Hoàng Ngọc Nguyên
Thứ ba tuần qua, Tổng thống Barack Obama đã thông báo quyết định duy trì khoảng 9.800 lính Mỹ ở Afghanistan ít nhất cho đến cuối năm nay. Quyết định này một phần là nhằm tăng cường những nỗ lực chống khủng bố của Mỹ ở nước Hồi giáo Nam Á này, tăng cường khả năng của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA thực hiện những cuộc tấn công bí mật từ những phi cơ không người lái cùng những hoạt động bán quân sự từ những căn cứ quân sự Mỹ. Quyết định đạt được, hay được thông báo, sau khi ông Obama đã trải qua một ngày dài đón tiếp và thảo luận với tân Tổng thống Ashraf Ghani đến từ Kabul. Cả hai nhà lãnh đạo nói rằng đây là một biện pháp cần thiết nhằm chống lại những hoạt động nổi dậy, khủng bố và tấn công, phá hoại của Taliban mà những nhà quân sự ước tính rằng sẽ bùng lên mạnh khi mùa xuân đang tới.
Ngoài ra, Mỹ còn phải đẩy mạnh việc huấn luyện cho lực lượng an ninh của A Phú Hãn vẫn đang còn chưa mấy hiệu quả. Trước đây, Mỹ có ý định cắt giảm khoảng một nửa quân số này vào cuối năm nay, và điều này có nghĩa la Mỹ sẽ phải đóng cửa một số căn cứ quân sự có tinh chiến lược trong việc tấn công, truy lùng, ngăn chận loạn quan Taliban ở miền nam và miền đông nước này giáp ranh Pakistan. Khi đóng sớm những căn cứ này, nguy cơ sẽ vô kề đối với nền an ninh của Afghanistan. Tổng thống Obama lên tiếng trong cuộc họp báo, có Tổng thống Ghani đứng bên: “Làm chậm lại nhịp độ rút quân của 9.800 lính Mỷ đóng ở Afghanistan là chuyện đáng làm”.
Jalalabad là căn cứ chủ lực của CIA được sử dụng để tiến hành những cuộc tấn công truy kích không người lái từ trên không nhằm vào những khu vực bộ lạc nằm bên nước Pakistan. Cơ quan này đã tập trung hoạt động về đây sau khi chính phủ Pakistan bắt CIA dẹp bỏ một căn cứ không lực tương tự của nó trên phần đất Pakistan. Mặc dù Mỹ đã nhiều lần nói với chính quyền Pakistan Taliban đóng căn cứ ở đất Pakistan để tấn công qua Afghanistan, và chính Taliban cũng là một mối đe doa cho an ninh của Pakistan, nhưng chính quyền Islamabad vẫn cương quyết đẩy CIA ra khỏi nước này để tránh sự chống đối của các nhóm Hồi giáo quá khích trong nước. Trong khi Pakistan, trong cả nửa thế kỷ qua, sống nhờ viện trợ kinh tế của Mỹ. Và có vũ khí để quấy phá Ấn Độ cũng nhờ quân viện của Hoa Kỳ. Bởi vậy, Mỹ đang phải xem lại vị trí “đồng minh số 1” này của Pakistan, trong thời điểm phải xem lại toàn bộ chiến lược toàn cầu của Mỹ. Vừa qua, ông Obama lại có dịp thăm viếng Ấn Độ lần thứ hai trong sáu năm cầm quyển vừa qua của ông và tiếp xúc với Tổng thống tân cử cấp tiến Narendra Modi của Ấn Độ. Bang giao giữa hai nước Ấn-Mỹ tốt đẹp hơn bao giờ hết trong 50 năm qua. Đây là một đòn cảnh báo với Pakistan, nhưng có lẽ vì thế mà nhà cầm quyền Pakistan còn phát điên hơn. Vì áp lưc của Pakistan, những cuộc tấn công này của Mỹ nhằm vào Taliban đã dần dần suy giảm trong mấy năm qua, trong khi giới tình báo luôn luôn nhấn mạnh ở sự cần thiết của hoạt động này nhằm bảo đảm an ninh tối thiểu cho Afghanistan ở mặt phía nam, do đó căn cứ Jalalabad có tính đặc biệt chiến lược của nó.
Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan xuất phát từ vụ tấn công nhằm vào Tòa Tháp Đôi (Twin Tower) ở New York và Ngũ Giác Đài ở Washington vào ngày 11-9-2001 của tổ chức Hồi giáo khủng bố quốc tế Al Qaeda, mà lãnh đạo lúc đó là Osama Bin Laden (đã bị Mỹ giết chết ở Pakistan vào tháng 5 năm 2011). Chính quyền Taliban thời đó ở Kabul bao che cho al Qaeda cho nên Tổng thống George W. Bush khởi binh đánh. Cho đến nay, cuộc chiến này đã có hơn 13 năm, và chủ trương giải kết của Tổng thống Obama đã được nói rõ từ khi ông vào Nhà Trắng đầu năm 2009. Kỳ hạn đầu tiên của việc Mỹ rút quân toàn bộ là cuốí năm 2014, nhưng ông Obama thấy không ổn, mặc dù quan hệ giữa Washington và Kabul (dưới chế độ tham nhũng của Tồng thống Hamid Karzai trước đây) ngày càng xung khắc. Lực lượng Taliban như con rắn nhiều đầu, có sức bật dậy nhanh chóng sau mấy lần bị đánh tơi tả. Măt khác, Mỹ đưa ra nhử mấy lần miếng mồi hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng Taliban đáp lại bằng tăng cường hoạt động khủng bố, đánh bom, nhằm vào từ thường dân và các khu làm ăn đến cơ quan nhà nước và giới ngoại giao… Ngay cả chính quyền Kabul cũng mấy lần ngỏ ý muốn bắt tay “liên hiệp” với Taliban với lý do “chúng ta đều cùng một dòng máu mà ra”, nhưng Taliban đáp lại bằng đòi hỏi phải giao hết quyền cho họ. Câu hỏi vẫn ám ảnh những nhà chiến lược là nếu Mỹ bỏ rơi Afghanistan hoàn toàn, nước này chịu được loạn quân Taliban trong bao lâu (tức là cái “decent interval” như trong cuộc chiến Việt Nam). Và nếu Afghanistan rơi vào tay Taliban, bàn cờ quốc tế trong khu vưc này sẽ như thế nào.
Tổng thống Obama thường được xem là thuộc cánh “liberal” (tự do) trong đảng Dân Chủ, vốn chủ trương “giải kết” trên thế giới – giống quan điểm của nhánh “libertarian” của gia đình hai cha con Rand Paul, Ron Paul trong đảng Cộng Hòa. Tuy thế, ông vẫn mạnh dạn đạt đến quyết định này, vì quyết định lưu giữ quân Mỹ tại Afghanistan tuy thế có tính “thiên thời địa lợi nhân hòa” trong đó. Có nghĩa là được sự ủng hộ của nhiều phía - trừ kẻ thù.
Trước hết chúng ta hãy nhìn đến những bên trong cuộc. Và trước hết là người dân Afghanistan đáng thương nay đã có thể thấy an tâm hơn, không còn phải sống câm nín trong ác mộng đêm hè như người Miền Nam chúng ta cách đây hơn 40 năm. Các nhóm trong dân chúng, đặc biệt là phụ nữ, đã nhiều lần xuống đường kêu gọi Mỹ nghĩ lại. Chẳng cần nói, chúng ta cũng có thể tưởng tượng xã hội nước này sẽ như thế nào khi Taliban lạị cầm quyền và áp đặt luật Hồi giáo (sharia law) lên đầu người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, nhất là một khi người dân ở đây đã phần nào “ngửi được hơi hám” của văn hóa nhân bản dân chủ của Mỹ. Những người đang cầm súng cho chế độ ở Kabul, hay những người hoạt động trong ngành an ninh quốc gia, cũng an tâm hơn, không sợ chiến đấu cho đã, cuối cùng có một luc nào đó hết đạn, và nhìn quanh chẳng thấy Mỹ đâu! Và đương nhiên, chính quyền Kabul có thế mới được sự ổn định chính trị để cai trị và nắm được dân.
Đương nhiên, Taliban, có khuynh hướng Hồi giáo (cực doan) chính thống, là phía chống đối kịch liệt nhất, cách đây không lâu một lãnh đạo Taliban đã hí hửng: “Rồi Mỹ cũng ôm đầu máu rút khỏi Afghanistan như ở Việt Nam mà thôi. Chúng ta không có gì vội cả!”. Ít nhất, Taliban nay cũng đã hiểu chẳng dễ gì nuốt. Vả lại, Taliban cũng không mơ hồ đến nỗi nghĩ rằng Mỹ mà rút là Kabul tận số. Chung quanh Afghanistan, có thiếu gì đồng minh trong vùng Cận Đông phức tạp này. Có một điều chắc chắn: trong khi nước “đồng minh số 1” cũa Mỹ là Pakistan theo Giáo phái Sunni không khoái chuyện Mỹ ở lại, các nước chung quanh như Iran, Iraq, Ấn Độ… đều hoan hỉ. Iran và Iraq hiên đang do giáo phái Shiite nắm (gần giống như Syria), cho nên họ đều muốn Mỹ ở lại để cho người Shiite ở nước này không bị truy bức. Ấn Độ thì muốn Afghanistan làm trái độn với Pakistan. Ngay cả Do Thái đương nhiên cũng thấy hoan hỉ với quyết định này, bởi vì chừng nào Mỹ còn kẹt ở vùng này, Do Thái càng tự do vẫy vùng ở vùng tây ngạn sông Jordan và miền đông Jerusalem. Đây chính là món quà của Mỹ tặng cho ông Benjamin Netanyahu trong dịp ông tái đắc cử vào ngày 17-3 vừa qua, cho dù ông Obama có bực bội thế mấy vì phe đối lập ở Tel Aviv thất cử thì thây kệ ông!
Quyết định của ông Obama phù hợp với hiện tình chiến tranh và chính trị phức tạp trong vùng. Bởi thế mà không những cánh diều hâu trong đảng Cộng Hòa ủng hộ, mà cả những khuynh hướng ôn hòa cũng không thể chống đối. Vùng Trung Đông quá chiến lược và dính líu đến Do Thái cho nên Mỹ không thể dễ dàng bỏ rơi được. Giặc al-Qaeda trong vùng rừng núi giữa Afghanistan và Pakistan chưa dẹp được mà cứ thỉnh thoảng lại bùng lên, trỗi dậy, và nay lại có nguy cơ Nhà nước Hồi giáo “mở chi nhánh”, có thể tìm cách chen vào cuộc xung đột ở nước này để làm giảm áp lực của Mỹ ở Iraq và Syria. Ông Ghani đã công khai nói lên mối lo ngại đó trong chuyến đi này. Áp lực đòi Mỹ giữ quân lại ở Afghanistan tất nhiên đến từ những ông tướng của Bộ Quốc Phòng và CIA, nhưng chính sự hậu thuẫn trong chính giới làm cho ông Obama mạnh dạn đi tới. Ít ra ông cũng mua được thời gian: ông chỉ còn hai năm nữa. Gịữ được cho Afghanistan khỏi rơi vào tay loạn quân Taliban. Giữ cho Iraq không bị mất đất vào tay Nhà nước Hồi giáo I.S. Đó là những mục tiêu lớn, cụ thể để ông thanh thản rời tòa Bạch Ốc đầu năm 2017 trong tư thế “bất bại”. Ông nói: “Nán lại thêm một thời gian để chúng ta không phải trở lại đó, để chúng ta không phải ở vào tình thế phải hành động bức bách cấp thời bởi vì khủng bố tiến hành những hoạt động phá hoại xuất phát từ Afghanistan”. Kỳ hạn mới rút hết quân Mỹ nay là cuốí năm 2016. Vả lại, chúng ta nên nhớ 10.000 quân có là bao mà người ta phải thực sự bận tâm, so với hàng trăm ngàn ở Việt Nam cách đây hơn 40 năm, trong tình thế nguy hiểm hơn nhiều! Trong cả chiến tranh Việt Nam, gần 60.000 lính Mỹ tử trận. Trong chiến tranh ở Afghanistan, tính đến cuối tháng 11 năm ngoái, con số này chỉ là 2.254!
Hãy đọc tờ The New York Times viết về lời phát biểu của ông Ghani bên cạnh ông Obama tại Phòng Bầu Dục: Ông Ghani, nói lên sự tri ân đối với lính Mỹ và những người dân đóng thuế Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến đấu chống Taliban của Kabul, và ông nói rằng “Sự gia hạn này sẽ cho phép quân đội của chúng tôi chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp Mỹ rút toàn bộ lực lượng tính vào cuối năm 2016. Nhiều điều đã gắn bó chúng ta lại, và sự linh động mà chúng ta đã có trong năm 2015 sẽ được tận dụng để thúc đẩy cải cách để bảo đảm lực lượng an ninh Afghan được lãnh đạo tốt hơn nhiều, trang bị tốt hơn nhiều, huấn luyện tốt hơn nhiều, và tập trung vào nhiệm vụ chính yếu của mình tốt hơn nhiều”. Ông Ghani nói tiếng Anh chưa sỏi, nhưng từ đầu đến cuối nói không cần thông dịch, ông được đi nhiều chỗ để nói lên lòng tri ân cùng hướng phấn đấu của nhân dân Afghan cho tương lai của họ.
Nghĩ cho kỹ trường hợp của Afghanistan ngày nay, chúng ta phải chạnh lòng nhớ đến cuộc tháo chạy gần 40 năm trước đến mức Việt Cộng cũng không ngờ và không vào kịp Saigon! Khi ông Thiệu qua Mỹ trong năm 1973, ông chẳng được ông Nixon cho gặp ai. Ông cũng chẳng nói gì cho ra hồn. Và Nixon cũng chẳng cho ông sự linh động mà Obama cho ông Ghani. Sự linh động đó, Nixon chỉ cho kẻ thù! Ông Obama đưọc tiếng là bồ câu nhưng lại như thế. Ông Nixon là diều hâu nổi tiếng, nhưng lại phủi tay dễ như trở bàn tay.
Ngoại trừ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn mộng du cho đến gần phút chót về chuyện Mỹ sẽ can thiệp nhanh vì ta có dầu Mỹ còn cần, người dân sau biến cố Mậu Thân, sau khi Tổng thống Lyndon Johnson lên đài vào cuối tháng ba thông báo quyết định không ra tái tranh cử, nhiều người đã nghĩ rằng thế là gần hết. Việt Cộng cũng chắc mẩm điều đó cho nên cứ ung dung tiến hành sách lược vừa đánh vừa đàm của mình cho đối phương sốt ruột bỏ cuộc. Ông Thiệu thì cứ nghĩ rằng mình đã giúp “Tricky Dick” đánh bại Hubert Humphrey, thắng cử năm 2008 cho nên đã trở thành đại ân nhân Tổng thống Mỹ không bao giờ quên. Nhưng ông không hiểu rằng, và cả đống người bao quanh ông không cho ông hiểu, Nixon đã có chủ ý, Cố vấn An ninh Quốc gia (sau đó là Ngoại trưởng) Henry Kissinger đã có chủ ý. Và trong chủ ý này, người ta đã xét đến nhiều yếu tố: (i) Chính giới và dân chúng Mỹ đã say đòn; (ii) Việt Nam chẳng còn một vai trò chiến lược nào trong chiến lược toàn cầu của Mỹ một khi Mỹ đã bắt tay với cả Liên Xô và Trung Cộng năm 1972; (iii) Trong khu vực Đông Nam Á, cũng chẳng nước nào muốn đứng trên trận tuyến với Miền Nam; (iv) Hàng ngũ Miền Nam cũng chẳng có phản ứng gì; (v) May ra mà có một “decent interval” - tức Nixon đứng dậy rồi Việt Cộng muốn làm gì thì làm – thì tốt!
Vấn đề cuối cùng dường như là ở chúng ta. Người dân, quân đội, trí thức, đảng phái, tôn giáo… đều im lìm. Như thể đã có chính phủ “của dân do dân vì dân” thì không cần phải làm gì thêm. Người dân không có được một cuộc biểu tình nói lên mong muốn Mỹ đừng bỏ rơi. Đảng phái chính trị cũng có cả chục, nhưng chẳng đảng nào nói được gì với người dân hay cất lời với quốc tế. Quân đội dũng cảm nín thinh. Những quân sư cố vấn ngoai giao, chính trị của ông Thiệu đều bịt mắt, bịt mồm, bịt tai – như những con khỉ.
Cái đau là nỗi tuyệt vọng của người dân “gởi trứng cho ác” trong khi chẳng ai tin cả. Một dân tộc ngã gục dễ dàng, đến mức Dick và Kiss cứ ung dung theo đuổi kế hoạch “Decent Interval” của mình.
Rồi sau này viết những lời đạo đức giả!
No comments:
Post a Comment