Dĩ nhiên, Hầu vương dè bỉu lối sống chỉ biết chạy theo danh lợi tiền tài của người đời. Nhưng liệu Hầu vương thấy được toàn bộ giá trị thực sự của người đời không? Chắc chắn là không. Bởi vì khi xưa Hầu vương làm vua tại Hoa Quả Sơn, nơi đây bốn mùa là xuân, sai quả trĩu cành, vươn tay lên là có quả ngon, cho nên cuộc sống của Hầu vương rất thanh thản thư thái, không biết gì cảnh cơ cực đói khổ. Tuy nhiên, trần thế lại khác hẳn, đâu phải ai ai cũng được cơm no áo ấm, nhiều người ăn bữa sáng phải lo đến bữa tối. Ngay cả những người chức trọng quyền cao, thậm chí vương hầu bá tước, một ngày nào đó cũng có thể sa vào cảnh cơ hàn, chỉ một biến cố trong phút chốc là làm đảo lộn tất cả. Nói cho cùng con người phải nhọc nhằn vất vả hầu duy trì một cuộc sống no ấm tối thiểu. Tuy nhiên với bản chất vô thường của cõi ta bà, nhu cầu tối thiểu của cuộc sống cũng thường bị đe dọa, thậm chí bị tàn phá hủy diệt do thiên tai nhân họa.
Hầu hương lần đầu tiên từ cõi “tiên cảnh nhân gian” đến nơi phàm trần thế tục, tất nhiên không hiểu rõ sự tình, không biết đời là bể khổ, hay nói đúng hơn, Hầu vương không biết hồng trần vốn được thiết lập dựa trên cơ chế ham muốn, con người vốn được cấu trúc với tham sân si, muốn thỏa mãn nhu cầu vô tận, nên phải chịu khổ.
Cho nên Hầu vương cảm thấy xúc động khi thấy người đời mãi chìm đắm trong khao khát dục vọng. Kỳ thực, trên đời quả nhiên có lắm kẻ tham lam và ích kỷ, nhưng đa phần không hẳn hoàn toàn chỉ vì tham, mà vì họ cảm thấy có nhiều nguy cơ đe dọa trong sinh hoạt hàng ngày.
Sau khi cảm khái cuộc sống vất vả của người đời, Hầu vương tiếp tục hành trình tầm sư học đạo. Truyện kể trên đường gió bụi, Hầu vương được một lão tiều phu chỉ đến “động Tà nguyệt Tam tinh” do Tổ sư Tu Bồ Đề làm động chủ. Ở đây sau bảy năm cặm cụi miệt mài với những công việc nặng nhọc: gánh nước, giã gạo, chẻ củi … mới được Tổ truyền pháp. Hầu vương là con khỉ hóa thân từ tảng đá tiên, có khiếu trời sinh, không bao lâu, đã tinh thông 72 phép thần thông biến hóa, cưỡi mây đạp gió, cân đẩu vân, phi thiên độn thổ. Sau khi Hầu vương tinh thông đạo pháp, bái tạ ơn sư, xuống núi, nhập thế hành đạo, tâm hồn phơi phới tựa như cậu học trò trẻ vừa mới ra trường bước vào ngưỡng cửa xã hội, tuổi trẻ bồng bột, xem thế giới là giang sơn của mình. Hầu vương từng đến “Long Cung Đông Hải” cướp lấy “Như Ý Kim Cô Bổng”; xuống âm phủ phá quấy và xóa tên mình trong “sổ sinh tử”; thậm chí lên trời “đại náo thiên cung”, đòi ngang hàng bằng Trời (Tề Thiên). Thiết nghĩ chúng ta cũng từng trải qua thời kỳ ngạo mạn của tuổi niên thiếu, phải chăng đó cũng là tâm lý chung của tuổi trẻ, không biết trời cao đất rộng, không biết quy tắc khuôn phép đối nhân xử thế, chung quy xã hội sẽ dạy ta bài học cuộc đời.
Sau khi Hầu vương gây nhiều tai họa động trời, cuối cùng bàn tay của Phật Tổ đã túm bắt con khỉ ngông cuồng này, mang ra ngoài cửa Tây Thiên, đè chặt nhốt dưới ngũ hành sơn, rồi dán trên đỉnh núi lá bùa trên có lục tự chân ngôn: “úm-ma-ni-bát-mê-hồng”(唵嘛呢叭咪吽) để Hầu vương tham thiền quán chiếu. Sau 500 năm dày công tu luyện, gạn đục lóng trong dưới ngũ hành sơn, Hầu vương dần ý thức được quy luật của trời đất và đạo lý làm người. Về sau khi được Đường Tăng giải cứu, Hầu vương hồi đầu thị ngạn, quyết tâm vứt bỏ tánh xấc xược tự đại, đeo lên đầu chiếc vòng kim cô rồi hộ giá sư phụ đi Tây phương thỉnh kinh.
Tôn Ngộ Không cùng sư phụ, hai sư đệ phải lặn lội thiên sơn vạn thủy, vượt qua ngàn dặm đường trần, hàn phục vô số yêu ma quỷ quái, mới đến Thánh địa Tây Phương và được Phật Tổ Như Lai tán thán công đức viên mãn tại “Đại Hùng Bảo Điện”, chùa Lôi Âm, Thiên Trúc.
Câu chuyện của Tôn Ngộ Không cho chúng ta thấy, con người, chỉ sau khi trải qua những gian nan thử thách trên đường đời, và những chướng ngại vô minh trong nội tâm, mới có thể thoát vòng tục lụy, giữ tâm thanh tịnh, tiếp tục vững bước trên con đường truy cầu chân thiện mỹ.
Nếu Tôn Ngộ Không sau khi đã chứng đắc, một lần nữa trở lại cõi ta bà nhân gian, nhìn thấy người đời vất vả mưu sinh, lao đao lận đận suốt đời vì nợ cơm áo, Tôn Ngộ Không chắc chắn sẽ không còn ánh mắt với nhiều nghi vấn như trước nữa, mà sẽ vô cùng từ bi thương xót cho số phận truân chiên ngặt nghèo của chúng sanh.
Thực ra, con đường thỉnh kinh của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký cũng giống như con đường trưởng thành của chúng ta trên cõi đời. Lúc còn nhỏ thì ngơ ngơ ngáo ngáo; khi lớn lên thì ngạo ngạo nghịch nghịch; đến tuổi trung niên khi va chạm với cuộc sống, trải qua bao cam go thử thách, mới hiểu được cuộc đời vốn dĩ chẳng dễ dàng, trưởng thành là một vết thương không bao giờ đóng miệng vì chúng ta phải luôn tiếp tục mang cả nước mắt, mồ hôi, sự đau khổ hòa cùng những vấp ngã trong sự trưởng thành của cuộc sống …
Bài thơ của Tôn Ngộ Không thực ra chỉ là một cảm nhận nhỏ trong giai đoạn trưởng thành và một thoáng nhìn dưới lăng kính khác của Hầu vương. Cái khéo léo và tinh tế của tác giả Ngô Thừa Ân là cho chúng ta thấy sự trưởng thành và chuyển hóa của Tôn Ngộ Không trong Tây Du, cũng như khi chúng ta đã từng trải về đời, một khi những đòn roi của đời bào mòn hết những gai góc trong lòng, mới biết thông cảm với lối sống bôn ba vì cơm áo và sự chịu đựng kiên trì trước những khó khăn mưu sinh của người đời.
Tôi nghĩ rằng Ngô Thừa Ân viết bài thơ trên với ẩn ý: việc gì cũng phải có chừng mực, sống trong danh lợi, theo đuổi nhưng không đắm đuối trong danh lợi; sống với dục vọng, kiềm chế nhưng không sa đà với dục vọng.
Văn dĩ tải đạo, Tây Du Ký mượn truyện thần kỳ để chuyển tải đạo lý; Tây Du là truyện ngụ ngôn trong cái hư hàm chứa cái thực. Cuộc thỉnh kinh của Tây Du mang ba chủ đề: phấn đấu, chuyển hóa và giác ngộ. Hành trình thỉnh kinh 108,000 dặm từ Đại Đường Đông Thổ đến Thiên Trúc Tây Phương có thiên ma vạn quỷ ngăn đường cản lối bước chân tìm chân lý của thầy trò Đường Tăng. Cuộc chiến đấu trừ ma diệt quái của Tôn hành giả tương tự con người phải chế ngự những mê muội của tham sân si, khắc phục những dằn vặt của thất tình lục dục, chuyển hóa nội tâm để giác ngộ và giải thoát. Cuối cùng thầy trò Đường Tăng đến Thánh địa Thiên Trúc, diện kiến Phật Tổ và được trao vô tự chân kinh (無字真經),là Kinh giấy trắng không chữ, là những câu Kinh gốc vô hình tướng bàn bạc và truyền tụng khắp nơi trong cuộc sống. "Kinh" trong Hán ngữ là kinh qua (經過), là ý chỉ những việc đã trải qua, những khó khăn trên đường đời, những chướng ngại trong nội tâm chính là chân kinh, vượt xa văn tự chữ nghĩa nơi thế gian con người. Một người, chỉ sau khi trải qua những gian truân thử thách của thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tay Thiên nhưng đã thành Phật trong lòng.
Hồi tưởng năm 1978, với ý nguyện được giải thoát sự ràng buộc của chế độ mới, tôi quyết định vượt biên tìm tự do, chiếc tàu cũ lênh đênh bao tháng ngày trên mặt biển, trải qua những giây phút cuồng phong bão tố, cửu tử nhất sinh, vượt quá nửa vòng trái đất từ Việt Nam miền Đông Á đến nước Mỹ Tây phương, tái lập cuộc sống mới tại xứ lạ quê người, suốt cuộc hành trình đầy phong ba thử thách, chúng ta phải phấn đấu, chuyển hóa rồi trưởng thành, cũng như cuộc thỉnh kinh của Tây Du Ký, mục đích không phải là then chốt, quan trọng là quá trình. Chúng ta phải có nghị lực và can đảm vượt qua từng bước một trên con đường nhân sinh gay go trắc trở. Nói như thế, giá trị của vượt biên, mong được cuộc sống của tự do, thực chất là chi? nghĩ rằng cũng không cần mà cũng không nhất thiết phải có câu trả lời.
Đọc Tây Du hóa ra không phải đọc Tây Du, mà là đọc lại chính ta; Ngô Thừa Ân hóa ra không phải Ngô Thừa Ân, mà là mật ngữ siêu thoát của Thánh Hiền. Ngô là họ Ngô, là chính ta (ngô bối 吾輩); Thừa là thừa hưởng, thọ nhận; Ân là ân sâu đức cả. Ai xưa kia đã thọ hưởng được cái học của Thánh Hiền mà giác ngộ, không nỡ đem giấu làm của báu riêng tư, nên lấy cuộc văn chương, mượn trò chữ nghĩa bày truyện Tây Du? Thọ ân ai mà Ngô Thừa Ân muốn đáp tạ ân ai?
No comments:
Post a Comment