4/15/15

Ngày 30/04 qua cái nhìn của thế hệ sau 75

Thanh Phương

Vài ngày nữa là đúng kỷ niệm 40 năm ngày 30/04/1975, mà đối với chính quyền Hà Nội vẫn là ngày "chiến thắng đế quốc Mỹ", "giải phóng miền Nam", nhưng đối với cộng đồng người Việt di tản và một bộ phận người dân ở miền Nam, đó là ngày "quốc hận", hay ngày "mất nước".

Riêng đối với thế hệ sinh sau năm 1975 ở trong nước, tức là thế hệ hoàn toàn không biết mùi chiến tranh, tất cả, từ Nam đến Bắc, đều học dưới mái trường " xã hội chủ nghĩa", nên đều được dạy về cái gọi gọi là " đại thắng mùa xuân". Trên báo chí, trên hệ thống phát thanh truyền hình, những ngày kỷ niệm 30/04, họ chỉ được đọc, nghe và xem về những chiến công lẫy lừng của "đỉnh cao trí tuệ loài ngườỉ".

Hoặc là họ được nghe kể lại từ những người thân trong gia đình. Ở miền Bắc, thì được nghe kể những ngày tháng Hà Nội sống dưới những trận mưa bom của Mỹ, hoặc những ngày chạy sơ tán về các vùng quê, về những người đã vùi thây trên dãy Trường Sơn.... Ở miền Nam, thì được nghe kể về những trận chiến ác liệt để giành lại thành phố Huế từ tay quân Cộng sản, hay cuộc tấn công bất ngờ của Việt Cộng vào dịp Tết Mậu Thân... Chắc là không ít gia đình của họ đã từng có người trở về trong chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

Đối với những không quan tâm gì đến chiến tranh Việt Nam, ngày 30/04 và tiếp ngay sau đó là ngày Quốc tế lao động 01/05 đơn giản là những ngày nghỉ lễ, ngày của những hoạt động vui chơi giải trí. Chắc là chẳng còn mấy ai để ý đến những tuyên truyền rầm rộ trong những ngày này.

Nhưng thật sự thì cảm nhận của cá nhân họ về cuộc chiến này là như thế nào ? Có lẽ không có gì là đáng ngạc nhiên là ở hai miền Bắc và miền Nam, tức là bên "thắng cuộc" và bên "thua cuộc", cái nhìn về chiến tranh Việt Nam khác nhau. Hôm nay chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của ba người sinh sau năm 1975.

Anh Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1977, hiện sống ở Sài Gòn, thuộc gia đình quân nhân Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra một quan điểm rất rõ ràng là cuộc chiến này, đó là cuộc chiến của hai phe Cộng sản và phe Cộng hòa:

« Qua tìm hiểu từ những người lớn tuổi trong gia đình thì tôi thấy rằng cuộc chiến tranh 1954-1975 là cuộc chiến giữa hai phe, một phe là chính quyền Cộng sản miền Bắc và phe Việt Nam Cộng Hòa miền Nam. Phe CS miền Bắc thì được Cộng sản Liên Xô và Cộng sản Trung Hoa hỗ trợ và tài trợ. Phe VNCH thì được Mỹ viện trợ và sau đó thì đổ quân tham chiến cùng với lực lượng VNCH.

Những người CS miền Bắc thì cho rằng Mỹ tham chiến là nhằm mục đích xâm lược và họ chọn con đường Cộng sản để chống Mỹ. Còn những người theo Việt Nam Cộng hòa trong đó có gia đình tôi, thì tin rằng Mỹ không xâm lược Việt Nam, chỉ tham chiến để ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản từ Trung Quốc tràn sang. Họ tin rằng chủ nghĩa Cộng sản là viển vông và sẽ không bao giờ thực hiện được, theo Cộng sản thì là nghèo đói và lạc hậu.

Bản thân tôi thấy rằng trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, Mỹ đã công nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa của chính quyền Ngô Đình Diệm và về mặt địa lý, Mỹ cách xa Việt Nam nửa vòng Trái Đất, thì không thể nói là Mỹ xâm lược Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh là rất nhiều nước nhỏ là đồng minh của Mỹ đều phát triển thịnh vượng và đều giữ được chủ quyền, cũng như văn hóa của họ. Cái mất khi là đồng minh của Mỹ thì rất nhỏ so với cái được.

Việt Nam lại giáp ranh với nước Trung Quốc khổng lồ, cho nên khi đi theo và lệ thuộc vào Trung Quốc thì sẽ rất là nguy hiểm. Trung Quốc rất dễ xâm lược Việt Nam. Lịch sử đã cho chúng ta thấy điều đó quá Tân Cương và Tây Tạng.

Một số người cho rằng 30/04 là ngày quốc hận. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi cũng bác bỏ quan điểm cho rằng đây là ngày giải phóng miền Nam. Tôi nghĩ nên xem đó là ngày kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước. Cuộc nội chiến này chỉ là hệ quả của hai luồng tư tưởng Cộng sản và chống Cộng sản.

Tôi nghĩ rằng khi mà nhận thức của người dân được nâng cao lên, thì người dân sẽ nhận thức đúng đắn hơn về nguyên nhân của cuộc chiến cũng như những sự thực trong cuộc chiến đó. »

Anh Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng thì nêu câu hỏi là có nên gọi ngày 30/04 là ngày « giải phóng » miền Nam, khi mà thực chất quân đội Cộng sản miền Bắc đã xé bỏ hiệp định Paris 1973, xua quân đánh bại miền Nam ? Anh cũng lập lại câu nói của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, đó là vào dịp kỷ niệm 30/04, có hàng triệu người vui, thì cũng có hàng triệu người buồn :

« Cuộc chiến này không phải như báo đài của Nhà nước nói là giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, mà thực tế là ngày chế độ này đánh thắng chế độ kia. Chế độ thắng thì vui mừng, còn chế độ thất bại thì buồn bã. Mà chế độ dù thắng hay bại thì đều có kẻ chết, người bị thương, mà tất cả đều là thân nhân người dân Việt Nam cả.

Theo dòng lịch sử mà em biết, tháng 01/1973, sau hiệp định Paris thì miền Nam lúc đó không còn bóng quân đội Mỹ nữa, mà giao lại cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Nhân dân Việt Nam lúc đó phải quyết định vận mệnh của mình. Nếu chỉ căn cứ vào đây thôi, sau năm 73 cho đến tháng 04/75, thì quân đội chế độ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa tiến quân vào miền Nam để đánh bại chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đó là hành động giải phóng hay xâm lược ? Chỉ vấn đề này thôi đủ làm tính chất cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc khác rõ, chứ không giống như những gì chúng ta nghe, đọc trên báo đài chính thức. Nếu chỉ căn cứ vào đó, thì đủ hiểu là có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn. »

Trong khi đó, ở miền Bắc, đa số những người sinh sau năm 1975 vẫn tin theo những gì được dạy trong trường và những lời tuyên truyền của báo đài, rằng ngày 30/04 là ngày « giải phóng » miền Nam. Nhưng cũng có không ít người, qua tìm hiểu, qua tiếp xúc, đã hiểu ra được thực chất của cuộc chiến này, như cô Nguyệt Hà, một luật sư trẻ ở Hà Nội, sinh năm 1990 :

« Trước kia, học lịch sử ở trường, em chỉ có một cái nhìn một chiều rằng đây là một cuộc chiến chống Mỹ cứu nước và dân tộc ta đã chiến thắng Mỹ ngụy. Lúc ấy chúng em cũng không có điều kiện để tiếp cận những thông tin khác.

Sau này khi học đại học và sử dụng các phương tiện như Internet, Facebook, em có được những thông tin trái chiều để mình có thể tìm hiểu kỷ hơn. Em cũng được những người bạn ở miền Nam kể rằng cuộc chiến ấy thực ra là cuộc chiến giữa miền Nam với miền Bắc, cuộc chiến ý thức hệ giữa hai miền. Lúc đó, em cũng khá bất ngờ, nên cố gằng tìm hiểu xem là niềm tin và những gì mình đọc trước đó có đúng hay không. Qua lời kể của các bạn có gia đình « ngụy quyền», em biết được thêm sự thật và biết được thêm những gì mà người dân miền Nam đã trải qua khi miền Bắc chiến thắng.

Em nghĩ cuộc chiến trước đây là cuộc chiến nội bộ giữa hai miền Nam Bắc, và được sự hậu thuẫn, ở miền Bắc là của Trung Quốc và ở miền Nam là của Mỹ, vì những lợi ích của các cường quốc đó, nhưng về cơ bản thì đúng là một cuộc nội chiến.

Nhiều năm trước kia, khi mà truyền hình là phương tiện giải trí chủ yếu, thì thường vào những ngày 30/04 và 01/05, chúng em được xem rất nhiều chương trình kỷ niệm hai ngày đó, với rất nhiều bộ phim ca ngợi chiến tranh, chiến thắng. Trước đây em xem những chương trình đó thì rất háo hức, rất tự hào là mình đã chiến thắng cả đế quốc Mỹ.

Nhưng bây giờ em không xem những chương trình ấy nữa và vào những dịp này thì có cảm giác không được tốt lắm, do đã biết được rằng có rất nhiều người coi thời điểm này là thời điểm đau buồn của họ, mất nước của họ. Em không còn coi đó là chiến thắng nữa, mà có cảm giác đây là nổi đau của rất nhiều người. Cái dịp kỷ niệm đó và những bộ phim đó có thể làm đau lòng nhiều người bên phía còn lại.

Ở miền Bắc, hầu hết những người thân chung quanh em đều không có những thông tin. Những người lớn tuổi, ông bà, bố mẹ, chú bác đều nghĩ đó là chiến thắng và họ không có ý định tìm hiểu thêm. Còn những người bạn cùng trang lứa với em, thì hầu hết đều không tiếp cận các thông tin và vẫn coi đó là ngày kỷ niệm chiến thắng bình thường. Họ cũng không quan tâm nhiều lắm đến các vấn đề lịch sử."

Nếu để qua một bên tranh cãi về chuyện "giải phóng" hay "xâm lăng", thì có thể nói rằng, với ngày 30/04/1975, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đất nước được thống nhất và sống trong hòa bình ( ngoại trừ cuộc chiến tranh ngắn với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và cuộc can thiệp quân sự vào Cam Bốt để lật đổ chế độ Khơme Đỏ ). Đây là cơ hội hiếm có để xây dựng Việt Nam thành một nước hùng cường.

Sau năm 1975, cố tổng bí thư Lê Duẩn đã từng tuyên bố :" Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng”. Nhưng 40 năm sau, vì sao Việt Nam vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới ? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với ba bạn nói trên. Đối với Nguyễn Thiện Nhân, nền kinh tế Việt Nam vẫn mang tính lai tạp và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc :

« Bốn mươi năm qua là giai đoạn tồi tệ của đất nước Việt Nam. 15 năm đầu, từ 75 đến 90, Cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền kinh tế bao cấp, làm cho đất nước đói ăn và tụt hậu. 25 năm sau lại là một nền kinh tế lai tạp, thiếu tiêu chuẩn, không bền vững và phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Đảng Cộng sản vẫn ôm mộng chủ nghĩa Cộng sản, nên luôn đề cao thành phần kinh tế Nhà nước, xem kinh tế NN là chủ đạo, trong khi đây là thành phần làm trì trệ phát triển và nảy sinh tham nhũng. Mặc khác, do không cho đa đảng nên không có đảng đối lập để cạnh tranh, giám sát đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế quan chức bao cho cho nhau và quanh co chối tội khi xảy ra tiêu cực. Hậu quả là Việt Nam kém phát triển về khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm thì thấp, kém chất lượng, thực phẩm thì độc hại, còn môi trường sống thì bị phá hoại, bị Trung Quốc lũng đoạn kinh tế, phá rối, chảy máu chất xám và nhân tài bị thui chột, xã hội bây giờ thì đạo đức bị băng hoại.

Đó chính là những lý do vì sao Việt Nam không thể cất cánh được thành một quốc gia giàu mạnh sau 40 năm. Việt Nam đã bỏ lở cơ hội xây dựng thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và để lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Lẻ ra Việt Nam phải theo mô hình của phương Tây để xây dựng một nền kinh giàu mạnh từ năm 1990. Nhưng Việt Nam lại không làm như thế, mà lại chọn con đường đi theo chủ nghĩa Cộng sản mang màu sắc Trung Quốc."

Còn qua cái nhìn Khúc Thừa Sơn, Việt Nam vẫn còn nghèo vì thiếu dân chủ, vì người dân không có quyền tự do chọn lựa lãnh đạo :

« Hiện tại Việt Nam có một hệ thống quan liêu khá cồng kềnh, tuy có cải cách nhưng cũng còn quá nặng nề. Việt Nam cũng có những chính sách hạn chế những quyền cơ bản của con người. Dân Việt Nam cũng không thể chọn người lãnh đạo theo ý của mình được.

Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực của nhân dân Việt Nam, nhưng đa số lại là những người trong đảng Cộng sản, những người lãnh đạo Nhà nước. Đảng chỉ định ai thì bầu cử người đó, dẫn đến hệ lụy là con ông cháu cha, dù giỏi, dù dốt đều được xếp vào hàng ngũ lãnh đạo đất nước.

Lãnh đạo Việt Nam cũng không chịu nhìn nhận những sai lầm và khắc phục những sai lầm. Khi mà khắc phục những sai lầm, họ chỉ nói lời xin lỗi chứ không nghiêm khắc đưa ra những hình phạt thích đáng dành cho mình. Trong khi đó, người dân phải chịu những hậu quả mà họ không lường trước được.

Người lãnh đạo ở Việt Nam xem nặng quyền lợi của bản thân, mà xem nhẹ quyền lợi của người dân, của đất nước. Hơn nữa, người lãnh đạo Việt Nam không có tầm trí thức, dẫn đến việc lãng phí về chất xám, lãng phí về tài nguyên, cũng như lãng phí về thời gian và thời cơ.

Thời gian gần đây, khi Việt Nam gia nhập  Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay hội nhập với các nền kinh tế thế giới khác, Việt Nam đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội thoát khỏi chính sách cỗ hữu từ xưa đến giờ là phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Một yếu tố nữa đó là những người lãnh đạo hiện nay là những nhà tư bản đỏ, chứ không phải là những người Cộng sản như ngày xưa. Họ lãnh đạo là để bảo vệ các ngai vàng, bảo vệ quyền lực, chứ không phải là vì có tài năng xứng đáng.

Có thể nói là họ đã biết tận dụng xương máu chiến tranh để nắm quyền, và từ đó sinh ra lộng quyền, lạm quyền, dẫn đến biến chứng là giàu có trên sự bóc lột người dân. Chính sách họ đưa ra là phải có thêm con số cộng bỏ vào túi tham của họ. Chuyện này là bình thường và người dân ai cũng biết.

Nói tóm lại là đất nước Việt Nam có giàu mạnh hay không là phụ thuộc vào thành phần lãnh đạo của Việt Nam. Họ chỉ có hai con đường : một là kiên quyết giữ quyền lãnh đạo của cá nhân họ, phó mặc những hạn chế mà họ đã thấy được mà không khắc phục, hay là khắc phục những hạn chế đó, hy sinh quyền lợi cá nhân họ, đưa quyền lợi dân tộc lên trên hết. Còn người dân Việt Nam, sống trong chế độ này, sướng hay khổ, họ không thể định đoạt được. »

Về phần Nguyệt Hà thì phân tích thất bại kinh tế của Việt Nam duới cái nhìn của một luật sư :

« Ngoài những nguyên nhân về chính sách vĩ mô, về giáo dục, không có thị trường tự do, em còn thấy vấn đề nền pháp luật yếu kém và tinh thần tôn trọng pháp luật của Nhà nước lẫn người dân. Vì thế không tạo được sự tin tưởng trong quá trình làm kinh tế, hoặc trong các mối giao dịch dân sự hay kinh tế. Em thấy điều đó làm tốn kém thời gian và tiền bạc, làm cho các quan hệ kinh tế không phát triển được.

Mặc dù đã có những cải cách, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vẫn ưu tiên phát triển kinh tế Nhà nước. Nếu mất cái đuôi « định hướng xã hội chủ nghĩa » đi, thì họ không còn tính chính danh cho việc duy trì vẫn còn nhiều tập đoàn Nhà nước, hay tập trung cho tiền bạc và các chính sách cho những tập đoàn kinh tế này. Quá trình cổ phần hóa mặc dù đang diễn ra nhưng diễn ra khá là chậm, thậm chí có khá nhiều hình thức tham ô trong đấy, bởi vì có quá nhiều lợi ích trong đó của một tập đoàn giới lãnh đạo.

Chính vì vậy họ không làm một cuộc cải cách triệt để được và cái đuôi Xã hội chủ nghĩa cùng với các thành phần kinh tế Nhà nước vẫn đang góp phần gây ra tham nhũng và kềm hãm sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Một phần đó là do cơ chế, và một phần cũng là do giáo dục lạc hậu đã tạo ra một tập quán văn hóa, làm cho mọi thứ trì trệ. Cái làm cho Việt Nam thua Hàn Quốc rất nhiều lần, chính là do thể chế và cái lãnh đạo tập trung của Nhà nước. Ở Hàn Quốc người ta tạo điều kiện hơn cho kinh tế tư nhân. Giữa các nước có thể chế một đảng và những nước có thể chế đa đảng, thì các thể chế dân chủ có vẻ tạo điều kiện hơn cho cá nhân, cũng như cho các tổ chức kinh tế phát triển. »

No comments:

Post a Comment