Từ khi được phát hành vào cuối tháng 11/2020, một video quảng cáo của hãng thể thao Mỹ Nike, tố cáo nạn kỳ thị chủng tộc ở Nhật Bản với sự góp mặt thoáng qua của nữ vô địch quần vợt Nhật Bản Naomi Osaka, đã thu hút được hơn 20 triệu lượt người xem. Clip video chỉ dài 2 phút này đã thu hút nhiều lời nhiệt tình ủng hộ, nhưng cũng gặp không ít phản ứng phẫn nộ vì bị cho là "tấn công vào phẩm giá của Nhật Bản”.
Với mục tiêu là mở ra một cuộc tranh luận về nạn kỳ thị chủng tộc có thực tại Nhật Bản nhưng thường bị làm ngơ, Naomi Osaka và nhà tài trợ Nike của cô kể như đã thành công.
Đối với tuần báo Pháp Courrier International, khi tung ra đoan video quảng cáo kể trên, hãng Nike đã làm dấy lên trở lại cuộc tranh luận gần như là muôn thuở là Nhật Bản có phân biệt chủng tộc không?
Đoạn video dù ngắn nhưng đã nêu bật những vấn đề về bản sắc đang khuấy động xã hội Nhật Bản: tâm lý coi thường phụ nữ, thái độ kỳ thị đối với con cái những người Hàn Quốc di cư qua Nhật trước đây. những người nhập cư vào Nhật Bản, hoặc sự phân biệt đối xử nhắm vào người lai, như Naomi Osaka chẳng hạn, có cha là người Haiti và mẹ là người Nhật.
Đoạn video nhấn mạnh: “Khi nào chúng tôi mới thấy một thế giới trong đó mọi người có thể yên ổn sống với bản sắc của mình? Chúng tôi không thể đứng yên chờ đợi điều này xảy ra. Chúng tôi phải tiếp tục hành động. Và thay đổi tương lai. Các người sẽ không ngăn cản được chúng tôi".
Phản ứng phẫn nộ
Theo Courrier International, tại một đất nước mà rất ít doanh nghiệp dám tung ra các quảng cáo chính trị, nội dung của clip video đã khiến cho một số người phẫn nộ. Trên mạng xã hội đã dấy lên những phản ánh tố cáo một video “bài Nhật”.
Trang mạng Netolabo đã tổng hợp một số bình luận để lại trên YouTube hoặc Twitter với những nội dung như: "Quảng cáo này làm nhục Nhật Bản", "Đây là một hành vi xuyên tạc chính trị", "Đó là một động thái đầy ác ý làm gia tăng hận thù và phân biệt đối xử chống lại người Nhật”, “Nhìn những hình ảnh này, người ta sẽ nghĩ rằng tất cả người Nhật đều phân biệt chủng tộc ”.
Thậm chí một số cư dân mạng còn đi xa đến mức kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nike.
Một chuyên gia xã hội học tại Trung Tâm Nghiên Cứu Văn hóa Đô Thị Osaka, đã nhận xét rằng làn sóng phản ứng tiêu cực đó cho thấy là mục tiêu khơi dậy cuộc tranh luận của đoạn video đã đạt được. Những bình luận phủ nhận sự tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc ở Nhật Bản là bằng chứng cho thấy tệ nạn này thực sự tồn tại ở xứ hoa anh đào. Theo chuyên gia này, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng trong xã hội hiện đại, các hành vi phân biệt chủng tộc chủ yếu đến từ những người luôn nói rằng “chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc.”
Người Nhật khó công nhận có vấn đề kỳ thị
Trong bài viết ngày 09/12 mang tựa đề “Nhật Bản được kêu gọi mở lòng trước nhu cầu chống kỳ thị chủng tộc”, nhật báo Pháp Le Monde, cũng ghi nhận rằng trái với tuyên bố của các chính khách và giới trí thức cánh hữu, cũng như suy nghĩ của một số khá đông người Nhật, xã hội của họ không hề thuần nhất.
Đối với Philippe Pons, một quan sát viên kỳ cựu về xã hội Nhật Bản, quốc gia Đông Á này không phải là không biết gì về tệ nạn phân biệt chủng tộc, điều mà họ đã phải chịu đựng khi bắt đầu mở cửa ra một thế giới lấy phương Tây làm trung tâm vào giữa thế kỷ thứ 19, nhưng cũng là điều mà chính nước Nhật đã gây ra cho nhiều dân tộc khác vào những năm 1930 với hệ tư tưởng “chủng tộc Nhật thượng đẳng” đi cùng với chủ nghĩa đế quốc thực dân Nhật.
Sau cái chết của George Floyd vào tháng 5 tại Hoa Kỳ, một số cuộc tuần hành và biểu tình chống kỳ thị cũng đã diễn ra ở các thành phố lớn của Nhật Bản, cho dù có quy mô hạn chế. Tuy vậy, đối với rất nhiều người Nhật, phân biệt chủng tộc là vấn đề ở Mỹ và châu Âu chứ không phải là ở Nhật Bản.
Theo Le Monde, tình hình không đơn giản như vậy: Các hành vi kỳ thị nhắm vào các nhóm thiểu số, “lộ liễu” hay không, cũng như sự bài xích người lai là những thực tế mà đa số người Nhật có xu hướng nhắm mắt làm ngơ. Và đấy chính là điều mà nhà vô địch quần vợt trẻ tuổi Naomi Osaka, một người nổi tiếng về thái độ chống phân biệt màu da và Nike - một trong những nhà tài trợ của cô - đã tìm cách nêu bật.
Tâm lý không tin tưởng người nước ngoài
Theo Le Monde, các hành vi kỳ thị chủng tộc ở Nhật Bản xuất hiện dưới nhiều hình thức, có thể ngấm ngầm hoặc công khai, chẳng hạn như lời lẽ hằn học đối với người Hàn Quốc trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, các hành vi kỳ thị bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết hơn là tâm lý bài ngoại thực thụ.
Trả lời nhật báo Le Monde, bà Baye McNeil, một giáo sư Mỹ gốc Phi châu hiện sống tại Nhật Bản, đã so sánh vấn đề kỳ thị chủng tộc tại hai nước Mỹ và Nhật để cho rằng “có rất nhiều sự thiếu hiểu biết và không tin tưởng người nước ngoài ở Nhật Bản, nhưng điều này hiếm khi chuyển thành thù hằn và bạo lực như ở Mỹ. Ngược lại thì lại có sự phân biệt đối xử - tại nơi làm việc, trong việc tìm kiếm chỗ ở - mà các nạn nhân coi là các hành vi tấn công vào họ”.
Theo Le Monde, tình trạng đó đặc biệt xảy ra đối với những người lai, nam cũng như nữ. Tỷ lệ nhập cư vào Nhật Bản vẫn là mức thấp nhất trong các nước phát triển, nhưng số lượng các cuộc hôn nhân giữa người Nhật và người ngoại quốc ngày càng tăng và số trẻ em sinh ra từ các cuộc hôn nhân như vậy chiếm 2% tổng số ca sinh.
Được mệnh danh là "hafu" (lấy từ chữ half, tức là “nửa” ở trong tiếng Anh), các đứa con lai này thường bị phân biệt đối xử khi một trong hai cha mẹ là người da màu. Nếu một "hafu" nào đó trở thành nổi tiếng, họ sẽ được coi là người Nhật nhiều hơn và dấu vết đa chủng tộc của họ có xu hướng mờ dần.
Là người sinh ra ở Nhật Bản, có mẹ là người Nhật và cha là người Haiti, nhưng lớn lên ở Mỹ, Naomi Osaka, năm nay 23 tuổi đã chủ trương dùng danh tiếng của mình để phục vụ một thông điệp chống kỳ thị mà theo cô chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ hơn ở Nhật Bản so với ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sự dấn thân của cô không mấy được các nhà tài trợ Nhật Bản tán đồng, viện cớ là không nên lẫn lộn giữa thể thao và chính trị.
Để tuân thủ luật pháp Nhật Bản không cho phép mang hai quốc tịch, Naomi Osaka đã từ bỏ quốc tịch Mỹ. Thông điệp của cô ấy có sức nặng hơn ở Nhật Bản khi cô không còn là người nước ngoài.
Tuy nhiên, đó chỉ là trên mặt pháp lý. Còn ngoài đời, Noami Osaka vẫn là đối tượng của các cuộc tấn công mang tính kỳ thi chủng tộc, không được coi là một “người Nhật Bản đích thực”.
Tháng 9 năm 2018, khi đoạt giải US Open, nhà vô địch trẻ được nhật báo Yomiuri mô tả là "niềm tự hào của Nhật Bản". Ngày nay, các phương tiện truyền thông chính thống chỉ đưa tin về cô một cách ngắn gọn.
No comments:
Post a Comment