng lúa chín. Đồng lúa ngả nghiêng xiêu vẹo vì đơm đầy lúa vàng. Cánh đồng là đại dương sóng lúa. Bên bờ ruộng trồng cây cổ thụ xấp xỉ 10 năm. Có em mục đồng buộc trâu vào gốc cây, mở sách ê a học đánh vần.
Cha hỏi tôi :
- Trong bức tranh thiên nhiên trước mắt, đố con biết màu sắc nào bền bỉ nhất ?
Tôi hoài công tìm kiếm màu sắc bền bỉ, trong bụng nghĩ màu sắc nào mà chẳng biến đổi theo
năm tháng? Cha giảng cho tôi nghe :
- Màu vàng lúa chín là màu tàn phai trước nhất, vì gắn liền với việc trồng lúa. Màu xanh cổ thụ nhiều lần thay lá, sau cùng còn lại một đống củi khô. Màu bền bỉ là mái tóc xanh mục tử. Cậu bé này sẽ bỏ ruộng đồng, bỏ con trâu để cắp sách đi học. Mái tóc sẽ còn xanh rất lâu trong những ngày đi học và giai đoạn đầu của đời sống hoạt động mai sau. Khi mái tóc điểm
sương là tuổi đời đã từng trải.
*
Tuy thiên đường không có gió, cánh đồng lúa xiêu vẹo ngả nghiêng, làm thành những đợt sóng vàng lúa chín. Cậu bé tập đánh vần không biết đến trang nào. Cậu cất tập vở vào túi vải rồi thổi sáo diều. Chao ôi, khúc nhạc nghe quen quá ! Cả bầy chim đậu trên cành thôi ríu rít, lặng yên nghe tiếng sáo thôn làng. Cánh đồng lúa chín có âm điệu xào xạc vỗ về. Thỉnh thoảng, cây cổ thụ mọc ở bờ ruộng lại thở than về thân phận lẻ loi của mình. Âm thanh Thụ Cốc 1 năm và Thụ Mộc 10 năm không thấm thía gì so với tiếng sáo diều Thụ Nhân trăm năm. Vì âm thanh của cây cỏ dù có hay đến đâu cũng chỉ là âm thanh đơn diệu của thiên nhiên. Thiên nhiên có nắng có mưa, có sáng có chiều. Còn khúc nhạc Thụ Nhân là của con người. Loài người có thất tình : hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Bảy tình cảm là bảy nốt nhạc (do, ré, mi, fa, sol, la, si), là màu tím hoa sim, màu xanh da trời, màu lá, màu chanh, màu cam, màu gấc hòa trong ánh sáng ; tưởng là trắng, nhưng pha trộn đủ màu sắc quang phổ (spectre de la lumière blanche). Cuộc sống biến mỗi người thành một nhạc sĩ. Từ bảy nốt nhạc là bản trường ca bất tận. Ngoài ra, mỗi người còn là họa sĩ. Từ mấy màu căn bản, mỗi người vẽ riêng cho mình bức họa nhân sinh. Nếu đời vui sẽ trộn rộn màu hồng. Cuộc đời thảm thương ngả sang màu tím. Mỗi một yếu tố trong thất tình không bao giờ đứng riêng lẻ. Nhiều khi, niềm vui (hỷ) pha trộn với ước muốn (dục), làm thành yêu đương (ái), rồi chuyển sang sự sầu khổ (ai), giận hờn (nộ), ghét bỏ (ố), đôi khi là sợ hãi (cụ). Cụ (sợ hãi) là tiếng đồng âm của cụ (tiếng xưng hô người già). Con người trúng đạn bị nỗi sợ hãi ám ảnh đến tận cuối đời.
- Ngoài ý nghĩa kế một năm, ‘‘Thụ Cốc’’ còn ý nghĩa nào khác không ?
- Muốn trả lời câu hỏi này, con hãy đọc đoạn dẫn nhập tam đoạn luận Quản Trọng.
Trong thiên Quyền tu, Quản Trọng cho rằng thực lực quân sự phải dựa trên tiềm năng kinh tế của quốc gia. Ý kiến của tác giả được hình thành trong bối cảnh loạn lạc của thời Xuân Thu. Vì vậy, tác giả quan tâm đến vấn đề quốc phòng. Tác giả bàn về vấn đề chính trị trong phần dẫn nhập:
‘‘Nếu bản thân mình không tôn trọng kỷ luật, làm sao bắt người khác phải tôn trọng kỷ luật. Nếu các cá nhân không tôn trọng kỷ luật, làm sao có thể bắt gia đình phải tôn trọng kỷ luật. Nếu nhà nhà không tôn trọng kỷ cương, làm sao bắt làng xã (xiang) phải tôn trọng kỷ luật.
Nếu làng xã không tôn trọng kỷ luật, làm sao bắt xã tắc phải tôn trọng kỷ luật.
Nếu xã tắc khôngtôn trọng kỷ cương, làm sao bắt thiên hạ phải tôn trọng kỷ luật. Thiên hạ dựa trên xã tắc, xã tắc dựa trên làng xã, làng xã dựa trên gia đình, gia đình dựa trên các cá nhân, các cá nhân dựa trên bản thân mỗi người.’’
Quản Trọng dựa trên phép qui nạp (induction), khởi đi từ bản thân đến thiên hạ. Ông thường đưa ra các mệnh đề chỉ điều kiện, bắt đầu bằng chữ ‘‘Nếu’’. Lập luận của Quản Trọng dựa trên hai lược đồ :
- Cơ cấu đại tượng (aspect macrocosmique)
: Thiên hạXã tắc – Làng xã.
- Cơ cấu vi tiểu (aspect microcosmique)
: Gia đình – Cá nhân – Bản thân.
Đơn vị căn bản của hai lược đồ là làng xã và bản thân. Từ khái niệm này, Quản Trọng đưa ra
định đề :
- Đất đai bỏ hoang không phải là đất đai.
- Người dân không được hướng dẫn không còn là người dân.
Trong đoạn 9.7 của thiên Quyền tu, Quản Trọng cho rằng bản tính con người không khác
nhau. Cần thấu hiểu những gì dân ưa và không ưa. Theo QuảnTrọng :
‘‘Việc giữ đất tùy thuộc vào thành lũy. Việc giữ thành tùy thuộc vào vũ khí. Việc giữ vũ khí tùy thuộc con người. Việc giữ con người tùy thuộc lương thực. Nếu đất đai bỏ hoang làm sao giữ thành được ?’’
Trong đoạn 10, Quản Trọng cho rằng:
‘‘Nếu phẩm trật triều đình không được tôn trọng, các thứ bậc cao thấp sẽ không được xác định rõ rệt. Nếu không phân biệt già trẻ. Nếu các biện pháp thích hợp để tránh sự lạm thu hoặc lạm chi không được tôn trọng. Nếu không qui định y phục theo phẩm trật. Nếu vua tôi không biết giữ giới hạn của mình, không thể trông cậy trăm họ (bách tính) tôn trọng chính quyền.’’
Trong đoạn tiếp theo, Quản Trọng cho rằng nếu nhà vua dung thứ các hành vi bạo loạn tráo trở hoặc cáo gian trong khi các cận thần chèn cựa nhau để sách nhiễu hoặc tùy tiện thu tiền và bớt thuế nhằm nhũng lạm của dân, trăm họ oán than, vì vậy thần dân bất trung với nhà vua.
Nếu nhà vua sở hữu đất đai mà vẫn không quan tâm đến việc sản xuất lương thực, hành sử như thiên tử mà không có khả năng thống nhất nhân tâm, thì trông mong gì lăng miếu các bậc tiên đế phù hộ nhà vua thoát khỏi nguy biến.
Nếu nhà vua vẫn còn tin vào mu rùa hoặc cỏ thi bói toán (bốc phệ), mù quáng dựa vào bùa phép để chữa bệnh chỉ khiến trăm họ gặp tai ương.
Ngày nay, nếu nhà vua không thể dứt khoát với ba điều tệ hại : có các thượng thư (bộ trưởng) hành động vì tư lợi, lãnh đạo một nước nghèo, lạc hậu mà chỉ biết than thân trách phận, có một chính phủ không giải quyết được các nhiệm vụ thông thường.
Ngay sau đoạn ghi rõ những hiện tượng tiêu cực trong việc lãnh đạo quốc gia, Quản Trọng đã đề ra biện pháp Quyền tu (Sửa sang chính quyền) một cách triệt để trong câu 10.5 :
‘‘Nhất niên chi kế mạc như Thụ Cốc
Thập niên chi kế mạc như Thụ Mộc
Bách niên chi kế mạc như THỤ NHÂN.
Nhất thụ nhất hoạch giả cốc dã
Nhất thụ thập hoạch giả mộc dã
Nhất thụ bách hoạch giả nhân dã.
. . . . . . . . . . . . ’’
一 年 之 计,莫 如 树 谷;
十 年 之 计,莫 如 树 木;
百 年 之 计,莫 如 树 人
一 树 一 获 者, 谷 也;
一 树 十 获 者, 木 也;
一 树 百 获 者, 人 也
Chúng tôi tạm dịch tam đoạn luận THỤ NHÂN nguyên văn (và đoạn kế tiếp) như sau :
‘‘Kế một năm không gì bằng trồng lúa,
Kế mười năm không gì bằng trồng cây,
Kế trăm năm không gì bằng TRỒNG NGƯỜI.
Lúa trồng một lần, thu hoạch một mùa.
Cây trồng một lần có thể thu hoạch mười lần.
Người trồng một lần có thể thu hoạch suốt trăm năm.
Một khi trồng người rồi,
Ta có thể dùng con người
Để đáp ứng kỳ vọng của trăm họ
Đó là cánh cửa mở vào vương triều.’’
- Thưa cha, khi nói tới BÁCH NIÊN, Quản Trọng muốn nhắn nhủ điều gì ?
- Khi nói kế trăm năm là nói cả đời người: ‘‘Nhân sinh dĩ bách niên viết kỳ’’ (Người ta sống được một trăm tuổi là đủ kỳ hạn). Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du thường nói đến ‘‘trăm năm’’. Ngay câu mở đầu, cụ định nghĩa :
Trăm năm = (trong) cõi người ta.
Kế giáo dục Thụ Nhân trăm năm có nghĩa là trọn kiếp người, lâu hơn ‘‘dài hạn’’ (à long terme) hoặc kế hoạch ngũ niên (plan quinquennal) trong kinh tế học. Ngày nay, không mấy ai còn nhắc tới những kế hoạch ngũ niên đã qua, nhưng vẫn còn ưu tư về ‘‘Bách niên chi kế...
- ...mạc như THỤ NHÂN’’. Thưa cha, ‘‘trồng người’’ chỉ là nghĩa hẹp (stricto sensu). Nghĩa rộng (lato sensu) của THỤ NHÂN hình như không thể dịch được ?
- THỤ NHÂN là chuyển ý (métaphore) từ trồng cây đến trồng người. Tuy các ngôn ngữ Tây phương không nói tới ‘‘Trồng người’’ nhưng chuyển hóa từ việc ‘‘trồng trọt’’ (culture) đất đai đến việc vun trồng tri thức (culture: văn hóa) cho con người. Trong lãnh vực giáo dục cũng có những chuyển ý tương tự : Socrate (470-399 tr. C.N.) cho rằng ‘‘Mẹ tôi đỡ đẻ (accoucheuse). Tôi cũng làm cùng công việc như mẹ tôi. Công việc sản ý (maïeutique) có cùng nhiệm vụ như đỡ đẻ’’ (Théétète, 149a). Sản ý thuộc phạm vi trí tuệ. Còn sản phụ sinh hài nhi bằng xương bằng thịt. Sau này, có lẽ do ảnh hưởng Quản Trọng, hoặc vì chí lớn gặp nhau (les grands esprits se rencontrent), vài nhân vật chính trị và văn hóa nói tới việc ‘‘Trồng người’’, trong số có Waterstone.18
Ảnh hưởng của Quản Trọng không chỉ giới hạn trong chủ trương ‘‘Trồng người’’. Một số chính sách của ông liên hệ đến hai lãnh vực chánh trị và kinh doanh hoặc đã gợi ý, hoặc là một trùng hợp có ý nghĩa, đưa đến việc thành lập Trường Chánh Trị Kinh Doanh (thuộc Viện Đại Học Dalat) vào năm 1964. Tuy trường chỉ hoạt động trong 9 năm (1964-1975), hoàn tất học trình cử nhân cho bảy khóa học (từ CTKD 1 đến CTKD 7), nhưng phân khoa tân lập này đã cung ứng nhiều chuyên viên trong nước và lưu lạc khắp chốn. Ảnh hưởng của việc đào tạo này khiến nhiều người nhận thấy cần đào tạo nhiều chuyên viên kinh tế, tài chánh. Những chuyên viên này là đòn bẩy cần thiết cho việc phát triển kinh tế.
Chủ trương ‘‘Thụ Nhân’’ nói đến con người nói chung. Đạo bất viễn nhân道 不 远 人(Đạo lý không xa loài người), hoặc Hữu giáo vô loại 有 教 无 类(Có giáo hóa thì không phân loại đối xử). Chủ trương này chỉ có thể thực hiện được nếu trường học tiếp nhận môn sinh đến từ các chân trời khác nhau, không phân biệt thành phần, tín ngưỡng, chính kiến v.v. Cha chủ trương trồng người trên khuôn viên đại học. Thửa đất trồng người có một nguồn cội : Đất Việt. Đối tượng trồng người là: Người Việt. Chủ trương ‘‘Thụ Nhân’’ chỉ có thể thực hiện được nếu việc trồng người gắn liền với việc triển khai khái niệm ‘‘Nghĩa Thục’’.
clip_image028
Chương 4
Nghĩa thục Thụ Nhân

clip_image030Thụ NhânNghĩa Thục là một trong biểu đồ nhất quán :Nghĩa Thục là phương thức để thực hiện cứu cánh Thụ Nhân. Nói đến Nghĩa Thục là nhắc lại nghĩa (nặng) tình sâu. Cỏ non xanh tận chân trời (thiên cung) lấm tấm nhiều hoa trắng muguet. Đây là đóa hoa xuân của đồng nội, mang hình con tim trinh trắng dễ thương. Hoa không biết nói những câu tình nghĩa, chỉ đong đưa nhẹ nhàng trước gió xuân. Ngày 1-5, người Pháp ngắt hoa muguet mọc trong rừng thưa để tặng nhau.
Tôi hái mấy nhánh muguet trắng ngần đưa cho cha :
- Thưa cha, suốt mấy tháng qua, bút ký Thụ Nhân khắp nơi nở đầy hoa muguet bày tỏ lòng yêu mến cha. Xin cha ngồi xuống nghe con đọc vài bút ký kỷ niệm.
Cha không còn đeo kính như ngày xưa. (Thiên đường là chốn vẹn toàn. Không ai mang khuyết tật như ở trần gian). Ngày xưa, nhiều học trò thấy trong ánh mắt cha sự khoan dung, lòng nhân hậu. Trên thiên đường, cha chỉ hơi chớp mắt. Tôi đoán là cha đã bằng lòng nên khẽ đọc :
clip_image032- Thầy Nguyễn Khắc Dương đã trình bày ‘‘Nghĩa Thục’’, mà Thầy gọi là Tư Thục như sau :
‘‘Viện Đại Học Dalat là trường Đại học TƯ THỤC đầu tiên ở nước ta. Tôi xin lưu ý: TƯ THỤC chứ không phải là dân lập. Vì nó không thuộc về Nhà nước mà cũng không thuộc về Nhân dân. Nó thuộc về một hội TƯ NHÂN, do Giáo hội Công giáo Việt Nam thành lập. Tất cả mọi mặt đều là TƯ. Cơ sở vật chất, nguồn tài chính, nhân sự giảng huấn cũng như hành chính là nhân viên tư chức, chứ không phải là công chức Nhà nước mà cũng không phải là dân cử. Ứng và Tuyển phần lớn là do lời ‘‘MỜI’’, lời ‘‘NHẬN’’ chứ không có một hợp đồng! Kẻ viết mấy dòng này còn giữ bức thư Cha Lập ‘‘mời’’ lên Dalat cộng tác. Và còn nhớ: sau tháng làm việc đầu tiên, viên quản lý đưa cho một xấp bạc, cầm lấy bỏ túi, tiêu dần và không đếm ! Thông thoáng đến thế là cùng ! Suy cho kỹ, ta sẽ thấy rằng : Tương quan chủ yếu ở ‘‘Liên ngã vị tư nhân’’ hơn là ‘‘cơ chế máy móc’’. Đôi khi hơi luộm thuộm nhưng đượm tình người biết bao ! Giáo sư được kính nể, viện trưởng, khoa trưởng được tôn trọng, nhân viên được đãi ngộ, sinh viên được thương yêu, chủ yếu là do tình người tự do và chân thành, chứ không do cơ chế ràng buộc.’’ 19
Thầy Nguyễn Khắc Dương dùng chữ TƯ THỤC là muốn nhấn mạnh đến thực chất của Viện Đại Học Dalat. NGHĨA THỤC không khác TƯ THỤC. Cả hai đều là trường tư. Nhưng nghĩa thục vừa nhấn mạnh đến khía cạnh lịch sử, vừa nhắc lại việc Viện Đại Học Dalat không thu học phí mà chỉ nhận lệ phí, giống như các viện đại học công trong nước vào giai đoạn trước năm 1975. Ngoài ra, Viện hoạt động trong khuôn khổ ‘‘một hội tư nhân do Giáo hội Công giáo thành lập’’.
Ý nghĩa từ nguyên của Nghĩa Thục như sau :
- Nghĩa 義 là đường lối cư xử theo lẽ phải. Truyện Hoa Tiên có câu :
Từng nghe trăng gió duyên nào,
Bể sâu là nghĩa, non cao là tình.
- Thục 塾 (bộ Thổ) có nghĩa trường học. Người xưa dạy học trong ngôi nhà nhỏ cạnh cổng ra vào. Sau này, ‘‘Thục’’ để chỉ chung trường học, như Tư Thục, Nghĩa Thục.
*
clip_image034Sự nghiệp của cha được thể hiện qua ba điều ân nghĩa :
- Nghĩa Thục : dạy học không thu học phí, nhằm mục đích Trồng Người.
- Nghĩa Hiệp : giúp đỡ học trò và đồng loại.
- Nghĩa Tử : nhận con tinh thần để tiếp nối sự nghiệp (trong cả hai lãnh vực giáo dục và tôn giáo). Cha có nghĩa tử làm linh mục lo việc bác ái và giáo dục.
Lúc này, cha bồi hồi nhận nhiều đóa hoa muguet trắng ngần, thể hiện qua chữ viết trong sáng, hồn nhiên của bao nhiêu cựu môn sinh xuất thân từ đủ các phân khoa của Viện Đại Học Dalat. Tôi nói với cha :
- Cha luôn giúp đỡ những người gia cảnh thanh bạch. Cha từng nói: ‘‘Ban đêm nếu chẳng may có sinh viên ngã bệnh phải đi cấp cứu thì chính tôi đưa đi, bởi nếu có sự hiện diện của tôi thì các bác sĩ, y tá cũng tỏ ra mau mắn tận tình hơn đối với sinh viên. Mối thân tình giữa tôi và các sinh viên là như thế, nên họ không e dè ngần ngại tiếp xúc với tôi, kể cả mượn tiền những lúc gia đình chưa kịp gửi lên, mà tôi chẳng bao giờ ghi sổ sách, cũng chẳng nhớ đã trao cho ai.’’ 20
Tôi nghĩ thầm khi xưa cha không ghi trên giấy nên ngày nay, bao người vẫn còn ghi trong tâm trí. Tâm khảm mỗi người là một vườn hoa muguet. Muguet bé bỏng chỉ nở vào đầu xuân. Bông hoa nhỏ bé dễ thương, sắc hoa tinh khiết, hương thơm dịu dàng. Chỉ có muguet mới ghi lại được nghĩa tình cha con. Tôi yêu mến cha cũng bằng những bông hoa muguet này. Vì vậy, tôi không viết hoa chữ ‘‘cha’’. Chữ viết hoa có thể khiến tình cha con xa cách diệu vợi. Tôi viết chữ thường mộc mạc giản dị. Như hoa muguet, cha nhân hậu với học trò nhưng lại cương quyết giữ vững tinh thần tự trị trước các thế lực chính trị, kinh tế và tôn giáo : Uy vũ bất năng khuất ( 威 武 不 能 屈)
- Cha từng nói: ‘‘Trong suốt thời gian tôi làm viện trưởng, tôi không hề phạt một anh sinh viên nào nhưng làm hết sức để giáo dục sinh viên.’’Để con đọc cho cha nghe vài bút ký viết về cha. Chị Phạm Thị Phong Nhã (VK) đã thắp ‘‘một nén hương’’ tưởng niệm cha như sau : ‘‘Từ đó, cứ mỗi buổi sáng, vừa xuống xe lam, qua khỏi cổng viện một đỗi là hắn lại thấy cha đứng đấy, ngắm các sinh viên đến trường.’’ (Như một nén hương).
Nén hương của chị Phong Nhã vượt cõi thinh không, bay tới thiên đường. Thật là kỳ lạ, vì nén hương không thơm mùi trầm, nhưng là muguet. ‘‘Cha đứng đấy’’, vì cha rất thương yêu sinh viên.
- Con đọc tiếp một đoạn trong trong bài ’’Ít dòng về Cha Viện trưởng Nguyễn Văn Lập’’ của giáo sư Phạm Cao Dương.
Cha mỉm cười độ lượng. Niêm hoa vi tiếu ( 拈 花 微 笑 ) của cha là nụ muguet đầu mùa :
- Ừ thì được.
Ngày xưa, tôi hay vòi vĩnh cha. Lần nào cha cũng trả lời : Ừ thì được. Trong lứa tuổi hồn nhiên, tôi không hiểu được ý nghĩa câu nói của cha. Theo giáo sư Lê Hữu Mục -- người từng dạy học với cha ở trường Thiên Hựu trước khi cha làm viện trưởng -- cha có ý định thành lập Trường Chánh Trị Kinh Doanh ngay khi dạy học ở Trường Thiên Hựu (Huế). Giáo sư Mục đã giải thích câu nói của cha như sau :
‘‘Câu ấy có nghĩa là : Đúng ra thì không được nhưng tôi ưa cho anh chị, tôi vui lòng chấp nhận (mặc dù lời xin đó không đáng chấp nhận).’’
Vì cha đã nói Ừ thì được nên tôi tiếp tục đọc cho cha nghe :
- Giáo sư Phạm Cao Dương viết: ‘‘...Cha kể chuyện trong trường mà cha gọi là trong nhà và mọi người là người nhà. Người ta có cảm tưởng cha biết hết mọi chuyện trong trường và biết hầu hết mọi người. Cha cũng thuộc tên rất nhiều sinh viên cùng những hoạt động của họ, trong nhiều trường hợp cả gia đình họ.’’
Có nhiều huyền thoại về các ‘‘người nhà của cha’’ Tôi nói với cha :
- Con đọc lại ý kiến của mấy anh về một giai thoại nghĩa tình nhé !
- Ừ thì được !
- Cha à, ngày 13-12-2001, anh Phan Bá Phi viết : ‘‘Cha đăng thông cáo kêu anh sinh viên nào đó mượn cái cassette của cha mà quên trả đến lấy nốt mấy cuộn băng.’’. Qua bữa sau, anh Bùi Mạnh Cường nhắc lại câu chuyện này: ‘‘...Có anh mượn ‘‘tạm‘’ chiếc máy cassette của cha không chịu trả, cha cho người nhắn anh bạn ấy đến nhận các băng cassettes của chiếc máy mất đi.’’ (14-12-2001). Tới cuối tháng, tới lượt anh Nguyễn Tâm ghi lai thông báo dán cửa văn phòng như sau : ’’Tại văn phòng của cha hiện cất giữ một số băng cassettes. Cha mời sinh viên nào đó đã có lòng mượn và đang sử dụng chiếc máy cassette của cha xin ghé văn phòng lấy thêm các cuộn băng còn lại.’’ (25-12-2001).
Tôi thắc mắc hỏi cha :
- Thế cha đã đọc các e-mails này chưa ?
- Lúc đó cha mệt quá làm sao đọc được.
Trước mỗi chuyến đi xa, việc sắp sửa hành lý thường làm ta mệt nhoài. Truớc khi về thiên đường, cha mệt mỏi vì sắp phải thuyên chuyển đi thật xa.
Trong bài ‘‘CTKD1 : 4 năm trường học, 30 năm trường đời’’, tôi kể lại sự tích máy cassette của cha như sau : ‘‘Lúc còn giữ trọng trách viện trưởng, có đôi lần cha chấp thuận cho tôi tổ chức ‘‘hội thảo bỏ túi’’ trong phòng khách của cha sau bữa cơm tối. Cha đưa cho tôi sử dụng máy ghi âm cassette (viết tắt K7) hiệu Philips, cha mới mua ở Pháp nhân dự hội nghị UNESCO. Chiếc máy cassette này là thế hệ K7 thứ nhất du nhập Việt Nam. Khoảng giữa thập niên 60, chỉ có tape recorder, phần nhiều mang nhãn hiệu Akai cồng kềnh. Các vị giáo sư có mặt đều tấm tắc khen máy ghi âm K7 tiện dụng.’’ 21
Thái độ của cha về máy cassette bị mất giải thích phần nào sự bao dung, độ lượng của cha. Sự bao dung (tolérance) này còn được thể hiện qua lãnh vực tôn giáo. Theo ý cha, Thụ Nhân có nghĩa là một nền học vấn nhân bản, không tuyên giáo (non confessionnel), nói khác đi là thế tục hóa việc dạy học (laicisation de l’enseignement).
- Để con đọc cho cha nghe bút ký của thầy Nguyễn Khắc Dương.
Lần này, cha không nói ‘‘Ừ thì được’’ nữa, chỉ mỉm cười.
‘‘Viện Đại Học Dalat quả thực là học đường, không bị tha hóa biến thành chính trường, thị trường, giáo đường. Quả là đúng với danh hiệu ‘‘THỤ NHÂN’’. NHÂN là NGƯỜI: con người có chủ vị tự quyết cho lương tâm và lý trí của mình chứ không phải là một sự vật, một khí cụ, một công cụ cho bất cứ cái gì khác, kể cả tôn giáo. Chính cha Lập có nói với tôi : ‘‘Khi mời một giáo sư, giữa hai vị mà chuyên môn và tư cách ngang nhau, tôi có xu hướng mời giáo dân hơn là linh mục hoặc tu sĩ, một người ngoài kitô giáo hơn là một người công giáo. Như vậy để giữ tính cách ‘‘không tuyên giáo’’ của nền học vấn nhân bản.’’ 22
Quan niệm của cha được thể hiện không những trong giảng dạy, mà qua mọi sinh hoạt của Viện Đại Học Dalat. Anh Bùi Mạnh Cường ghi nhận : ‘‘Vào những năm đó, giữa tôn giáo với nhau có những khoảng cách, bên này không ưa bên kia, tôn giáo này bài bác tôn giáo khác. Điều này không đúng với Đại Học Dalat. Ai muốn theo tôn giáo nào cũng được. Cha Lập không hề hỏi sinh viên theo tôn giáo nào, không bao giờ thấy cha khuyến dụ sinh viên theo tôn giáo của cha. Cha Lập đã có cái nhìn về tôn giáo một cách phóng khoáng, đúng mức.’’ (14-12-2001)
Giáo sư Lê Hữu Mục vẽ lại chân dung ‘‘một vị viện trưởng không kỳ thị’’ như sau :
‘‘No discrimination’’ là khẩu hiệu của ngài. Không bao giờ ngài phân biệt giáo lương khi phát gạo, phát áo quần, phát tiền. Có khi ngài lại tỏ ra ‘‘thiên vị’’người lương là đàng khác. Khi phát học bổng cho sinh viên, không bao giờ ngài phân biệt tôn giáo. Các Phật tử được ngài chú trọng đến một cách riêng. Hình như ngài đã giúp nhiều Phật tử học ở Nhật, ở Pháp. Tôi nhớ khi tôi còn dạy ở Đại Học Huế, tôi đã hướng dẫn sinh viên Đại Học Sư Phạm lên nghỉ hè tại Đại Học Dalat. Chúng tôi đã xây một pháp luân trên một ngọn đồi. Ngài đã cho xây thêm một vài kiến trúc phụ để biến khu này thành một công viên nhỏ rất ngoạn mục. Mỗi lần lên dạy học, đi qua khu vực này, tôi lại thán phục tinh thần tôn giáo rất tốt đẹp của cha Viện trưởng.’’ 23
Tôi còn nhớ bánh xe Pháp luân (Dharmacakrapravarta ) làm bằng đá nằm phía trái, cạnh con dốc Hậu giang đổ xuống Đại học xá. Bên kia đường là nhà tiền chế SIVIDA. Phía dưới bánh xe có bảng lưu niệm của Đại học Sư phạm Huế. Từ những năm 60, bánh xe Pháp luân xoay vần xóa đi năm tháng học đường.
Trong lễ truy điệu (23-12-2001), giáo sư Vũ Quốc Thúc nhận định : ‘‘Trong việc tuyển mộ các giáo sư, giảng sư cũng vậy, viện không chủ trương giới hạn thành phần công giáo.Trường hợp của tôi là một bằng cớ hiển nhiên : tôi không phải là người công giáo nhưng đã được mời dạy và tôi khẳng định rằng cha Viện trưởng không bao giờ xen lấn vào công việc của tôi. Cha để tôi hoàn toàn tự do diễn giảng theo đúng lương tâm của mình. Thái độ cởi mở và thân hữu của cha càng khiến tôi quý mến ngài.’’
Cũng trong thánh lễ này, giáo sư Vương Văn Bắc phát biểu :‘‘Về mấy năm giảng dạy môn Tư tưởng Chính trị Tây phương tại Viện Đại Học Dalat, tôi có thể xác quyết không một chút e dè nào là chưa bao giờ Linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập tìm cách chỉ thị, kiểm soát, gợi ý hay ảnh hưởng đến nội dung hay cung cách diễn giảng của tôi trong giảng đường. Linh mục đã tuyệt đối tôn trọng tự do tư tưởng của người giảng dạy, chắc chẳng vì lòng tín nhiệm một cá nhân mà vì ý thức sâu xa rằng tự do tư tưởng chính là bản chất tinh túy, là động lực vạn năng của ngành đại học.’’
Hai giáo sư Vũ Quốc Thúc và Vương Văn Bắc đều là các luật gia. Hai chứng từ trên đây thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe, cảm nhận (ce qu’ils ont vu, entendu et perçu) về một thực tại : Đại Học Dalat ; và một nhân vật : cha Nguyễn Văn Lập. Các nhận định đó cho phép so sánh giữa Viện Đại Học Dalat (trước 1975, đặc biệt giai đoạn cha làm viện trưởng) với một Nghĩa thục.
Theo sử liệu, từ năm 1906, nhà cụ Lương Văn Can, số 4 phố Hàng Đào Hà Nội, đã trở thành trụ sở Đông Kinh Nghĩa Thục :
- Đông Kinh là tên cũ của Thănh Long thành.
- Nghĩa Thục, vì nhà trường hoạt động vì đại nghĩa, không thu học phí. (Hơn nửa thế kỷ sau, Đại Học Dalat hoạt động vì đại nghĩa (Trồng người), không thu học phí, chỉ thu lệ phí như các đại học của chính phủ (Saigon, Huế, Cần Thơ).
Đông Kinh Nghĩa Thục dựa theo mô hình của Keio Gijuku (Khánh Ứng Nghĩa Thục), do Phukuza Wayukichi (Phúc Trạch Đạt Cát) thành lập ở Nhật năm 1858. Sau khi thăm viếng Keio Gijiku, cụ Phan Bội Châu có ý định mở Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội.
Khánh Ứng Nghĩa Thục chủ trương đào tạo con người có đầu óc :
1 - Tự chủ,
2 - Độc lập,
3 - Tháo vát,
4 - Sẵn sàng hoạt động vì công ích.
Đây cũng là những mục tiêu ‘‘trồng người’’ của cha. Bút ký của giáo sư Nguyễn Khắc Dương cho thấy quyết tâm của cha gìn giữ tinh thần độc lập, tự chủ của Viện Đại học Dalat.
Về tinh thần tháo vát, sẵn sàng hoạt động vì công ích, cha từng thổ lộ :
‘‘Khi sinh viên đến hỏi cha có nên tham gia biểu tình hay không, cha trả lời các con phải biểu tình với đồng bào. Khi có các cuộc tuyệt thực ở bất cứ đâu, ở ngoài chợ, ở bên chùa, cha đều đi thăm.’’
Anh Phan Bá Phi kể lại:
‘‘Có một anh sinh viên tranh đấu biểu tình bị cảnh sát bắt. Cha can thiệp. Anh ấy được tự do. Cha căn dặn anh ấy: Nếu con thấy đúng cứ làm. Làm đi mà học hỏi kinh nghiệm với đời. Chứ cha không hề quở trách hay phàn nàn là đã làm phiền cha. Cha thật phóng khoáng bao dung. Cha chỉ lo cho sinh viên của cha vào đời thiếu kinh nghiệm. Cha chỉ muốn sinh viên tự nghiệm thu lấy kinh nghiệm đời từ những tập tễnh dấn thân. Nếu có ngã cha đứng bên nâng đỡ. Cái bao dung của một người cha khuyến khích đứa con dại tập tễnh bước những bước đi đầu tiên của cuộc đời. Sẵn sàng đỡ đứa con đứng dậy. Hướng dẫn và khuyến khích nó tiếp tục bước. Câu chuyện đó cả đời tôi không quên.’’ (2-12-2001)
Kinh nghiệm của Khánh Ứng Nghĩa Thục góp phần giúp nước Nhật hoàn toàn lột xác từ một xã hội lạc hậu, ngày nay trở thành một cường quốc trong Nhóm G7.
Kinh nghiệm này đã được lập lại với vị ‘‘Thục trưởng’’ tên là Lập. Cha không chỉ lập lại, nhưng còn thành lập , với nhiều điều mới mẻ.
Kinh nghiệm nghĩa thục của Nhật được ghi dấu với ba niên hiệu đáng ghi nhớ :
- 1890 : Khánh Ứng Nghĩa Thục mở cấp Đại học.
- 1891 : mở thêm ban Thương mại.
- 1905 : mở chuyên khoa Kinh doanh.
So với năm phân khoa của Khánh Ứng Nghĩa Thục (Kinh tế, Chính trị, Pháp luật, Văn chương và Kinh doanh), ngoài ba phân khoa sẵn có (Văn khoa, Sư phạm và Khoa học), cha mở thêm các chuyên khoa Kinh tế, Chính trị và Kinh doanh bao gồm trong học trình của Trường CTKD và chứng chỉ Văn minh Việt Nam của Đại học Văn khoa. Theo giáo sư Lê Hữu Mục, cha có ý định mở thêm ngành học mới mẻ này khi còn ở Huế. Cha nuôi ý định trong một thời gian khá lâu trước khi được Hội đồng Giám mục giao trọng trách điều khiển Viện Đại Học Dalat. Tiếp đó, cha một mình vượt qua nhiều chống đối từ nhiều phía, xin được nghị định cho phép thành lập Trường CTKD. Cha được nhiều người yêu mến. Chính những người thân của cha đã tiếp tay trong việc thành lập Trường CTKD. Như trường hợp giáo sư Vũ Khắc Khoan. Giáo sư Khoan là anh rể ông bộ trưởng Giáo dục Bùi Tường Huân. Năm 1964, ông bộ trưởng đã ký nghị định cho phép thành lập Trường CTKD. Ngoài nghị định thành lập Trường CTKD và việc mời các vị giáo sư giảng dạy, cha còn vận động thu xếp công ăn việc làm cho một số sinh viên tốt nghiệp. Năm 1968, 13 anh chị tốt nghiệp cử nhân CTKD khóa 1 được vào IBM làm việc là nhờ cha quen thân với kỹ sư Đàm Quang Thiện. Khi đó, ông Thiện làm giám đốc IBM, có vợ người Thụy Sĩ.
Trở lại trường hợp Đông Kinh Nghĩa Thục, thục trưởng là cụ Lương Văn Can (1854-1924), cụ Nguyễn Quyền làm giám học. Giáo sư của trường là những nhà văn hóa có công khai phá nền văn học quốc ngữ: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Trần Đình Đức, Bùi Đình Tá, Nguyễn Bá Học, Phạm Đình Đối, Nghiêm Xuân Quảng v.v.
Năm 1904, các nhà chủ trương Đông Kinh Nghĩa Thục công bố Văn Minh Tân Học Sách viết bằng chữ Hán. Phần đầu của Học Sách coi bộ sách Quản Tử của Quản Trọng góp phần tạo lập khoa học cách tri của Trung Quốc. Trong bộ sách này, Quản Trọng đã đề ra chủ trương Thụ Nhân được tóm lược trong phần trên đây. Văn Minh Tân Học Sách viết:
‘‘Khoa học cách tri đã thấy tản mác ở bộ Chu Quan, các sách Quản Tử, Mặc Tử vẫn là ngọn nguồn văn minh ấy. Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn minh. Nói về vị trí thì vào giữa khoảng nhiệt đới và ôn đới. Đất tốt, khí hậu điều hòa, thóc lắm, tằm nhiều, các nguồn lợi miền núi, miền biển hơn cả thiên hạ. Dân trong nước làm ăn dễ dàng. Trải các triều đại, vua thánh, tôi hiền, cùng nhau làm cho thịnh vượng lên, rực rỡ thêm, to tát ra. Trong Lão sứ Tinh tự, Phong nhã Thống biên có nói ta được các nước trong ngoài khen là nước thanh danh, văn vật.’’
Đông Kinh Nghĩa thục đề ra sáu Học sách nhằm mở mang dân trí :
- Một là dùng văn tự nước nhà : ‘‘Gần đây, linh mục người Bồ Đào Nha chế ra chữ quốc ngữ, lấy 26 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm, 11 vận, đánh vần theo lối hài thanh mà đọc ra tiếng ta, rất là giản dị nhanh chóng.(...) Đó thực là bước đầu tiên trong việc mở mang trí khôn vậy.
- Hai là hiệu đính sách vở : ‘‘Tưởng nên đặt ra một tòa soạn sách: pho nào nên đọc, pho nào không nên, đặt thành các chương trình học theo từng cấp.’’
- Ba là sửa đổi phép thi : ‘‘Có thể tạm dùng luận và văn sách cũng còn có lý đôi chút. Lấy Kinh, Truyện và ba bộ sử (sử Nam, sử Tàu, sử Thái Tây) đặt đề mà hỏi, cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết. Rồi thêm vào đó, mấy bài về Toán pháp, về chữ Quốc ngữ, để cho điều học sinh học không trái ngược với công việc thực tế.’’
- Bốn là cổ võ nhân tài : ‘‘Có học mà không dùng được thì ai theo đuổi làm gì ? Vậy nên khuyến khích các học quan xem xét người nào đã tốt nghiệp rồi thì bổ làm việc trong các bộ, trong viện, hễ có tờ thông tư thì bảo họ dịch ra, hễ có cuộc thương nghị thì đem họ đi theo. Còn những ai không học được chữ Tây thì lập ra một Sĩ Học viện để thâu nạp lấy họ, rồi đem các sách Công pháp, Tây sử, Luật lệ, Hội điển, Địa đồ, Toán học v.v. chứa đầy vào trong viện ấy, đặt rõ chương trình, kỳ hạn, bắt họ phải giảng giải, bồi bổ lẫn nhau.’’
- Năm là chấn hưng công nghệ : ‘‘Những ai giỏi về các khoa cách trí, khoa học, hóa học, thì làm cho họ vẻ vang sang trọng hơn cả những người đỗ đại khoa.’’
- Sáu là mở tòa báo : ‘‘Còn nước ta thì chỉ có ở Saigon và Hải Phòng có báo viết bằng chữ Tây, người đọc được không mấy. Báo viết bằng chữ Hán chỉ có một tờ Đại Nam Đồng văn Nhật báo. Không thể bỏ qua chữ quốc ngữ. Dùi mài mấy tập sách cũ, sao bằng xem báo mới.’’ 24
Năm 1907, số học sinh từ 500 tăng dần gấp đôi, theo học các môn Quốc văn, Hán văn, Pháp văn, Lịch sử, Địa dư và Toán pháp. Đông Kinh Nghĩa Thục còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện. Trong số diễn giả có cụ Phan Chu Trinh, Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm, Hoàng Tăng Bí. Nghĩa thục ấn hành nhiều sách giáo khoa như Quốc dân độc bản, Nam quốc giai sự, Nam quốc địa dư, Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư.
Đông Kinh Nghĩa Thục còn đi xa hơn Khánh Ứng Nghĩa Thục ở chỗ nghĩa thục Nhật bản chỉ giảng dạy ngành Kinh doanh, Nghĩa Thục nước ta phát động phong trào ‘‘Chấn hưng Kinh tế’’. Hoàng Tăng Bí thành lập Đông Thành Xương buôn tạp hóa, ướp chè sen. Phong trào rầm rộ đến nỗi cụ Nghiêm Xuân Quảng xin từ chức Án sát Lạng Sơn về Thái Bình kinh doanh. Phong trào ‘‘Chấn hưng Kinh tế’’ lan rộng đến tận miền Trung và miền Nam. Ngô Đức Kế mở Triêu Dương Thương Quán ở Nghệ An. Ngoài ra còn có ‘‘Chiêu Nam Lâu’’ ở Saigon, ‘‘Tư Bình Đường’’ ở Bến Tre, ‘‘Tân Hợp Long’’ ở Long Xuyên v.v.
Sau Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều Nghĩa Thục lần lượt được mở ra ở Hà Đông, Hải Dương, Thái Bình. Tuy chỉ hoạt động chưa đầy một năm, chủ trương ‘‘Hóa quốc cường dân’’ của Đông Kinh Nghĩa Thục đã tác động tích cực đến nhiều lãnh vực, nhất là lãnh vực giáo dục.
Cuối năm 1907, nhà cầm quyền Pháp bắt buộc phải mở ‘‘Học Quy Tân Trường’’, gồm ba cấp sơ học, trung học và đại học.
Đông Kinh Nghĩa Thục tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc nói chung, và nhất là lịch sử văn học và giáo dục Việt Nam. Thật vậy, năm thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử văn học nước nhà, kéo dài đến năm 193225. Ngày 22-9-1932 : Phong Hóa số 14 đổi mới được tục bản do nhóm Tự Lực Văn Đoàn gồm : Nhất Linh, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ v.v.
Trong Văn minh Tân học sách, Đông Kinh Nghĩa Thục đề ra sáu điểm: truyền bá quốc ngữ, hiệu đính sách vở, sửa đổi phép thi, cổ võ nhân tài, chấn hưng công nghệ và xuất bản báo chí. Ngay năm 1907, một giáo sư của Đông Kinh Nghĩa Thục là Nguyễn Văn Vĩnh đã đổi tờ Đại Nam Đồng Văn (viết bằng chữ Hán) ra tờ Đăng cổ Tùng báo (viết bằng chữ quốc ngữ), số đầu tiên phát hành ngày 20-3-1907. Cơ sở xuất bản Đăng cổ Tùng báo đã ấn hành cuốn Tam quốc Chí do Phan Kế Bính dịch ra chữ quốc ngữ. Trong bài tựa, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết :
Nước Nam ta mai sau này hay dở là ở như chữ quốc ngữ.
*
Vào thập niên 60, cha đã biến Viện Đại Học Dalat thành một nghĩa thục. Ngoài việc chỉ thu lệ phí ghi danh (droit d’inscription), cha tạo điều kiện để các sinh viên có đầy đủ phương tiện học tập, từ việc cấp học bổng đến việc tài trợ cho các hội đoàn có phương tiện thực hiện nhiều sinh hoạt khác nhau: hội thảo, trình diễn văn nghệ, báo chí, thể thao, du ngoạn v.v. Các hội đoàn đó là Tổng Hội Sinh Viên, Đoàn Sinh Viên Công giáo, Đoàn Sinh viên Phật tử, Đoàn Thanh Niên Thiện Chí, Đoàn Sinh Viên Công Tác Xã Hội v.v.
Để tạo cho Viện một bản sắc riêng, ngoài các nhà ngữ học, sử học, ngôn ngữ học có uy tín, cha còn mời nhiều nhà văn hóa giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa, trong số có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan. Giáo sư Khoan đã tập cho sinh viên vở kịch Thành Cát Tư Hãn do chính giáo sư biên soạn. Ban kịch từng công diễn tại Hội trường Hòa Bình. Anh Đinh Gia Mô (bút hiệu Dynamo, sau này điều khiển chương trình Đố Vui Để Học trên băng tầng 9 của Đài Truyền Hình Việt Nam) thủ vai chính.
Ngoài việc in các tài liệu giáo khoa do hợp tác xã Sivida (viết tắt : Sinh viên Dalat) thực hiện, cha còn mở ban Báo chí học tại Saigon, do giáo sư Nguyễn Ngọc Linh (Tổng giám đốc Việt Tấn Xã, viết tắt : VTX) làm trưởng ban, có các giáo sư Từ Nguyên Trần Văn Ngô, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh v.v. trong ban giảng huấn. Nhiều học trò của cha học khoa Báo chí xuất thân từ các đại học Văn khoa, Sư phạm (Dalat, Saigon, Huế), Luật khoa (Saigon, Huế), CTKD (Dalat), sau này trở thành nhà văn, nhà báo tên tuổi. Chuyên khoa Kinh doanh của Trường CTKD đã kế thừa chủ trương của cả hai nghĩa thục xứ Phù Tang và Hà Nội.
Với quá trình hoạt động vừa kể, Viện Đại Học Dalat xứng danh là một nghĩa thục, nhất là vào thời kỳ cha làm viện trưởng. Đó là một nghĩa thục đúng nghĩa về cả phương diện vật chất (không thu học phí) lẫn nội dung giảng dạy. Nghĩa thục của cha có một tác dụng lâu dài là nhờ chủ trương Trồng người. Chủ trương đó đã góp phần đáng kể trong tổ chức giáo dục của nước nhà
*
clip_image036
Chương 5
Thụ Nhân Trong Giáo Dục Dân Tộc


clip_image038Không kể những cái nôi của văn minh nhân loại : Ấn Độ, Trung Quốc của phương Đông, Hy Lạp, La Mã : phương Tây v.v., đất nước ta có trong số các nước có một nền giáo dục lâu đời26. Năm 1070, vị vua thứ ba của triều đại nhà Lý là vua Lý Thánh Tông (1054-1072), vào năm Thần Vũ thứ hai (1071), đã lập Văn Miếu tại Cửa Nam
kinh đô Thăng Long. Năm năm sau, nhà vua mở thêm Quốc Tử Giám, cũng trong khuôn viên Văn Miếu. Vị tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta là Lê Văn Thịnh (khóa thi tuyển Minh kinh Bác học năm 1075). Khóa thi Hội cuối cùng diễn ra vào năm Khải Định thứ tư (1919). Đất nước ta có tất cả 2898 vị tiến sĩ trải qua 844 năm lịch sử khoa cử.
Trong chuyến ra Bắc trước năm 1954, cha có dịp viếng thăm cơ sở đại học đầu tiên này. Trong Văn Miếu, cha từng nghe tác giả Thần Tháp Rùa - sau này là giáo sư Vũ Khắc Khoan, giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Dalat - diễn ngâm tuyệt bút Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Bốn câu thực và luận như sau :
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương. 27
Trước mắt tôi, một góc thiên đường mang hình ảnh Quốc Tử Giám, sân trước là Khuê Văn Các nối với sân sau Thiên Quang Tỉnh (giếng Thiên Quang). Sao Khuê năm cánh nằm kề trong số nhị thập bát tú, tương tự như sao Pléiade trong văn học Pháp, để chỉ thơ văn. Tỉnh 井 (giếng nước) cũng là tên một vì sao trong nhị thập bát tú, để chỉ việc học. Giếng nước Thiên Quang nằm ở giữa 82 tấm bia tiến sĩ, suốt từ 1442 tới 1780. Thuở còn thơ, tôi là một sói con trong bầy Sóc Sơn, từng ca hát trong chiếc nôi văn học này của đất nước:
‘‘Anh em ơi ! rèn cánh tay sẵn sàng.
Anh em ơi ! rèn trái tim vững vàng.
Tiếng kêu gọi xin ai chớ quên.’’
Tôi chưa quên khúc hát giục giã lên đường phục vụ tha nhân. Khẩu hiệu ‘‘Sắp sẵn’’ của Hướng Đạo dưới hoa Bách Hợp nêu bật ý nghĩa hành khúc này.
Cảnh trí thiên đường thấp thoáng mấy cây hoa đại (hoa sứ). Tức cảnh sinh tình, tôi đề nghị :
- Cha có muốn con đọc bài ca Hồ trường (壺觴) do một tác giả vô danh ở Thượng Hải cảm tác, giáo sư Nguyễn Bá Trác trong Đông Kinh Nghĩa Thục ghi lại, đăng trong tạp chí Nam Phong (số 38-43) ?
Không đợi cha trả lời, tôi đọc lại bài thơ viết cách đây đúng 100 năm :
‘‘Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.
Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một mầu sương.
Học chẳng thành công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu ?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan
Rót về Tây phương, mưa Tây rơi từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng. Nào ai tỉnh nào ai say.
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.’’
Cha có vẻ cảm động. Có thể vì câu đầu : Trời Nam một màu thẳm, mây nước một màu sương. Nhưng cũng có thể cha nghe lại bài thơ cũ qua tiếng nói học trò. Tôi ngắm hình ảnh Khuê Văn Các trên thiên đường, hỏi cha :
- Từ 1075 (năm có khóa thi tiến sĩ đầu tiên) tới năm cha về làm ‘‘Thục trưởng’’, gần 1000 năm trôi qua có làm cho ngôi Nghĩa thục của cha gián đoạn với truyền thống giáo dục của đất nước ?
- Không đâu con ạ, vì giáo dục bao gồm truyền thống (tradition) và canh tân (modernité). Bằng không, nền giáo dục trở nên khập khiễng. Cha tôn trọng truyền thống, đồng thời gạn lọc tinh hoa của nền giáo dục hiện đại. Vì vậy, nội dung giảng dạy của mỗi chuyên khoa tuy có khác nhau, nhưng tinh thần Thụ Nhân vẫn là một. Tất cả tạo một sắc thái riêng cho Viện Đại Học Dalat.
- Trong số các truyền thống, cha giữ lại những gì ?
- Văn chương cổ điển gắn liền với văn minh nhân loại. ‘‘Humanités’’ trong tiếng Pháp bao gồm ngôn ngữ và văn chương Hy Lạp và La Mã. Triết học Đông phương dành cho con người vị trí trung tâm. Vì vậy, cổ nhân coi trọng con người trong việc giáo dục. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu là những nhà giáo dục để lại khuôn vàng thước ngọc cho việc đào tạo nhân tài. Không ai là không biết câu nói:‘‘Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện.’’ 28 ( 默 而 识 之,学 而 不 厌,诲人不倦 ). Trong việc học tập, cần nhất là tu sửa đạo làm người. Về phương pháp giáo dục, học phải gắn liền với hành (Học nhi thời tập chí 学 而 时 习 之). Học là để làm minh đức thêm rạng ngời và để phục vụ nhân quần xã hội (Kim chi học giả vị nhân 今 之 学 者为 人). Các quan niệm giáo dục vừa kể vẫn còn giá trị. Vì vậy, cha đã dùng danh hiệu giáo dục của người xưa đặt tên cho các cơ sở của viện. Trong triết lý giáo dục của cổ nhân, chủ trương ‘‘Trồng người’’ của Quản Trọng đã trở thành châm ngôn của Viện Đại Học Dalat.
- Thưa cha, còn các ngành học mới mẻ ?
- Nếu lấy cây Thụ Nhân làm biểu tượng của Viện Đại Học Dalat, Văn khoa là gốc. Các phân khoa còn lại là cành. Sinh viên chọn phân khoa này hoặc phân khoa khác, trong mỗi phân khoa lại chọn một chuyên khoa, nhưng cơ cấu của viện là một, đặt dưới sự điều khiển của một viện trưởng.
Năm 1970, nếu cha không từ chức viện trưởng, có lẽ cha đã thành lập một phân khoa mới là Luật khoa. Cha nói cho tôi biết ý định này vì khi đó, nhiều sinh viên các tỉnh cao nguyên phải về Saigon học Luật rất tốn kém, trong khi việc đào tạo luật gia rất cần thiết cho một xã hội đang chuyển mình, như đất nước ta trong thập niên 60 (và ngay cả hiện tại).
- Thưa cha, ngoài truyền thống, so với giáo dục mới, cha có chủ trương như thế nào ?
- Đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự.29 (同 归 而 殊 途, 一 致 而 百 虑). Cha quan niệm đại học ‘‘đồng qui nhi thù đồ’’. Đại Học Dalat không tự giới hạn trong một khuynh hướng nào, luôn giữ vị thế độc lập trước mọi thế lực, để có thể tự do tiếp nhận mọi giá trị khác nhau. Khái niệm ‘‘Tự do’’ không dành riêng cho viện trưởng hoặc các vị khoa trưởng, nhưng nới rộng tới mỗi thành phần trong viện: các vị giáo sư hoàn toàn tự do trong giảng dạy, sinh viên hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa một quan niệm chính trị, một cách thái hành động. Viện Đại Học Dalat không thiên tả, cũng không thiên hữu, chỉ đơn giản là một học đường, hay nói đúng hơn, là con đường. Con ạ, một con đường bao giờ cũng có những giới hạn khác nhau : bên phải, bên trái, giữa đường, rồi thì đầu đường, cuối đường. Con đường này rất dài, được chia thành mấy khúc: thập ngũ, tam thập, tứ thập, ngũ thập, lục thập, thất thập v.v.30 Cha tôn trọng tự do của mỗi thành phần đại học. Cha thiết nghĩ các nhà giáo dục không bao giờ làm công việc của cảnh sát công lộ và khi ngồi trong lớp học, sinh viên cũng không phải là người sử dụng công lộ. Một người dạy học bao giờ cũng yêu thương học trò, không quở phạt một ai. Viện đại học là một ngã tư đường (giao điểm) có trách nhiệm giúp mỗi người chuẩn bị vốn liếng chuyên môn (bagage intellectuel). Ai đi đường mả chẳng cần tới hành trang. (Kể cả khi về nước trời). Chúng ta gặp nhau ở ngã tư rồi chia tay nhau. Mỗi người sẽ chọn riêng cho mình một lối đi. Con đường đó mang ý nghĩa ‘‘Đạo’’ của phương Đông: ‘‘Đại học chi đạo tại minh minh đức’’31 (大 学 之道,在 明 明 德) ; và ‘‘Đường’’ của phương Tây: Je suis la voie, la vérité, et la vie.
- Sau khi lìa bỏ ngã tư đường đại học, mỗi người chúng con đều đi mãi. Đi hoài đến độ mỏi chân.
- Theo Gabriel Marcel, con người luôn dấn bước (homo viator).‘‘ Thệ giả như tư phù, bất sả trú dạ’’.32 ( 逝 者 如 斯 夫。不 舍 昼 夜) Dòng đời trôi mãi cuốn theo mỗi định mệnh. Ở cuối đường ta lại gặp ta.
- Cha ạ, thì ra ‘‘Bách niên chi kế’’ của cha còn là ‘‘Bách lự’’33.
- Con đã nói đến nền giáo dục mới. Năm 1907, các cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục là những người đầu tiên đặt vấn đề sửa đổi giáo dục. Người Pháp thành lập trường Sư phạm tại Saigon vào năm 1871. Năm 1874, cơ sở của trường Sư phạm trở thành Lycée Chasseloup Laubat (sau đổi thành Jean-Jacques Rousseau, hiện nay là trường Lê Quí Đôn). Năm 1907, do ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục, Triều đình Huế thành lập Bộ Học lo việc Giáo dục. Cũng năm này, người Pháp thành lập Học Qui Tân Trường. Đây là cơ sở giáo dục cao đẳng (đại học) đầu tiên ở nước ta theo mô hình Tây phương. Sau thời gian thử nghiệm, Tân Trường bị đóng cửa. Năm 1912, Tân Trường tái hoạt động tại Hà Nội, với danh xưng Đại học. Cũng như những viện đại học khác trong nước, Viện Đại Học Dalat kế thừa tổ chức giáo dục cao đẳng của Pháp. Trong việc thành lập các ngành học mới, cha chủ trương thu thập kinh nghiệm không những của Pháp mà còn của Anh-Mỹ để hình thành một hệ thống giáo dục riêng của ta. Có lúc người Mỹ muốn áp đặt mô hình giáo dục anglo-saxon, nhưng cha không chấp nhận. Viện Đại Học Dalat hoàn toàn độc lập trước những áp lực của thời thế, tạo cho mình bản sắc riêng để thực hiện chức năng ‘‘Trồng Người’’. Trồng Người là trồng một con người toàn diện, ngoài tri thức còn là tâm hồn nữa, nhằm làm sáng tỏ đạo làm người, biết lo lắng cho người khác. 34
Trong bài ‘‘Vài Kỷ niệm và Cảm nghĩ về Viện Đại Học Dalat’’, giáo sư Nguyễn Phú Đức có nhắc tới sự giao hòa giữa hai quan niệm của Pháp và Mỹ như sau :
‘‘Tôi không được biết đích xác nguyên do việc sáng lập Viện Đại Học Dalat, nhưng tôi suy luận khởi đầu có lẽ là do sáng ý của hệ thống Công giáo cao cấp, vì sau 1975 khi lưu vong sang Pháp tôi đến dạy tại ESSEC (Ecole Supérieure des Sciences Economiques et Commerciales), tôi được biết Trường này sơ khởi là do Institut Catholique de Paris sáng lập từ 1907. Tôi thấy Viện Công giáo Paris đã trông thấy rất sớm nhu cầu đào tạo các cán bộ ưu tú về quản trị xí nghiệp và tầm quan trọng của ngành này trong tương lai. Về sau, ESSEC trở nên một Grande Ecole của Pháp, với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại Versailles. (...) Trường CTKD Viện Đại Học Dalat cũng là một Trường Đại Học tư, được Bộ Quốc Gia Giáo Dục công nhận. Linh mục Nguyễn Văn Lập có một vai trò quan trọng trong việc tổ chức trường này, vì Cha Lập giữ chức vụ Viện Trưởng từ 1961 đến 1970.’’
Ban giảng huấn của Trường CTKD và các phân khoa khác (Văn khoa, Sư phạm, Khoa học), gồm các vị giáo sư từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau : Trong nước, Pháp và Hoa Kỳ v.v. Nhờ vậy, Viện Đại Học Dalat tạo được thế cân bằng giữa các phương pháp đào tạo khác nhau, khiến nội dung và phương pháp giảng dạy càng thêm phong phú.
Cha là một nhà giáo dục luôn nghĩ đến việc giữ vững vị thế độc lập của viện. Cha lúc nào cũng lo lắng hoàn thành thiên chức cao quý của mình, với một trái tim hòa nhịp cùng vui buồn nhân thế35 của một nghệ sĩ. Vì vậy, cha nghe một lần Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan, do kịch tác gia Vũ Khắc Khoan diễn ngâm ở Văn Miếu Hà Nội, nhưng nhớ mãi đến cuối đời. Cha nhớ từng vị giáo sư. Cha không quên mỗi sinh viên. Mỗi người là một dòng, một chữ trong bản trường ca giáo dục của cha. Bản trường ca đó vang dội tới cõi thiên đường, khiến cha ngậm ngùi mỗi khi nhớ lại.
Thiên đường không có lá vàng. Chốn này không còn thời gian thì làm sao có lá úa ? Nhưng thiên đường có nắng vàng. Nắng vung vãi từng vệt sáng tựa lá vàng.Khung cảnh sao nên thơ quá. Tôi lơ đãng nhìn tận chốn xa.
- Con kiếm gì vậy ?
- Nai vàng. Những vệt nắng vung vãi lá thu như thế này mà không có nai vàng thì uổng quá !
Cha không nói gì, chỉ mỉm cười. Người trần gian đôi lúc mơ màng để tạm quên những nhọc nhằn của cuộc sống. Cha rất an nhiên tự tại, không mơ mộng. (Vì thế cha mới đi tu, khi chết mới được lên thiên đường).
Nắng thêm vàng làm tan biến mộng mơ. Cha bảo tôi :
- Thôi con về đi.
- Con chưa muốn về. (Thiên đường đẹp như thế này việc gì mà về vội).
- Không được đâu con ạ. Chốn của con ở mãi trần gian.
Tôi đành chấp nhận thực tế, hỏi cha :
- Trước khi con về trần gian, cha có muốn nhắn gởi gì các sinh viên của cha không ?
- Con nhắn giùm cha là ngày nay, chân trời nào cũng có cây Thụ Nhân. Cha muốn mỗi người là một ‘‘Thục trưởng’’, mỗi nhà là một ‘‘Nghĩa thục’’.
Làm sao để tinh thần Thụ Nhân được tiếp nối.
Tôi chợt nhớ ngâm khúc quen thuộc của Tản Đà :
‘‘Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi !
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi !
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời !
Trời đất từ đây xa cách mãi,
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.’’
Tôi lẩn thẩn tự hỏi tại sao Tản Đà lại viết ‘‘Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai’’. Khi làm thơ, thi nhân thường ngậm ngùi nên chỉ thấy toàn là ‘‘rơi rắc’’ với ‘‘héo rụng’’. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng nói tới hoa rụng: ‘‘Trở gối hoa lê rụng trắng thềm’’. Hoa rơi rất nhẹ, không gây động tĩnh gì. Cớ sao tôi nghe thấy tiếng động xôn xao. Tôi giụi mắt, chợt nhận ra
‘‘Trời đất từ đây xa cách mãi’’.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời.
*
Con xin chào cha. Cha ở lại thiên đường.
Trên khung cửa sổ, sương mù đã tan biến. Tuy cánh én chưa về, nhưng nắng sớm báo tin ngày xuân gần về trên nước Pháp. Hồi còn đi học ở Dalat, sinh viên đoán thời tiết rất tài tình. Nếu buổi tối nhiều sương hoặc nhiều sao, hôm sau thế nào cũng nhiều nắng.
Ai cũng nói Paris là kinh thành ánh sáng. Không ai nói thành phố này có nhiều nắng. Nắng Paris không nhiều. Còn lại chỉ là chuỗi ngày buồn bã.Ở Paris, có lẽ chỉ riêng mặt trời là e lệ nhất, quanh năm suốt tháng trốn sau đám mây ủ dột. Không có nắng nên ngày thường rất ngắn. Trời xanh làm cho ngày thêm dài. Không còn sương mù nên sông Seine uốn khúc thêm xa. Mây xám lưu lạc tha phương, bỏ lại một mình tháp Eiffef cao nghệu. Trời Paris đẹp lại rồi. Con ghi vội mấy dòng chữ này để tiễn biệt cha. Thế nào mai mốt, con sẽ gặp lại cha.
*

Bạt


clip_image040Năm 1996, Thụ Nhân Âu Châu ấn hành tập Thuyết Toàn dụng của John Maynard Keynes có áp dụng ở Việt Nam không ? Tập sách này in lại bài thuyết trình của giáo sư Vũ Quốc Thúc ngày 30-6-1996. Bìa sau ghi tựa sách Cha Lập, dự định tập hợp các bài viết và phỏng
vấn cha. Tôi rất mong hoàn thành tập sách này để cha đọc. Cha sẽ nhớ lại mười năm Trồng Người ở Dalat. Nhưng cha không chấp nhận cho tôi phỏng vấn. Vì vậy, dự định in sách không thành. Tháng 11-2001, khi được tin cha lâm bệnh, tôi phát nguyện nếu cha được bình phục, tôi sẽ viết một tập sách để cha đọc cho vui. Tôi còn nhớ năm 1998, tôi gửi về cha bài ‘‘CTKD 1 : 4 năm trường học, 30 năm trường đời’’. Trong lá thư ngày 24-9- 1998, cha viết : ‘‘Mới được chiều hôm qua tài liệu anh viết về CTKD 1. Đã đọc cả đêm. Và hết sức vui. Đã làm photo để cho các anh bên này một bản.’’ 36 Tôi biết cha rất vui mỗi khi nghe điện thoại, đọc thư, điện thư (e-mail), thiệp chúc, bài viết, sách vở sáng tác v.v. của các học trò cũ gửi về. Thượng tuần tháng 11, anh Phạm Chí Thành (CTKD1) gởi e-mail, đề nghị Thụ Nhân hải ngoại soạn văn tế để sẵn sàng khi hữu sự. Tôi biết mình không phải là thi sĩ, lời thơ còn non nớt nên bất động. Nhưng vì Thụ Nhân Paris và anh Trần Quang Cảnh (Washington) hối thúc, tôi đành làm thơ. Ngày30-11, tôi gởi bài văn tế vừa viết xong về cho các anh chị Thụ Nhân ở Saigon. Ngày 4-12, chị Vi Khải Đức gởi bài song thất lục bát này về cho soeur Kiều Nga. Chị Đức bỏ bớt hai đoạn (strophes) đầu và ba đoạn cuối, nhờ vị nữ tu này đọc cho cha nghe. Chị Vi Khải Đức cho tôi biết sœur Kiều Nga đã đọc cho cha nghe hai lần, khi cha nằm trên giường bệnh. Cha nhiều lần nắm chặt tay, như muốn nói là cha đang lắng nghe 37 .
Ngày 19-12, trong khi Chúa Hài đồng chưa kịp trở lại máng cỏ tư gia thì cha đã trút hơi thở cuối cùng. Nếu cha chưa mất, tôi dự định gửi một bút ký để cha đọc vào khoảng tháng 4.
Cha mất rồi, bút ký sẽ có thêm cảnh trí thiên đường. Tôi phải viết cho xong vào đầu tháng 4, nhân 100 ngày của cha. (Vì vậy, tập sách thiếu vắng những bài viết sau thời gian này.) Cha ơi, trong Thánh lễ 100 ngày, con đặt tập sách nhỏ này trên bàn thờ cha. Con tin là các thiên thần sẽ mang lên cho cha đọc. Nhiều thầy cô và các bạn của con sẽ viết thêm nhiều bài. Bài của các vị này sẽ được in trang trọng trong tập Tưởng Niệm, phát hành vào giỗ đầu của cha (19 11-2002). Con là học trò của cha. Mấy trang giấy này được đóng vội, khác hẳn tập Tưởng Niệm cuối năm. Nhưng không sao, vì sự vội vàng rất thích hợp với nội dung mộc mạc, khiêm tốn của bài viết. Đọc xong, cha sẽ bảo : ‘‘Ừ cũng được’’. Nếu là bài thi, có thể cha cho con đậu hạng‘‘Thứ’’ (passable). Được bấy nhiêu cũng là may mắn cho con. Con chỉ có một tấm lòng yêu mến cha thôi. Tấm lòng đó, sách vở gói ghém rất vụng về. Một tấm lòng ‘‘bất khả tư nghị’’. Chị Phong Nhã đã viết về cha như sau : ‘‘Hắn chỉ thấy Cha mặc áo dòng và đứng trong sân trường chứ hắn chưa bao giờ thấy Cha trên bục giảng của nhà thờ. Những lần gặp Cha, hắn cũng chưa bao giờ thấy Cha viện dẫn lời Chúa. Nhưng đối với hắn, Cha đã làm công việc của một linh mục bằng chính đời sống của Cha, bằng cách cư xử của Cha đối với mọi người. Cha thực là sứ giả của bác ái, của lòng khoan dung. Hắn cũng chưa bao giờ thấy Cha cầm cục phấn, đứng trước cái bảng đen, nhưng chắc chắn với hắn, Cha đã là một ông thầy vô cùng sống động trong những bài học về tin yêu, về cách sống.’’ Bút ký của con viết bao nhiêu cũng không đủ. Vì vậy, con mới chép lại nguyên văn ý kiến của chị Phong Nhã (với chữ Cha viết hoa). Phải chi cha còn sống, con đã gởi bút ký này để cha đọc. Nếu cha không thích thì bỏ đi. Nhưng cha không quở trách con. Con biết là cha rất hiền. Con nhớ cha rất nhiều, nhất là lúc cha thoáng buồn khi thấy con lách cách đánh máy lá thư từ chức viện trưởng của cha. Còn nóng giận thì chưa bao giờ. Vì vậy, con mới vững bụng viết bút ký này. Nhưng rủi là cha đã mất rồi. Con phải tưởng tượng hơi nhiều và viết trong một trạng thái bối rối, có thể còn có người khác đọc. Trong lời cảm tạ tang lễ, câu cuối cùng bao giờ cũng là : Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ xuất, kính mong quí vị niệm tình tha thứ. Bút ký này được viết trong sự bối rối. Tôi xin mượn câu nói vừa kể để tạ lỗi về những sơ xuất không tránh được. Nếu lời xin lỗi này chưa đủ, tôi chép lại câu thơ của Baudelaire, may ra lời hay ý đẹp của thi nhân sẽ làm độc giả nguôi ngoai :
‘‘Quant aux omissions ou erreurs involontaires que j’ai pu commettre...’’ (Paris, 29-3-2002)
clip_image042
CHÚ THÍCH :

(1) Xin xem Vĩnh biệt Cha của Trần Văn Lương, Nhạc sĩ Anh Việt phổ nhạc.
(2) Chim phượng kia ! Chim phượng kia ! (Vi Tử – Luận Ngữ)
(3) Phạm Duy, Ngàn Lời Ca, Phạm Duy Cường Musical Productions, 1988, tr. 40.
(4) Trần Văn Tích, Quảng Trị, Đất và Người, trong : Quảng Trị : Mạch Đất, Tình Người, Hội
Ái Hữu Quảng Trị tại Hoa Kỳ, 1990, tr. 7.
(5) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Địa lý Việt Nam, Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã
hội, 1990, tr 49.
(6) Trần Văn Tích, sđd, tr. 9-10.
(7) Niên giám Công giáo 1964, Saigon, Tủ sách Sacerdos, tr. 481.
(8) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Huế, Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 1999, tr.
208.
(9) Lê Thọ Giáo, sđd, tr. iv.
(10) Phạm Duy, sđd, tr. 134.
(11) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, sđd, tr. 66.
(12) Pierre Gourou, Riz et civilisation, Paris: Ed. Fayard, 1984.
(13) Tư Mã Thiên, Sử Ký, bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Văn Học, 1994, tr.
273-274.
(14) Từ 24 tới 29-7-1967, linh mục Nguyễn Văn Lập tổ chức khóa hội thảo ‘‘Mục tiêu Quốc
gia’’. Khóa hội thảo này được đặt dưới sự bảo trợ của Hội đồng các Viện trưởng Đại học
Việt Nam. Tác giả bài báo này là văn phòng trưởng khóa hội thảo.
(15) Tư Mã Thiên, sđd, tr. 274-275.
(16) Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Triết học Trung Quốc, quyển hạ, tr. 484.
(17) Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hàn Phi Tử, Nhà Xuất bản Văn Hóa, 1994, tr 44.
(18) Hoàng Xuân Việt đã chuyển dịch ý kiến của Waterstone trên bìa cuốn Làm lại Thụ Nhân
như sau : Nếu kế 10 năm là Thụ Mộc, kế 100 năm là Thụ Nhân thì kế vạn kiếp là Thụ
Cán.
(19) Nguyễn Khắc Dương et al., Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập, Đại Học Dalat (1911- 2001), tr. 4-5.
(20) sđd), tr. 21.
(21) Đặc san Kỷ niệm 30 năm Khóa I CTKD Viện Đại Học Dalat, Chủ biên: Nguyễn Tường
Cẩm, Washington 1998, tr. 561.
(22) Nguyễn Khắc Dương, sđd, tr. 5.
(23) Xin xem bài của GS Lê Hữu Mục trong tập sách này.
(24) Tuyển tập Phê bình, Nghiên cứu Văn học Việt Nam, Hà Nội: Nhà Xuất bản Văn học,
1997, tr. 47-58. Bản dịch Văn minh tân học sách của Đặng Thái Mai.
(25) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên, tập III : Văn học hiện đại
(1862-1945), tr. 94. Xem thêm : Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học Sử yếu, Saigon,
Bộ Giáo Dục (Trung tâm Học liệu) xuất bản, 1968, tr. 414 : Văn xuôi mới.
(26) Đại Học Sorbonne lâu đời nhất của Pháp lập năm 1257.
(27) Chép theo bản của Nguyễn Đình Hòa, Vietnamese Literature: An Anthology, San Diego
State University, 1998, tr. 80.
(28) Lặng nhẩm mà nhớ lấy, học mãi không chán, dạy người không mỏi (Thuật Nhi, Luận
Ngữ).
(29) Về cùng một chỗ bằng đường khác nhau, tới cùng một điểm mà trăm ý nghĩ (Hệ từ).
(30) 15 tuổi (tuổi học đưòng), tuổi 30 (tuổi lập thân, chí không thay đổi), tuổi 40 (tuổi không
còn nghi hoặc, hết thắc mắc trăn trở), tuổi 50 (tuổi biết được thiên mệnh, hướng về niềm
tin tôn giáo), tuổi 60 (nhận biết đạo trời), 70 tuổi (hoà điệu cùng đạo lý) (Luận Ngữ).
(31) Cái học làm người lớn là ở chỗ làm rạng cái đức sáng (Đại Học).
(32) Trôi mãi thế ư, ngày đêm không ngừng trôi. (Kinh Dịch).
(33) Bách niên chi kế mạc như THỤ NHÂN. Bách lự : Trăm ý nghĩ.
(34) Kim chi học giả vị nhân. (Hiển Văn, Luận Ngữ).
(35) Réjouissez-vous avec qui est dans la joie, pleurez avec qui pleure (Kinh Thánh).
(36) Thủ bút lá thư của cha in lại trong Đặc san Kỷ niệm 30 năm Khóa I CTKD (1998), trang
24. Bài ‘‘CTKD1: 45 năm trường học, 30 năm trường đời’’ in trong Đặc San này (trang
557-563) nhắc lại một số kỷ niệm về cha trong 4 năm CTKD 1.
(37) Bài song thất lục bát này được đăng lại trong tuyển tập Niềm Nhớ Mù Sương, Thụ Nhân
Dallas ấn hành, 11-2002, tr. 408.
clip_image044
clip_image046
Tập TƯỞNG NIỆM là chuyến đò chuyên chở tình thầy trò Thụ Nhân. Con đò neo trên bến sông học đường suốt mấy mùa trăng. Bến ven sông nơi miền quê nào đó, hoặc một dòng sông không tên, chảy trong huyết quản Thụ Nhân : Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay ? Nước sông trong vắt khiến ánh trăng trầm mình cùng sỏi đá rong rêu. Suốt mấy mùa trăng, chuyến đò góp nhặt từng hạt ngọc Thụ Nhân thể hiện qua mỗi bài viết. Con thuyền dời bến vào đêm rằm, chở theo nhiều hạt ngọc tâm tư. Chuyến đò ngang dời bến kỷ niệm để sang bên kia bờ thực tại.
Tập sách là hợp tuyển (mélanges) nhiều tác giả. Chuyến đò dọc thời gian xâu những hạt ngọc riêng lẻ thành một chuỗi liên tục (continuité), sắp theo thứ tự tháng năm (ordre chronologique). Bài này nối tiếp bài kia tạo thành câu chuyện kể về một nhân vật duy nhất : Đức Ông Nguyễn Văn Lập.
Tập sách gồm hai phần :
- Phần I - Tưởng Niệm : Xuôi theo ‘‘đò dọc’’ thời gian (chronologie),
các bài viết về giai đoạn thành lập được ở sắp đầu sông và ngày giỗ
cuối sông.
- Phần II – Giáo dục Thụ Nhân : tập hợp các bài mang nội dung giáo dục. Cũng như phần I, các bài trong phần II nối tiếp nhau để tạo một mẫu số chung Thụ Nhân giữa nhiều thể hiện khác nhau.
Mỗi trang sách là một nhánh Thụ Nhân. Toàn tập kể lại lịch sử căn nhà Thụ Nhân gồm ba gian : căn nhà đầu tiên là giảng đường, lớp học ở Dalat ; tiếp đến là căn nhà Bình Triệu. Sau cùng, tập sách này là biểu tượng của ngôi đình Thụ Nhân. Ngoài việc cúng giỗ tưởng niệm, ngôi đình là nơi dân làng gặp gỡ nhau. Qua những trang sách nói về Đức Ông Nguyễn Văn Lập nghe có tiếng chào hỏi thân quen. Tập sách in nhiều hình ảnh và bút tự để các tác giả và độc giả có cơ hội gặp lại nhau qua trang sách.
Khi con thuyền dời bến TƯỞNG NIỆM được một quãng xa, linh hồn Cha hình như quay về. Cha ngồi thật lâu ở khoang thuyền. Ánh trăng rằm sáng vằng vặc. Cha lần giở từng trang sách, ôn lại quá khứ học đường. Trong những năm 60, Cha thường đứng bên cây Thụ Nhân trước cửa văn phòng nhìn con cái đi học. Bây giờ là năm thứ hai trong chuỗi ngày hư không (nghĩa là 00). Cha mỉm cười với từng tác giả và độc giả. Trong tuyển tập này, mỗi cây bút là một cành lá Thụ Nhân. Mực viết chảy từ huyết quản Thụ Nhân. Độc giả đọc bằng tâm tình Thụ Nhân. Các tác giả và độc giả cùng nhau vẽ một khuôn viên Thụ Nhân không rào cản :
Thụ Nhân sans frontières.
- Chúng con cám ơn Cha đã vẽ cho chúng con trái tim Thụ Nhân tuyệt vời, từ nay khôngngừng đập.
- Chúng con cám ơn Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận thuở bình sinh đã tặng cho Đức Ông Nguyễn Văn Lập một danh hiệu cao quý hơn bất cứ danh hiệu nào khác : con dân nước Việt. Hai vị lần luợt ra đi trong hai năm 2001 – 2002.
- Chúng con cám ơn các Thầy Cô đã viết rất nhiều bài, từ Lời Tựa của Thầy Niên trưởng Vũ Quốc Thúc đến bài viết của các Thầy trong hai phần Tưởng Niệm và Giáo Dục Thụ Nhân. Bài viết của các Thầy đã chỉ cho chúng con con đường Thụ Nhân. Thầy Cô là cây cổ thụ đình làngche mát cho chúng con trên đường dài tiếp nối.
- Chúng tôi cám ơn mỗi tác giả đã ôn cố về người cha và nhà giáo dục kiệt xuất để tri tân về hy vọng tiếp nối. Khác hẳn lệ thường cha chung không ai khóc, tập sách là lời Khóc Cha, qua các thể loại khác nhau : từ văn xuôi đến văn vần, từ nhạc đến thơ và hội họa.
Chúng tôi cám ơn quý vị phụ tá chủ bút, chủ biên và ban biên tập :
- Phụ tá Chủ bút : Anh Nguyễn Tường Cẩm
- Trong nước : GS Nguyễn Khắc Dương (cố vấn), Anh Phạm Chí
Thành (chủ biên), Anh Cao Đình Phúc, Anh Nguyễn Quang Tuyến.
- California : Anh Trần Văn Lương (chủ biên), Chị Phạm Thị Phong
Nhã, Anh Phạm Văn Bân, Anh Nguyễn Đức Cường.
- Washington : GS Ngô Tằng Giao (cố vấn), Chị Lê Tống Mộng Hoa (chủ biên),
Anh Nguyễn Xuân Hoàng, Chị Nguyễn Thị Bích Lan,
Chị Nguyễn Thị Kim Châu.
- Houston : Anh Nguyễn Văn Năm (chủ biên).
- Canada : Anh Nguyễn Hùng Tâm (chủ biên), Chị Dương Hồng Hải.
- Úc châu : Chị Đặng Kim Ngọc (chủ biên), Anh Huỳnh Nhân Khiêm,
Anh Trần Việt Hùng, Chị Trần Thị Hạnh.
- Âu châu : GS Trần Văn Ngô (cố vấn), Anh Mai Kim Đỉnh (chủ biên),
Chị Nguyễn Ngọc Thương, Anh Lưu Văn Dân, Anh Mai Văn Thái,
Anh Trần Văn Bảng, Anh Vũ Văn Thượng, Chị Trần Thị Diệu Tâm,
Chị Vi Khải Đức, Anh Huỳnh T hoảng.
Chúng tôi đặc biệt cám ơn họa sĩ Ngụy Trung Nghĩa đã vẽ bìa và thực hiện nhiều bút họa (calligraphie) công phu, Chị Vi Khải Đức phối hợp giữa kỹù thuật và mỹ thuật tạo thành những trang sách rợp bóng mát Thụ Nhân, từ nay trở thành thân yêu trong ngôi đình đại học.
Chúng tôi chân thành biết ơn tình bạn và sự cộng tác tận tình của toàn ban Chấp hành Thụ Nhân Paris trong việc ấn loát, chi thu tài chính : Chị Nguyễn Ngọc Thương (chủ tịch), Anh Lưu Văn Dân (cựu chủ tịch, hiện là thủ quỹ), Anh Mai Văn Thái (phó chủ tịch), Anh Vũ Văn Thượng (tổng thư ký).
Chúng tôi cám ơn từng bạn đồng môn và thân hữu : Anh Trần Văn Lương, Chị Phạm Thị Phong Nhã, Anh Nguyễn Tường Cẩm, Anh Chị Trần Quang Cảnh, Anh Tạ Duy Phong,
Anh Chị Mai Kim Đỉnh, Anh Phạm Chí Thành, Anh Cao Đình Phúc,
Anh Nguyễn Quang Tuyến, Anh Vũ Sinh Hiên, Anh Chị Hoàng Ngọc Nguyên,
Chị Bùi Anh Thơ, Anh Nguyễn Đức Quang, Anh Phạm Văn Bân, Anh Nguyễn Đức Cường, Chị Lê Tống Mộng Hoa, Anh Chị Huỳnh Thoảng, Anh Chị Huỳnh Nhân Khiêm,
Chị Trần Thị Diệu Tâm, Chị Vi Khải Đức, Anh Nguyễn Hùng Tâm, Chị Dương Hồng Hải, Anh Trần Văn Lưu, Anh Trần Văn Bảng, Anh Nguyễn Khánh Chúc, Anh Nguyễn Minh Kính, Chị Nguyễn Thị Kim Châu, Chị Tiêu Sa, Anh Nguyễn Đình Cận, Anh Trần Văn Cảnh,
Anh Bửu Bình, Anh Thân Văn Điển, nữ nghệ sĩ Bích Thuận, nữ nghệ sĩ Phương Oanh
và nhiều Anh Chị khác. Quý Anh Chị đã góp phần quý báu vào việc thực hiện tập sách
này.
Anh Trần Văn Lương, Anh Tạ Duy Phong, Chị Phạm Thị Phong Nhã, Chị Bùi Anh Thơ đã giúp chúng tôi vận động để tập sách có thêm nhiều bài có giá trị, đồng thời tận tình giúp đỡ trong nhiều công việc khác.
Nhạc sĩ Anh Việt đã phổ nhạc thi phẩm Khóc Cha của Anh Trần Văn Lương. nữ nghệ sĩ Phương Oanh diễn tả tâm tình Thụ Nhân qua cung bậc trầm hương kính dâng Cha. Các nhà thơ Tiêu Sa, Miên Du, Ngọc Lang đã cống hiến nhiều vần điệu chân thành, ý nhị. Hy vọng tập sách này sẽ là nhựa thông khiến tình bạn Thụ Nhân thêm keo sơn gắn bó.
Chúng tôi cám ơn mỗi vị độc giả. Việc đọc và phổ biến công trình chung này sẽ khiến không gian Thụ Nhân rộng mở. Ngoài không gian địa lý, không gian này còn lắng sâu tận tâm khảm mỗi người, từ nay mang dấu ấn Đức Ông Nguyễn Văn Lập.
‘‘Gate, gate, paragate, parasamgate’’ (Đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua bờ bên kia). Thuyền bát nhã đại học chuyên chở trí tuệ Thụ Nhân vừa qua bờ bên kia. Linh hồn Cha đã dời khỏi con đò. Nụ cười của Cha từ nay là niêm hoa vĩnh cửu. Chúng con ở lại đây vào năm tháng không (00), như tánh không (sunayata) bất diệt.
Tập sách này là tâm kinh đại học tưởng niệm hương hồn một nhà nho quá vãng : Đức Ông Nguyễn Văn Lập.
Lê Đình Thông, thay lời ban biên tập
(ngày Sương giáng năm Nhâm Ngọ)
clip_image048

No comments:

Post a Comment