9/18/19

Hoàng Chi Phong điều trần tại Quốc hội Mỹ, kêu gọi thông qua dự luật Hồng Kông

Như Ngọc•Thứ Tư, 18/09/2019 •

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và một số nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông khác hôm thứ Ba (17/9) đã tham gia cuộc điều trần tại một ủy ban lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ. Tại đây, các nhà hoạt động dân chủ đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua luật để chống lại vi phạm nhân quyền tại hòn đảo bán tự trị này.



Theo Reuters, phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Hành pháp về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC), Hoàng Chi Phong, Tổng bí thư đảng Demosisto và là lãnh đạo “Phong trào Dù vàng 2014” nói rằng: “Bắc Kinh không nên có được cả hai điều, vừa gặt hái tất cả lợi ích của vị thế Hồng Kông trên thế giới, trong khi lại xóa bỏ bản sắc xã hội chính trị của chúng tôi.”


Cũng có mặt trong buổi điều trần, nhà hoạt động dân chủ, ca sĩ Denise Ho cho hay: “Đây không phải là yêu cầu về cái gọi là can thiệp nước ngoài. Đây là yêu cầu về nền dân chủ.”

Nhóm các nhân chứng Hồng Kông còn thúc giục các thành viên của CECC, gồm các thượng nghị sĩ và dân biểu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hãy thực hiện hành động có thể gây ảnh hưởng lên nền kinh tế Hồng Kông.

Các nghị sĩ thành viên CECC tại buổi điều trần cũng thúc đẩy việc xem xét vị thế đặc biệt của Hồng Kông.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, đồng chủ tịch CECC nói: “Mỹ và các nước khác có những lựa chọn đúng đắn [khi tham gia vào vấn đề Hồng Kông] vì Bắc Kinh được hưởng lợi từ vị thế đặc biệt của Hồng Kông – vị thế đặc biệt đã biến Hồng Kông thành trung tâm tài chính quốc tế được xây dựng dựa trên những lời hứa về Hồng Kông mà Trung Quốc đã đưa ra với thế giới, nhưng nay họ lại tìm cách phá bỏ.”

Luật mà các nhà dân chủ Hồng Kông thúc giục Quốc hội Mỹ sớm thông qua có tên chính thức là “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”. Luật này được giới thiệu ra Thượng viện và Hạ viện Mỹ từ đầu năm nay, trong đó sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ phải thực hiện đánh giá hàng năm về việc Washington trao cơ chế đặc biệt cho Hồng Kông, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh.

Đạo luật nêu trên cũng sẽ cho phép Mỹ chế tài các quan chức tại Trung Quốc và Hồng Kông làm suy yếu nền tự trị của thành phố này.

Ngoài ra, vào tuần trước, “Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông” cũng đã được một số nghị sĩ giới thiệu ra Hạ viện và nhận được sự ủng hộ của cả Dân biểu Cộng hòa và Dân chủ. Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông sẽ cấm xuất khẩu cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông các thiết bị kiểm soát đám đông mà lực lượng này dùng để trấn áp người biểu tình.

Luật này chưa đưa ra bỏ phiếu, nhưng cả Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và Hạ viện tuần này đều đang tổ chức điều trần về dự luật này, dự kiến giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Hồng Kông.

Về cá nhân nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong, anh này đang có chuyến công du dài ngày qua Đức và Mỹ. Sau khi tới Mỹ, hôm 13/9, Hoàng Chi Phong đã có bài phát biểu bằng tiếng Anh tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ. Trong bài phát biểu này, anh đã nói với 200 sinh viên tại hội trường rằng, thực hiện bầu cử tự do thực sự chính là mục tiêu cuối cùng của các hoạt động đấu tranh kháng nghị tại Hồng Kông hiện nay.

Hoàng Chi Phong cho biết, anh đến Mỹ là vì muốn để cho người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế nghe thấy tiếng nói từ đáy lòng của người Hồng Kông. Mục đích của Người Hồng Kông hiện nay là đòi tự do dân chủ trên lãnh thổ do đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thống trị.

“Người trẻ tuổi Hồng Kông là đang chống chọi với tấn công bằng lựu đạn hơi cay và đạn cao su, đứng ở tuyến đầu để chống lại thống trị độc tài của ĐCSTQ”, điều họ bảo vệ là giá trị phổ quát của tự do dân chủ.

Vì sao Hồng Kông cầu cứu sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế? Hoàng Chi Phong cho biết, nền chính trị dân chủ của Hồng Kông quyết định bởi Bắc Kinh, nhưng Hồng Kông là trung tâm tài chính của thế giới, sự tự do kinh tế tài chính quyết định bởi cộng đồng quốc tế, đây cũng là lý do vì sao mà ông Trump muốn đưa chủ đề Hồng Kông vào đàm phán thương mại Mỹ – Trung.

Hoàng Chi Phong còn kêu gọi chính phủ Tổng thống Trump đưa “điều khoản nhân quyền” vào trong thoả thuận thương mại Mỹ – Trung.

Hoàng Chi Phong nhấn mạnh, “Đương nhiên, sự tự do dân chủ của Hồng Kông cuối cùng vẫn là dựa vào quyết tâm và nghị lực của người Hồng Kông. Phong trào kháng nghị đấu tranh hơn 3 tháng qua, có khoảng 1200 người bị bắt, 200 người bị truy tố, đã nói rõ quyết tâm của người Hồng Kông.”

Như Ngọc (theo Trí Thức VN)

No comments:

Post a Comment