11/21/15

Thảm sát Paris : Anh trước áp lực thay đổi chính sách chống khủng bố

Lê Hải, Trọng Thành (RFI)

Đăng ngày 20-11-2015 Sửa đổi ngày 20-11-2015 18:24

media

Sân vận động Wembley, trước trận đấu bóng giao hữu Pháp-Anh, 17/11/2015.Reuters

Một trong các quốc gia đặc biệt bị chấn động bởi loạt khủng bố tại Paris và vùng phụ cận hôm 13/11/2015 là Anh Quốc. Trả lời đài BBC Radio 4, hôm 16/11, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố các khủng bố tương tự "hoàn toàn có thể xảy ra" tại Anh, trong vòng "sáu tháng gần đây", nước Anh đã phá vỡ được "7 âm mưu khủng bố có quy mô gần tương tự". Thông tín viên Lê Hải tường trình từ Luân Đôn.

1 - Không khí tại nước Anh sau loạt khủng bố đẫm máu ở Pháp ?

Văn hóa Anh thường được tổng kết lại thành một câu ngạn ngữ mà nhiều người ưa thích là "Keep Calm and Continue", tức là bình tĩnh và tiếp tục việc mình đang làm. Nước Anh nổi tiếng với kinh nghiệm đối đầu khủng bố, từ những vụ đánh bom của IRA ngày xưa cho đến các vụ khủng bố gần đây dưới đường hầm tàu điện ngầm. Và nếu quí vị đến nước Anh trong những ngày này thì thấy đúng như vậy, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Sáng hôm qua sau chuyến thỉnh giảng ở Việt Nam quay về Luân Đôn tôi vẫn nhanh chóng sử dụng cửa khẩu điện tử không có người kiểm soát để nhập cảnh, rồi kéo hành lý ra ngoài, chen chúc trên tàu điện ngầm rồi xe buýt về nhà, không thấy có biểu hiện gì đặc biệt như là kiểm tra hay cảnh sát súng ống được tăng cường trên đường, dù rằng lực lượng IS đã từng tuyên bố sẽ nhắm luôn cả vào Luân Đôn sau trận thảm sát kinh hoàng bên Paris.

Thế nhưng nếu quí vị có cơ hội đi vào cổng dành cho nhân viên của các cơ quan công vụ của nước Anh thì chỉ cần chú ý một chút sẽ thấy ngay ở cửa ra vào các dấu hiệu báo động đang ở mức cao nhất có thể được. Tức là chỉ cần thêm một mức nữa là báo động đỏ, chỉ dùng khi thực sự bị tấn công trực diện. Đó chính là tình cảnh của hệ thống an ninh ở Anh trong suốt vài năm trở lại đây. Một cơ thể liên tục căng thẳng thì không thể nào khỏe mạnh và tỉnh táo như bình thường được.

Tuy nhiên, nếu nhìn khủng bố như là hành động để khiến đối phương sợ hãi và co cụm, thì có thể thấy rằng trận bóng đá giao hữu giữa Anh và Pháp trên sân Wembley hôm thứ Ba vừa rồi là một chiến thắng của dân chúng trước khủng bố. Khán giả Anh trên sân nhà hòa giọng với đội khách hát vang bài quốc ca Pháp La Marseillaise khiến ngay cả các bình luận viên truyền hình lâu năm cũng bất ngờ và xúc động.

Cú đánh của khủng bố lại khiến cho châu Âu đoàn kết hơn và người dân Anh quên khuấy đi các cuộc tranh cãi xem có rút khỏi Liên hiệp châu Âu hay không, dù rằng có chính trị gia như Peter Cruddas sẵn sàng tài trợ 1 triệu euro cho chiến dịch vận động mà theo ông là sẽ được các tập đoàn lớn tải trợ thêm 20 triệu nữa để người Anh bỏ phiếu rút lui khỏi Liên hiệp châu Âu vào năm 2016 hoặc muộn hơn là 2017.

2 – Nhìn chung, nước Anh chuẩn bị đối phó như thế nào với nguy cơ rất cao của các hành động khủng bố trên quy mô lớn?

Thông cáo báo chí của ủy ban cảnh sát quốc gia cho biết nước Anh đã phân tích xong vụ khủng bố ở Paris và chuẩn bị đôi phó với nguy cơ khủng bố ở Anh, được nhận định là có tổ chức rất cao để tấn công nhiều địa điểm cùng lúc. Kế hoạch chống khủng bố được bàn với chính phủ để chuyển thành con số cảnh sát cụ thể để đối phó. Thế nhưng trong bài phân tích của tờ Guardian, cảnh sát trưởng vùng Surrey và nguyên là lãnh đạo cơ quan chống khủng bố ở khu trung tâm tài chính của Luân Đôn thì không ngại bình luận : chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ là “bỏ mặc”. Trên chương trình BBC, ông mô tả trang bị hiện nay cho cảnh sát Anh giống như là cấp súng trường để đi đấu với súng máy.

Tình trạng bên trong thực sự được phát lộ nhờ một lá thư của các lãnh đạo cảnh sát gửi cho bộ trưởng nội vụ, mà nhật báo Guardian vừa đăng sáng hôm nay. Ngay sau trận giao hữu giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Pháp hồi giữa tuần này trên sân Wembley ở Luân Đôn, lá thư này thể hiện phần nào sự căng thẳng và lo lắng cao độ trên hòn đảo này sau vụ thảm sát ở Paris hồi tuần trước.

Thoạt nhìn thì đây chỉ là sự trao đổi liên quan đến kế hoạch cắt giảm ngân sách an ninh được thực hiện theo đề nghị của ủy ban Cobra là cơ quan chuyên trách về an ninh quốc gia, nhưng các phân tích của Guardian nhận định đây là nỗi lo lắng của giới chuyên gia cho bộ máy an ninh, và dứt khoát không cho phép nhượng bộ thêm nữa về kế hoạch ngân sách. Nội dung của lá thư đã tạo ra tranh cãi, trên nhiều kênh truyền thông của nước Anh, bao gồm cả chương trình nổi tiếng Question Time của BBC1, không chỉ về chính trị và kế hoạch tài chính, mà rất nhiều khía cạnh của việc chống khủng bố được đưa ra bàn thảo. 

3 – Loạt khủng bố tại Pháp có khiến lập trường của chính phủ Anh về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo thực sự thay đổi ? Chính giới Anh phải chăng đã không đánh giá đúng tầm mức của nguy cơ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo ?

Trong Quốc hội Anh, các thế lực chính trị cũng đang thay đổi quan điểm sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, như bài phân tích của Iain Macwhirter trên tờ Guardian ra ngày hôm qua. Ông coi chuyện bà Nicola Sturgeon bên đảng dân tộc Scotland sẽ chịu khó nghe Thủ tướng David Cameron trình bày kế hoạch ném bom ở Syria là một sự thay đổi đáng kể về quan điểm trước nay của bà vẫn được coi là người muốn dùng giải pháp hòa bình hơn là vũ khí.

Một phần lý do khiến chính phủ Anh dè dặt trong chuyện đưa quân ra nước ngoài chính là số ghế khá đông của SNP trong quốc hội và lãnh đạo của họ là bà Nicola Sturgeon hồi tháng trước vẫn cương quyết tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống hành động can thiệp quân sự của Anh ra bên ngoài. Dư luận ở xứ Scotland từng coi cuộc chiến Iraq hồi năm 2003 là hành động phi pháp và sự trỗi dậy ngoạn mục của SNP đã khiến cả hai đảng Bảo thủ và Lao động đều phải dè chừng thái độ của các chính trị gia trẻ từ xứ Bắc. Trước đó nữa, ngay trong cuộc chiến Kosovo dù là chính nghĩa, nhưng SNP vẫn phải đối phó với hành động quân sự khi quân đội Anh cùng NATO ném bom Serbia.

Chính sách quân sự của Anh tại Trung Đông đang là bài toán chưa có lời giải. Điểm qua tất cả các trang bình luận của các tờ báo lớn trong vòng một tuần lễ vừa rồi, hầu như không có chuyên gia nào nhắc đến chính sách quân sự Trung Đông.

Có điều quý vị hay chúng tôi có thể nhìn thấy được, là trong vòng nửa năm trở lại đây, các lực lượng an ninh của Anh tuyên bố đã phá được 7 âm mưu khủng bố ở trong nước, nhưng ngược lại rút dần các hoạt động chống khủng bố nước ngoài, và để ê mặt, vì để lọt lưới rất nhiều thanh niên sang Syria tham gia IS. Nhiều người nói rằng, không hiểu đâu là kế hoạch thực sự của nước Anh. Theo tôi, họ chưa có kế hoạch gì rõ ràng, vì họ phải nhìn vào chính phủ mới, chưa biết sẽ chịu áp lực thế nào trước Quốc hội…. Nếu đảng SNP có một biến chuyển như nói trên, thực sự muốn nghe kế hoạch của Thủ tướng Cameron, thì người ta rất hy vọng có một giải pháp quân sự ở Syria, ở Trung Đông.

4 – Thế còn về chính sách trên phương diện chính trị, vì giải pháp cho vấn đề tổ chức Nhà nước Hồi giáo không chỉ là quân sự ?

Nếu quý vị nhìn về chính sách, thì không có. Vì nước Anh không hề có chính sách từ trước. Chính sách luôn luôn được xây dựng tùy thuộc vào sự thay đổi của hoàn cảnh, cũng như sự thay đổi của các tay chơi, player trên sân khấu chính trị thế giới. Thái độ chính trị của nước Anh chỉ xảy ra khi nào có một tình huống bắt buộc họ phải đưa ra kết luận, hay nói cách khác, nước Anh không có chiến lược chính trị rõ ràng.

Xin cảm ơn thông tín viên Lê Hải.

No comments:

Post a Comment