Hoàng Ngọc Nguyên
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba vừa mới qua đời vào ngày thứ hai 23-3 vừa qua. Mô tả ông là một cựu thủ tướng đương nhiên chưa được đầy đủ. Ông là vị “cha già dân tộc” – founding father - của một nước “thịnh vượng nhất, ít tham ô nhất” của châu Á (wealthiest, least corrupt), như cách nói của nhiều người. Chẳng những là người lãnh đạo nước non trẻ này từ ngày lập quốc, ông đã đưa Singapore từ năm 1959 (năm ông 36 tuổi được đắc cử làm thủ tướng đầu tiên) từ một bến cảng nghèo nàn, trông điêu tàn trở thành một nước “ốc đảo thuộc Đệ nhất Thế giới nằm giữa một vùng Đệ tam Thế giới mênh mông” (First World oasis in a Third World region) – như nhiều người trước đây vẫn quen mô tả.
The First World là thế giới của những nước phương tây công nghiệp hóa giàu có. The Third World là những nước “thứ ba”, “đang phát triển”, đông dân, nghèo nàn, lạc hậu, không liên kết. Đệ nhị Thế giới chính là những nước Cộng Sản, giàu có thì chắc chắn là không, dân chủ tiến bộ lại càng không. Ông Lý Quang Diệu là thủ tướng từ 1959 đến 1990: 31 năm. Sau đó là thái thượng hoàng với chức “Bộ trưởng Trưởng thượng” (senior minister). Từ năm 2004, ông được 81, ông lại có một chức hàm mới “Bộ trưởng đỡ đầu” (minister mentor). Và từ 55 năm qua, tên tuổi của ông ngự trị cao chót vót trên vòm trời chính trị của nước này. Một nhà độc tài được sự tuân phục, ngưỡng mộ, thương kính của cả toàn dân. Cả 5.5 triệu người dân của Singapore thực sự đang để tang, thương khóc sự qua đời của một người đã đem đến sự đổi đời cho đất nước tràn đầy niềm tự hào này.
Singapore vốn là một bến cảng của Đế quốc Anh từ năm 1819, được mở ra như một trạm dừng chân cho tàu bè ngược xuôi trên con đường Hoa-Ấn nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cùng lả một kho hàng trung chuyển, một đầu cầu cho toàn vùng Đông Nam Á. Trong Đệ nhị Thế chiến, Singapore bị Nhật Bản xâm lăng và chiếm đóng trong ba năm 1942-45, sau đó hòn đảo này thuộc Liên hiệp Anh trở lại, nhưng ngày càng được giao quyền tự trị rộng rãi hơn. Năm 1958, Quốc Hội Anh thông qua Đạo luật “State of Singapore Act” cho thành lập Quốc gia Singapore, chính phủ tự trị đầu tiên được bầu lên có thủ tướng là ông Lý Quang Diệu, với đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông nắm đại đa số. Tháng tám năm 1963, Singapore trở thành một nước cộng hòa độc lập hoàn toàn.
Ông Lý Quang Diệu mới đầu cho rằng thành phần dân tộc của Singapore phức tạp, một phần là người Mã Lai, một phần là người Nam Dương, một phần là người Ấn Độ, và một phần là ngưòi Hoa, không chung văn hóa, không chung ngôn ngữ, tôn giáo dị biệt. Cho nên lúc ban đầu ông chủ trương Singapore nên liên kết, sát nhập vào Liên bang Đại Mã Lai vì sự an toàn. Những người lãnh đạo Singapore lo rằng Singapore quá nhỏ (chỉ khoảng 770 cây số vuông, tức cứ tưởng tượng một hình chữ nhật, chiều rộng 25 cây số, chiều dài 30 cây số), đất đai không có bao nhiêu, tài nguyên thiên nhiên không có, ngay cả nguồn nước, và thị trường cũng bị nghẽn. Một số nhà chính trị Singapore và Mã Lai cũng lo rằng không khéo Singapore là miếng mồi ngon cho Cộng Sản xâm nhâp vào vùng này, trở thành một đe dọa nội bộ cho Singapore và đe dọa từ bên ngoài cho Malaysia. Cho nên, năm 1963, Đại Mã Lai được mở rộng trong đó Singapore là một thành phần mới cùng với hai cựu thuộc đia khác của Anh mới gia nhập là Sarawak và Bắc Borneo.
Tuy nhiên, mối liên kết này chỉ kéo dài hai năm. Chính quyền Singapore và chính quyền trung ương Mã Lai Á bất đồng với nhau trên nhiều vấn đề chính trị và kinh tế, xung đột giữa đảng PAP của Singapore và Đảng Liên Minh của Malaysia ngày càng gay gắt, bất hòa giữa Singapore va Malaysia ngày càng khơi rộng. Vào năm 1964, những rối loạn chủng tộc bùng nổ trên đường phố Singapore. Đến ngày 9-8-1965, Quốc Hội Đại Mã Lai bỏ phiếu, 126 thuận, 0 phiếu chống, trục xuất Singapore ra khỏi liên bang. Ý nghĩa của lá phiếu: “Cho mày chết!”. Để xem Singapore sống thế nào nếu không có nguồn cung cấp nước nôi, lương thực từ Mã Lai! Đại biểu Singapore không có mặt trong cuộc biểu quyết này. Theo sử sách ghi lại, những người lãnh đạo Mã Lai thời đó có ý coi thường Singapore đồng thời nghi kỵ người Hoa ở nước này (Mã Lai có đa số là người Hồi giáo). Trong khi đó, Indonesia cũng dòm ngó Singapore một cách gây hấn. Khi tuyên bố ly khai, Ông Lý nổi tiếng với phát biểu “Đây là giờ phút đau lòng nhất đời tôi”.
Singapore chính thức trở thành một nước cộng hòa độc lập cũng vào ngày 9-8-1965, nhưng vẫn còn ở trong khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) của Anh! Vào năm 1965, chẳng mấy ai nghĩ Singapore sẽ tồn tại nổi trước áp lực quốc tế và những nước lân bang, nhất là khi nhìn đến tình hình bên trong của nưóc này: kinh tế, chính trị, xã hội đa chủng, đa tôn, đa ngôn, đa tầng. Hỗn loạn sắc tộc tái phát vào năm 1969! Những nưóc trong vùng, và ngay cả Anh quốc là mẫu quốc trước đây, cũng rất ái ngại. Nhưng ông Lý, vốn tốt nghiệp Đại học Cambridge, đã làm đảo ngược mọi dự đoán. Tất cả đã diễn ra quá nhanh như có phép lạ. Nhưng người cầm chiếc đũa thần không phải là một bà tiên mà là Lý Quang Diệu.
Công đức lớn nhất của ông Lý Quang Diệu là tức thời đưa Singapore ra khỏi vực thẳm kinh tế và nền kinh tế Singapore đã cất cánh nhanh chóng, rút ngắn năm giai đoạn phát triển trong lý thuyết của kinh tế gia Walt Rostow. Đứng trước nạn thất nghiệp lên tới hơn 12% và một cuộc khủng hoảng gia cư, Singapore đã tức thời bắt tay ngay vào một chương trình canh tân kéo dài cho hết thập niên 70 nhằm xây dựng ngành công nghiệp chế biến, phát triển những khu nhà cao tầng trong chương trình tái định cư ngưòi dân (từ những hang cùng ngõ hẻm ổ chuột) và đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục đại chúng. Chẳng những ông khuyến khích dân chúng nói tiếng Anh thành thạo, đúng văn phạm, đúng giọng để giao dịch với nhau và giao dịch với người ngoài, ông còn không ngừng kêu gọi thay đổi lối sống, tỉ mỉ đến từng chuyện như phải luôn luôn tươi cười xã giao, đi cầu xong phải giật nước và rửa tay, không xả rác ngoài đường, ném rác qua ban công nhà, không nhai kẹo ngoài phố, không khạc nhổ hay đứng móc mũi ngoài đường… Kể từ khi độc lập, kinh tế Singapore đã phát triển với tỷ lệ trung bình hàng năm là 9%. Đến những năm 90, Singapore đã trở thành một trong những nước thịnh vượng nhất thế giới, nền kinh tế thị trưòng tự do phát triển ở mức cao, có những quan hệ thương mại quốc tế rộng rãi, và mức tổng sàn lượng tính trên đầu người nay còn qua mặt cả Nhật Bản và Hoa Kỳ (Singapore:$55.182, Nhật Ban: $38.833, Mỹ: $53.042; VN: $1.910).
Năm 1967, Lý Quang Diệu đã củng cố nhanh chóng vị thế quốc tế của nước mình để trung hòa những mối đe dọa từ bên ngoài – xa như Trung Cộng, gần như Mã Lai, Indonesia. Singapore là nước đồng thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), và trong năm 1970, Singapore lại gia nhập Phong trào Không liên kết. Những đặc điểm chính sách của Lý Quang Diệu, tăng trưởng kinh tế nhanh, yểm trợ tích cực cho doanh nghiệp, hạn chế dân chủ chính trị để tránh những chuyện rối rắm chính trị, và có quan hệ gần gũi với Trung Cộng (để cho Bắc Kinh khỏi đưa điệp viên tới phá) đã tồn tại trong cả nửa thế kỷ qua. Nhưng ông vẫn nhấn mạnh quan hệ có tính chiến lược, sống còn với Hoa Kỳ, một mặt ông vẫn xem Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược không thể thiếu được trong vùng, mặt khác, ông quan ngại cho sự bất nhất trong chính giới nước Mỹ về đối ngoại – như ông từng tâm sự với ông Henry Kissinger.
Có lẽ về sau này, người ta sẽ chừng mực hơn, vừa phải hơn khi nhìn đến trường hợp phát triển của Singapore và trầm trồ như một phép lạ. Cả thế giới đều ca tụng sự phát triển kỳ diệu của nước này và sự vĩ đại của người lãnh đạo Singapore. Những ai đã đến nước này đều có những ấn tượng không quên về đường xá rộng rãi, thênh thang, trật tự. Hay luật pháp cực kỳ nghiêm minh ở nước này… Người ta cũng nói đất nước này phản ảnh con người lãnh đạo: hiệu quả, vô cảm, liêm chính, sáng tạo, thực tiễn, hướng nhìn về trước. Điều kiện phát triển của Singapore có quá nhiều điểm đặc thù, không chỉ về dân số, đất đai, những cơ sở sẵn có, trình độ và truyền thống năng nổ kinh doanh của người dân vốn là di dân, mà còn những đặc tính như vị trí địa lý chính trị, cùng hoàn cảnh khu vực, thế giới vào thời đó. Đề cao ông Lý về mặt này mặt nọ không sai, nhưng phải thực tế mà nói nếu ông Lý Quang Diệu được “mướn” làm thủ tướng Việt Nam hay Trung Quốc, hay bất cứ nước nào khác, như các đội banh nước Anh thường mướn các huấn luyện viên bóng đá quốc tế kỳ tài từ Ý, từ Đức, từ Tây Ban Nha, và ông Lý đem nguyên bài học Singapore ra mà áp dụng, thì chắc chắn câu chuyện thần kỳ của Singapore còn lâu mới tái diễn được ở những nơi khác, đông dân hơn trăm lần như Nhật Bản, thành phần phức tạp gấp bội như Hoa Kỳ, và gánh nặng quá khứ cũng nặng nề gấp bội như Iraq chẳng hạn. Hay những nước có đến ¾ dân số sống ở nông thôn chưa bao giờ rời khỏi lũy tre làng. Bởi vậy, Bắc Kinh và Hà Nội từng rước ông đến và ôn ông làm quốc sư, nhưng nghe chơi rồi bỏ!
Tờ The New York Times vẫn nhắc lại lời ông trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 về “ý thức hệ” của nước Singapore, vào một thời cuộc chiến ý thức hệ giữa Tự do-Cộng Sản đang cực kỳ gay gắt: “Chúng tôi không có vấn đề về ý thức hệ (ideology-free). Như thế có đúng không? Nếu chủ trương này thành công, hãy thử nó. Nếu tết đẹp, cứ tiếp tục. Nếu không, bỏ nó đi, thử cái khác”. Tuy nhiên, nói rằng ông không màng đến ý thức hệ, thực ra, chỉ là một cách nói để có thể thẳng tay dẹp đối lập muốn đem chuyện ý thức hệ dân chủ, dân quyền, bình đẳng… ra nói. Ông quảng diễn khắp toàn cầu cho “giá trị châu Á”, gần giống như tư tưởng đạo Khổng, trong đó vua phảỉ ra vua, dân phải ra dân. Vua phải là minh quân. Dân thì không được chống đối. Đó là trật tự cần thiết để cho đất nước tiến lên. Lợi ích của xã hội phải trên quyển lợi cá nhân, và người dân phảỉ chịu nhân nhượng một số quyền tự do và chấp nhận sự cai trị có tính cách quân chủ.
Có thể xem đó như là một sự đổi chác: người dân được no đủ, thì phải chấp nhận phép nước. Chấp nhận cái giá này, ngưòi dân Singapore sẵn sàng thụ động chính trị, chấp nhận có minh quân là đủ, người dân chỉ có mỗi một việc tuân phục. Ông tập cho người dân làm quen với (và lệ thuộc vào) đời sống vật chất tiện nghi, đến mức họ chỉ biết chạy theo năm chữ C là đủ - ít người vướng bận trong đầu những chuyện chính trị (năm chữ C đó là cash, condo, car, credit card và country club). Người dân thấy ông đã thực sự mở ra được một đất nước của những cơ hội cho mọi người. Người ta mệt nghỉ chạy theo chúng, những cơ hội trước đây nằm mơ cũng không có, còn đâu bận tâm hay thắc mắc những chuyện chính chị, chính em. Thậm chí, vì thế mà nhiều người có tâm lý ác cảm với chuyện chính trị, và hãnh diện mình đã thoát ra được chuyện “thế tục”, thậm chí đứng trên nó.
Đương nhiên, ở đời chẳng có gì bất di bất dịch. Những nhà tranh đấu cho nhân quyền vẫn phê phán ông. Và ông Lý ngày càng già, ảnh hưởng ông càng giảm. Người dân no đủ, một số đương nhiên “sinh tât”, bắt đầu cựa quậy. Đảng đối lập của Singapore trong bầu cử năm 2011 chiếm đến 40% số phiếu. Kinh tế càng phát triển, bất bình đẳng kinh tế càng khơi rộng, và người ta bắt đầu bất mãn. Thế giới ngày càng khó khăn, kinh tế Singapore chẳng thể cất cánh mãi, cho nên giấc mơ Singapore đang là chuyện có thể viết lại.
Đây là phần chính yếu của bài viết: Tôi với ông Lý Quang Diệu có một kỷ niệm!
Vào tháng tư năm 1967, tôi lúc đó 21 tuổi, đang học trên Viện Đại học Dalat, và là một thành viên của Hội Thanh niên Thiện chí Dalat, được Hội cử đi Singapore tham dự Hội thảo về “Đô thị hóa ở những nước đang phát triển” (Urbanization in developing countries) do Tổng hội Thanh niên Thế giới (World Assembly of Youth) tổ chức. Tôi là thành viên duy nhất đến từ Việt Nam, và người ký giấy đề cử cho chính phủ cấp thông hành chính là ông Hoàng Ngọc Tuệ, lúc đó là Giám đốc Nha Công tác Thanh niên (?) trong Bộ Thanh Niên, bộ trưỏng là ông Võ Long Triều trong nội các chiến tranh của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ. Một lý do duy nhất mà tôi đoán biết vì sao tôi được chọn đi có lẽ là tôi nghe được, nói được tiếng Anh. Nước Tân Gia Ba, tôi chẳng biết gì. Đô thị hóa cũng chẳng biết gì!
Có bốn điều tôi còn nhớ trong chuyến đi đầu đời ra nước ngoài đó.
Thứ nhất: choáng ngợp vì thành phố Singapore ít dân, không chen chúc, sạch sẽ, ngăn nắp, nhiều chung cư cao tầng và nhà cửa dọc theo biển thật đẹp, đúng là một đất nước sắp cất cánh như mình vửa học ở thầy Nguyễn Như Cương.
Thứ hai, tôi ở chung phòng giữa hai kẻ thù với nhau mà tôi không biết: một người đến từ Israel theo Do Thái giáo, một người từ Yemen theo Hồi giáo, tôi đứng giữa “Nam Mô A Di Dà Phật” hòa giải, ba chúng tôi cực kỳ thân thiện với nhau.
Thứ ba, lần đầu tiên tôi viết và đọc một bài “diễn văn” tiếng Anh trước một cử tọa khá đông đảo có đến hơn 200 người. Có một ngưòi trong ban tổ chức đến gặp tôi và hỏi tôi có thể phát biểu trong ngày bế mạc hội thào không. Tôi nghĩ im lặng quả là kỳ, cho nên nhận lời, vì thế phải trải qua một đêm soạn bài để vừa đọc vừa nói. Bài chỉ có hai phần: phần đầu, những ấn tượng mạnh mẽ về đất nước văn minh này chỉ cách nước của mình một giờ bay; thứ hai, đô thị hóa là một giâc mơ xa vời đối với tuổi trẻ VN khi ngày ngày chúng tôi phải chứng kiến sự tràn ngập thành phố của làn sóng những người từ thôn quê lên tỵ nạn và tuổi trẻ nghĩ đến chuyện xây dựng quê hương thì ít mà chiến đấu cho quê hương thì nhiều. Tôi chi nói chừng 3-5 phút. Cho đến giờ, tôi vẫn còn cảm thấy niềm xúc động khi nhớ lại những lời đó. Giữa hội trưòng rộng lớn, sân khấu chan chứa ánh đèn, tiếng vỗ tay vang vang, vì giọng tôi thực sự nghẹn ngào.
Và thứ tư, tôi bắt tay ông Lý Quang Diệu. Ông Thủ tướng tiếp phái đoàn khoảng 80-90 người trong dinh. Ông chỉ gặp khoảng nửa tiếng. Chúng tôi sắp hàng, ông mặc sơ mi trắng, đi bắt tay từng người. Như mọi người khác, tôi không xưng tên, chỉ nói: “I am from Viêt Nam” Ông nói: “Saigon”. Và nói “Glad to know you”, và qua bắt tay người đứng bên, người bạn Yemen. Sau đó, ông thủ tướng cũng nói trong năm phút, nhấn mạnh rằng trong đô thị hóa, cái thử thách lớn nhất người ta không đưọc quên là đô thị hóa con người, và ông nhấn mạnh hai điều: phổ cập giáo dục và tác động để có một nếp sống đô thị với những tập quán sinh hoạt mới.
Ông Lý Quang Diệu hẳn phải quên toi ngay sau lần chào hỏi đó. Tôi không buồn. Còn tôi, đó là kỷ niệm nhớ đời. Và cứ nghĩ thế nào quả đất tròn, cũng có ngày gặp lại ông!
No comments:
Post a Comment