6/4/14

HÀ NỘI CÒN TIN CÓ THỀ ĐI DÂY XIẾC

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng “môi hở răng lạnh”. Ngưòi ta cũng thường nói bà con xa không bằng láng giềng gần. Huống chi, Trung Quốc là Trung Cộng và Việt Nam là Việt Cộng, cả hai đều là những nước “cộng hòa” Cộng sản (Trung Quốc là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, Việt Nam là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, ai cũng ưa hai chữ “cộng hòa”), có nghĩa là hai nước “trước là đồng chí, sau là anh em”. Và có phải hai người chỉ mới kết nghĩa vườn đào gần đây đâu. Ít nhất cũng là 60 năm. Hay 65 năm nếu tính từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Khối Cộng sản Quốc tế trước đây vốn có gần 20 nước chính danh và tân tòng (không kể hơn chục nước chư hầu nằm trong Liên bang Xô-viết), tổng dân số cũng có đến 2/5 của thế giới hồi đó, bỗng dưng vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tan hoang cả, hầu như chỉ còn hai anh em Hoa Việt này (nếu không kể đến nguời điên Bắc Triều Tiên cùng với nước Cuba nằm cheo leo ở vùng biển Carribean). Tình cảnh giống như hai anh em côi cút chỉ còn có nhau sau khi cha mẹ mất sớm. Có thể gọi là đáng thương. Thế mà…

Chúng ta đang chứng kiến ở bên Biển Đen cũng là một câu chuyện anh em. Nga và Ukraine là hai nưóc anh em có một thời gần gũi đến mức đứng chung với nhau dưới một lá cờ. Thế mà ngày hôm nay, chẳng biết khi nào đây Sa hoàng Putin ra lệnh cho quân Nga tràn vào nước Ukraine để chiếm lấy ít nhất là miền đông Ukraine trong mưu đồ “tìm kiếm lại một thời và đất đai đã mất” (mượn tựa một tác phẩm của Marcel Proust “À la recherche du temps perdu”) để tái lập đế chế Nga.

Câu chuyện Trầu Cau bên Biển Đông giữa Trung Cộng và Việt Cộng khái quát hóa thì cũng tương tự như chuyện bên Biển Đen, nhưng đi vào chi tiết thì đương nhiên phức tạp hơn. Đương nhiên, Trung Cộng cũng từng là một đại cường Cộng sản nào thua gì Liên Xô trong thời còn Chiến tranh Lạnh. Cho nên, trong thời buổi ngưòi ta đang tìm cách xác lập vai trò, chỗ đứng của mình trong sự tìm kiếm trật tự mới của thế giới ngày nay, Trung Cộng hẳn phải có mưu đồ dựng lại thiên triều đã mất quyền lực từ hai thế kỷ qua. Chẳng mất đất đai gì cả trong sự sụp đổ của khối Cộng sản Quốc tế cho nên người ta chỉ nhìn ra biển cả mênh mông và thấy nơi nào có nước màu xanh xanh cũng là của mình. Đó là lý do mà, dù biển cả mênh mông chẳng thuộc về ai, Trung Quốc vẫn vẽ trên bản đồ hầu như nơi nào có nước màu xanh xanh cũng là của mình - chỉ cho những nước “đứng trước biển” một rãnh nhỏ xíu sát bờ vừa đủ cho người ta đi nghỉ hè ra tắm biển. Trong cách nhìn của Bắc Kinh, rốt cuộc chẳng nước nào láng giềng của Trung Quốc có lãnh hải thực sự cả: Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Khi mở rộng lãnh hải, đương nhiên chẳng những có biển, kiểm soát hải lưu, nắm hết tất cả các đảo, mà bao nhiêu vùng dầu hỏa trên đại dương đều thuộc quyền khaí thác của Trung Hoa vĩ đại. Dĩ nhiên chẳng nước nào có thể chịu được, cho nên Trung Quốc đã tranh chấp dai dẳng với tất cả các nước Đông Á và Đông Nam Á về biển, về đảo… từ bấy lâu nay.

Thế nhưng tại sao bỗng dưng Bắc Kinh lại tạo ra một tình huống khiêu khích, cực kỳ căng thẳng với Hà Nội khi đưa một giàn khoan dầu hiện đại HD 981 trị giá cả một tỷ Mỹ kim vào một vùng biển đang bị tranh chấp bởi nhiều nước để tiến hành khoan thăm dò? Một nguyên tắc bất thành văn của quốc tế là nơi nào có tranh chấp thì cần phải có tham khảo, thương thảo và hợp tác trong hành động. Nơi hoạt động của giàn khoan này, theo Hà Nội, nằm trong lô 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là vùng quần đảo Hoàng Sa mà ta nói của ta tàu nói của tàu. Nhưng tàu đã dùng vũ lực chiếm phần lớn vào năm 1974 khi miền nam còn chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đầu tháng này, khi giàn khoan được di chuyển đến địa điểm này để tiến hành hoạt động thăm dò, tàu cảnh sát đường biển của Việt Nam tiến đến định hỏi giấy. Nhưng Bắc Kinh đã có chủ định, giàn sẵn bao nhiêu tàu chiến đấu, tấn công chung quanh, không cho tàu Việt Nam đến gần, cho nên “quân ta” ô hợp, phải rút lui.

Phản ứng của cả hai bên trong suốt tuần qua khiến cho những người quan sát có cảm tưởng như người ta đang kéo nhau đến bờ vực và chiến tranh trên biển và có thể cả trên đất liền xảy ra đến nơi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ chối không tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Hà Nội, theo tin từ tờ The New York Times. Nhà cầm quyền Bắc Kinh nhấn mạnh rằng giàn khoan sẽ vẫn hoạt động như thường (đố ai dám léo hánh tới đây). Thảo luận gì thì thảo luận, đây vẫn là “biển của tôi, tôi muốn làm gì thì làm”. Và chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước hậu quả của những vụ biểu tình khắp nơi của người Việt chống Bắc Kinh, tấn công vào các xí nghiệp của Trung Quốc đầu tư, gây hư hao tài sản, máy móc, và một số người công nhân người Hoa thiệt mạng. Trong những cuộc xuống đường này, một số xí nghiệp của Đài Loan bị vạ lây, chịu thiệt hại nặng nề.

Ai cũng ghi nhận đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhà cầm quyền Hà Nội làm ngơ cho người dân đi đầy đường đầy phố thả cửa biểu tình chống Trung Cộng, tha hồ đập phá các cửa hàng của người tàu, các xí nghiệp của người tàu - bất kể Tàu Bắc Kinh, Tàu Singapore, Tàu Đài Loan, hay người Đông Á mà tưởng là tàu. Sau vài ngày, nhà cầm quyền bắt đầu thấy sự nguy hiểm của trò chơi đùa với lửa này. Không chỉ là người biểu tình có thể trở quẻ, thay đổi bảng hiệu từ chống Trung Cộng sang chống Việt Cộng, mà còn nếu khuynh hướng bài ngoại này tiếp tục, thì ăn làm sao đây nói làm sao đây với cả Trung Quốc cũng như với những nhà đầu tư nước ngoài khác. Kinh tế Việt Nam ắt phải đi xuống, đó chính là mối đe dọa cho sự tồn tại của chế độ. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai kép độc trên sân khấu Hà Nội khoe rằng cả thế giới chẳng ai đồng tình với Trung Quốc, và ông ta lại đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan. Trong khi đó, ông chủ tịch của ra, tóc thì vẫn đen nhánh như còn trai trẻ chẳng suy nghĩ gì trong đầu, trong khi mắt nhắm tít lại như người quá già chẳng nhìn thấy gì hết, lại vẫn tỏ ra mình là người xứng danh hiệu “thông minh”, nên nói rằng Việt Nam chẳng rút đi đâu cả (nhưng không còn có đó!) vì biển đó là “nhà”, và thật ra không có vấn đề gì về đi lại trong vùng biển! Đương nhiên, Trung Quốc sẽ bỏ ngoài tai. Và như thế Việt Nam giờ đây phải làm sao? Liệu tình hình căng thẳng trên vùng biển mà bên nào cũng gọi là của mình cả có dẫn tới một chiến tranh mới giữa hai nước, sau cuộc chiến tranh biên giới Hoa-Việt cách đây đúng 35 năm chăng?

Chúng ta phải trở lại câu hỏi mà câu trả lời dường như có sẵn: Tại sao Trung Quốc không đụng ai trên biển cả mênh mông mà đụng Việt Nam? Những nước có thể tranh chấp với Trung Quốc, ngoại trừ Việt Nam, đều là đồng minh lâu đời của Mỹ và nằm trong cái “dù” quân sự của Mỹ. Vả lại, Trung Cộng không thể xem thường quân lực của Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Đài loan. Còn Philippines? Mỹ còn có những căn cứ quân sự ở đó như một tấm bảng “Off-Limits”. Chỉ còn Việt Nam là dễ ăn hiếp. Lâu nay, chúng ta vẫn nghe chuyện tàu của Trung Quốc “bức hiếp” tàu đánh cá của Việt Nam. Nay thì Trung Quốc đang thử leo thang để nắn gân và dằn mặt các đối phương trong khu vực và ngoài khu vực bằng cách đầu tháng này cho giàn khoan 981 đến một địa điểm đang có tranh chấp hoạt động. Đó là bối cảnh của câu chuyện trong tháng này.

Việt Nam vẫn quen chuyện bị người láng giềng khổng lồ ở phương bắc lấn lướt, ăn hiếp. Thời nào cũng vậy. Phong kiến cũng vậy mà cộng sản cũng vậy. Chẳng người Việt Nam nào quên được lịch sử đất nước, mà nếu không nhớ thì còn bài hát “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc tây”. Mà nào có phải chỉ có ngàn năm đâu. Sau đó cả 700-800 năm thiên triều vẫn xem An Nam như một nước chư hầu năm nào cũng phải triều cống. Thành kiến làm sao gột rửa được. Trong thâm tâm, người Trung Quốc vẫn xem Việt Nam như một giống dân “mọi rợ” ương ngạnh và mưu mô, không kiểm soát được, ngoài chốn biên thùy. Còn người dân Việt nghĩ thế nào về Trung Quốc? Hiếu hòa đến mấy, người ta chẳng thể quên được những trang sử oai hùng: Ngô Quyền đuổi giặc Nam Hán, Lý Thường Kiệt chống giặc Tống với bài thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, Trần Hưng Đạo làm cho giặc Nguyên Mông táng đởm kinh hồn ở sông Bạch Đằng, vua Lê Lợi gian khổ mười năm trong rừng Chí Linh để đuổi giặc Minh ở Ải Chi Lăng, và Quang Trung Nguyễn Huệ tiêu diệt 20 vạn (?) quân Thanh không còn manh giáp của tướng Tôn Sĩ Nghị ở Gò Đống Đa.

Quá khứ đã nặng nề như thế, mà cận đại cũng toàn là những “chuyện cảnh giác”. Cố vấn Trung Cộng trong thời kháng chiến chống Pháp cứ làm như họ là trời con, được Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp rước về để làm trời, dạy cho cán bộ Việt Minh những bài học về du kích chiến. Sau đó thì họ còn cho chế độ Cộng Sản miền bắc hai kinh nghiệm tá hỏa tam tinh: cải cách ruộng đất (đưa tới cuộc khởi nghĩa Quỳnh Lưu) và “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” (với tác phẩm là “Nhân văn Giai phẩm”). Người ta còn nói khi ký kết Hiệp định Geneve vào năm 1954 chia đôi đất nước ở sông Bến Hải, Ngoại trưởng Chu Ân Lai còn có thái độ “cởi mở” với Saigon để kềm chế Hà Nội. Những sử gia Hà Nội khi được lệnh hay được phép còn kể hàng loạt tội của Bắc Kinh: có thái độ mù mờ vào tháng tư năm 1975; từng cấu kết với Khmer Đỏ khuấy phá Việt Nam ở biên giới Việt-Miên; gây ra cuộc chiến tranh xâm lăng ở biên giới Việt –Hoa năm 1979; trịch thượng bắt tất cả lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội phải vào điện Trung Nam Hải vào năm 1990 để phủ phục xin tái lập bang giao giữa hai nước; tùy tiện vẽ bản đồ, tha hồ dời cột mốc ở vùng biên giới giữa hai nước….

Chúng ta đã đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới cách đây đúng 35 năm giữa Trung Cộng và Việt Nam. Đây đúng là mối hận lòng Bắc Kinh phải trả. Chưa nói nhiều sử gia của Trung Cộng cho rằng mối hận này đăng đẵng cả 65 năm.Trung Nam Hải, rõ rệt nhất là dưới thời Đặng Tiểu Bình, vẫn cho rằng Cộng sản Hà Nội là phường ăn cháo đái bát (“đái bát” hay “đá bát” cũng thế!), phản phúc, vong ân bội nghĩa. Trung Cộng đã giúp cho Việt Minh đánh thắng thực dân Pháp. Rồi qua cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, Hà Nội bắt cá hai tay, được sự yểm trợ tích cực của cả Điện Cẩm Linh và Trung Nam Hải mới thắng được, thế mà sau khi chiến thắng chưa đưọc bao lâu, Tổng bí thư Lê Duẩn đã lật lọng, tìm cách đi với Nga và truy bức chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia mà Bắc Kinh ủng hộ bằng cuộc xâm lăng và chiếm đóng năm 1978, lật đổ Pol Pot và dựng lên chính quyền bù nhìn Heng Samrin. Trong cuộc chiến vào tháng hai năm 1979, kéo dài 3 tuần 6 ngày ở những tỉnh sát biên giới Trung Cộng, hàng chục ngàn quân xâm lăng đã chết. Và sau đó, Việt Nam từ bỏ chính sách đi dây xiếc truyền thống giữa hai đại cường cộng sản đã có từ khi có cuộc xung đột ý thức hệ Nga Hoa từ giữa những năm 50, để theo Nga bỏ tàu. Chẳng may, tình thế lại thay đổi. Mikhail Gorbachev lên làm tổng bí thư năm 1986 tại Moscow thay Konstantin Chernenko, với đường lối đổi mới, hết mặn mà, cưu mang Việt Nam. Tình thế bắt buộc Việt Nam phải nhả Campuchia và phải quay lại với Trung Cộng vì đã có dư dấu hiệu từ cuối những năm 80 Liên Xô sẽ tan rã và chế độ cộng sản sắp cáo chung ở Nga. Đó là lúc Trung Cộng bắt bí trở lại, và Bắc Bộ Phủ phải nhẫn nhục trăm bề để được bình thường hóa quan hệ giữa hai đảng cùng giữa hai nước.

Trung Cộng đã quên hận lòng này chưa, đã thỏa mãn tự ái chưa sau hai lần họ nghĩ bị tình phụ. Cứ nhìn đầu tư của Trung Cộng tràn ngập ở Việt Nam, cùng số lượng lao động hàng chục ngàn người Trung Cộng gởi qua Việt Nam bắt Hà Nội phải nhận, tưởng như người ta đã “let bygones be bygones”. Tuy nhiên, theo một cách phân tích khác, Bắc Kinh tuy đã đủ sức xâm lăng Việt Nam bằng quân sự với mức độ chạy đua vũ trang trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhưng họ chưa vội làm chuyện đó, bởi vì họ đã cho “con ngựa thành Troy” vào Việt Nam, dưới dạng đầu tư và công nhân kỹ thuật. Và nay, họ dựng lên cuộc xung đột này, một “cuộc chiến chọn lọc” (a war of choice) để phân biệt với “cuộc chiến cần thiết” (war of necessity), là nhất cử lưỡng tiện cho Bắc Kinh: vừa nằm trong sách lược chung thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” vừa nhằm thị uy và cảnh cáo Việt Nam chớ manh tâm trở lại trong thời điểm “tế nhị” hiện nay, giữa lúc có nhiều dấu hiệu Hà Nội đang tìm cách lại đi dây xiếc để mưu sự sinh tồn!

Như ta đã biết, ngày 11-5, lần đầu tiên, nhà cầm quyền Hà Nội cho người dân trên cả nước xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh xâm phạm lãnh thổ Việt Nam - mặc dù việc xâm phạm này đã có từ lâu (năm 1988, Trung Cộng và Việt Cộng đã hỗn chiến ở quần đảo Trường Sa, và Việt Nam cũng phải rút lui) và đã được thấy trước. Hà Nội cứ hăm he sẽ có phản ứng thích đáng, và một vài giới chức có ý nói rằng “Việt Nam anh hùng sợ gì Trung Quốc” (từng đánh đuổi quân xâm lăng cách đây 35 năm), và còn tin rằng Nga sẽ chẳng ngồi yên cho Trung Quốc lộng hành. Hay Hà Nội cũng có khả năng lôi kéo Mỹ vào cuộc!

Nhưng người bình thường nhất cũng có thể thấy: thứ nhất, Mỹ sẽ chẳng dại gì dính líu đến chuyện này ngoài những lời lên án suông, đưa đẩy - Mỹ còn phải lo nhiều chuyện, nhiều nơi khác, và Mỹ tin Hà Nội thì đúng là bán lúa giống; thứ hai, còn Nga cũng hiểu câu nói của Khổng Tử: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng khi Liên Hiệp Quốc lên án hành động của Nga tại Crimea, thì Nga cũng phải có “phiếu trắng” tương tự trong vụ Biển Đông! Xem chừng ngày xưa Liên Xô và Trung Cộng tuy cùng là hai nước Cộng Sản hàng đầu vừa là đồng chí vừa là anh em trong cùng một khối giữa thời Chiến tranh lạnh cũng không hợp tác với nhau chặt chẽ như nước Nga và Trung Quốc ngày nay. Đó là điều mà Mỹ, phương tây và thế giới nói chung ngày nay phải coi chừng!

Cho nên Việt Nam giờ đây phải làm sao đây với kẻ thù? Ngủ với kẻ thù cũng khó yên giấc mà không sợ bị đạp xuống giường. Mà đi dây xiếc theo lời dặn của Bác Hồ thì có ngày cũng té mà thôi. Lúc đó ai đỡ?

No comments:

Post a Comment