6/4/14

TÁM NĂM NGHIỆP BÁO

Hoàng Ngọc Nguyên

Viet Tribune

Cả tám năm nay, cứ đầu tháng năm mỗi năm, tờ Viet Tribune lại thêm một tuổi. Và nay đã lên tám. Một tuần báo tám tuổi phải chăng là có chuyện đáng nói?

Unbenannt

Khi nhìn người ta chung quanh sống đến ba bốn chục năm như không, đúng là mình còn quá chập chững, thơ ấu. Nhưng VT là một tờ báo tiếng Việt. Phục vụ một cộng đồng tha hương mà trong cuộc sống, báo chí không hẳn là hay không còn là một món hàng thực phẩm dinh dưỡng thường xuyên. Vả lại, báo chí thời nay! Bao nhiêu tờ báo Mỹ còn vắn số, cho dù người ta có đầu tư, có tài chánh, có nhân sự, có độc giả (tức người bỏ tiền ra mua báo), có quảng cáo. Tất cả dần mai một. Người ta bớt đọc báo mà lên mạng. Hay xem truyền hình. Chưa kể vùi đầu vào nhiều thứ khác: ipad, tablet, phim bộ Đại Hàn… Vào thời buổi suy thoái, quảng cáo cũng thưa thớt hơn. Huống chi tờ VT chữ “không” thì nhiều, chữ “có” thí ít. Từng được đi “học tập cải tạo”, tôi không khỏi nhớ tới câu “Cái đầu ta làm nên tất cả. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm” khi nghĩ đến trường hợp của tờ VT. Vả chăng, nó lại có hoàn cảnh riêng của nó giống như một bi kịch của Shakespeare. Không ít người Việt tại San Jose quan tâm đều có thể biết cuộc chiến đấu một mất một còn của không chỉ một người, mà của cả hai cột trụ duy nhất của tờ báo này, lòng nào là chẳng động lòng bi thương?

Tôi chỉ là một trong muôn vàn người cộng tác với tờ VT, nhưng có cái may là đi với VT từ đầu. Và nhờ đó cũng hiểu biết ít nhiều cái “làng báo” của người Việt chúng ta ở đây. Nhà báo thì nhiều lắm. Chưa kể đến sự xuất hiện gần đây của những “nhà truyền thông”, những “bloggers”. Thời xưa, người ta gọi đó là những người nhiều chuyện, vô công rỗi nghề. Nhưng thời nay, khi người ta “bức xúc”, thì chỉ có “con đường sáng” đó mà thôi! Báo chí ngày càng tuyệt vọng trong mục tiêu chuyên nghiệp. Cả tờ báo lẫn nhà báo. Những người mang “nghiệp báo” đều có lúc ngậm ngùi thấy mình như là “The Last of the Mohicans”, chẳng biết sau thế hệ của mình còn gì chăng nữa.

Những người theo dõi tờ VT trong tám năm qua, hay ít nhiều biết tờ báo này, đều có thể đồng ý rằng tuần báo này có một số độc giả đều đặn. Một lý do đơn giản trong nhiều lý do phức tạp là nếu không thế, tờ báo đã không thể tồn tại trên nhiều mặt. Quan trọng nhất là mặt theo đuổi, gắn bó của những người chủ trương, những người tham gia, cộng tác. Và khi một tờ báo trong thời này có một số độc giả đều đặn, gia tăng từ từ, cứ đến ngày cuối tuần lại được mong đợi, thì tờ báo đó đã trở thành một món ăn tinh thần khi nào không hay của độc giả. Một nhu cầu tri thức. Và khi một tờ báo đã phần nào trở thành môt món ăn tinh thần, một nhu cầu tri thức của quần chúng, hay của môt thành phần nào đó trong quần chúng, chúng ta có thể khiêm nhường nói rằng ít nhất tờ báo đã không thất bại.

Có nhiều cách nhìn về sự thành công của một tờ báo. Trong một xã hội mà vai trò chủ tể của đồng tiền đã được cơ quan cao nhất của công lý là Tối cao Pháp viện tôn vinh qua phán quyết gần đây bỏ hết những giới hạn trong việc dùng đồng tiền để bảo vệ quyền “tự do ngôn luận” trong tranh cử, thì chỉ có những con người hay định chế trong thành phần 1% ở trên mới được gọi là thành công. Tuy nhiên, đã nghĩ thế, đã xem đồng tiền là mục tiêu thì có lẽ người ta không ra báo, không làm báo, không viết báo. Nhất là khi đương nhiên những người đàng sau tờ VT, có lẽ thuộc thành phần 47% mà ông Mitt Romney xem như đối nghịch muôn đời mãn kiếp với đảng Cộng Hòa, không có ý định “làm chính trị” để dùng tờ báo là phương tiện, không còn là cứu cánh. Và do đó làm gì có “nghiệp báo”, bởi vì chẳng có gì nghiệp chướng hơn là cái nghiệp đó.

Khi nghĩ đến sự “vô thường” của cuộc đời và nghiệp báo, cùng quan sát “cảnh tượng đêm nay” trong cuộc sống của chúng ta bên này, tôi có ý nghĩ riêng về sứ mệnh của tờ báo. Một tờ báo không xác định được cho mình một “mission statement” thì cũng giống như một con người không có “raison d’être”. Sứ mệnh của tờ báo cho ta hiểu tờ báo có làm được gì không, cũng như lẽ sống của con người cho ta thấy mình sống có ra gì hay không. Và trong hoàn cảnh chung của chúng ta, khi suy nghĩ về ý nghĩa đó, tôi dám nói rằng ở tờ VT có một nỗ lực xác định, làm rõ nguồn gốc, nhân dạng của mình để tìm đến với độc giả có cùng “identity” đó, để từ đó giúp độc giả thấy được chính mình hơn, hiểu được chính mình hơn, nghĩ ra được cuộc sống của mình hơn. Tờ báo nhờ thế có chỗ dựa tinh thần là độc giả, và độc giả có thể cảm thấy “tôi không còn cô độc” khi nghĩ đến tờ báo có thể trang trải phần nào đó tâm tình sâu kín của mình.

Đây quả là một thách đố không nhỏ đối với một tờ báo khi nghĩ mình có một sứ mệnh, và với mỗi một người tha hương chúng ta khi nhìn vào chiều sâu cuộc sống hiện nay thay vì chỉ nhìn vào thực tế của nó. Chúng ta không nên xem thường sự cần thiết trong việc xác định nguồn gốc, nhân dạng của mình đối với một cộng đồng tha hương, vong quốc. Không thiếu những người tha hương, bị tràn ngập trong cuộc sống vật chất hàng ngày, đã nhanh chóng đánh mất chính mình. Tác phẩm “The Boundaries of Identity” của hai giáo sư người Mỹ gốc Do Thái của Đại học Washington đã chỉ ra rằng nếu người Do Thái không ngày đêm tâm niệm về nhân dạng của mình, thì những người mang số kiếp lưu vong này đã không “hẹn một ngày về” cách đây cả 66 năm gầy dựng lại được đất nước. Chúng ta cũng cứ xem tờ The New York Times, ai đọc tờ báo đó, tờ The Wall Street Journal, ai đọc tờ báo đó, để biết nhân dạng của tờ báo và nhân dạng của độc giả là một như thế nào.

Tôi nghĩ rằng độc giả đến với tờ VT trong tám năm qua vì tuần báo này đã giúp người đọc nhìn lại đuợc chính mình, thấy được chính mình, hiểu rõ được chính mình. Chúng ta là những người tha hương, mang nặng một nỗi buồn đau vì sự tan hoang của đất nước, bỗng chốc mất quê hương, và vẫn còn rất ngỡ ngàng với cuộc sống phức tạp ở đây trong bối cảnh của một thề giới cũng phức tạp không kém. Có nghĩa là tờ báo đã giúp một phần nào đó giải quyết nhu cầu thông tin và tri thức cần thiết của người đọc. Nói về nhu cầu thông tin và tri thức cần thiết của con người thì đúng là không cùng. Bởi vì con người tự bản chất là rất phức tạp với những khác biệt về tôn giáo, giáo dục, giai tầng xã hội. Cho nên nhu cầu tri thức của họ cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, dựa trên sự đồng nhất về lai lịch tha hương, VT đã đáp ứng một phần đáng kể cái mẫu số chung trong những nhu cầu khác nhau đó. Đó là nhìn lại quá khứ để biết được “ai mang tôi đến chốn này”, và nhìn thẳng vào hiện tại để không chỉ tồn tại mà còn để sống một cách hiểu biết.

Cả hai cái nhìn đó đều không dễ. Hãy cứ nhìn lại cuộc chiến như một thí dụ. Đối với chúng ta có thể đó là một cuộc chiến “thần thánh”, nhưng phần lớn sách sử của Mỹ mà con em chúng ta đã và đang học, đó là một sai lầm tai hại và thất bại phải quên đi của Mỹ - như ta có thể đọc trong cuốn sách tổng kết “Lies My Teacher Told Me” của tác giả James W. Loewen. Ngay giữa chúng ta, sự tìm kiếm dấu tích còn phân tán, ô hợp bởi vì những “âm thanh và cuồng nộ” chung quanh còn nặng kịch tính. Và hiện nay, trong chúng ta, có thể có sự thuần nhất về “lý lịch”, nhưng làm sao có được sự thuần nhất giữa sạch và bẩn, giữa sự hữu loại và vô loài. Còn đối với sự hiểu biết hiện tại về đất nước người nay là đất nước của mình. Lịch sử nước Mỹ chỉ mới hơn 200 năm, nhưng mấy ai trong chúng ta đọc nó, hiểu nó với tâm tư nặng tình dân tộc? Làm sao chúng ta hiểu hết vì sao người ta đang nói đến một hệ thống dân chủ từng được xem là “hoàn hảo” nhất thế giới nay đang bị xem là gãy đổ nhất trong số những nước phương tây văn minh, đến mức các mặt giáo dục, y tế đại chúng và xã hội đều thoái hóa. Ngược lại, chắc chắn chúng ta phải chột dạ khi nghe những lời phê phán từ thành phần chính trị Libertarian của hai cha con ông Paul là giới di dân vô dụng, không có khả năng hội nhập vào nước Mỹ.

Nêu lên những điểm đó để thấy không chỉ chủ trương của tờ VT mà cả những nỗ lực thực hiện những chủ trương đó. VT là một tờ báo quá nhỏ, lại là một tuần báo thông thường người ta chỉ “lượm” bài để lấp đầy những khoảng trống. Người từng đứng tên trên tờ báo là một nhà văn, nhà giáo, không phải là một nhà báo. Nhưng dưới cặp mắt của một nhà báo chuyên nghiệp, VT tuy không đủ nhưng chẳng thiếu một nội dung nào mà “người dân muốn biết” như được giàn trải ở trên. Người đọc có thể tìm lại một thời của đất nước trước đây khi còn chiến tranh, loạn lạc, giặc giã nhưng người lãnh đạo cùng giới chính trị chỉ biết quyền hành mà không ý thức đủ về trách nhiệm của mình. Người đọc cũng có thể thấy được chúng ta đã từng “sống và chết ở Saigon” như thế nào trong ngục tù những năm “sau ngày giải phóng”. Và tuy bây giờ không thiếu gì những người ở bên này nhưng cũng về bên kia, những bài viết từ Saigon và về Saigon quái dị vẫn có một giá trị báo cáo trung thực và đáng tin cậy hơn những câu chuyện làm quà. Về nước Mỹ điên đảo và thế giới cuồng loạn ngày nay, VT có thể có một tự hào nho nhỏ đã thể hiện không đủ nhưng chẳng thiếu những chuyện cũng quái dị của xã hội văn minh này để cho bạn đọc có thể khái quát được chuyện đời nay.

Từ nội dung được thể hiện, đương nhiên chúng ta nghĩ đến những người thể hiện. Có thể cường điệu khi chúng ta nói đến một “đội ngũ” hùng hậu những cộng tác viên của VT. Cường điệu chỉ ở hai chữ “đội ngũ”. Nhưng cả tám năm qua, VT đã cố giữ được những tên tuổi quen thuộc với những chuyên đề quen thuộc. Đó cũng là chuyên lạ vì VT chẳng có khả năng gì giữ được ai cả - ngoài con tim? Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Quí Toàn, Giao Chỉ, Bùi Văn Phú, Tưởng Năng Tiến, Việt Nguyên, Văn Quang, Trùng Dương (khi tôi mới 20, bắt đầu dịch “After The Fall” cũa kịch tác gia Arthur Miller chỉ vì mê Marilyn Monroe, và chơi vài truyện ngắn trên Văn Học và Nghệ Thuật chẳng có “tiếng vang” gì, rụt rè được anh tôi Hoàng Ngọc Biên dắt đến tòa soạn Văn Học của ông Phan Kim Thịnh ở đầu đường Lê Văn Duyệt, chị cùng ngồi chung bàn, và đã là người “thành danh) Trần Mộng Tú (khi tôi vẫy vùng chẳng ai hay biết trên tờ báo The Saigon Post, chị làm việc cho hãng AP chung với George Esper thì phải trên đường Pasteur), Nguyễn Mạnh Trinh, Andrew Nhân Lưu, Trina Võ, Lê Minh Hải, Lê Bình, Trương Xuân Mẫn, Tường Linh, Thanh Sơn. Và còn biết bao người không thường xuyên mà tôi không thể kể ra hết ở đây. Đó là những người mang nghiệp dĩ với báo chí. Cái nghiệp báo này khiến ngưòi ta tuy có thể khác nhau nhưng vẫn đến được với nhau, ở lại với nhau vì chung nhất hai điều: lý lịch và niềm tin. Chúng ta có cùng chung identity và đều cảm thấy muốn phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng người Việt thân yêu của chúng ta. Chúng ta không đành lòng nhìn thấy những khoảng trống nơi từng người, nơi xã hội, trong cộng đồng…

Trong cả bài viết, tôi đề cập đến hai người bằng cách không đề cập gì đến tên họ cả.

Tại sao tôi viết ra những điều này.

Đề trả lời câu hỏi đó, tôi xin được hỏi lại bằng cách bắt chước cố ký mục gia phiếm luận Art Buchwald: Bây giờ tôi không viết, thì đợi đến lúc nào nữa?

No comments:

Post a Comment