12/5/20

Hồng Kông: Một thế hệ tù tội

RFI Thụy Mi ngày 4.12.2020

Ba khuôn mặt trẻ tiêu biểu là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) 24 tuổi, Chu Đình (Agnes Chow) 23 tuổi, Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) 26 tuổi đã lãnh án 13 tháng rưỡi, 10 tháng và 7 tháng tù giam. Đối với Hoàng Chi Phong, nhà đấu tranh được thế giới biết đến nhiều nhất, đây là lần thứ tư anh phải vào tù. Trong một bài đăng trên Facebook một ngày trước phiên xử, anh nhắc lại những ngày tù tội : thức ăn tồi tệ, những song sắt nặng nề, sống chung đụng, hiếm khi được nhìn thấy bầu trời…

Bị tạm giam từ hôm 23/11, Hoàng Chi Phong bị biệt giam ba ngày. Anh viết : « Dù đã từng bị tù ba lần, việc bị tống vào xà-lim biệt giam vượt quá những gì tôi vẫn nghĩ. Cần phải có rất nhiều thời gian và năng lượng để giữ bình tĩnh và lấy lại tinh thần. Đèn trong phòng giam được mở 24/24, tôi phải kéo khẩu trang lên che mắt để cố ngủ ». Chủ tọa phiên tòa Wong Sze Lai nổi tiếng khắc nghiệt trong số các thẩm phán Hồng Kông, nói rằng những bản án nặng có tác dụng răn đe. Tuy nhiên với những người trẻ bị kết án mà Le Monde đã gặp gỡ thì chưa hẳn thế.

Không người tù nào hối hận vì đã chiến đấu cho tự do của Hồng Kông

Luật sư Ngụy Tuấn (Joshua Jun Ngai), biện hộ cho khoảng 20 nhà đấu tranh trẻ tuổi, nói : « Tôi có một thân chủ 16 tuổi. Cậu ấy biết có nguy cơ bị án nặng vì đã ném bom xăng tự tạo, bị gia đình chỉ trích và bạn gái bỏ rơi. Tất cả làm cậu suy sụp, nhưng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu ân hận nào nơi cậu bé và tất cả những thân chủ khác. Họ hành động vì tình yêu Hồng Kông, và hãnh diện về những gì đã làm ».

Dân biểu đối lập đã từ chức Trương Siêu Hùng (Fernando Cheung) xác nhận sự kiên cường này. Ông kể : « Tôi vừa thăm một phụ nữ tuổi chưa đến 30, có ba con, bị kết án 3 năm 8 tháng tù vì tấn công một cảnh sát. Tôi cũng gặp các giáo viên, công nhân và một nghệ sĩ ; tất cả đều có những vấn đề riêng và hoàn cảnh chung làm họ thấy chán nản, nhưng không ai hối tiếc cả. Họ chịu cảnh khổ tù tội và tức giận trước chế độ, nhưng đều tin rằng đã hành động đúng để bảo vệ tự do của Hồng Kông ». Bản thân ông từng bị triệu tập vì tội chống đối, chỉ vì…hát trong Nghị Viện.

Tù nhân lên tinh thần nhờ sự ủng hộ của những người không quen

Một luật sư khác cho biết những bị cáo trẻ nhất đã tỏ vẻ bình tĩnh một cách kỳ lạ, kể cả những người sắp bị tống giam. Khi gặp họ tại nơi tạm giam, bà không thể tin được đó là những thiếu niên vì tỏ ra rất chín chắn.

Những phong trào liên đới được xã hội dân sự tổ chức để ủng hộ các thanh niên đấu tranh. Người thì đến tòa án, vỗ tay động viên khi các bị cáo vào và ra khỏi phiên tòa, người khác cung cấp thông tin về bản án trên mạng Telegram. Có những nhóm đến thăm nom gia đình họ, hoặc đi thăm các tù nhân. Luật sư Ngụy Tuấn khẳng định sự ủng hộ tinh thần từ bên ngoài, những chuyến viếng thăm của những người không quen biết đã giúp nâng cao tinh thần của những người tù trẻ tuổi.

Cựu dân biểu đối lập Chu Khải Địch (Eddie Chu) ghi nhận, thời gian ở tù đã làm đảo lộn cuộc sống những người đấu tranh và thân nhân. Họ cần được hỗ trợ không chỉ về tài chính, xã hội, mà cả về tâm lý ; một số cảm thấy tức giận khi nghe nhiều người tìm cách rời Hồng Kông, thay vì tiếp tục chiến đấu. Một số trang mạng đối lập như StandNews thường xuyên đăng tải những lá thư của các tù nhân lương tâm. Một nhà báo của trang này cho biết : « Đó là một cách để họ không bị rơi vào quên lãng. Chúng tôi biết rằng điều đó rất quan trọng với người tù ».

Đài truyền hình sa thải ngay tại chỗ những nhà báo giỏi nhất

Không chỉ người biểu tình, mà các nhà báo cũng là nạn nhân. Trong bài « Trận bão chính trị tại một kênh truyền hình thời sự », thông tín viên Le Monde cho biết đài i-Cable News hôm thứ Ba 01/12 đã thông báo sa thải ngay lập tức khoảng 40 phóng viên.

Ban giám đốc đài ngày càng thân cận với Trung Quốc đã đuổi việc toàn bộ tổ điều tra, vốn được coi là một trong những ê-kíp giỏi nhất Hồng Kông. Cách thức mà họ chọn người để sa thải và buộc các nhà báo này phải rời đài ngay tức khắc, đã dẫn đến một làn sóng phản đối. Khoảng 20 nhà báo khác đã từ chức để tỏ tình liên đới, trong đó có những khuôn mặt quan trọng như các trưởng ban, và toàn bộ ban phụ trách về Trung Quốc.


Một trưởng ban nói rằng ban giám đốc ngày càng can thiệp sâu vào công việc biên tập, chẳng hạn như yêu cầu dự thường xuyên các cuộc họp báo của chính quyền Bắc Kinh, hoặc cản trở các nhà báo muốn điều tra việc tuần duyên Trung Quốc chận bắt 12 thanh niên đấu tranh dân chủ Hồng Kông định trốn sang Đài Loan và hiện vẫn giam họ tại Hoa lục.

Hôm thứ Tư lại còn nổ ra xì-căng-đan mới : bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lúc chương trình tạm ngưng đã nói đùa với tân giám đốc của kênh, rằng « hỏi sao mà nhẹ nhàng » quá, « hèn gì trợ lý báo chí nói rằng ông rất hợp tác ». Bà Lâm không biết rằng micro vẫn chưa bị cúp. Sau đó hàng ngàn thuê bao đã cắt hợp đồng với đài i-Cable mà trước đây rất có uy tín.


No comments:

Post a Comment