Hoàng Ngọc Nguyên
Thứ bảy này, ngày 28-6, World Cup của chúng ta tiến vào vòng hai theo thể thức thi đấu loại trực tiếp với 16 đội đã vượt qua vòng một và 16 đội sớm khăn gói ra về. Vào ngày đầu tuần này, vòng một chỉ mới chấm dứt đợt thi đấu thứ hai trên tám nhóm bảng trong ba đợt, có nghĩa là từ thứ hai đến thứ năm, còn đến cả một đợt 16 trận đấu nữa – và đương nhiên có nhiều trận cực kỳ căng thẳng sống chết. Bàn đến vòng hai khi chúng ta chỉ mới biết được chắc một số đội sẽ tiếp tục lộ trình mơ ước và một số đội chắc chắn đã bị loại cho dù chỉ mới đá hai trong ba trận của vòng này (nhưng chưa biết hết tên tuổi 16 đội vào vòng trong và ngôi thứ trên các nhóm bảng để có thể định được ai sẽ gặp ai), đó đúng là công việc “mạo hiểm”. Thế nhưng dựa trên những gì chúng ta đã biết hay đoán biết mà bình luận chuyện đời chính là chuyện hấp dẫn muôn thuở của World Cup từ cả 80 năm nay. Nếu chẳng thế, người ta đã chẳng gọi Giải vô địch bóng tròn thế giới là ngày “Hội của Hành tinh”. Mọi người bỏ hết chuyện đời - kể cả cuộc “chiến tranh giải phóng” của lực lượng ISIS ở Iraq hiện nay hay những xáo trộn trong lãnh đạo và đường lối của đảng Cộng Hòa sau khi ông dân biểu chủ tịch phe đa số tại Hạ Viện Eric Cantor bất ngờ bị rớt đài ở vòng sơ bộ trong tay một ông Trà Đảng - để đi tìm nguồn vui sôi nổi, hào hứng với W.C.
Sở dĩ có nhiều chuyện phải nói ngay từ bây giờ bởi vì trong những ngày sắp đến, khi chúng ta đi vào vòng hai, sẽ chẳng thiếu gì chuyện mới để bàn. Sau vòng hai thi đấu chết bỏ, trên đấu trường sẽ chỉ còn tám đội vào tứ kết. Sau tứ kết là bán kết với bốn đội để tìm hai đội vào chung kết. Hai đội nào sẽ có mặt trên sân Macarana của Rio de Janeiro vào ngày 13-7 và cuốí cùng đội nào sẽ nâng cao chiếc cúp vàng? Con đường đã rút ngắn nhiều nhưng chúng ta vẫn thấy còn dài vì một lẽ người ta nay đang có cảm tưởng “hết biết”, không dám tin ở những gì mình đã biết bởi vì chuyện bất ngờ cứ đến dồn dập. Ít nhất, hiện nay, ai ai cũng phải điều chỉnh những tiên đoán ban đầu của mình và thay đổi một số nhận định “nông nổi” đưa ra từ trước. Bởi vì một số tiên đoán chủ yếu đã chẳng thành sự thực. Và cũng chẳng nên trách họ không có khả năng nhìn tương lai. Bởi vì tiên trách kỷ hậu trách bỉ. Trách mình rồi hãy trách người. Chính chúng ta đây cũng sai lầm – nếu xem đó là sai lầm. Hay đúng hơn, chẳng nên trách mình mà trách “thời cuộc”. Chính “thế sự đảo điên” – ngay cả trên sân cỏ - làm cho chúng ta sai lầm khi nhìn vào thực tại và vì thế đương nhiên chẳng đúng đắn gì khi ngó mông lung phía trước.
Bàn rộng ra một tí, chúng ta đang sống trong một thời mà những chuyên gia dự tri trong tất cả mọi ngành đều đang phá sản. Nếu những nhà nghiên cứu kinh tế chuyên nghiệp – không nói đến những “kinh tế gia” tự phát, tự phong – trước đây mà thấy trước được tình hình kinh tế của Mỹ, của khối Liên Âu sẽ rơi vào khủng hoảng lâu dài, khó chữa như ngày nay, thì có lẽ chúng ta đã không phải qua những ngày dở khóc dở cười như hiện nay. Và nếu những nhà nghiên cứu chính trị quốc tế mà có khả năng của Khổng Minh thấy được thế giới sẽ ngỗn ngang đại loạn như ngày nay sau khi Cộng sản Quốc tế sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt, không chừng họ sẽ khuyến cáo Mỹ viện trợ kinh tế cho Liên Xô và những nước Đông Âu từ cuối những năm 80 để cho chế độ chuyên chính vô sản khỏi sụy đổ, tan hoang, khiến cho ngày nay Vladimir Putin phải tìm cách khôi phục, sửa chữa những sai lầm lịch sử. Tại sao khoa học dự tri ngày càng tinh vi, điện toán hóa, song người ta lại càng bất lực, chẳng đoán trúng được gì cả? Dường như câu trả lời ở đâu đó: chính là sự thất bại của khoa học trong kiểm soát con người. Và không chỉ khoa học thất bại vì con người nay đang sống ngày càng thoát ra khỏi những qui luật, mà chính là sự thất bại của cả tôn giáo. Bằng chứng là không ít người tu hành thời nay, tôn giáo nào cũng thế, xuất gia hay “cư sĩ”, sống vì mình đến quên cả người, chẳng biết nhân loại hiện nay thực sự thống khổ đến mức nào vì nghèo đói, chiến tranh, loạn lạc, gia đình tan rã, xã hội tan vỡ…
Vòng 1 với 32 đội bóng tham dự được chia thành tám nhóm bảng, từ A đến H, mỗi bảng bốn đội, đấu luân lưu (vòng tròn) để chọn hai đội đứng đầu mỗi bảng đi vào vòng nhì 16 đội. Có tất cả 48 trận trong vòng đấu này. Tính đến hết ngày chủ nhật, vòng 1 này đã đi được 2/3 đường, tức đã có tất cà 32 trận ( mỗi đội đều đã đấu hai trận và chỉ còn ra sân một trận). Một số đội đã sớm được chiềc vé vào vòng hai cho dù chỉ mới đá hai trận (Hòa Lan, Chile, Colombia, Costa Rica, Argentina, Bỉ); một số đội chưa kiếm được vé nhưng có xác xuất cao (Brazil, Ivory Coast, Ý, Pháp, Ecuador, Nigeria, Germany, USA). Một số đội còn hy vọng mong manh (Mexico, Croatia, Uruguay, Switzerland, Portugal, Nam Triều Tiên…). Và một số đội đã giữ sẵn vé máy bay để về sớm (trong đó có cả Tây Ban Nha, Anh Quốc, Cameroon, Úc, Honduras, Bosnia).
Cái khó nhất khi bàn về vòng 2 với 16 đội đã đứng nhất nhì trên tám bảng, là xác định những đội đó cùng thứ hạng của mỗi đội trong bảng của mình (nhất hay nhì). Chính cái nhất nhì này sẽ quyết định ai sẽ gặp ai, do đó nặng hay nhẹ. Vì đợt ba của vòng nhất chưa đá, cho nên chúng ta chỉ có mỗi một việc tiên đoán – đương nhiên với tất cả sự dè dặt sau bao kinh nghiệm “đổi đời” vừa qua. Sự tiên đoán này vừa do cái “thế” của những đội bóng trên bảng của mình, vừa do cảm tính và cảm tình của người làm việc bói toán này.
Ta có thể tổng lược như sau:
Nhóm A: Brazil, Croatia (Nếu ngày 23-6, Mexico thủ hòa được với Croatia thì lại là chuyện khác).
Nhóm B: Hòa Lan, Chile (Hai đội này sẽ gặp nhau ngày 23-6, có lẽ chỉ hòa).
Nhóm C: Colombia, Ivory Coast (I.C. chỉ cần hòa với Hy Lạp trong trận ngày 24-6).
Nhóm D: Costa Rica, Ý (Ý ít nhất phải hòa với Uruguay trong trận ngày 24-6).
Nhóm E: Pháp, Thụy Sĩ (Chưa đội nào đưọc vé, dù Pháp đã thắng liên tiếp hai trận với tỷ lệ bàn thắng bại khá cao. Nếu Pháp thua Ecuador trong trận cuối, trong khi Thụy Sĩ thắng Honduras, ba đội Pháp, Thụy Sĩ và Ecuador đều được 6 điểm – nhưng đó là câu chuyện “nếu” muôn thuở).
Nhóm F: Argentina, Nigeria (Nigeria cần hòa trong trận cuối gặp Argentina 25-6 để tránh bất trắc).
Nhóm G: Germany, Mỹ (dù Mỹ đã để lỡ cơ hội làm lịch sử khi để Bồ Đào Nha cầm chân phút 94 trong trận 2-2 ngày chủ nhật, sau khi Đức cũng chỉ thủ hòa được 2-2 với Ghana ).
Nhóm H: Bỉ, Algeria (Đội tuyển châu Phi rất xứng đáng sau khi thắng Nam Triều Tiên 4-2 ngày 22-6).
Nếu thứ tự này đúng, chúng ta sẽ có những trận sau trong vòng 16 đội. Ở một phía là: 1A-2B: Brazil-Chile; 1C-2D: Colombia-Ý; 1E-2F: Pháp-Nigeria; 1G-2H: Đức-Algeria. Và một phía là: 1B-2A: Hòa Lan-Croatia; 1D-2C: Costa Rica-Ivory Coast; 1F-2E: Argentina-Ecuador; 1H-2G: Bỉ-Bồ Đào Nha.
Sau đó, ở vòng tứ kết, đội thắng trận Brazil-Chile sẽ gặp đội thắng trận Colombia-Ý, và đội thắng trận Pháp-Nigeria sẽ gặp đội thắng trận Đức-Algeria. Ở phía bên kia, đội thắng trận Hòa Lan-Croatia sẽ gặp đội thắng trận Costa Rica-Ivory Coast, và đội thắng trận Argentina-Ecuador sẽ gặp đội thắng trận Bỉ-Bồ Đào Nha. Lý luận thường tình, bốn trận tứ kết có thể là Brazil-Ý, Pháp-Đức; Hòa Lan-Ivory Coast; Argentina-Bỉ. Và bán kết? Brazil-Đức và Hòa Lan-Argentina? Tóm lại, trận chung kết sẽ là đội mạnh nhất ở phía này (tám đội: Brazil, Chile, Colombia, Ý, Pháp, Nigeria, Đức, Algeria) gặp đội mạnh nhất phía kia (Hòa Lan, Croatia, Costa Rica, Ivory Coast, Argentina, Ecuador, Bỉ, Bồ Đào Nha).
Tất cả những dự đoán trên đây hoàn toàn chỉ có nghĩa dự đoán, và thực ra trong tình thế bấp bênh hiện nay, chúng ta có thể tạm ngưng ở vòng 16 để xem thực tế như thế nào đã trước khi tiên đoán tiếp. Bởi vì, lạy Chúa (con là người ngoại đạo, chẳng tin …), giải này không thiếu gì bất ngờ ngay trong loạt thi đấu đầu tiên. Lạy Trời lạy Phật, ở đời hên xui may rủi cũng nhiều (nên đừng nói chuyện nhân quả), nhiều tỷ số 1-0 hay 2-1 … chỉ có ý nghĩa rất tương đối, nhiều đội thua trong cười đau khóc hận dĩ nhiên phải rất ấm ức, còn nhiều đội thắng chắc chắn khi trở về đại bản doanh cũng thắp hương cám tạ Thượng Đế (đã thấu cho).
Nói qua những bất ngờ. Bất ngờ số 1 trong giải này là độị đương kim vô địch thế giới Tây Ban Nha, cũng là đương kim vô địch cả châu Âu, bị loại sau khi thua hai trận liên tiếp. Dĩ nhiên là “đáng đời”. Đá như thế. Cầu thủ như thế. Một đội không có trung phong, chẳng có tiền đạo! Thế mà không ít người (trong đó có bỉ nhân) nghĩ rằng Tây Ban Nha có thể vô địch thế giới thêm bốn năm nữa. Bởi vì người ta thông thường suy nghĩ theo thời! Tây Ban Nha nay lập một loạt kỷ lục: đội đương kim vô địch đầu tiên bị thua ngay trong trận khai mạc World Cup, đội đương kim vô địch đầu tiên bị loại sau chỉ hai trận đấu (và đương nhiên bị loại ngay vòng đầu). Một trật tự túc cầu thế giới mới đã lảng đảng – còn sớm hơn trật tự thế giới mới về địa lý chính trị của toàn cầu.
Từ thất bại của Tây Ban Nha, chúng ta cũng phải đề cao đội Chile - một nước từng có Pinochet ai cũng chê, và nay có bà Tổng thống Michelle Bachelet đang là hình ảnh nhiều người ấp ủ trong tim! Với chiến thắng rành rẽ 2-0, chính Chile là đội đã hạ bệ Tây Ban Nha.
Bất ngờ thứ hai là Anh quốc cũng bị loại ngay sau hai trận. Anh bị loại có thể chẳng là chuyện bất ngờ, nhưng ngay trong vòng đầu! Và ngay sau hai trận! Năm 1950, cũng tại Brazil, Anh bị loại trong vòng đầu, sau khi thắng Chile nhưng thua cả Mỹ và Tây Ban Nha sau đó. Lần này, người Anh lại học lần nữa nghĩa của chữ “quê”. Và từ cái “quê” của đội Anh chúng ta thấy rõ mặt của người làm cho Anh “quê”. Chính là Luis Suarez, tiền đạo của đội Liverpool ghi nhiều bàn thắng nhất trong Giải vô địch Anh năm nay (31 bàn!), với một cú đánh đầu tuyệt hảo ở hiệp một cùng một cú sút chuẩn xác vào hiệp hai làm cho Anh phải phơi áo. Một cầu thủ như thế đáng cho chúng ta quên đi chuyện anh dùng cũng nhuần nhuyễn bàn tay (dùng tay chận cú sút của tiền đạo Ghana ở World Cup 2010, nhờ thế Uruguay vào được bán kết) và hàm răng (cắn vào tay hậu vệ Ivanovic của Chelsea cho đả cơn giận).
Bất ngờ thứ ba là Costa Rica, một nước Trung Mỹ chỉ có 4.5 triệu dân, cũng đã nắm chắc chiếc vé vào vòng hai sau khi mới thi đấu hai trận, thắng Uruguay 3-1 và thắng Ý, một đội bốn lần vô địch thế giới, 1-0. Nghe nói cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi tức khí vì lòng ái quốc cho nên không chịu về nhà, gần 80 tuổi mà cứ quanh quẩn suốt đêm trong một hộp đêm với các vũ nữ di dân Bắc Phi chuyên ngành múa cột thoát y.
Chúng ta đã nhận diện được một số đội mạnh, thế nhưng nếu phải kể tên một đội mạnh tuyệt đối có khả năng bá chủ thế giới như nước Nga của Putin hiện nay, có lẽ ngưòi ta phải chịu thua. Brazil, Argentina, Hòa Lan, Đức, Pháp, Ý, Bỉ.. đều có những giới hạn của nó, thua thì khó, nhưng thắng một cách thuyết phục càng khó hơn. Phải chăng đó là “qui luật của muôn đời”. Người ta ai cũng phải vươn lên - mặc cho những giới hạn trời cho của mình.
Theo giáo sư sử học Enrique Krauze viết trên tờ The New York Times, với World Cup, đừng nghĩ ngợi quá mà mất vui. Người ta phải bỏ chuyện đời qua một bên, quên, quên hết, để chỉ có một trái banh trong đầu. Dĩ nhiên cũng có mặt “tiêu cực” của niềm say mê này. Ông viết: “Đôi khi môn chơi này chẳng phải là một lễ hội vô hại. Nó có thể khuyến khích sự bừng dậy đáng ghét của tinh thần dân tộc cực đoan, nạn chủng tộc và độc tôn của địa phương, cùng tạo ra hỏa mù cho các chế độ độc tài man rợ”. Tuy nhiên, nói gì thì nói, chỉ có lúc này, nơi này con người khắp nơi trên thế giới mới hội tụ, gần gũi với nhau. Tất cả nhờ World Cup.
Bà Frida Ghitis, một nhà bình luận chính trị sắc sảo của CNN, viết từ Amsterdam, có đặt câu hỏi tương tự: “Phải chăng chúng ta quá vô tâm khi mê sảng với màn hình World Cup trong khi thế giới chìm ngập trong biển lửa?” Bà tự trả lời “Không. Chúng ta cứ vui thú với World Cup đi!”. Và tâm sự thêm: “Khi còn nhỏ, tôi có ý nghĩ mà tôi cho là độc đáo: Thay vì lao vào chiến tranh gớm ghiếc, những nước xung đột cứ đưa nhau ra sân bóng. Đội chiến thắng phải được tuyên bố là ‘bên thắng cuộc’ mà không cần sự xấu xa dơ bẩn của chiến tranh giải quyết”. Bà quan sát rằng cho dù thế giới lửa đạn tơi bời như vậy, người ta lạ thay chẳng quên WC (làm sao quên được khi bị thúc hối). “Ở Syria, giữa cuộc nội chiến, quân nổi dậy tạm đặt súng qua một bên để xem WC. Ở Baghdad, những phần tử thánh chiến đang thẳng tiến tới thủ đô Iraq, nhưng trong những quán cà phê người ta vẫn chúi mũi trước màn hình. Ở Vienna , các viên chức Iran tạm nghỉ thương thuyết về hạt nhân đề xem đội nhà làm ăn như thế nào trước Argentina. Người tỵ nạn, phi hành gia, chính khách… ai nấy đều xem World Cup”.
Do đó, cũng đừng nghĩ bà Thủ tướng Đức Angela Merkel là điên khi việc nước việc nhà bỏ hết để bay từ Berlin qua Brasilia xem trận Đức thắng Bồ Đào Nha 4-0, bà cũng la hét như điên khi tiền đạo Thomas Mueller ghi ba bàn; và sau trận đấu, không ngại phận gái chữ tòng, bà vào tuốt phòng thay áo quần của các cầu thủ để chụp hình chung!
Đương nhiên, giao vận mạng của một đất nước có hàng triệu người, hàng chục triệu người cho 11 thanh niên chạy đuổi theo quả bong, đúng là chuyện ảo tưởng điên khùng. Tuy nhiên, trong thế giới tràn lan bạo lực và đầy nghi kỵ lẫn nhau, World Cup hầu như là cơ hội cho nhân loại đến với nhau trong hòa bình và tin cậy nhau.
Bóng tròn cho người ta nhiều bài học về nhân thế êm ái – không chua xót như bài hát Thói Đời của Trúc Phương.
Bởi vậy, người ta có thể nói chuyện World Cup mệt nghỉ, chẳng ai trách ta và ta chẳng trách ai – xem đó như là một phần thú vị của cuộc sống.
Tuần tới là Independnce Day của Mỹ, cho nên người ta sẽ quên World Cup một kỳ. Không thể cứ vui chơi mãi mà không nghĩ tới, ít nhất một lần trong một năm, những vấn đề nhân quyền (civil liberty) và dân quyền (civil rights) của nước Mỹ trong gần 250 năm qua. Bởi thế, bài về World Cup này sẽ đến với độc giả và đi với độc giả, ăn ngủ với độc giả… trong cả hai tuần tới.
No comments:
Post a Comment