Hoàng Ngọc Nguyên
Isaac Herzog, Bibi Netanyahu: một mất một còn
Tổng thống Hassan Rouhani: Mỹ nói xạo!
Trong thời gian những năm gần đây, những nhà quan sát y tế đại chúng và xã hội đã tỏ ra ngày càng lo ngại đến sự phổ biến mạnh mẽ của những căn bênh có tính cách tâm thần ở mọi lứa tuổi và mọi thành phần. Người ta tính ra rằng cứ sáu người, có ít nhất một người có vấn đề. Chúng ta cứ nhìn bạo lực điên loạn với súng đạn đang xảy ra thường xuyên nơi nơi thì biết. Nhà trường, ngoài đường, trong nhà. Và trên Capitol Hill ở Washington, D.C.
Trong khi đó, một điều đương nhiên ai cũng thấy, vì dường như đó là chuyện tất nhiên, ngành y tế nói chung ngày càng tỏ ra bất kham trước đại nạn có tính cách hồng thủy này. Số giường bệnh ít đi, số dưỡng đường, bệnh viện giảm mạnh, số bác sĩ hay chuyên viên tâm lý ngày càng ít đi khi ta nhìn đến tỷ lệ giữa số người chăm sóc và số bệnh nhân. Và ngân sách y tế nói chung ngày càng bị áp lực cắt giảm, nói riêng trong lĩnh vực điều trị tâm thần. Bởi vậy mà trong cuộc sống chính trị xã hội ngày nay, từ gần ra xa, từ trong ra ngoài, từ nhỏ dến lớn, chúng ta đang chứng kiến nhiều chuyện tưởng như ai cũng đang phát điên lên cả. Thậm chí nhiều người bình thường cũng giả điên để làm chuyện tâm thần cho “thỏa chí bình sinh” mà không sợ phải chịu trách nhiệm về hành động ngu xuẩn của mình.
Hiện nay, ở Salt Lake City, cộng đồng người Việt chúng ta đang râm ran, bực bội vì một băng ca nhặc “rock” vô danh tiểu tốt – tuy vẫn có tên - ở Canada đang định đến đây trình diễn ở một garage hay kho hàng hầu như bỏ hoang nằm ở trung tâm thành phố thủ phủ của tiểu bang Utah. Nhạc rock là loại nhạc thịnh hành của lớp trẻ Mỹ muốn “nổi loạn” từ giữa những năm 50 với các ca sĩ như Elvis Presley, Fats Domino, Jerry Lee Lewis, Little Richard… Ngày nay, nó như đã muốn chết vì ngưòi trẻ thời nay chuyển qua những cách sống khác. Sở dĩ chúng ta thấy có vấn đề vì ban nhạc này đặt tên mình là “Viet Cong” để tạo tiếng vang trong dư luận. Một ban nhạc có tên là “Viet Cong” đến một nơi có cộng đồng người Việt “tỵ nạn Việt Cộng” thì đúng là một thách thức, một vấn đề của chúng ta. Chỉ có những cơ quan mang tiếng là “cơ quan ngôn luận”, mang tiếng là của người Việt Utah mà giữ im lặng mới là vô ý thức. Hay còn tệ hơn cả “vô ý thức”. Những người đại diện tổ chức của cộng đồng người Việt đã đi trao “kháng thư" cho ông chủ nhà kho.
Thế nhưng ta cũng nên thấy, vấn đề chẳng phải là của riêng cộng đồng người Việt nhỏ bé của chúng ta. Nó là của cộng đồng người Mỹ to lớn chung quanh! Việt Cộng là một tên gọi phổ biến trong thời chiến tranh Việt Nam 15 năm (tính từ năm 1960 là năm Bắc Việt chính thức lên tiếng ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miển nam do Hà Nội dựng lên vừa công bố thành lập và phát động chiến tranh ở miền nam) mà cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa gọi kẻ thù chung, những người Việt Nam Cộng Sàn dấy lên cuộc chiến tranh nổi dậy mà thực chất là xâm lăng. Chỉ có điên mới lấy tên của kẻ thù ghê tởm của Mỹ và Việt Nam mà đặt tên cho mình, một cái tên đồng nghĩa với tàn sát, khủng bố, áp bức, đánh bom, đặt mìn… Bởi Việt Cộng (mà hành động đánh bom tòa đại sứ Hoa Kỳ trên đường Hàm Nghi năm 1965, cuộc tấn công cho bom nổ ở khách sạn Hai Bà Trưng sau lưng Quốc Hội vào năm 1964 có thể là mẫu mực hành động của Nhà nước Hồi giáo hay Al Qaeda hiện nay) mà đến gần 60.000 quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, cả triệu người miền nam, vừa là quân nhân vừa là thường dân, đã chết trong cuộc chiến, hàng triệu người đã bỏ xóm làng chạy loạn dưới bom đạn, hàng trăm ngàn người phải đi “học tập dài hạn” (câu chuyện holocaust của Việt Nam mà tiếc thay nhiều người từng là nạn nhân tập trung này vẫn quên!). Vụ Mậu Thân tàn phá biết bao nhiêu tỉnh thành, quận lỵ, làng mạc ở miền nam và hàng ngàn người bị thảm sát ở Huế… Đó là chuyện sử sách đã ghi ra rành rành. Những người Canada trẻ tuổi, điên rồ, háo danh có thể không biết gì (đã điên sao còn biết gì nữa), nhưng người Việt phải biết chính xác, đừng mọ mẫm, mơ hồ, và người Mỹ có ý thức lịch sử chắc chắn phải biết. Họ phảỉ hiểu hai chữ “Viet Cong” có ý nghĩa gì. Cái “campaign” này, do đó, người Mỹ không thể đứng ngoài.
Ngày thứ ba vừa qua, người dân Do Thái đi bầu cử để xem sẽ chọn ai giữa ông Benjamin “Bibi” Netanyahu đương quyền và ông Isaac Herzog đối lập. Cuộc bầu cừ đó hết sức thú vị, nhưng tiếc rằng chúng ta chưa có kết quả để bình luận. Câu chuyện thú vị sau hàng loạt sự kiện xảy ra chỉ nội trong tháng ba: Chủ tịch Hạ Viện Mỹ John Boehner mời ông Thủ tướng Netanyahu đến nói chuyện trước Quốc Hội khoáng đại, và ông này đến Capitol Hill hùng hổ lên án Tổng thống Barack Obama về việc đàm phán hạt nhân với Iran. Sau khi ông này về, có lẽ do được chỉ đạo, 47 thượng nghị sĩ Cộng Hòa gởi thơ cho Tồng thống Iran đe dọa cho dù Mỹ và Iran có thể đạt được thỏa hiệp, Quốc Hội Mỹ mà không thông qua thì thỏa hiệp này chẳng có giá trị gì. Chỉ “đi đời nhà ma”. Phản ứng của thế giới: chính trị Mỹ ấu trị, chẳng có kỷ cương gì cả. Không có nơi nào mấy ông dân cử lại có quyền chơi tổng thống của mình cách không sạch đó. Phản ứng Iran: Hết chuyện nói, chính trị Mỹ rừng rú quá!
Nếu ông Herzog thắng cử, thì đây đúng là một điều ngoạn muc lịch sử. Một thất bại to lớn cho cánh Do Thái diều hâu vẫn chủ trương chiếm đất ở vùng Tây Ngạn và không có thương lượng gì với Iran vì bất cứ giải pháp nào cũng làm yếu thế Do Thái trong vùng này. Đó cũng là một thất bại to lớn, làm mất mặt đảng Cộng Hòa và cho thấy sự phá sản trong quan điểm đối ngoại của họ - tức một cái nhìn lạc hậu, lệch lạc về trật tự, tương quan quyền lực trong thế giới ngày nay. Quan hệ giữa Do Thái và Palestrine chắc chắn phải thay đổi và có nhiều hy vọng cuộc thương thảo về giải pháp “một đất nước, hai nhà nước” có thể đi tới thực sự. Ngược lại, nếu Bibi chiến thắng, chính sách đối ngoại của Obama sẽ chịu một sự thoái bộ nặng, tình hình Do Thái thêm bế tắc trong lợi thế của phía diều hâu muốn làm tới và Cộng Hòa ở Mỹ đang muốn kiếm điểm (và tiền từ ông trùm Do Thái Sheldon Adelson) cho cuộc bầu cử sắp đến, và quan hệ giữa Mỹ và Iran thêm xấu và không có lối ra sau khi người ta những tưởng hòa đàm hiện nay sẽ mở ra một khúc quanh lịch sử.
Những thăm dò trước bầu cử cho thấy có thể có kết quả ngoạn mục: người Do Thai đang chán ngấy và sợ hãi ông Netanyahu đưa nước của họ phiêu lưu đi quá xa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải chờ để kết luận ý dân là thế nào! Nên nhớ Bibi có sức mạnh tài chánh vô song đến từ Mỹ!
Theo bình luận của đài VOA, cơn bão tranh luận ở Hoa Kỳ về bức thư ngỏ gửi cho Iran của 47 thượng nghị sĩ Mỹ phần lớn không được lập lại ở những nơi khác. Cũng giống như mọi bức thư của các nhà lập pháp ở bất cứ nơi nào, phản ứng ngoài nước đối với bức thư này chủ yếu là một cái nhún vai, coi sự việc là “chính trị bình thường.” Nhưng các chuyên gia nói điều ấy không có nghĩa là bức thư sẽ không gây ra một tác động nào đối với cuộc đàm phán, và có thể đối với sự thống nhất của sáu quốc gia đang thương lượng với Iran và sự kiên quyết của chế độ trừng phạt quốc tế.
Ông James Boys của trường đại học King’s ở London, tác giả một cuốn sách mới về chính sách đối ngoại của chính quyền Clinton, nói: “Nó làm vẩn đục làn nước khá nhiều. Nó gây khó khăn hơn nhiều, theo tôi, để Iran biết được là họ đang giao dịch với một người trung gian lương thiện ở đây. Trong mọi cuộc thương nghị, ta muốn bảo đảm rằng mọi thoả thuận đạt được sẽ được bên đối nghịch tôn trọng.”
Trong những nhận định được thông tấn xã Mehr của Iran trích dẫn, Lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei nói ông “lo ngại” về bức thư “bởi vì phía bên kia nổi tiếng về tính cách mơ hồ, giả đối và đâm sau lưng.” Ông Khamenei đã lên án Hoa Kỳ về những “thủ đoạn và âm mưu lừa bịp,” và nói rằng mỗi lần một thoả thuận sắp đạt được, thì “luận điệu của phía bên kia, cụ thể là phía Mỹ, trở nên gay gắt hơn, thô bạo hơn và cứng rắn hơn.”
Trong khi đó, người nhận bức thư, Ngoại trưởng Iran và trưởng đoàn thương thuyết Javad Zarif, đã nhấn mạnh rằng ông không quan ngại. Trong các nhận định được chính phủ Iran công bố, ông nói bức thư “không có giá trị pháp lý và chủ yếu là một âm mưu tuyên truyền.” Ông Zarif cũng chế nhạo các thượng nghị sĩ về điều ông coi là thiếu hiểu biết về cả luật lệ quốc tế lẫn luật lệ của Hoa Kỳ. Điều quan trọng nhất, ông nói luật quốc tế đòi rằng bất cứ tổng thống Hoa Kỳ nào trong tương lai phải bị ràng buộc bởi bất cứ thoả thuận nào mà Tổng thống Barack Obama đạt được. Nhưng ông Zarif cũng bày tỏ mối quan ngại được ông James Boys đề cập đến và phản ánh trong nhận định của lãnh tụ Khamenei. “Bắt buộc các đối tác phải chứng tỏ … sự tín nhiệm và ý chí chính trị để có thể đạt được một thoả thuận.” Phản ứng của ông Zarif cho thấy rằng, trong tư cách các chính trị gia, ông và các nhà lãnh đạo khác của Iran hiểu rằng sự chia rẽ chính trị cay đắng này giữa phe Dân chủ, kể cả Tổng thống Obama, và phe Cộng hoà, trong đó có tất cả các thượng nghị sĩ đã ký tên vào bức thư.
Ông James Boys cũng nói bức thư có thể “gây phương hại” cho các phần tử trung dung ở Iran, như ông Zarif và thượng cấp là Tổng thống Hassan Rouhani, đang chống lại các phần tử cứng rắn để giành ảnh hưởng với Lãnh tụ Tối cao, người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về một thoả thuận hạt nhân. Ông Boys nói: “Theo tôi, bức thư này sẽ được sử dụng rất nhiều như vũ khí của các phần tử bảo thủ hơn có thái độ rất chống đối mọi thoả hiệp được xúc tiến.” Cùng quan điêm đó, ông Dana Stuster thuộc cơ quan nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Washington, chuyên theo dõi các cuộc đàm phán với Iran, nêu ý kiến: “Ở cấp bậc lãnh đạo mà các cuộc đàm phán đang diễn ra, sự kiện này dường như không có tác động lớn. Nơi nó có thể tác động là khuyến khích những phần tử chủ trương cứng rắn ở Iran tích cực chông đối thoả thuận nhiều hơn.”
Cũng theo bình luân này, có những lý do khác khiến bức thư của các thượng nghị sĩ có thể gây khó khăn hơn cho việc đạt được một thoả thuận. Toán thương thuyết dự các cuộc đàm phán ở Iran do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm quy tụ các nước có quyền lợi khác nhau. Trong toán có Hoa Kỳ và một số đồng minh Âu châu, Anh, Pháp và Đức. Nhưng toán thương thuyết còn có cả Nga, hiện đang chịu các biện pháp chế tài kinh tế Tây phương vì can dự vào Ukraine, và Trung Quốc, ở cách xa và có các ưu tiên riêng về chính sách đối ngoại. Nhóm được gọi là P5+1, gồm 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức. Cho đến nay, nhóm vẫn thống nhất trong các cuộc đàm phán, điều mà ông Boys gọi là “một trong những yếu tố nổi bật nhất của toàn bộ tiến trình này.” Và trong khi ông không trông đợi một sự hoà nhập nhanh chóng của toán này, ông Boys cảnh báo rằng bức thư “rất có thể làm cho nhóm P5+1 ngồi thẳng lên và chú ý, và có lẽ tự hỏi liệu một thoả thuận có đạt được và được duy trì hay không, sau cuộc bầu cử tổng thống.”
Các khích lệ để đạt được điều đó vẫn còn mạnh. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu không có được một thoả thuận tổng quát trước kỳ hạn cuối tháng 3 này, và một thoả thuận đầy đủ trước cuối tháng 6, các quốc gia trên khắp thế giới sẽ mất tin tưởng vào tiến trình. Các biện pháp chế tài có thể bắt đầu bung ra và trong tình huống xấu nhất, Iran có thể bãi bỏ thoả thuận tạm thời đã đạt được cách đây hơn 1 năm, trục xuất các thanh sát viên quốc tế và tiến tới việc chế tạo một quả bom hạt nhân – điều mà các nhà lãnh đạo Iran nói họ không muốn làm.
Những nhà quan sát và phân tích chính trị đã nhiều lần nêu câu hỏi 47 người đặt bút ký vào bức thơ này tại sao họ có thể ngu đến mức đó? Họ có hiểu hết tất cả những vấn đề, hậu quả, hệ lụy của bức thơ này hay chăng. Cái gì đã khiến cho họ điên cuồng đến mức đó. Cái hỏng của giáo dục, hay cái hư của đồng tiền, cái mù quáng của quyền lực? Xem chừng như một vài người hơi sáng mắt ra. Nhưng mù mà sáng lại mắt được như Lục Vân Tiên rất hiếm. Cứ xem một số người từng sáng ở Việt Nam mới bò qua Mỹ, nhưng qua được Mỹ lại bị mù mắt nên trở lại Saigon họp bạn. Một số người đã công nhận có thể ký vào bức thơ đó là “thiếu thông minh”.
Thiếu thông minh? Người ta tránh dùng chữ “ngu xuẩn”. Nhưng tìm ra một chữ tương đương, đúng nghĩa đúng là không phải là dễ!
No comments:
Post a Comment