Trọng Thành (RFI)
Phát Thứ tư, ngày 15 tháng tư năm 2015
Hiến binh Pháp biểu tình trước tòa án, trong một vụ kiện amiăng năm 2013. Reuters
Đầu tháng 5/2015, tại Genève sẽ diễn ra hội nghị lần thứ bảy Công ước Rotterdam về các hóa chất độc hại được sử dụng phổ biến trong công nghiệp hay nông nghiệp. Một trong những nội dung chính được quan tâm của hội nghị là vấn đề đưa một số hóa chất công nghiệp và thuốc trừ sâu nguy hiểm vào danh sách các chất độc cần được quản lý chặt chẽ. Amiăng trắng (Chrysotile) là một trong số năm hóa chất được xem xét lần này.
Amiăng trắng là một hợp chất được sử dụng rất phổ biến trong công nghiệp từ hơn thế kỷ nay. Với những đặc tính như bền, dai, chịu nhiệt, chịu ma sát, chịu lực, cách điện, cách âm, … hóa chất này được coi như là nguyên liệu lý tưởng cho nhiều vật liệu xây dựng, sản phẩm chịu ma sát như má phanh, các loại quần áo chịu nhiệt, hay trong công nghiệp hàng không, quốc phòng… Ở Việt Nam, amiăng trắng được biết đến phổ biến như là một thành phần quan trọng của tấm lợp fibro ximăng, một sản phẩm được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ gần nửa thế kỷ.
Tuy nhiên, cũng chính amiăng trắng (với các sợi có đường kính từ 0,02 đến 0,1 µm, tương đương từ 1/400 đến 1/2000 bề dày sợi tóc người, không thể nhìn thấy bằng mắt thường) từ hàng chục năm nay đã được ngành y tế thế giới nhìn nhận như là một thủ phạm gây ung thư hàng đầu thế giới trong môi trường công nghiệp, từ nhiều thập niên trở lại đây.
Hậu quả amiăng : Xử lý hết sức khó
Viện nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC/CRC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Vệ sinh Công nghiệp của chính phủ Mỹ (American Conference of Governmental Industrial Hygienists/ACGIH) hay hệ phân loại của Liên Hiệp Châu Âu, đều xếp amiăng vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm nhất.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, hàng năm có hơn 100 nghìn người tử vong vì các căn bệnh do amiăng gây ra, chưa kể hàng triệu người phải sống chung với các bệnh tật do hóa chất này. Con số hơn 100 nghìn người chết nói trên, tuy nhiên được một số chuyên gia cho rằng chỉ tính riêng tại các quốc gia có theo dõi sát vấn đề này.
Việc xử lý các hậu quả của amiăng đối với sức khỏe con người là hết sức phức tạp, lâu dài và tốn kém. Riêng tại Pháp, amiăng bị cấm từ năm 1997. Từ đó đến nay, theo một con số thống kê được công bố đầu năm nay, hóa chất độc hại này vẫn tiếp tục gây thêm 2.200 trường hợp ung thư hàng năm. Kể từ nay đến 2050, ước tính sẽ còn 68.000 đến 100.000 người chết vì amiăng, trong đó khoảng 50.000 đến 75.000 người do ung thư phổi và 18.000 đến 25.000 người do ung thư trung biểu mô (số liệu của HCSP/Hội đồng cao cấp về y tế công).
Gần 20 năm sau khi amiăng bị cấm, truyền thông Pháp vẫn tiếp tục có các chương trình nói về tác động nguy hiểm do amiăng gây ra. Việc tẩy rửa amiăng tại các công trình cũ, và việc đền bù cho các nạn nhân vẫn còn là những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Việc tẩy rửa amiăng nhìn chung là một công việc tốn kém và nguy hiểm. Công luận thế giới đặc biệt chú ý đến hiện tượng các « nghĩa trang tàu thủy », chủ yếu tại các quốc gia Nam Á, nơi toàn bộ các con tầu lớn được tháo dỡ và tái chế, trong đó amiăng là một hóa chất có mặt phổ biến (xem bài "Amiante: le temps de latence est une véritable épée de Damoclès" trên trang web của Tổ chức Lao động Quốc tế).
Bảy quốc gia làm tắc nghẽn Công ước Rotterdam
Cho đến nay, đã có hơn 50 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng amiăng trong nước (toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu cấm sử dụng từ 2005). Trong hội nghị về Công ước Rotterdam lần trước năm 2013, hơn 140 quốc gia đồng ý đưa Amiăng vào Phụ lục III, tức các chất độc cần được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, sự phản đối của nhóm vài quốc gia còn lại khiến amiăng rốt cục đã không được đưa vào danh sách này, bởi Công ước Rotterdam đòi hỏi sự đồng thuận của 100% các nước tham gia.
Nhóm bảy nước phản đối đưa amiăng vào Phụ lục III tại hội nghị 2013, bao gồm năm quốc gia xuất khẩu amiăng là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ukraina, Zimbabwe và hai nước nhập khẩu là Ấn Độ và Việt Nam. Vào thời điểm đó, nhiều tiếng nói trong công luận quốc tế, đặc biệt là các hiệp hội nạn nhân amiăng lên án mạnh thái độ của các quốc gia nói trên. Bảy quốc gia này còn bị gọi là nhóm « dirty 7 ».
Việt Nam là một trong số 10 quốc gia nhập khẩu amiăng trắng đứng đầu thế giới, với mức tiêu thụ hơn 65.000 tấn/năm. Khoảng 80% lượng amiăng trắng được sử dụng để chế tạo tấm lợp fibro, được biết đến như một sản phẩm rẻ tiền, tiện lợi, được sản xuất với số lượng khoảng 100 triệu m²/năm, mang lại công việc cho hàng ngàn người tại hơn 40 cơ sở sản xuất. Mặc dù, đã có lúc chính quyền đặt ra thời hạn cấm amiăng, hiểm họa amiăng tưởng như đã bị quên lãng.
2014 : Chuyển biến tại Việt Nam
Tuy nhiên, từ năm 2014, tính nguy hiểm của hóa chất này tại Việt Nam một lần nữa lại được nhiều nhà chuyên môn, nhà quản lý và báo giới đặc biệt quan tâm. Một trong những biến cố quan trọng là lá thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO/OIT) gửi đến chính phủ Việt Nam, đề nghị chính quyền thực thi lộ trình cấm hoàn toàn amiăng, như đã từng cam kết, như là biện pháp phòng chống tốt nhất các căn bệnh do chất độc này gây ra.
Về vấn đề amiăng tại Việt Nam và Công ước Rotterdam, mời quý vị nghe phần phỏng vấn sau đây của RFI với bác sĩ Trần Tuấn, Tiến sĩ dịch tễ học và sức khỏe dân cư, đại diện của Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Phát triển Chính sách Y tế dựa vào Bằng chứng Khoa học (EBHPD).
Phỏng vấn Bác sĩ Trần Tuấn (Hà Nội) 15/04/2015
Vẫn liên quan đến vấn đề tác động của amiăng đến người có tiếp xúc, theo GS Lê Vân Trình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật và Bảo hộ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc theo dõi bệnh do amiăng gây phức tạp, vì thời gian ủ bệnh thường lên tới vài chục năm, trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất tấm lợp tại Việt Nam có tuổi đời chưa tới 15 năm. Bên cạnh đó, « việc giám sát sức khỏe cho người lao động chưa liên tục, đồng thời cũng không có trung tâm đăng ký người lao động tiếp xúc với amiăng nên không thể theo dõi được lịch sử tiếp xúc » (bài « Amiăng trắng gây ung thư…», Vietnamnet, ngày 17/07/2014). Trả lời RFI, GS Lê Vân Trình cho hay, mặc dù chính phủ Việt Nam đã có những quy định về bảo hộ lao động, việc kiểm tra các điều kiện môi trường tại doanh nghiệp có liên quan đến amiăng rất khó, một phần vì cơ quan quản lý thiếu phương tiện đo lường, mặt khác do thái độ không hợp tác của nhiều doanh nghiệp.
Giải pháp thay thế amiăng và một nỗi lo khác
Để chuẩn bị cho lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng, một số doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng sang sản xuất tấm lợp với các thành phần khác. Truyền thông trong nước thường nhắc đến tấm lợp xi măng sợi PVA, được coi là tấm lợp thân thiện với môi trường, hiện đang được sản xuất, nhưng chủ yếu bán ra thị trường nước ngoài. Nói chuyện với RFI, tổng giám đốc một công ty sản xuất tấm lợp tại Sài Gòn bày tỏ hy vọng việc cấm hắn amiăng hay việc amiăng bị đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam, có thể là một cơ hội tốt để các tấm lợp PVA phát triển.
Trên thực tế, tấm lợp không amiăng PVA, xuất phát từ công nghệ Hatschek của Nhật Bản, đã được các chuyên gia Việt Nam làm chủ cách nay gần 10 năm, như báo chí trong nước cho biết. Tại sao một giải pháp thay thế độc chất amiăng hoàn toàn trong tầm tay lại không được hỗ trợ kịp thời ? Tại sao chính quyền Việt Nam, ngành xây dựng Việt Nam, trong một thời gian dài, đã cố sức duy trì (hay để mặc cho tồn tại) một vật liệu vô cùng nguy hiểm, vốn bị một phần lớn nhân loại tiến bộ từ bỏ ?
Hiện tại, mặc dù chính phủ Việt Nam đã có chủ trương thuận theo xu thế chung trong vấn đề này, nhưng trong giới quan tâm, còn nhiều lo ngại về một số thế lực trong chính quyền vẫn muốn duy trì càng lâu càng tốt ngành vật liệu có chứa amiăng tại Việt Nam, bất chấp những khuyến cáo về những tổn hại vô cùng lớn lao của độc chất. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, điều đáng lo ngại hơn là, thái độ khăng khăng ấy dường như không phải chỉ riêng trong lĩnh vực amiăng nói trên, mà còn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác, và những bệnh tật do amiăng gây ra chắc chắn là rất lớn, nhưng có thể cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nơi vô số các tổn hại - do những hành động bất chấp sinh mạng con người gây ra - đang bị chìm trong quên lãng.
No comments:
Post a Comment