12/18/23

Sống tiết kiệm, gắn bó cộng đồng…: Giải pháp thoát đại khủng hoảng sinh thái

Chủ đề ‘‘Sống một cách khác trong thế giới này’’

Ảnh: Một sinh hoạt của cộng đồng Mạng lưới đô thị sinh thái (Transition Network), xuất phát từ thị trấn Totnes, Anh quốc, do Rob Hopkins sáng lập, hiện có mặt ở khoảng 500 đô thị trên thế giới.

Nhà cao cửa rộng vốn là mong muốn của đông đảo mọi người, và ngày càng trở thành một mẫu hình lý tưởng, gắn liền với lối sống tự do cá nhân phương Tây. Tuy nhiên, việc thu hẹp diện tích ở cũng lại đang là một xu thế bắt đầu được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại nhiều nước phát triển. Nhiều người coi đây là giải pháp căn bản giúp nhân loại, sắp 10 tỉ người, đối phó với các khủng hoảng nhiều mặt, trước hết là cuộc đại khủng hoảng sinh thái.

Chọn nơi ở khác với quan điểm thống trị nói trên đi liền với việc lựa chọn những lối sống khác: chọn sống cùng bạn bè, hay sống chung với những người cùng hoặc không cùng huyết thống, lập cộng đồng với những người cùng chí hướng… Với chủ đề ‘‘Habiter le monde autrement’’ (tạm dịch là ‘‘Sống một cách khác trong thế giới này’’), Courrier International hy vọng chuyển đến độc giả nhiều cảm hứng và trải nghiệm mới, có thể có ý nghĩa thiết thực cho các lựa chọn hướng đi tương lai.

Áp lực địa ốc ở nước giàu: Phong trào giảm ‘‘diện tích nhà ở’’ tại Đan Mạch


‘‘Sống một cách khác trong thế giới này’’ với tiêu điểm là vấn đề nơi ở. Vì sao lại là chủ đề ‘‘nơi ở’’? Bởi sự lựa chọn tự do hay do hoàn cảnh bó buộc, ngày càng có nhiều người quyết định sống một cách khác và sáng tạo lại khái niệm về cuộc sống tập thể. Mục tiêu là tạo những lối sống mới, cách cư trú mới, ‘‘bền vững hơn cho con người và ít tổn hại hơn cho môi trường.

Tại Đan Mạch, ở nhiều nơi dấy lên một phong trào hướng đến ‘‘thu hẹp diện tích nơi ở’’ nhằm nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng, góp phần vào cuộc chiến chống hâm nóng khí hậu. Tại thành phố Skanderborg, mục tiêu đặt ra là trung hòa về khí thải ngay từ năm 2025. Cuộc chiến giảm diện tích nơi ở vấp phải nhiều trở lực trong một xã hội, nơi diện tích ở cá nhân được coi là một tiêu chuẩn sống quan trọng, và gắn liền với tập quán lâu đời của xứ sở Bắc Âu này.

Trên thực tế, nhìn chung, việc thu hẹp diện tích ở là một áp lực tại chính ‘‘các nước giàu nhất’’. Tại Mỹ hay châu Âu, giá thuê nhà gia tăng, số lượng nơi ở mới ngày càng hiếm, bên cạnh việc giá thuê người coi sóc trẻ đắt hay chi phí cao ở nhà dưỡng lão buộc nhiều người phải thuê nhà chung, hay sống cùng cha mẹ. Hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết, số lượng giấy phép xây dựng mới tại Đức sụt 27% trong nửa đầu năm nay. Tại Pháp, Anh, tình hình tương tự.

‘‘Tự cung tự cấp’’, gần gũi thiên nhiên, thay vì ‘‘nhà cao cửa rộng’’


Tuy nhiên, kinh nghiệm đặc biệt về ‘‘nơi ở’’ được tuần báo Pháp Courrier International nêu bật qua phóng sự của African Arguments, là trường hợp của một cộng đồng mang tên eKhenana, ở khu vực ngoại ô thành phố Durban, Nam Phi, hình thành từ năm 2018. Cộng đồng eKhenana, với 109 gia đình, được coi là những người đi tiên phong trong một thế giới hướng đến mục tiêu duy trì nhiệt độ không tăng quá 1,5°C.

Lối sống ‘‘tự cung tự cấp’’ một thời bị chê bai là lạc hậu, giờ được xem như một lối thoát cho thế giới. Các chuẩn mực sống của châu Âu, của phương Tây nói chung, về một lối sống tiêu thụ nhiều, nhà cao cửa rộng, không còn là ‘‘khuôn vàng thước ngọc’’ cho hạnh phúc của đông đảo, mà thậm chí là một tham vọng với các hệ quả nguy hại. Theo báo châu Phi, kinh nghiệm của cộng đồng nhỏ bé ở bên lề xã hội tại Nam Phi này cho thấy, sống tiết kiệm với các điều kiện khiêm tốn là con đường dẫn đến hạnh phúc cho mình và bảo vệ hành tinh.

Lịch sử nhân loại: Từ bỏ quan điểm ‘‘định mệnh’’ để rút ra các bài học thực sự.


Tuấn báo Pháp Courier International giới thiệu trích đoạn bài viết của nhà báo Michael Marshall, trên New Scientist, Anh Quốc, tuần báo phổ biến khoa học hàng đầu thế giới, với tiêu đề ‘‘Một quan niệm khác về lịch sử các nền văn minh nhân loại’’. Ôn cố tri tân: Hiểu đúng hơn về lịch sử có thể giúp con người tự do, chủ động hơn trong nhận thức, xác định được đúng hơn hướng đi trong xã hội đương đại vô cùng phức tạp hiện nay, là chủ ý của bài viết.

Muốn nhận thức đúng hơn, cần thoát khỏi các ảo tưởng mang tính định mệnh. Tuần báo New Scientist cho biết quan điểm thống trị từ lâu trong nghiên cứu về lịch sử nhân loại, đó là nền văn minh nông nghiệp, ra đời khoảng 10.000 năm trước, với việc thuần hóa nhiều giống loại thực vật và động vật, đã là động lực làm xuất hiện các xã hội phức tạp, phát triển. Theo quan điểm này, văn minh nông nghiệp dẫn đến nhiều thành tựu vĩ đại, như mức sống gia tăng, chữ viết, y học ra đời… Mặt tiêu cực là sự hình thành của các hệ thống quyền lực, bất bình đẳng gia tăng…. Và với sự phát triển của các xã hội phức tạp, những điểm tiêu cực nói trên ngày thêm trầm trọng hơn và không thể tránh khỏi. Các chuyên gia, trong đó có người nổi tiếng như giáo sư Jared Diamond (Ucla), giải thưởng Pulitzer, với nhiều tác phẩm bán chạy nhất thế giới, thậm chí coi nông nghiệp là một ‘‘cạm bẫy’’, là ‘‘sai lầm tồi tệ nhất của nhân loại’’.

Theo New Scientist, quan điểm về nguyên nhân đơn nhất nói trên đã bị nhiều phát hiện gần đây bác bỏ. Việc khảo cổ học phát hiện một số công trình kiến trúc quy mô lớn có trước thời kỳ văn minh nông nghiệp (chẳng hạn như quần thể kiến trúc Gobekli Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 11.500 đến 10.000 năm trước), cho thấy ngay trong các xã hội săn bắn - hái lượm cũng đã tồn tại các hình thái tổ chức rất cao, cho phép huy động một số lượng lớn nhân lực vào các công trình lớn. Văn minh nông nghiệp đúng là cơ sở cho sự phát triển của nhiều xã hội ‘‘phức tạp’’, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất.

New Scientist cũng phê phán kết quả của nghiên cứu quy mô của Seshat (viện nghiên cứu Mỹ Evolution Institute), về 414 xã hội, tồn tại trong 10.000 năm lịch sử, từ khi có nông nghiệp. Đây là dự án nghiên cứu được coi là lớn hàng đầu. Theo một số kết quả ban đầu của Seshat, gây bàng hoàng, có nhận định về động lực quan trọng nhất để thúc đẩy các xã hội phát triển là ‘‘chiến tranh’’, còn quan trọng hơn cả nông nghiệp. Quan điểm này cũng bị chuyên gia Timothy Kohler (Đại học Washington) phản bác.

10.000 năm ‘‘mưa thuận gió hòa’’ sắp tan vỡ: Động lực nào giúp nhân loại hành động ?

Nhìn chung, không có một nguyên nhân ban đầu, có ý nghĩa quyết định duy nhất, và mang tính định mệnh. Sự hình thành của nền văn minh nhân loại, tính chất phức tạp của xã hội con người, còn chứa đầy ẩn số. Nhưng có một điểm dường như tương đối được giới khoa học thống nhất, đó là nông nghiệp phát triển mạnh để trở nên ổn định trên quy mô toàn cầu là vào thời điểm khoảng 10.000 năm trước, tương ứng với thời kỳ mà khí hậu Trái đất bước vào ổn định với tình trạng mưa thuận gió hòa tại nhiều khu vực rộng lớn.

Các điều kiện thuận lợi nói trên hiện đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ do biến đổi khí hậu, do chính nền văn minh công nghiệp tạo ra. Để hãm lại đà biến đổi khí hậu và thích ứng với những hậu quả của nó, các xã hội đương đại cũng cần được cải tổ sâu sắc. Trở lại hiểu đúng lịch sử, học lấy các bài học tích cực từ các xã hội ngoài phương Tây là rất quan trọng. Theo nhà khảo cổ học so sánh người Anh, David Wengrow, trường College Luân Đôn, xét về đóng góp ‘‘xây dựng xã hội’’, thì quan hệ cộng đồng, quan hệ với thiên nhiên, năng lực sáng tạo nghệ thuật của các thổ dân xứ Ambrym ở tiểu quốc đảo Vanuatu chẳng hạn có thể đáng được xem trọng hơn nhiều so với các xã hội phát triển châu Âu.

Nguồn: Mục điểm tuần báo RFI tiếng Việt - Trọng Thành, Đăng ngày: 

No comments:

Post a Comment